Suy niệm
Tin Mừng Mt 5:1-12
Bị bách hại vì sống công
chính
Bài
Tin Mừng được chọn để đọc trong ngày lễ kính Các Thánh Tử Đạo được trích từ bài
giảng trên núi chương 05 Phúc Âm Mát-thêu, mà chúng ta vẫn quen gọi là ‘Tám Mối
Phúc’; mối phúc cuối cùng trong danh sách đó là: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ’.
Trong sách Tin Mừng Lu-ca chương 06, dù chỉ đề cập tới có 04 mối phúc, nhưng mối
phúc sau chót cũng vẫn nói tới cùng một điều này là: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ
vả và bị xóa tên như người xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa vì này
đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Lc 6:22) Phải
chăng đó là lý do tại sao các Ki-tô hữu từ thời xa xưa đã dành cho các vị anh
hùng tử đạo một sự mừng kính đặc biệt trân trọng; họ gán cho các ngài danh hiệu
cao quý là Chứng Nhân Tin Mừng (Martyrs).
Ngày nay trong tư cách con cháu của các Anh Hùng Tử Đạo, chúng ta muốn thực sự
tìm hiểu các vị tử đạo nói chung, và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nói riêng,
đã là các chứng nhân Tin Mừng như thế nào? Ta cần biết: khi tiến ra pháp trường
để bị trảm quyết các ngài đã thật sự trung kiên bảo vệ điều gì; và ở điểm nào
các ngài thực sự liên quan tới người Công Giáo Việt Nam chúng ta đang sống trong xã hội
hôm nay?
Trong
tiếng Việt, chữ ‘đạo’ thường được chúng ta sử dụng để nói tới một đạo giáo, một
tôn giáo, như Đạo Phật, Đạo Hồi, Đạo Lão, Đạo Ông Bà, Đạo Thiên Chúa… Thế nhưng
theo nguyên ngữ hán-nôm, ‘đạo’ là con đường, là lẽ sống, là học thuyết… dẫn tới
mục đích tối hậu của cuộc sống, chẳng hạn đạo Khổng, đạo hiếu, đạo làm người. Đức
Giê-su đã tự giới thiệu mình “là đường,
là sự thật và là sự sống”; nếu nói theo từ vựng hán nôm Người sẽ phải tuyên
bố: Người chính là ‘đạo, chân, sinh’.
Vậy thì, trong cả phúc âm Mát-thêu lẫn Lu-ca, khi đề cập tới mối phúc chót này,
Đức Giê-su chắc chắn không hề có ý muốn tuyên bố ‘phúc thay’ những ai dám chết
cho một đạo giáo hay tôn giáo, nhất là hiểu dưới khía cạnh cơ cấu tổ chức của
tôn giáo đó. Điều mà Đức Giê-su muốn biểu dương là: tất cả mọi hình thức ‘bị
bách hại’, ‘bị người ta oán ghét, khai trừ,
sỉ vả và bị xóa tên như người xấu xa…’ đều là ‘phúc’ vì một yếu tố duy nhất,
đó là ‘vì sống công chính’, hay rõ hơn: ‘vì Con Người’.
Tới
đây tôi gợi nhớ lại tư tưởng bài suy niệm về đoạn Tin Mừng Lc 18:9-14 của Chúa
Nhật XXX thường niên năm C: ‘Đối với Đức
Giê-su, ai mới là công chính?’ Nếu đã có một nền công chính của Cựu Ước tóm
gọn trong luật Mô-sê để bẩy anh em nhà Ma-ca-bê, vị bô lão Ê-lê-a-da, và Gio-an
Tiền Hô vì trung thành với nó, đã buộc phải gánh lấy cái chết…; ‘các ngôn sứ là những người đi trước anh em
cũng bị người ta bách hại như thế’, thì riêng với Ki-tô hữu sẽ có một thứ
công chính mới được chính Đức Giê-su công bố. Nói đúng ra: chính Người là hiện
thân của nền công chính đó, sự công chính của Thiên Chúa từ nhân, công chính của
tình yêu tha thứ và cứu độ. Ai đón nhận
và sống Tin Mừng này, tức là ‘Vì Con Người’ như Người khảng định, để rồi ‘bị bách hại’ hay chịu thua thiệt dưới bất
cứ hình thức nào, đều là những người được Đức Giê-su biểu dương; những ai bị giết
chết vì nền công chính mới này thì phải được chính Đức Ki-tô và toàn Nhiệm Thể
Người tuyên phong ‘chứng nhân’ (martyr).
