0


Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
            Câu 19 chương 28 trong Phúc Âm Mát-thêu là đoạn văn duy nhất trong toàn bộ sách Tin Mừng đặt ‘công thức’ Chúa Ba Ngôi vào môi miệng Đức Giê-su. Điều rủi ro trầm trọng nhất chính là ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ này thường chỉ được hiểu như công thức trang trọng của các nghi lễ, để rồi cái ý nghĩa rất thâm sâu và nặng ký của nó nhiều khi biến mất, hoặc bị coi nhẹ tối độ nó mất hết tác động trên đời sống Ki-tô hữu, thậm chí cả đời sống Giáo Hội nữa. Thực tế thì Đức Giê-su muốn nói gì khi người yêu cầu “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”? Nói cách khác, trọng tâm của lệnh truyền Người ban nằm ở ‘làm phép rửa’ hay là ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’? Do đó tôi cần tìm hiểu rõ hơn nội dung của  thuật ngữ ‘nhân danh’ để nắm bắt được một trong những điều căn bản nhất nơi niềm tin Ki-tô hữu của tôi.
            Trong Kinh Thánh, thuật ngữ ‘nhân danh’ như ‘nhân danh Đức Giê-su Ki-tô’ mang nhiều nội dung rất khác nhau: nó có thể là ‘thay mặt cho, dưới sự điều động của’ (xem 2 Tx 3:6), hoặc ‘vì ích lợi, nhằm phục vụ cho’ (xem Mc 9:18-20), hoặc ‘được chủ động bởi’ (xem Mt 18:20), hoặc ‘hướng tới, trong tinh thần vì’ (xem Cl 3:17), hoặc nội dung phổ thông hơn hết là ‘trong sức mạnh, trong quyền lực của’ (xem Cv 4:7-10). Ngay trong bài giảng đầu tiên Phê-rô đã kêu gọi dân chúng “Anh em hãy sám hối, mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội” (Cv 2:38) ‘nhân danh’ đây có thể mang ý nghĩa sau cùng này (‘In the name of’ = by the authority of, in the power of, on behalf of…); tương tự như trong Lu-ca chương 9 câu 49, khi Gio-an phát biểu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỉ”. Tôi thiết nghĩ hạn từ ‘nhân danh’ trong lệnh truyền “làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” không những chỉ có cùng một nội dung trên, nhưng còn hàm chứa một điều gì rất khác nữa?
            Giai thoại Phê-rô tại nhà Cô-nê-li-ô, được sách Công Vụ Các Tông Đồ tường thuật, cho thấy; ‘lãnh nhận phép rửa’ không phải là điều quan trọng nhất, điều chính yếu hơn là ‘được đưa vào sức sống thần linh’ (Cv 10:44-48); trường hợp cụ thể ở đây là ‘Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa’. Phép rửa không chỉ được hiểu như xóa sạch tội lỗi do quyền năng của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng còn mạnh mẽ hơn nhiều… là được tham gia vào chính Bản Thể tình yêu vô biên. ‘Nhân danh’ ở đây mang một nội dung sống động và hiện sinh sâu sắc hơn rất nhiều. Nếu trong ngôn ngữ Do Thái - rất khác với ngôn ngữ phổ thông chúng ta ngày nay - ‘tên’ hay ‘danh’ nói lên chính bản chất của hữu thể (xem St 32:28 hay Ga 1:42), thì eis to onoma (= trong tên, in the name of) rất có thể không chỉ mang ý nghĩa ‘nhân danh’ bóng bảy, mà thực sự hàm ý một cuộc sinh lại (born again), hay thay đổi toàn bộ hữu thể (change of being), trở thành con người mới của tình yêu, trong hữu thể của Cha, Con và Thánh Thần. Phải chăng trong cuộc đàm thoại với Ni-cô-dê-mô đêm nào, Đức Giê-su đã từng đề cập tới sự sống mới, mạnh mẽ và phong phú này (xem Gio-an chương 3)? Và nếu Ba Ngôi Thiên Chúa được hiểu như một cơn lốc tình yêu vĩ đại, như một cuộc trao ban và tự hiến khôn lường giữa Cha, Con và Thánh Thần, thì phép rửa chính là cửa ngõ đưa ta đi vào vòng xoáy vĩ đại của tình ái thần linh. Hiểu như thế ta sẽ thấy được tất cả sức mạnh và nội dung sâu sắc nhất của ‘công thức’ ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’, đồng thời cũng nắm bắt được phần nào: đời sống Ki-tô hữu không chỉ hệ tại ‘được thanh tẩy’, sống trong sạch chính trực, hay sống đạo đức thánh thiện…, cho dầu có nhờ sức mạnh hay trong quyền năng của Thiên Chúa đi nữa, mà còn phải là một cuộc sống mới, đậm chất thần linh chí ái.
Mọi Ki-tô hữu, kể cả linh mục hay tu sĩ chúng ta, nhờ phép rửa mà được tham gia vào Hữu Thể Tình Yêu Thần Linh này, cho nên chắc chắn sống lương thiện đạo đức theo nghĩa thông thường mà thôi là chưa đủ! Chúng ta nhất thiết còn phải biến đổi tận căn cuộc sống mình trong sức mạnh thần linh của Thiên Chúa, ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, và điều này chúng ta thực hiện không ngừng mỗi khi chiêm ngắn và nhất là cử hành mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô. 

            Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho con thấu hiểu rằng, kể từ ngày ‘chịu phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thành Thần’, con đã được trọn vẹn cuốn hút vào cơn lốc tình yêu vĩ đại. Ba Ngôi Thiên Chúa đối với con không thể chỉ là một thực tại thần linh cao siêu nhưng xa vời, mà chính là sức sống và sự phong phú khôn lường con đang được hưởng và được sống. Xin cho con, cùng với mọi tín hữu, biết không ngừng cảm tạ và ngợi khen Ba Ngôi cực thánh vì hồng ân cao cả này, một hồng ân trổi vượt trên mọi thứ tốt lành thánh thiện của trần gian. A-men 
Lm Gioan Ty, SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top