Tin Mừng phải được san sẻ
Người ta đưa ra nhiều lý do để giải thích việc Ma-ri-a lên đường đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét: có lý do rất tình người như để giúp đỡ bà chị già nua trong cơn thai nghén (ngắm Mân Côi thứ hai mùa vui: ‘ta hãy xin cho được lòng yêu người’); có lý do duy lý hợp với suy luận tự nhiên: để kiểm chứng lời thiên sứ chưng dẫn, “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm muộn mà nay đã có thai được sáu tháng… Vì đối với Thiên Chúa không có gì mà không thể làm được” (Lc 1:36-37); hoặc có lý do sâu sắc thần học hơn: để làm ứng nghiệm lời sứ thần đã báo trước cho Da-ca-ri-a về Gio-an Tiền Hô: “Ngay khi còn trong lòng mẹ em đã đầy Thánh Thần” (Lc 1:15). Có thể tất cả các lý do trên đều đúng và xác đáng, nhưng thiết tưởng vẫn có thể thêm một lý do khác nữa xuất phát từ chính bản chất của Tin Mừng đang được khai mở: Tin Mừng cần được san sẻ! Phải chăng chính vì lý do này mà Lu-ca (hay chính xác hơn là Ma-ri-a) đã diễn tả hành động đó như sau: ‘Ma-ri-a vội vã lên đường’.
Trong cuộc hội ngộ tay bắt mặt mừng giữa hai người phụ nữ, trong khi Ê-li-sa-bét nhìn vào các biến cố đang diễn tiến nơi mình, cũng như nơi cô em họ trẻ trung tới thăm viếng mình, thì Ma-ri-a lại là người có những tâm tình vượt quá giới hạn riêng tư để đi sâu vào bên trong chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho toàn thể nhân loại. Trong khi Ê-li-sa-bét ca ngợi Thiên Chúa vì đứa con trong dạ nhảy mừng, vì được diễm phúc Thân Mẫu Chúa viếng thăm, vì cô em họ nhờ tin mà được chúc phúc…, thì Ma-ri-a lại cất lên lời ca ngợi vì một Tin Mừng đang xảy ra nơi mình và cho toàn thể nhân loại, vì một Thiên Chúa xót thương đang thực hiện chương trình cứu độ của Ngài cho toàn thể nhân loại, bắt đầu từ thân phận hèn mọn của mình, và rồi tiếp tục bao trùm trên mọi kẻ khiêm nhường, nghèo đói qua các thời đại. Rõ ràng Ma-ri-a đang chủ động muốn thông truyền một điều gì đó thật sâu xa và trọng đại, không chỉ riêng tư cho mình mà còn công khai cho toàn thể nhân loại nữa.
Biến cố truyền tin riêng tư trong căn phòng nhỏ Na-da-rét đã lộ rõ chương trình cứu độ phổ quát Thiên Chúa đang thực hiện cho toàn thể nhân loại; và đây là điều thôi thúc cô Ma-ri-a vội vã lên đường: cô muốn san sẻ Tin Mừng này cho càng nhiều người càng tốt, trước hết là bà chị họ đang được tình thương Đức Chúa ấp ủ. Tin Mừng này cô đã có đủ thời giờ nghiền gẫm, ‘suy đi nghĩ lại trong lòng’, suốt cuộc hành trình dài từ Na-da-rét đi Ain Karem, đủ để soạn thành một bài ca có bố cục chặt chẽ, khuôn rập phần nào bài ca cảm tạ của An-na, mẹ của tiên tri Sa-mu-en (1Sm 2:1-10). Nội dung bài tụng ca (Magnificat), đồng thời cũng là lời chào của Ma-ri-a gửi tới bà chị họ, quả là tuyệt vời. Bài ca đó cho thấy Ma-ri-a đã thoát ra khỏi phản ứng ban đầu là bối rối sợ hãi trong căn phòng bưng bít để bắt đầu phiêu lưu vào chương trình cứu độ mênh mông mà Thiên Chúa xót thương bắt đầu thực hiện; điều này đã làm cho tâm hồn cô ngập tràn ‘hớn hở vui mừng’. Thay vì e dè thắc mắc về điều này điều nọ, cô đã tích cực cất lời ngợi khen Đức Chúa vì ‘Người đoái thương nhìn tới’ thân phận hèn mọn của mình nói riêng, và của cả dân tộc Do Thái cũng như toàn nhân loại nói chung. Nhưng nhất là trong cái cảm nghiệm mới mẻ này, thay vì chỉ nghĩ tới quyền năng cao cả của Đức Chúa, Đấng toàn năng có thể làm nên mọi sự cho riêng mình hay cho dân riêng, Ma-ri-a bắt đầu khám phá ra một Đức Chúa hoàn toàn khác, Ngài có diện mạo ‘hằng thương xót’, và lòng nhân ái của Người bao trùm hết thảy mọi người, vì nó trải dài từ ‘đời nọ tới đời kia… dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”. Trong suy tư lý luận của Ma-ri-a, sức mạnh ‘thương xót’ này kéo theo hậu quả là mọi trật tự vốn có đều bị đảo lộn; nó làm cho ‘kẻ đói nghèo, người khiêm hạ’ được đặt lên trên cả các bậc quyền thế và người giầu sang. Từ nay lịch sử sẽ không còn là sân khấu để Đức Chúa - như trước đây - thi thố sức mạnh toàn năng của Người trên những kẻ hùng mạnh, như trong nhiều biến cố hoành tráng của lịch sử dân Do Thái thời Cựu Ước, điển hình các biến cố được ghi lại trong sách Xuất Hành các chương 8-15, nhưng sẽ là hiện trường để Người thể hiện lòng thương xót vô biên trên hết thảy mọi người, đặc biệt trên các người tội lỗi và những kẻ thấp hèn. Trong cảm nghiệm này Ma-ri-a cũng thoáng nhận ra lý do của tin vui bà chị họ hiếm muộn được mang thai; và cô ước mong chia sẻ cảm nghiệm Tin Mừng của mình cho bà chị họ, mà về nhiều mặt đang đồng hội đồng thuyền với mình.
Như thế cuộc ‘thăm viếng’ được thực hiện, phát xuất từ chính bản chất của Tin Mừng! Bất cứ ai - như Ma-ri-a – một khi nhận biết Thiên Chúa xót thương cũng sẽ vội vã lên đường chia sẻ; đồng thời ai càng nhận ra có nhiều người cùng chung thân phận đớn nghèo tội lỗi như mình, thì sẽ lại càng mau mắn lên đường đi rao giảng cho họ Tin Mừng cứu độ. Đúng là “để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” như Đức Giê-su đã từng quả quyết về mình như thế, trong thân phận thấp hèn của một con người xuất thân từ Na-da-rét (Lc 4:18, cũng xem Ga 1:46).
Như vậy biến cố thăm viếng, trước hết và trên hết, phải mang nội dung ‘phúc âm hóa’ hay rao giảng Tin Mừng, vì nó cho thấy bản chất san sẻ không thể thiếu của Tin Mừng. Tôi nên ghi nhớ điều này trong ngày lễ hôm nay, và mỗi lần tôi suy gẫm ngắm thứ hai mùa vui khi lần hạt Mân Côi.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, lúc vội vã lên đường thăm viếng bà chị họ, Mẹ đã thực sự nghe theo tiếng gọi của con tim thấm nhuần Tin Mừng. Xin cũng làm cho quả tim của con rung lên cùng một nhịp đập Tin Mừng đó, để con cũng mau mắn lên đường san sẻ cho những người chung quanh, nhất là những người mà con nhận ra họ cũng có nhiều điểm yếu hèn như con. Xin giúp con biết chỉ cho họ thấy rằng: quyền năng thương xót của Chúa đang tích cực tác động và thực hiện chương trình cứu độ của Ngài thông qua chính những yếu hèn đó. A-men
Lm Gioan Ty,SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc