Chúng
ta vừa cử hành các cuộc kiệu Mình Máu Thánh Chúa Kitô trên khắp thế
giới, đây là một trong những cách chúng ta gặp gỡ Chúa trong thế giới
này, đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể, và còn nơi các bí tích khác, nơi
Kinh thánh, nơi vũ trụ, và trong cộng đoàn.
Từ ‘GẶP GỠ’ là một trong những từ Giáo
hoàng Phanxicô thường nhắc đến, trong các buổi tiếp kiến và các bài nói
chuyện, ngài cũng nhắc lại từ này 32 lần trong tông huấn Niềm vui Tin mừng.
Ngài nói về gặp gỡ như một liều thuốc giải cho ‘văn hóa thải loại’ của
chúng ta, khi người ta ném đi những con người bị xem là vô dụng, các trẻ
bé trong bụng mẹ, người già, người nhập cư, người nghèo. Nếu chúng ta
gặp gỡ Chúa Kitô trong những con người vốn thường bị loại ra ngoài rìa
xã hội và rồi biết họ, hiểu họ, thì chúng ta sẽ không thể vứt họ đi
được. Bạn không loại trừ và làm ngơ một người bạn của mình.
Tôi luôn dùng từ ‘gặp gỡ’ mỗi khi giới
thiệu huấn giáo xã hội của Công giáo cho các giáo xứ và trường học.
Dường như từ này cho người ta dễ hiểu và nêu bật được sự kết nối vốn
không thể hiện được hết nơi những từ như ‘nhân phẩm,’ ‘đoàn kết và bổ
trợ,’ ‘kêu gọi chung phần,’ và ‘chọn lựa ưu tiên.’ Tôi cũng nói về các
khái niệm căn bản này, nhưng luôn dùng sự gặp gỡ để mở đầu, nhằm cho mọi
người thấy ngay một con người chứ không phải một tông thư hay một danh
sách dài dằng dặc các giáo huấn.
Theo bước Giáo hoàng Phanxicô, người
Công giáo chúng ta nên thăng tiến một ‘thần học gặp gỡ.’ Đây là một sự
quá phong phú, và ‘thời điểm Phanxicô’ đang rất mạnh mẽ, chúng ta không
thể bỏ lỡ được. Thần học gặp gỡ là một lời kêu gọi các thần học gia
chuyên ngành hãy suy tư và viết về sự gặp gỡ, là lời mời các thừa tác
viên chức thánh cũng như giáo dân hãy sáng tạo và chia sẻ các sáng kiến
mục vụ về gặp gỡ, và cũng là mời gọi tất cả các tín hữu chúng ta hãy nói
và thực hành gặp gỡ trong đời sống hằng ngày. Tôi nghĩ rằng một ‘thần
học gặp gỡ’ thiết thực sẽ là chìa khóa để giúp cho huấn giáo xã hội của
Công giáo thể hiện được tính thiết thực của mình.
Về phần mình, tôi xin đóng góp 5 ý nghĩ,
rút ra từ một trong những hình mẫu gặp gỡ tuyệt nhất trong Kinh thánh,
dụ ngôn người Samari nhân hậu.
- Gặp gỡ cần có sự vận động vượt qua các giới hạn truyền thống.
Trong dụ ngôn, hai lãnh đạo tôn giáo đã
thấy người bị đánh nằm trên đường, nhưng đã qua phía bên kia đường mà
đi, như thể họ chẳng thấy gì. Còn người lữ khách Samari, ‘đến gần nạn
nhân sau khi nhìn thấy.’ Ông đi đến với người đau khổ, chứ không lánh
xa. Mà việc nhân vật chính trong dụ ngôn này là một người Samari, là một
sự thách thức với các thính giả của Chúa Giêsu, bởi Do Thái và Samari
coi khinh nhau. Có lẽ, trong thời đại chúng ta, câu chuyện này có thể
chuyển thành ‘người Hồi giáo nhân hậu.’ Người Samari không để các giới
hạn do xã hội đặt ra ngăn cản mình thực thi lòng thương xót.
- Gặp gỡ cần có sự sẵn sàng thay đổi các kế hoạch dự định.
Tôi có một danh sách bạn bè nghĩ đến đầu
tiên khi muốn nhờ ai đến đón tại sân bay trong đêm. Có vài người quá
rộng lượng, họ thực sự chẳng quan tâm đến chuyện bất tiện là gì. Và
thường, tôi lại không phải là người như họ. Người Samari có đích cho
chuyến đi của mình, nhưng ông đã rẽ hướng, dù việc này có làm ông tiêu
tốn thời gian và tiền bạc. Tôi có cảm giác rằng ông là dạng người lúc
nào cũng như thế, lúc nào cũng sẵn sàng thay đổi kế hoạch của mình khi
thấy có ai đó đang bị thương. Gặp gỡ nghĩa là đặt những ý muốn của mình
sang một bên để thấy được nhu cầu của người khác.
- Gặp gỡ cần có nhận định cẩn thận.
Người Samari xem xét tình hình và phản
ứng theo đó. Ông thấy các vết thương, và băng bó lại. Ông thấy người bị
nạn không thể bước đi, nên đặt người đó lên lưng lừa của mình. Ông thấy
thương tích quá nặng, cần chăm sóc dài ngày hơn thời gian ông nán lại
được, nên đã đưa người bị nạn đến quán trọ. Chú tâm tìm hiểu những ai bị
tác động từ các vấn nạn xã hội, là một bước cần thiết để xác định vấn
đề. Tốt nhất là phải biết đặt ra câu hỏi và biết lắng nghe, một việc mà
những người vô tâm không thể làm được.
- Gặp gỡ cần có sự theo sát
Để bảo đảm cho người bị nạn được chăm
sóc tốt, người Samari đã ngỏ lời và giúp sức cho chủ quán trọ tham gia
vào việc làm thương xót này. Ông đưa người khác dự phần vào. Và ông cũng
hứa trở lại trên đường về. Gặp gỡ không phải là chuyện một lần, là một
cảm giác hay hay, nhưng là một loạt những đáp lời trung nghĩa hết lần
này đến lần khác.
- Gặp gỡ cần có sự thay đổi mang tính hệ thống.
Martin Luther King nói rất rõ điều này:
‘Một mặt, chúng ta được kêu gọi đóng vai người Samari nhân hậu trên
đường, nhưng đây chỉ là hành động mở đầu. Một ngày nào đó, chúng ta phải
thấy được rằng toàn bộ con đường Giêricô phải được biến đổi, để mọi
người nam nữ sẽ không còn bị đánh đập và cướp bóc dọc đường nữa. Lòng
cảm thương thực sự phải cao hơn việc cho người ăn xin một đồng xu. Lòng
cảm thương thực sự phải thấy được rằng cái cơ chế tạo nên những người ăn
xin cần phải được tái thiết lại.’ Khi biết được những người đang bị
ngược đãi, thì chúng ta nhận lấy lời mời làm việc để thay đổi các hệ
thống xã hội, kinh tế và văn hóa đang đè nén họ.
Lời kêu gọi của tôi về một thần học gặp
gỡ sẽ không trọn vẹn nếu thiếu những lời từ Đức Thánh Cha đầy nhiệt
huyết của chúng ta: ‘Khi bạn gặp ai đó đang quẫn bách, lòng bạn sẽ bắt
đầu mở ra, lớn dần, lớn lên dần! Bởi khi vươn ra, là chúng ta đang bội
số nhân năng lực yêu thương của mình. Một cuộc gặp gỡ với người khác làm
cho tâm hồn chúng ta được lớn lên. Can đảm lên nào!’
[Mike Jordan Laskey là giám đốc điều hành Mục vụ Sự sống và Công bằng của giáo phận Camden, N.J.]
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc