0
Cách đây mười năm, trong một lần đi Âu châu, khi đứng trước một nhóm ký giả, giám mục địa phận Amman đã bị một trong số ký giả này rất tự tin đã đặt một câu hỏi tự nhiên nhất thế giới: “Khi nào thì ông trở lại đạo Kitô?”. Bây giờ thì giám mục Maron, người kế vị của giám mục kia hay đem chuyện này ra nói đùa, nhưng giai thoại này là một giai thoại mà các tín hữu Kitô ở Trung Đông cảm thấy hơi buồn khi dư luận Phương Tây giả đò không biết có sự hiện diện của họ ở đây. Mà đúng thật, cho tới gần đây, dân chúng chưa bao giờ nghe nói đến họ, cũng chưa bao giờ quan tâm đến họ. Phải có sự nổi lên thêm nhiều nhóm khủng bố và thêm các “nhà nước Hồi giáo tự xưng” đe dọa sự ổn định của toàn vùng Trung Đông thì khi đó mới nhắc người ta nhớ: à đúng, có tín hữu Kitô trong các nước Ả Rập. Vậy mà họ đã ở đây từ 2000 năm! Tuy nhiên họ không cần chúng ta để tồn tại, họ đã là Kitô hữu trước chúng ta! Và họ cũng không phải là người Hồi giáo trở lại đạo Kitô, họ là tín hữu Kitô 600 năm trước khi tiên tri Mahomet sinh ra đời!
Từ một tháng nay, chúng tôi đã gặp rất nhiều người trong số họ. Họ đến từ Israel, Palestin, Giócđani, Irak hay Syria. Đức tin của họ là đức tin sống, sự gắn chặt của họ vào Chúa Kitô là sự gắn chặt chân thực, hy vọng của họ là hy vọng vững chắc. Không có gì giống với các Giáo hội khác trong tình trạng thiểu số mà chúng tôi đã gặp ở Cao Miên hay ở Bénin, ở đó chúng tôi thấy đức tin của họ còn trẻ (Cao Miên 25 năm, Bénin 70 năm), lại còn đang thấm nhuần đạo Phật hay đạo thờ súc vật. Nước Pháp lại còn tự hào mình là trưởng nữ của Giáo hội, lại còn dành quyền lãnh đạo thiêng liêng với lý do mình có lịch sử theo tinh thần Kitô thế tục. Nhưng các tín hữu Kitô ở Trung Đông không ham muốn gì trong  các danh xưng về đức tin hay nơi lịch sử thiêng liêng này. Họ đã là anh chị đầu đàn của chúng ta.
Nhưng năm 2015 thì đúng họ là một nhóm rất thiểu số. Từ 50 năm nay, càng ngày họ càng bị cô lập. Ở Giócđani chẳng hạn, họ từ  10% xuống còn 3% dân số. Ngày nay họ không còn cảm thấy mình được đón nhận ngay trong chính đất nước của mình , họ “cảm thấy mình bị bao vây”. Limh mục Ala, người điều hành trung tâm Đức Bà Hoà Bình khẳng định điều này với chúng tôi: “Cứ mỗi lần bạn thấy một nóc chuông nhà thờ thì có ít nhất ba nguyện đường Hồi giáo bao chung quanh đó.” Nước Giócđani là một nước dân chủ, ổn định về mặt chính trị lại có thể dựa vào sự hỗ trợ của nước Do Thái và Mỹ nhưng cũng không tránh được phong trào cực đoan của một vài người Hồi giáo. Còn các tín hữu thì họ thẳng thắn nói với chúng tôi: chúng tôi sợ cho đất nước chúng tôi, chúng tôi sợ cho tự do của chúng tôi. Họ không biết họ có còn một tương lai ở Trung Đông nữa hay không. Doris, một bà mẹ trẻ năng động, người gốc Palestin, thổ lộ với chúng tôi nỗi lo của cô: “Nước Palestin không còn tín hữu Kitô của mình, Irak cũng vậy, nước Syria thì đang có chiến tranh, chúng tôi là những người sắp tới trên danh sách, nhưng chúng tôi không còn chỗ nào để đi trốn..” Cô rất sợ sự đe dọa này, cô đã làm đơn để có hộ chiếu vào Pháp cho cả gia đình trong trường hợp tình hình trở nên nghiêm trọng. Dù họ không muốn một chút nào nhưng các tín hữu ở Giócđani biết, có thể có một ngày họ phải ra đi.
Thế kỷ 21 có nguy cơ biến thành thế kỷ mà cách đây 1400 năm thảm kịch đã bắt đầu khai mào: sự biến mất tín hữu Kitô ở Phương Đông. Theo nhịp của các cuộc trở lại theo đạo Hồi giáo, nhưng cũng theo nhịp của các cuộc chinh phục, các vụ kỳ thị và cả các cuộc bách hại, con số tín hữu giảm dần, cho đến bây giờ thì có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Ở đây cũng như ở các nơi khác, đây là vấn đề dính tới Hồi giáo, không phải là không khó khăn. Phải còn rất nhiều việc để làm, để có sự sống chung hòa bình, để an ninh được tái thiết lập, để tình trạng được ổn định, để các tín hữu có cảm nhận mình ở nhà mình.
Nhưng trong bối cảnh đen tối này vẫn còn những tia hy vọng. Chẳng hạn như ở trung tâm Đức Bà Hòa Bình nơi chúng tôi ở lại. Ngay từ khi thành lập vào năm 2004 do giám mục Salim, cựu giám mục phụ trách địa phận Amman, ngài đã muốn trung tâm này trở thành trung tâm tiêu biểu cho việc đối thoại với người Hồi giáo, khởi đi từ vấn đề của những người khuyết tật, có thể quy tụ lại cả hai cộng đoàn chung quanh một chính nghĩa. “Đối thoại giữa Đức giáo hoàng và lãnh đạo Hồi giáo ở Rôma là không có gì, đối thoại đích thực giữa người Hồi giáo và Kitô giáo là ở đây!” giám mục Salim khẳng định với chúng tôi, 97% trẻ em hưởng lợi ích của chương trình này cũng như đa số nhân viên của trung tâm là người Hồi giáo. Chính họ cũng như gia đình họ là những đại sứ cho việc đối thoại giữa tín hữu Kitô và tín hữu Hồi giáo. Bởi vì “rất đông trong số họ là những người có thiện chí của cộng đoàn Hồi giáo”, giám mục Salim bảo đảm với chúng tôi, giám mục là người đã tổ chức rất nhiều buổi đi bộ xuyên qua nước Giócđani để báo động cho xã hội về vấn đề của những người khuyết tật, từ mười năm nay, ngài đã tay trong tay làm việc với những người Hồi giáo, một cách chính thức hay ẩn danh. Bàn tay đưa ra này, lời kêu gọi cùng làm việc chung, chắc chắn đây là một phương cách tốt để quảng bá thông điệp của Giáo hội về người khuyết tật, một cách biện hộ tốt nhất cho sự sống chung hòa bình và tôn trọng lẫn nhau của tín hữu Kitô và tín hữu Hồi giáo.
Geoffroy
Tín hữu Kitô ở Trung Đông đang bị nguy hiểm 3
Marta An Nguyễn dịch

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top