0
 
Điều răn của Thầy

            Nếu Chúa Nhật trước chúng ta đã suy niệm tầm quan trọng của việc ‘ở lại trong Thầy…ở lại trong tình thương của Thầy’, thì câu hỏi được đặt ra hôm nay lại là, làm cách nào để ‘ở lại trong Thầy’ cho thật hữu hiệu? Vấn nạn này đã được chính Đức Giê-su giải đáp và xem ra thật đơn giản và dễ hiểu: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”. Tuy nhiên câu giải đáp xem ra đơn giản tới độ không cần phải giải thích đó thật ra lại chẳng dễ hiểu chút nào bao lâu chúng ta chưa xác định được, ‘các điều răn của Thầy’ là điều răn nào?
            Trong chương 14 và 15, Phúc âm Gio-an lặp đi lặp lại không dưới bảy lần về ‘điều răn hay lệnh truyền’ của Đức Giê-su (14:15.21.25; 15:10a.10b.11.12.17). Cho tới nay ta hầu như vẫn thường được nghe giải thích một cách dễ dãi: thì ‘điều răn của Chúa’ đương nhiên phải là mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu luật điều Hội Thánh! Tuy nhiên cách giải thích này xem ra không ổn cho lắm, vì căn cứ theo mạch văn của đoạn Tin Mừng Thánh Gio-an thì Đức Giê-su hình như đang đề cập tới một thứ điều răn nào đó có một nội dung rất khác với thập giới của Cựu Ước hay sáu điều Hội Thánh qui định sau này. Điều răn này dứt khoát có tầm quan trọng vô đối vì là điều kiện thiết yếu để gắn kết, trước hết là Đức Giê-su với Cha của Người, đồng thời cũng là để mọi môn đệ có thể ở lại được trong tình thương của Thầy mình; “…Anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. Nếu vậy, ta cần tìm hiểu cụ thể điều răn đó có nội dung gì mới được?
            Thú thực cho tới giờ này tôi vẫn chưa tìm được câu giải thích thỏa đáng cho một chi tiết rất nhỏ: tại sao khi đề cập tới điều răn cách chung chung (14:15.21; 15:10a.10b.11) tác giả Gio-an luôn sử dụng số nhiều ‘các điều răn’, nhưng khi nói cụ thể thì chỉ là một duy nhất ‘Đây là điều răn của Thầy… Điều Thầy truyền dạy anh em là…’ (15:12.17)? Phải chăng, đối với các môn đệ có truyền thống Do Thái, giới răn nói chung (thập giới) luôn là số nhiều (trừ khi nói về từng giới luật một)? Ngay cả khi phải tóm gọn các giới răn đó lại, Đức Giê-su vẫn còn xác định hai điều căn bản: mến Chúa và yêu người (Mt 22:36-40). Nhiều tác giả cho rằng: Đức Giê-su sử dụng từ ‘các giới răn’ đồng nghĩa với ‘các lời’ Thầy nói với anh em’ (14:23). Tuy nhiên khi phải xác định rõ nội dung ‘các giới răn của Thầy’ là gì, thì Người lại chỉ khảng định có một điều duy nhất mà thôi: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (câu 12)… Điều thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” Vậy tại sao trong hoàn cảnh này lại chỉ là một mà không phải là hai?
            Nếu Cựu Ước coi việc ‘ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn’ là quan trọng hơn hết, thì ‘điều răn của Thầy’ lại không hề đề cập tới điều này. Theo suy nghĩ của riêng tôi thì Đức Giê-su nắm rất rõ bản tính con người: yêu mến hết lòng là điều hầu như không ai có thể làm được; yêu mến phải do Thiên Chúa tình yêu chủ động. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” Điều Người yêu cầu mỗi Ki-tô hữu làm lại mang tính thụ động hơn, “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Nhận biết Thiên Chúa yêu thương mình là tất cả đối với niềm tin của mọi tín hữu. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”, ngay Đức Giê-su khi nói về tình yêu Người dành cho nhân loại cũng đã khảng định nguồn gốc của nó nằm ở đâu. Do đó ‘ở lại trong tình thương của Thầy’ chính là điều bất cứ tín hữu nào cũng phải làm và có thể làm, đặc biệt những người yếu hèn và tội lỗi. ‘Ở lại’ này không đòi phải cảm thấy mình có cháy lửa yêu mến Chúa hay không, hoặc ‘cháy’ tới mức độ nào; ‘ở lại’ chỉ để giữ cho được điều răn duy nhất là ‘yêu thương nhau’. Đúng vậy, ta chỉ có thể ‘yêu thương nhau’ nếu nắm bắt được ‘ Thầy đã yêu thương’ ta như thế nào. Xem ra ‘yêu thương nhau’chính là thước đo mức độ chúng ta ‘ở trong tình thương của Thầy’, đồng thời đó cũng có thể là thứ hoa trái mà Chúa muốn chúng ta sinh nhiều và tồn tại mãi, phát xuất từ việc ‘ở lại trong tình thương’ đó?
            À, thì ra thế! Lúc đầu khi mới đọc cuốn sách ‘Be My Light’ viết về Mẹ Tê-rê-xa Can-cut-ta - nhân vật mà không ai ngờ đã trải qua gần 50 năm sống trong tăm tối thiêng liêng trong tình trạng hầu như mất đức tin, vậy mà Mẹ vẫn lao mình vào các việc bác ái không mỏi mệt, tôi cho là quá nghịch lý. Sự thật hiện ra tỏ tường trước mắt khi tôi biết rằng, đơn giản là Mẹ đã liên tục ‘ở lại trong tình thương của Thầy’. Và nếu hoa trái nơi Mẹ chưa phải là ‘yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn’, thì nó đã là ‘yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương’… Đó chính là ‘điều răn’ duy nhất của Thầy mà Mẹ đã nắm giữ, ‘để Mẹra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của Mẹ tồn tại’.
            Tôi cũng phải như vậy thôi! Đứng có quá lo lắng phải yêu mến Chúa như thế nào, mà giản đơn là ở lại trong tình thương mến của Thầy, là cảm nghiệm thấy Thầy yêu mến và tự hiến cho con người thấp hèn như mình, là Thầy đã chết cho mình tội lỗi… và rồi cố diễn đạt sự ở lại đó qua việc thương mến và phục vụ tha nhân. Thật là đơn giản, phải không các bạn?!

            Ôi, lạy Thầy Giê-su từ nhân, ‘điều răn của Thầy’ thật quá đơn giản. Chính bản thân con cũng đã từng nghiệm thấy ‘yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn’ là khó quá, ít ai đạt được. Thực ra Thầy chỉ tha thiết đòi con ‘ở lại trong tình thương của Thầy’, kể cả khi con yếu đuối tội lỗi nhất. Con xin Thầy cho con sớm đạt được hoa trái ‘yêu thương nhau’, nhờ liên tục trầm mình trong tình yêu ‘như Thầy đã yêu’. A-men


Các bạn thân mến,
Tôi gửi tới các bạn bài suy niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh có phần muộn màng, và điều này có lý do bất khả kháng.
Chúa Nhật V Phục Sinh vừa qua, ngay trong phần đầu lễ dâng tại Giáo Xứ Tân Qui (Hóc Môn) lúc 5:30 sáng, tôi đã đột ngột bị một cơn đau tim trầm trọng. Tôi không thể tiếp tục dâng Thánh Lễ và được xe cấp cứu chở tới bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây tôi mau chóng hồi phục, nhưng tới 15:30 lại bị một cơn khác còn nặng hơn. Bác sĩ phải cho sốc điện và buộc tôi nằm lại bệnh viện cho tới trưa hôm nay (07/05) mới được về. Tình trạng bệnh lý của tôi là ngoài rung nhĩ như trước đây, lúc này còn phát sinh thêm nhịp nhanh thất. Hiện nay bác sĩ vẫn chưa tìm được giải pháp ổn định.
Nay đã được trở về nhà, tôi xin gửi tới các bạn suy niệm Tin Mừng của Chúa Nhật VI Phục Sinh kèm theo tâm tình cảm tạ vì lại một lần nữa, Chúa đã cứu tôi đúng lúc, nhờ lời cầu nguyện của rất nhiều người, trong đó có các bạn đấy.
God bless
Lm Gioan Ty SDB
 


Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top