‘Cánh chung’là mối đe dọa hay niềm hy vọng vĩ đại?
Đã từ lâu, mỗi khi đề cập
tới phán xét hay ngày tận thế, tôi luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi này! Trong dịp
ghé thăm một tòa giám mục nọ, tôi được chỉ cho thấy một tòa nhà rộng lớn đang
được xây dựng ngay trong khuôn viên; vị giám mục giới thiệu với tôi, đó là ‘tòa
nhà cánh chung’ hay nôm na gọi là ‘bốn sự sau hết’. Trong ngôi nhà đó, ngài cho
dựng lên ‘như thật’ các cảnh tượng phán xét, thiên đàng, hỏa ngục v.v. Trả lời
thắc mắc của tôi là tại sao phải tốn phí bao nhiêu tiền của để xây dựng một
công trình như thế, vị giám mục trịnh trọng giải thích: “Đó là bài giáo lý căn
bản nhất; giáo dân cần phải được răn đe để tránh phạm tội!” Tôi không rõ: đó có
phải là mục đích mà cả ba cuốn Tin Mừng Nhất Lãm dành trọn cả chương (Mt 24, Mc
13, Lc 21) để mô tả khá chi tiết ngày thế tận và cuộc đại phán xét đó không? Nếu
quả đúng là để răn đe, để cảnh cáo, thì cho dầu có đạt được mục đích giúp cho một
số người làm lành lánh dữ đi nữa, tôi vẫn không khỏi thắc mắc: các sách đó có
đáng được gọi là “TIN MỪNG” hay không?
Đề tài ‘thế tận’ này bao
giờ cũng được các sách Tin Mừng bắt đầu bằng việc: các tông đồ là những người
Do Thái thắc mắc về viễn tượng đền thánh Giê-ru-xa-lem bị tàn phá. Đây là vấn đề
người Do Thái nào cũng quan tâm vì đã được các tiên tri đề cập tới nhiều (Is
66:8; Ed 38; Gr 4; Dcr 14), và thường qua đó đưa ra lời cảnh báo về ‘ngày phán
xét’ mà các ngôn sứ gọi là ‘ngày của Đức Chúa’ (Am 5:18; Xp 1:14). Các sự kiện
này được mô tả bằng một văn phong khó hiểu hầu gợi được sự quan tâm của quần
chúng, nhằm chuẩn bị họ tỉnh thức sẵn sàng cho cuộc khai mạc vĩ đại của ‘triều
đại Thiên Chúa đến trần gian’. Bất cứ người Do thái nào cũng sẽ rất ấn tượng về
quyền năng của Thiên Chúa, qua các hiện tượng ‘kinh khủng’ xảy đến khi Ngài xuất
hiện (quang lâm), các hiện tượng ném vũ trụ vào một cuộc khủng hoảng toàn diện
đầy kinh hãi: “Mặt trời ra tối tăm, mặt
trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống…”
Tuy nhiên, tương phản với
cái viễn tượng đầy khiếp sợ mà người Do Thái đã quá quen thuộc, Đức Giê-su lại đưa
ra một hình ảnh hoàn toàn trái ngược: “Anh
em cứ lấy thí dụ cây vả… Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em
biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy… anh em biết là Con Người đã đến gần, ở
ngay ngoài cửa rồi”. Suy nghĩ cho kỹ ta mới thấy: hình ảnh cây vả đâm chồi
nảy lộc vào đầu xuân đầy sức sống đối nghịch với dáng chết chóc của cành khô
trơ trụi trong những ngày đông giá. Quang lâm hay ngày phán xét mà Đức Giê-su
trình bày, mặc dù khởi đi từ các hình ảnh Cựu Ước đầy kinh hãi, lại hàm chứa một
nội dung tràn trề hy vọng; ngày đó sẽ không gây sợ hãi hay trốn chạy, nhưng sẽ
là mừng vui và hy vọng: “anh em hãy đứng
thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21:28). Điều đáng
lưu ý là: Luca đã đề cập tới hình ảnh cây vả đâm chồi nẩy lộc ngay sau lời
khích lệ trên (xem Lc 21:28-30).
“Lúc đó Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập hợp những
kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời”.
Quả thực,
thế tận sẽ là ngày Đức Chúa quang lâm…, ngày Người tuyển chọn…, ngày Người tập
hợp! Những kẻ được Người ‘tuyển chọn’ chắc hẳn không thể là những kẻ tự cho
mình là xứng đáng, đơn giản vì chẳng có ai xứng đáng trước mặt Thẩm Phán quang
minh, nhưng phải là những ai đã hiểu mình được cứu độ cách nhưng không, đã biết
tới lòng nhân từ vô hạn lượng của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô Giê-su, và đã từng
đón rước lòng nhân từ ‘đến gần, ở ngay
ngoài cửa’. Con số những người này có thể là nhiều lắm: kể từ A-đam E-va ‘từ đầu mặt đất’, qua hết các thế hệ kế
tiếp…, và mãi cho tới những người ở ‘cuối
chân trời’. Phải, tất cả những người đó, cho dầu bất xứng và tội lỗi, nhưng
bằng cách này hay cách khác, đã biết đón nhận ơn cứu độ của xót thương và thứ tha,
họ sẽ đứng thẳng và ngẩng đầu lên vào giờ phút kinh hoàng, khi mà mọi kẻ khác,
kể cả các bậc thánh hiền và công chính nhất, đều phải cúi gầm mặt run sợ. Phải
chăng: đó mới chính là giờ phút cao điểm của Tin Mừng cứu độ?
Thiết tưởng đối với tất
cả những ai tin tưởng và tín thác vào lòng từ nhân của Thiên Chúa mà Đức Ki-tô
đã mạc khải bằng chính cái chết của Người, thì ngày cánh chung ấy sẽ không bao
giờ có thể là ‘dies irae, dies illa’ –
ngày đó, ngày thịnh nộ, nhưng phải là ‘dies
spei, dies illa’ – ngày đó, ngày hy vọng tràn trề. Mong rằng mọi Ki-tô hữu
chúng ta trước hết, và nhiều người khác nữa, sẽ thuộc số những kẻ ‘đứng thẳng và ngẩng đầu lên’, vì chúng
ta đã chẳng không ngừng cử hành việc ‘Con
Người đã đến gần, đã ở ngay ngoài cửa’, nhất là khi cử hành Hy Lễ Thập Giá
trên bàn thờ ‘mong đợi Người lại đến’
là gì!
God bless
Lm Gioan Ty SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc