Niềm hy vọng nào?
Đã từ lâu tôi vẫn thăc mắc
một điều: đã bước vào mùa vọng - mùa mong đợi Chúa đến - thời gian dọn mừng một
lễ Giáng Sinh đầy vui tươi và an bình, ấy vậy mà các bài sách thánh cứ tiếp tục
cái đề tài với hình ảnh đáng khiếp sợ của ngày tận thế. Chu kỳ phụng vụ đã lật
qua một trang mới; năm cũ đã qua, và sứ điệp cứu độ phải là một niềm hy vọng lớn
tới độ có khả năng làm đảo lộn mọi suy tính và trật tự vốn có từ trước tới nay,
vô tiền khoáng hậu; vậy thì đâu là nội dung chính mà sứ điệp Lời Chúa, trong
các bài đọc Chúa Nhật đầu mùa vọng hôm nay, muốn quảng diễn?
Cuộc cách mạng (hay đảo
chính) nào cũng thế thôi, bao giờ cũng làm đảo lộn trật tự khiến một số người
phải sợ hãi hốt hoảng; đối với những ai đã quen với lối suy nghĩ hay nếp sống
cũ, thật không dễ gì chấp nhận bất kỳ một cuộc đổi thay nào như thế; “Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc… muôn
dân sẽ lo lắng hoang mang…” Tuy nhiên song song với nỗi lo sợ, cuộc cách mạng
bao giờ cũng mang lại niềm hy vọng đổi đời đầy phấn khởi cho một số người khác:
tình trạng trước đó càng bế tắc bao nhiêu thì niềm hy vọng và phấn khởi sau đó
lại càng to lớn và rộng mở bấy nhiêu. Con người thường dựa vào các quyền lực
hay trật tự để xây dựng cho mình một cuộc sống an lành ổn định. Chính vì thế mà
Cựu Ước đã tiên báo về cái thời cánh chung, khi mà mọi quyền lực tự nhiên trên
trời cũng như dưới đất sẽ bị rung chuyển, đổi rời; lúc đó đương nhiên đa phần
nhân loại sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi tới độ hỗn loạn. Nhưng không
phải tất cả đâu! vẫn còn một số những kẻ tin sẽ đứng thẳng và ngẩng đầu lên trong
niềm hy vọng để đón nhận lấy một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ. Vấn đề chính ở
đây là: hiểu được quyền lực hay trật tự nào bị đảo lộn, đồng thời thể chế mới
nào đang được thiết lập; nếu giải đáp được vấn nạn này thì niềm hy vọng nơi
chúng ta mới được nhen nhúm lên, và sẽ không gì có thể dập tắt được nó.
Sứ điệp phải đề phòng: ‘chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say
sưa, lo lắng sự đời’ chắc chắn không chỉ mang một nội dung luân lý; vì nếu
chỉ là để chỉnh đốn một tình trạng luân lý suy đồi, thì - cho dầu đó là điều rất
tốt lành - cũng chẳng có gì đáng gọi là trật tự mới, ‘trời mới đất mới’. Cho dầu không hề chống đối các luật lệ và tinh
thần của Cựu Ước, Tân Ước hay sứ điệp của Đức Ki-tô chắc phải là một thứ gì độc
đáo lắm, vì có sức mạnh và khả năng làm đảo lộn tất cả; sau này chính Đức Giê-su
cũng sẽ gọi đó là một cuộc sinh lại, là
rượu mới, vải mới không chấp nhận bị
giam hãm trong cái cũ, hay bị chắp vá.
Lời nhắn nhủ ‘Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn hầu đứng vững
trước mặt Con Người’ chắc phải mang một nội dung hết sức Tin Mừng. Theo Đức
Giê-su: tỉnh thức và cầu nguyện luôn là một thái độ tiếp nhận cách trọn vẹn và
hào hứng một điều có tầm quan trọng rất lớn; mà điều quan trọng nhất của Con
Người Giê-su, trong mạc khải cũng như trong sứ điệp mà đã mang đến trần gian
qua cuộc sống cũng như cái chết của Người, chính là: tình yêu và lòng xót
thương cứu độ của Thiên Chúa. Toàn bộ cuộc sống Người, từ khi sinh ra mặc lấy
hình hài thơ nhi và cư ngụ giữa lòng nhân loại, cho đến chết trên Thập Giá… là để
nói lên và làm chứng cho điều duy nhất đó. Ngài thiết lập một trật tự mới, và
trong trật tự này, sự xấu xa nhất trần gian sẽ không còn phải là sa ngã vào các
trọng tội thuộc lãnh vực luân lý, cho dầu là nặng nề và tầy trời tới mấy, mà là
lãng quên hay chối bỏ lòng từ bi vô hạn của Thiên Chúa, là quay mặt đi với Con
Người Giê-su, là không còn ‘đứng trước mặt
Con Người’ - biểu hiện tột đỉnh của
Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu.
Mùa Vọng là khởi đầu của
niềm hy vọng lớn lao, là khởi điểm của việc đứng trước mặt Con Người Giê-su, là
thời gian để sống niềm hy vọng trọn vẹn nhất: trời mới đất mới bắt đầu từ đây, trời
mới đất mới của lòng thương xót và cứu độ. Ơn cứu độ khởi đi từ lòng nhân hậu của
Thiên Chúa, đạt tới viên mãn trong thực hiện cũng như mạc khải qua Đức Ki-tô Giê-su,
và được biệu lộ cách viên mãn trong ngày cánh chung và thế tận. Mùa Vọng loan
báo sự khởi đầu của lòng thương xót, và đương nhiên có liên quan sâu xa đến
ngày chung cuộc. Nhưng cái viễn ảnh chung cuộc này lại được trình bày như một đổi
mới tận căn, đầy hy vọng và an ủi. Với việc nhập thể của Con Người Giê-su, Thiên
Chúa đã bắt đầu đối xử với loài người trong sự công thẳng của lòng thương xót,
và cũng sẽ xét xử công minh con người trong ngày chung thẩm với cùng một lòng
nhân ái bao la.
Là linh mục của Đức
Ki-tô, tôi sẽ tham gia, và kêu gọi mọi người tham gia, vào sự đổi mới tận căn
này, chứ không chỉ lặp đi lặp lại lời kêu gọi sám hối trong phạm trù luân lý cổ
điển. Hãy nhớ rằng: chính tôi được mời gọi ‘đứng
trước mặt Con Người’ với niềm hy vọng lớn lao nhất, và tôi có bổn phận phải
loan truyền điều đó cho mọi người, đặc biệt cho các tín hữu được trao phó cho
tôi.
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc