0



CÁC ĐẲNG LINH HỒN 01 tháng 11
Suy niệm Lời Chúa: Kh 7:2-4. 9-14; 1Ga 3:1-3; Mt 5:1-12a      
 
Sự thánh thiện của Tin Mừng

Có vẻ như ý nghĩa của hai ngày lễ - lễ Các Thánh Nam Nữ và lễ Cầu Hồn (thói quen vẫn gọi như thế) – là đã quá rõ ràng và đơn giản: một ngày là lễ mừng chung tất cả các thánh nhất là các vị không có ngày kính riêng, và một là dịp cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội, chưa được lên thiên đàng vui hưởng với các thánh; một ngày mừng cho các vị đã thành công, ngày khác nhắc nhở hỗ trợ các vị chưa đạt tới đích. Cứ cho là như thế đi! tuy nhiên nếu dựa trên Lời Chúa hoặc nhìn từ khía cạnh ơn cứu độ, ta thấy vẫn cần phải khám phá lại ý nghĩa đích thực của hai ngày lễ này, đặc biệt ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn.
Trước hết cần khảng định: khái niệm về ‘Các Thánh’ như chúng ta có ngày nay (beatified, canonized, blessed, saint) tức là các vị được Hội Thánh tuyên phong, đã không hề tìm thấy trong Thánh Kinh nhất là trong Tân Ước. Phao-lô đã gọi tập thể các tín hữu Cô-rin-tô là những người được hiến thánh, là dân thánh (1 Cr 1:2-3), cho dầu ngay sau đó trong cùng lá thư ấy, ngài đã thẳng thắn vạch ra tất cả các tội lỗi họ phạm, thậm chí cả tà dâm và loạn luân. Nói chung Phao-lô gán thuộc tính ‘thánh’ cho toàn thể các Ki-tô hữu, và danh từ ‘các thánh’ hay ‘Hội Thánh’ cho cộng đoàn qui tụ họ lại, bất luận đã hoàn thiện tốt lành hay chưa. Điều kiện duy nhất để họ được gọi với danh xưng cao quí này là: họ có tin Đức Ki-tô Giê-su là Cứu Chúa hay không. Cũng vậy thị kiến của Gio-an về các thánh trên trời được ghi trong sách Khải Huyền cho thấy: họ là ‘một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ’. Điểm chung nhất tất cả họ cùng có, đó là: ‘đứng trước Con Chiên’ và ‘đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên’.
Nếu như thế thì, các Thánh Nam Nữ mà chúng ta mừng kính hôm qua đâu phải chỉ là ‘các thánh’ đã được tuyên phong! Chúng ta mừng kính tất cả những ai đã đặt trọn niềm tin vào Đức Ki-tô Giê-su Cứu Chúa. Đúng hơn chúng ta mừng chính sự bao quát của lòng từ ái Chúa đang tràn ngập nhân loại, một lòng thương xót vô biên đang chủ động len lỏi tới từng con người, kể cả những người tội lỗi nhất. Thánh Gio-an đã tóm lược điều này cách tài tình: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa”. Do đó trong ngày lễ này, không phải các vị thánh là trọng tâm mà Con Chiên Cứu Độ mới đúng là tâm điểm chúng ta phải qui hướng về để tôn vinh và ca ngợi. Ki-tô hữu chúng ta tuyên dương: “phúc cho tất cả những ai đã biết đón lấy ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa nhờ tin vào Đức Ki-tô Giê-su!” Đây chính là mối phúc duy nhất và vĩ đại nhất cho toàn thể nhân loại. Cho nên tất cả những gì đưa tới nó hay đóng góp vào việc tiếp nhận nó, đều được coi là ‘phúc’. Trong bài giảng trên núi về các mối phúc, vế thứ nhất của bản liệt kê thực ra không thể được gọi là phúc, đơn giản vì chúng không thể mang bất cứ hạnh phúc nào cho con người. Chỉ riêng trong Tin Mừng mà Đức Giê-su rao giảng chúng mới được coi là ‘phúc’; lý do duy nhất là: vì chúng cống hiến bí quyết và phương thế đưa con người tới đón nhận tình yêu nhân ái của Thiên Chúa; để họ ‘giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên’. Do đó lễ Các Thánh Nam Nữ chính là ngày chúng ta dành ra để ca ngợi lòng thương xót cứu độ mà Chúa đã thành công trong việc cống hiến cho rất nhiều người, tốt xấu bất luận.
Thế còn ngày lễ Cầu Cho Các Tín hữu đã Qua Đời, hay là lễ Các Đẳng Linh Hồn Nơi Luyện Tội hôm nay thì sao, nó có ý nghĩa gì? - Nếu lấy ơn cứu độ của Chúa làm trọng tâm thì ngày này chính là để mời gọi ta nhìn vào sự đón nhận của mỗi chúng ta. Nếu đã mừng lòng từ ái Chúa trải rộng bao la tới hết mọi người và từng người không trừ một ai, thời ta càng có lý do để thôi thúc, để mong mỏi mỗi người và mọi người nhận biết và đón lấy tình yêu thương xót này với tất cả cõi lòng mình. Than ôi, thực tế đã không được như vậy! Ngay cả trong số những con người được coi là tốt lành thánh thiện nhất (kể cả nhiều vị chức sắc trong Giáo Hội), đã mấy người biết ném mình trọn vẹn trong vòng tay nhân ái của Cha? Chúa không đòi chúng ta phải hoàn toàn sạch mọi tội để được vào thiên quốc, như nhiều người vẫn lầm tưởng; điều kiện duy nhất Người đòi là: hãy hết lòng đón nhận ơn tha thứ vô điều kiện của Người, như trường hợp tên cướp cùng bị đóng đinh trên thập giá. Ấy vậy mà mấy người trong chúng ta đã biết làm điều này cách nghiêm túc và triệt để! Ta vẫn chẳng mơ ước, khi xưng tội, được sạch tội hơn là đón lấy lòng thương xót hài hà của Chúa là gì! Do đó ta vẫn nghĩ: luyện ngục là nơi các ‘tín hữu’ đã qua đời phải chịu thanh luyện, hơn là nghĩ rằng: đó là chốn mà niềm khao khát lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa được nung nấu; luyện tội là nơi các linh hồn đền tội để được xóa tội… hơn là nơi vươn tới đón nhận cách triệt để ơn cứu độ thứ tha. Do đó không thể có việc cầu nguyện cho các đẳng linh hồn bằng công nghiệp của riêng mình hay của Hội Thánh đi nữa, nhưng chỉ có thể bằng gia tăng đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa với thái độ khiêm nhu.
Thánh Lễ, nhất là Thánh Lễ chúng ta hôm nay, chính là giờ phút tốt nhất để chúng ta cùng nhau cử hành việc đón nhận này! vì là cao điểm của ‘luyện tội’, khi mà chúng ta - các tín hữu còn sống cùng với các đẳng linh hồn đã qua đời - đồng cử hành ơn cứu độ của Thập Giá Đức Ki-tô.

Lạy Chúa, con tin vào sức mạnh phi thường của tình yêu thương xót Chúa qua việc mừng kính Các Thánh. Con ca ngợi Con Chiên Sát Tế đã mở ấn niêm phong để mọi người có thể tới giặt và tẩy áo mình trong máu Chiên. Con cậy trông lòng từ ái Chúa sẽ mạnh hơn cả sự cứng cỏi của con và của nhiều tín hữu đã qua đời, và do đó con khiêm tốn phó thác các linh hồn ấy cho lòng thương xót vô bờ của Chúa. A-men   


Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top