Chính vì thế mà Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai và qua mọi thời đại, đã có thói
quen phong thánh cho các vị anh hùng ‘tử vì đạo’; qua việc đó Giáo Hội muốn
tuyên bố rằng: các anh chị em tín hữu này là chứng nhân cho Tin Mừng tình yêu
vì đã dám chấp nhận thua thiệt lớn hơn hết là mất cả mạng sống mình. Với việc
phong thánh như thế Giáo Hội đồng thời cũng muốn khảng định bất cứ thua thiệt
nào các Ki-tô hữu phải hứng chịu trong cuộc sống thường ngày vì ‘sống công
chính mới’ đều có giá trị vô song và đáng biểu dương.
Suy
nghĩ như thế tôi mới thấy rằng: có một liên hệ mật thiết giữa các chứng nhân ‘tử
vì đạo’ với mỗi Ki-tô hữu chúng ta. Các ngài không phải là những trường hợp biệt
lệ để các tín hữu có ‘may mắn’ được sống trong thời đại an bình nhìn vào mà
thán phục mà ca ngợi, mà mơ ước rằng: nếu chẳng may lâm vào cơn cấm cách, mình
cũng sẽ trung thành như các ngài. Đức Giê-su đã chẳng gọi tất cả mọi Ki-tô hữu
là ‘ánh sáng’, là ‘muối men’ của trần gian, là chứng nhân Tin Mừng là gì? Có thể
Người hàm ý: chứng nhân tích cực rao giảng Tin Mừng thì ít, nhưng chứng nhân vì
buộc phải chấp nhận các thua thiệt, khó khăn vì nền công chính Tin Mừng trong đời
sống thường ngày thì nhiều. Vì thế thật là chí lý: các ‘Thánh Tử Đạo’ được coi
như tấm gương, như cột sống của Ki-tô hữu qua mọi thời đại, thời buổi bị bắt bớ
thử thách cũng như khi được sống an bình sung túc.
Là
người Công Giáo Việt Nam, chúng ta luôn tự hào vì Giáo Hội Việt Nam đã có hàng
trăm ngàn các chứng nhân Tin Mừng như thế, trong số đó 117 vị đã được toàn Nhiệm
Thể Đức Ki-tô phong thánh. Vấn đề được đặt ra là: phải chăng các ngài đơn thuần
chỉ tạo nên nơi chúng ta một niềm kiêu hãnh mang tính lịch sử, hay đã trở thành
cột sống, thành cơ bắp thúc đẩy chúng ta sống công chính Tin Mừng cách cụ thể
trong đời sống thường ngày? Thua thiệt vì Tin Mừng thì thời đại nào cũng có, kể
cả trong các xã hội được coi là phồn vinh dễ dãi và tự do; thế thì các ‘Thánh Tử
Đạo Việt Nam’ đóng góp được gì cho người Công Giáo Việt Nam chúng ta trong xã hội
được cho là ‘dễ dãi thuận lợi’ hơn hôm nay? Phải chăng chỉ là một khích lệ
trung kiên nào đó sẵn sàng chiến đấu chống lại mọi thế lực thù nghịch khi cần,
hay để kiên trì ‘sống công chính’ khi ‘bị
người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như người xấu xa…’ ngay
trong đời sống xã hội thường ngày?
Ngày mừng kính các Thánh
Tử Đạo Việt Nam
hôm nay sẽ không mấy ý nghĩa, nếu mỗi người không tìm ra được câu trả lời cho vấn
nạn này!
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã
chịu bách hại vì dám chấp nhận ‘sống công chính’ để phải chấp nhận những từ bỏ
tới độ anh hùng. Nếu Hội Thánh đã tuyên phong cái chết anh hùng của các ngài
thì đồng thời cũng tuyên phong vô vàn những tủi hổ, thiệt thòi của biết bao tín
hữu anh hùng vô danh khác. Tất cả các điều này không nằm ngoài mục đích thôi
thúc mỗi người Công Giáo Việt Nam chúng con sẵn sàng hơn trong việc, cùng với Đức
Ki-tô thập giá tha thứ và yêu thương ngay giữa lòng xã hội hôm nay, chấp nhận mọi
thử thách gian nan. Xin các ngài tiếp tục trở nên chứng nhân Tin Mừng cho chúng
con về một tình yêu tha thứ tuyệt đối. A-men
God bless
Lm Gioan Ty SDB
God bless
Lm Gioan Ty SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc