Một cây đèn lồng cầm tay kiểu cũ dùng để làm gì? Vâng, ánh sáng của nó có thể khá hữu dụng khi trời tối mù, nhưng sẽ vô cùng thừa thãi và chẳng ai chú ý dưới ánh mặt trời buổi ban trưa. Điều này không có nghĩa là ánh sáng của chiếc đèn thật tệ, chỉ là nó yếu mà thôi.
Nếu chúng ta có hình ảnh này trong đầu, thì sẽ thấy một bài học vô cùng thâm thúy và sâu sắc trong Tin mừng kể về chuyện Chúa Giêsu bị bắt. Tin mừng theo thánh Gioan kể lại như thế này: ‘Giuđa đem theo đám người, cùng với lính của các thượng tế và Pharisiêu, tất cả đều cầm đèn và đuốc.’ Thánh Gioan muốn chúng ta nhìn ra sự mỉa mai trong chuyện này, khi các thế lực của thế giới này đến để bắt và xử án Chúa Giêsu, Ánh sáng của thế gian, chúng đem theo một ánh sáng nhân tạo yếu ớt, một đèn lồng đến trước mặt Ánh sáng thế gian, chúng đem ánh sáng nhợt nhạt đến trước dung nhan vầng dương chính ngọ. Khi nói ra chuyện mỉa mai này, các Tin mừng đang cho chúng ta một bài học nữa: khi chúng ta không còn đi trong ánh sáng của Chúa Kitô, thì chúng ta sẽ luôn hướng về thứ ánh sáng nhân tạo.
Tôi tin rằng hình ảnh này có thể là một ẩn dụ thâm thúy về những chỉ trích mà thời đại Ánh sáng nhắm vào niềm tin Kitô giáo. Những chỉ trích này có hai mũi công kích:
Thứ nhất là: Tư tưởng thời đại Ánh sáng cho rằng Thiên Chúa được các giáo hội Kitô đưa ra không có gì là khả tín bởi Thiên Chúa đơn thuần là một phóng chiếu từ khao khát của con người, một thần tượng được tạo nên từ hình ảnh và giống với chúng ta, và là một thần mà chúng ta có thể luôn mãi lợi dụng để phục vụ lợi ích riêng của mình. Họ nói rằng, niềm tin vào một thần như thế là nông nổi, là dựa trên sự ngây thơ, và sự mù quáng tri thức, có thể được xóa bỏ và sửa đổi nhờ cái nhìn rành rành vào hiện thực. Một tâm thức được khai sáng, theo ý của họ, thì sẽ xem niềm tin vào Thiên Chúa là một sự mù quáng tri thức và tư lợi.
Nói một cách tích cực về chỉ trích này, chúng ta không thể nói gì nhiều, ngoài việc phần nhiều chủ nghĩa vô thần là ký sinh của các tinh thần hữu thần tồi tệ. Chủ nghĩa vô thần được nuôi dưỡng từ một tôn giáo xấu, và chắc chắn nhiều điều chúng ta làm nhân danh đạo, thực ra là những việc tư lợi và mù quáng về tri thức. Ví dụ như, biết bao nhiêu lần chính trị đã dùng tôn giáo cho mục đích của nó? Luận điệu chỉ trích thứ nhất này, là một thách thức lành mạnh cho chúng ta, các tín hữu Kitô.
Nhưng tôi tin rằng, luận điệu chỉ trích thứ hai, thì chỉ như chiếc đèn lồng, một ánh sáng yếu ớt, nhỏ xíu trước vầng dương chính ngọ. Trung tâm chỉ trích của thời đại Ánh sáng nhắm vào niềm tin vào Thiên Chúa, chính là khẳng định (có lẽ là định kiến thì đúng hơn) rằng đức tin là ngây thơ, là một thứ như tin vào chuyện ông già Noel và Thỏ Phục Sinh, và chúng ta sẽ thoát ra khỏi nó, khi trưởng thành và ngày càng mở mang đầu óc mình với kiến thức và những gì hiển nhiên theo kinh nghiệm trên thế giới. Họ tin rằng, những gì chúng ta thấy qua khoa học và sự quan sát trung thực, cuối cùng sẽ đào mộ cho niềm tin vào Thiên Chúa, phơi bày sự ngây thơ của niềm tin này. Về căn bản, lời khẳng định này là nếu bạn đối diện những sự kiện hiện thực rành rành theo kinh nghiệm, với sự trung thực và dũng cảm không lẩn tránh, bạn sẽ thôi không còn tin vào Thiên Chúa nữa. Thật vậy, cụm từ ‘thời đại Ánh sáng’ hay ‘Khai sáng’ ngụ ý điều này. Và họ muốn nói là chỉ những đầu óc chưa được khai sáng, chưa hiện đại hóa, mới tin vào Thiên Chúa. Họ cho rằng, vượt trên niềm tin vào Thiên Chúa, chính là sự khai sáng.
Đáng buồn thay, Kitô giáo thường tiếp thu định kiến này và đã (cũng như đang) trình bày nó theo những dạng sợ hãi và bài tri thức trong giáo hội. Chúng ta quá thường vô thức đồng ý với những chỉ trích rằng đức tin là ngây thơ. Chúng ta như thế vì tin vào điều mà những chỉ trích đó khẳng định, cụ thể là, nếu chúng ta nghiên cứu và nhìn rõ vào mọi sự cho đủ, thì cuối cùng chúng ta sẽ mất đức tin. Chúng ta phản bội đức tin trong nỗi sợ hãi đối với học thuật hàn lâm, trong nỗi hoang tưởng về sự khôn ngoan thế tục, trong nỗi sợ kiến thức khoa học, và trong việc luôn mãi cảnh báo mọi người tự bảo vệ mình trước những sự thật gây quan ngại của kiến thức khoa học và thế tục. Thực sự khi làm như thế, là chúng ta chấp nhận rằng chỉ trích nhắm vào chúng ta là thật, và tệ hơn nữa, chúng ta phản bội đức tin mình khi không nghĩ rằng chân lý của Chúa Kitô sẽ đứng vững trước thế giới.
Nhưng, với ẩn dụ sâu sắc trong trình thuật bắt Chúa Giêsu, chúng ta có một cách nhìn khác: Sau khi đã chấp nhận sự thật về những khám phá hợp lý của khoa học và khôn ngoan thế tục, và khẳng định rằng cần phải nắm bắt và không chống đối lại các sự này, thì dưới ánh sáng của trình thuật thánh Gioan (về các thế lực trần gian, mang đèn và đuốc đến bắt Ánh sáng Thế gian để đưa ra tòa) chúng ta cũng nên nhìn ra xem những áng sáng thế gian, hay ít nhất, những chỉ trích của thời đại Ánh sáng, mờ nhạt đến thế nào.
Đèn và đuốc hữu dụng khi mặt trời xế bóng, nhưng hoàn toàn lu mờ trước mắt vầng dương. Kiến thức trần tục cũng hữu ích theo cách của mình, nhưng quá đỗi thấp hèn trước ánh sáng của Chúa Giêsu.
J.B. Thái Hòa
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc