0


Mẹ Ma-ri-a phù hộ các Ki-tô hữu chúng ta điều gì?

Lịch sử tước hiệu ‘Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu’ cho biết rất nhiều lần Đức Ma-ri-a đã trực tiếp can thiệp để giải phóng các Ki-tô hữu (hay đúng hơn tập thể Giáo Hội) khỏi những vây hãm, những áp lực từ bên ngoài, mà trận thủy chiến Lepanto, trận bộ chiến Wien, hay cuộc giải cứu Đức Pi-ô VII là những điển hình. Thế nhưng ngày nay, khi phải nói về tước hiệu này cho các Ki-tô hữu trẻ thời đại, khi mà các biến cố lịch sử vĩ đại kia đã dần lùi vào quá khứ, chúng ta sẽ phải nói gì đây để có thể giải thích cho họ về tầm quan trọng của tước hiệu ‘Phù hộ các Giáo hữu’ Hội Thánh dành cho Mẹ? Về việc này, có lẽ ta nên dùng Lời Chúa là chính xác nhất; và Phụng Vụ ngày lễ sử dụng đoạn Tin Mừng Ga 2:1-11 nói về phép lạ ‘tiệc cưới Ca-na’ để soi sáng.
Thánh sử Gio-an coi phép lạ đầu tiên Đức Giê-su thực hiện dưới sự can thiệp trực tiếp của Ma-ri-a, Mẹ Người có một tầm quan trọng rất đặc biệt: để “bày tỏ vinh quang của Người”, và để các môn đệ tin vào Người. Đã từ lâu tôi thấy câu khảng định này không thuyết phục cho lắm. Phép lạ chẳng có gì là hoành tráng để đáng được gọi là bày tỏ vinh quang… nó giống như một trò ảo thuật tầm thường ‘hóa nước thành rượu’. Cách làm cũng có vẻ như lén lút và bất cập. Có quá ít người chứng kiến, và hầu như chẳng gây được ấn tượng gì lớn ngay trên các thực khách hôm đó. Cả ba cuốn Phúc âm Nhất lãm cũng đâu có đề cập gì tới phép lạ mà Gio-an cho là ‘quan trọng’ này. Chính vì thế mà tôi ao ước được có cặp mắt bén nhạy của Gio-an để chiêm ngắm cái phép lạ ‘tầm thường’ này. Ông là người môn đệ đã từng khảng định rằng mình ‘đã nghe… đã thấy tận mắt… đã chiêm ngưỡng… đã chạm đến’ một điều gì đó vĩ đại lắm mà ông gọi là ‘Lời sự sống’ (xem 1Ga 1:1-4). Chắc hẳn trong phép lạ này tại Ca-na, lần đầu tiên ông cho rằng mình đã được tận mắt chiêm ngưỡng ‘Lời hằng sống’; và chính xác hơn, đã ghi nhận trong đó có sự can thiệp âm thầm nhưng tích cực của Đức Ma-ri-a.
‘Vinh quang’, như Gioan hiểu, có lẽ rất khác với quan niệm thông thường chúng ta có. Đối với ông nó phải rất đời thường và gần gũi…, đời thường như một bữa tiệc cưới thiếu rượu, như gia nhân đổ đầy nước vào các chum đá dùng vào việc rửa tay chân trước khi dự tiệc, như ông quản tiệc nếm thử rượu trước khi đãi khách… nhưng trong đó lại tàng ẩn một điều gì đó rất là phi thường, điều có khả năng làm đảo lộn tất cả. Gioan và các môn đệ (đương nhiên là Ma-ri-a, Mẹ của Giê-su đã từng suy gẫm từ nhiều năm) đã nhận ra ‘vinh quang’ đặc biệt đó, và các ông đã tin.
 Xin lấy câu chuyện tranh đơn sơ sau đây để minh họa. Chuyện tranh mang tựa đề ‘Tại Sao Vậy?’, Hình 1: anh chàng nọ quì gối cầu nguyện xin Chúa che chở mình; hình 2: cầu nguyện xong anh yên tâm đứng lên ra về; hinh 3: trên đường đi đột nhiên một viên đá nhỏ không biết từ đâu rớt trúng đầu anh; hình 4: anh giận dữ kêu toáng lên “tại sao vậy?”; hình 5: ngước lại phía sau, anh thấy Đức Giê-su đang giang rộng cánh tay và lấy toàn thân che chắn anh khỏi những hòn đá lớn hơn nhiều đang lao tới; hình 6: ngoái lại phía anh Người dịu dàng hỏi: “Con có sao không? Xin lỗi nhé, có thể ta đã để trượt mất một viên!”
Thế đấy, cái gọi là ‘phép lạ cả thể’ nơi tiệc cưới Ca-na cũng tương tự như thế: chỉ là một tai nạn đời thường, cùng với một giúp đỡ âm thầm ít đáng quan tâm. Thế nhưng những ai có cặp mắt như Ma-ri-a, như Gio-an, và các môn đệ… (và lẽ ra mọi Ki-tô hữu chúng ta đều cùng phải có) mới có thể nhận ra rằng: đã có một tình yêu nhân ái vĩ đại đến trong trần gian, đã bắt đầu xuất hiện một Thiên Chúa đầy từ tâm can thiệp vào cuộc sống đời thường của con người. Với cặp mắt đức tin đó Ki-tô hữu hàng ngày nhận ra, quả đã có và còn đang tiếp tục xảy ra một ‘phép lạ’ cả thể, một ‘sự lạ’ chưa từng xuất hiện trong lịch sử loài người: Thiên Chúa hiện diện với loài người trong yêu thương.
Trong đời sống thường ngày vẫn luôn tồn tại một nghịch lý: người ta trầm trồ tấm tắc trước sự kiện nào đó hoành tráng vĩ đại, nhưng lại không mấy cần tới nó - có cũng được mà không có cũng chẳng sao - trong khi đó, điều xem ra nhỏ mọn, tầm thường và âm thầm, như ‘mình được ai đó quan tâm thương mến’ chẳng hạn, thì hầu như lại không thể thiếu. Mất nó, ta hầu như không thiết sống nữa, tìm lại được nó thì như phục hồi được cả một lẽ sống. ‘Phép lạ’ cả thể nhất mà Gio-an phát hiện ra nơi biến cố tầm thường ‘nước lã hóa thành rượu’ trong bữa tiệc cưới tại Ca-na hôm đó có lẽ chính là điều này. Ông đã thấy và ông đã tin rằng: Thiên Chúa yêu thương trần gian, và đã đi vào cuộc sống con người… Và điều đó đối với ông chính là Tin Mừng, là niềm tin của các Ki-tô hữu qua mọi thời đại. Nói đúng hơn, cần mỗi Ki-tô hữu chúng ta phát hiện ra, đó chính là dấu hiệu khởi đầu của một ‘phép lạ’ cả thể hơn hết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3:16).
Và trong cái biến cố kỳ lạ ‘vĩ đại – tầm thường’ đó, thấp thoáng vai trò của Ma-ri-a, người phụ nữ rất âm thầm và khiêm hạ. Gio-an đã không bỏ qua tiểu tiết này, hơn nữa ông còn như khảng định mạnh mẽ: không có người nữ âm thầm tác động tại hậu trường, phép lạ này sẽ không thể xảy ra; không có sự can thiệp tích cực của Người, ngay cả niềm tin của các môn đệ cũng khó có thể vững mạnh. Nếu Ki-tô hữu trước hết là những người tin vào Thiên Chúa yêu thương đã đi vào cuộc sống con người để cứu độ, để rồi từ đây họ sẽ sống phù hợp với niềm tin này trong mọi hoàn cảnh, thì sự can thiệp của người nữ, Mẹ của Đức Giê-su, vào đời sống đức tin của mọi Ki-tô hữu cũng là rất cần thiết; phép lạ tiệc cưới Ca-na đã khảng định vững chắc điều đó. Như thế, điều này phải là xác tín của hết mọi Ki-tô hữu, và càng hơn nữa của tất cả nhữu ai lãnh nhận trách nhiệm giáo dục đức tin, đặc biệt đối với giới trẻ.
Don Bosco và Mẹ M.D. Mazzarello, trong bối cảnh nền thần học và giáo lý thế kỷ XIX, có lẽ đã không có được các suy tư trên; nhưng khi chọn tước hiệu ‘Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu’ cho các Sa-lê-diêng và các học sinh để tôn sùng Mẹ, chắc hẳn các ngài đã cùng chia sẻ một tâm tình đó. Và Lời Chúa, khi trình bày vai trò âm thầm của Mẹ trong việc xây dựng niềm tin của các môn đệ như thế, sẽ có giá trị cho mọi tình huống sống đức tin; cá nhân cũng như tập thể, khi ổn định cũng như khi gặp sóng gió, cho những người mang trọng trách giáo dục đức tin (các Sa-lê-diêng, các giáo sỹ, các giáo lý viên…), cũng như cho tất cả mọi Ki-tô hữu, đặc biệt các bạn trẻ. Vì thế lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a dưới tước hiệu ‘Phù Hộ Các Giáo Hữu’ cần phải được quảng bá sâu rộng, song song với việc củng cố và phát huy niềm tin, và thúc đẩy tinh thần tông đồ truyền giáo.

Lạy Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, tại tiệc cưới Ca-na chính Mẹ đã nhận ra một khó khăn nhỏ của đời thường, nhưng cũng chính Mẹ đã can thiệp, để qua đó, Đức Giê-su bộc lộ được lòng nhân ái của Thiên Chúa, và để các môn đệ trong tin yêu nhận ra điều đó. Xin chỉ cho chúng con biết nhìn vào những yếu kém đổ vỡ của cuộc sống mình mà khám phá ra sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa yêu thương. Xin cho chúng con nhận ra ‘phép lạ vĩ đại nhất’ Chúa đang thực hiện trong đời sống là ban cho cho chúng con ơn đức tin để nhận biết và cảm tạ lòng thương xót Chúa. Xin Mẹ cũng can thiệp và phù hộ để các bạn trẻ Ki-tô hữu biết nhận ra điều này, và sống trung thành với ơn gọi của họ. Xin Mẹ trước hết hãy phụ hộ và đồng hành với chúng con, những nhà giáo dục đức tin, để chúng con chu toàn được nhiệm vụ cao quí Chúa trao phó. A-men
Lm Gioan Ty, SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top