Giáo hoàng Phanxicô muốn tái thiết hàng giáo phẩm Công giáo để cho hàng giáo phẩm không chỉ xác quyết và thi hành giáo lý của giáo hội, nhưng còn lắng nghe và đáp lời với cách hiểu của giáo dân với ý Chúa.
Đây là lời của hồng y Walter Kasper, một thần học gia danh tiếng, với những bài viết được cho là có tác động đến Đức Phanxicô. Và hồng y nói rằng giáo hoàng muốn tạo nên một ‘huấn quyền lắng nghe.’
Hồng y Kasper nói rằng giáo hoàng Phanxicô có một quan niệm quan trọng về cảm thức đức tin [sensus fidei], hay năng lực của các cá nhân tín hữu và của toàn thể giáo hội trong việc nhận định các chân lý đức tin.
Kasper nói rằng, ‘Khái niệm này được công đồng nêu bật … nhưng bây giờ, Đức Phanxicô mong muốn đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho khái niệm này.
Ngài muốn có một huấn quyền lắng nghe, nghĩa là có quan điểm, nhưng chỉ sau khi lắng nghe những gì Thần Khí nói với giáo hội Chúa.
Công giáo bao gồm … tất cả. Đàn ông đàn bà, già và trẻ, giáo sỹ và giáo dân. Giáo dân không chỉ là người tiếp nhận, mà còn là người hành động. Giáo dân không chỉ là đối tượng, nhưng vượt xa thế, họ là các chủ thể trong giáo hội’
Hồng y Kasper, cựu chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Thăng tiến Hiệp nhất Kitô giáo, đã có buổi nói chuyện tại nhà thờ chính tòa Washington, trong hội nghị thần học về Công đồng Vatican II, được đồng tổ chức bởi nhà thờ chính tòa này, cùng với đại học Georgetown và đại học Marymount.
Trong số các diễn giả tại hội nghị từ 21 đến 24 tháng 5 này, có hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, và hồng y Luis Tagle, tổng giám mục Manila và tân chủ tịch Caritas Quốc tế.
Hội nghị này với chủ đề là: ‘Vatican II, Ghi nhớ và Tương lai: Các Chiều kích Đại kết, Liên tôn, và Thế tục trong Tác động và Triển vọng của Công đồng.’
Trong phiên hội sáng thứ bảy, tập trung chủ yếu về tác động của Công đồng Vatican II đến quan hệ đại kết với các giáo hội Kitô khác, hồng y Kasper đã có một cái nhìn tổng thể rộng về các nỗ lực đại kết trong những thập niên qua.
Hồng y người Đức, vốn dành phần lớn đời tu của mình cho các nỗ lực đại kết, đã chỉ ra rằng ngài thấy được các khó khăn đối thoại trong tương lai, và đưa ra 4 lập trường có thể giúp giáo hội vượt qua các khó khăn này.
Trình bày khái niệm tông truyền đối với các giáo hội Kitô, hồng y Kasper kết nối với lời kêu gọi của Đức Phanxicô mong muốn một giáo hội không ngừng tiến tới.
‘Hết lần này đến lần khác, chúng ta có thể, và phải để mình được kinh ngạc trước Thiên Chúa và Thần Khí Ngài. Như thế, tinh thần đại kết không chỉ đứng vững, mà còn tiến tới. Nước phải chảy mới sạch trong được, còn nước ứ đọng thì hôi thối mốc meo.
Một giáo hội đi về lại với các nguồn gốc tông đồ thì cũng đi về phía trước tới tương lai.’
Hồng y Kasper còn nói rằng khái niệm tiến tới có ‘tầm quan trọng rất lớn’ và ngài liên kết điều này với khái niệm ‘lý giải về liên tục.’ Khái niệm này, được nhiều hồng y Vatican tán đồng, và chính giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh rằng Công đồng Vatican II không hủy bỏ các giáo huấn hay truyền thống có từ trước của giáo hội.
‘Về mặt đại kết, đối với tôi, khái niệm này có tầm quan trọng rất lớn, bởi khái niệm này xác định vấn đề liên tục từ nguồn gốc tông đồ. Đây là điều căn bản với các giáo hội Kitô, và khơi lên một sự hoán cải, trở lại.
Lý giải về liên tục, vì tương lai, vì sự vững bền của Kitô giáo, phải luôn luôn là một lý giải về cải cách.’
Hồng y Kasper cũng nói rằng ngôn ngữ đại kết trong Giáo hội Công giáo luôn luôn nhấn mạnh đối thoại, vốn cần lắng nghe lẫn nhau.
‘Ý nghĩa của đối thoại không phải là tư tưởng phẩm trật, nhưng là tư tưởng giao thoa. Là mở ra, nhìn nhận người khác, tìm kiếm điểm chung, và đi vào tiến trình tìm hiểu lẫn nhau trong sự cộng tác sáng tạo.’
Nói về việc Đức Phanxicô nhìn nhận giá trị của các giáo hội Kitô khác như thế nào, hồng y Kasper cho biết: ‘Toàn thể thì hơn là bộ phận, và toàn thể không phải tổng cộng các bộ phận.
Với ngài, hình mẫu ngài đưa ra là … một lăng kính đa diện, trong đó tất cả các phần tạo nên toàn thể, nhưng chung phần trong toàn thể theo những cách khác nhau. Và chính bởi thế nên mọi người giữ được sự độc nhất vô nhị của mình để góp phần cho … vẻ đẹp của toàn thể.’
Nói về đối thoại liên tôn, hồng y Kasper cũng nhắc lại một ‘tinh thần đại kết thực tế’ không giới hạn trong các thảo luận thần học hàn lâm.
‘Sự hiệp nhất của giáo hội và hiệp nhất của nhân loại ngày nay phải hòa chung như tiền định. Do đó, trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta … là không được chấp nhận sự chia rẽ giữa các Kitô hữu.
Sự chia rẽ trong lòng giáo hội là …. những cơ cấu tội lỗi. Chúng ngăn trở kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng là những vết thương sâu trên thân thể Chúa Kitô và lỗi là của tất cả các bên.’
Nói về các đối thoại kể từ sau công đồng, hồng y Kasper cho biết: ‘Bất kỳ ai từng cảm nghiệm sự xa lánh mang tính giáo phái trước đây … giờ phải kinh ngạc trước tất cả những gì đã tăng tiến trong các thập kỷ qua … và chắc chắn thấy biết ơn về điều này.
Chúng ta đã thành công trong việc xây cầu qua những đường hào chiến sự … để qua đó người có thể gặp người.’
Nhưng hồng y Kasper cho rằng sau nhiều thập kỷ đối thoại, đối thoại đại kết vẫn còn đầy gian nan.
‘Vẫn chưa thấy được một đồng thuận nào. Tình trạng này là cực kỳ nguy hiểm. Nếu chúng ta không đồng thuận về vị thế và con đường phải đi, thì tồn tại mối nguy lớn là chúng ta sẽ tản ra các hướng khác nhau.
Những kỳ vọng lớn sau công đồng đã không được tiếp bước. Chúng ta vẫn dậm chân.
Một tinh thần đại kết yêu thương, gặp gỡ, lắng nghe và thân ái là những gì chúng ta đang cần.’
Hồng y Kasper kết bài nói chuyện của mình bằng cách trích lại lời của linh mục dòng Tên người Đức, Karl Rahner, nói rằng công đồng ‘chỉ là khởi đầu cho khởi đầu,’ và nhận định rằng:
‘Với triều giáo hoàng hiện tại, một giai đoạn đại kết mới đã được mở ra.’
J.B, Thái Hòa chuyển dịch
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc