0


Tư tưởng của Thiên Chúa vs tư tưởng của loài người

            Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là tư tưởng của người đời.”
            Đoạn Tin Mừng Mác-cô của Chúa Nhật XXIV này đầy mâu thuẫn, hay có vẻ như tư tưởng của Đức Giê-su tự mâu thuẫn với chính mình. Đầu tiên Người muốn nghe các môn đệ báo cáo cho biết người ngoài ca tụng Người thế nào, sau đó các ông lại phải nói lên mình nhìn nhận Người ra sao. “Thầy là Đấng Ki-tô”, môn đệ Phê-rô tuyên xưng. Đoạn tương ứng trong Phúc âm Mát-thêu (16:15-20) cho thấy Đức Giê-su có vẻ như rất hài lòng với câu trả lời này. Người từng công khai đề cao Phê-rô trước các môn đệ khác, tới độ muốn đặt ông làm nền tảng và thủ lãnh của Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập. Tuy nhiên ở đoạn văn này phản ứng của Đức Giê-su lại ngược hẳn. Vẫn cùng công thức tuyên xứng đó, thật là long trọng và chính xác trong ngôn từ, nhưng Đức Giê-su cho thấy: suy nghĩ của Người và trong đầu Phê-rô lại rất khác nhau, cách xa như trời với đất, đối nghịch như giữa Thiên Chúa và Xa-tan. Có thể như thế được chăng, cùng một công thức nhưng lại được hiểu rất khác nhau như vậy?
            Tư tưởng của loài người: Đối với Phê-rô, cũng như phần đa các người Do Thái đương thời, danh xưng Ki-tô hay Mét-si-a rất gần với nội dung uy quyền và thống trị… trong công lý và hòa bình. Đấng được Xức Dầu đến trần gian để biểu lộ quyền lực tuyệt đối của Đức Chúa Gia-vê. Trong toàn bộ Cựu Ước, Gia-vê luôn được biết đến như Đấng dũng lực oai hùng. “Chúa thật là cao cả… khả tôn khả úy hơn chư thần… Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ, trong thánh điện đầy dũng lực huy hoàng… Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang” (Tv 95). Nếu ‘Đấng Ki-tô’ phản ánh một Thiên Chúa quyền lực như thế, thì đương nhiên không thể chấp nhận Người ‘chịu đau khổ… bị loại bỏ… bị giết chết’. Phê-rô hoàn toàn đúng khi ‘kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người’. Và cũng sẽ hoàn toàn vô lý đòi những kẻ theo Người phải ‘từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo… liều mất mạng sống mình’. Dân riêng trung thành với Đức Chúa để được thành công, được Ngài che chở và mạng sống mình được bảo vệ.
            Tư tưởng của Thiên Chúa: Đức Giê-su ‘nói rõ điều đó, không úp mở’ là ‘Đấng Ki-tô’ có bổn phận phải mạc khải về một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Do đó, nếu Người có phải chịu đau khổ, bị loại bỏ và giết chết thì cũng là lẽ đương nhiên. Giê-su Na-da-rét sẽ luôn mãi là một Ki-tô tự hiến trên thập giá. Ai tin và theo Đấng Ki-tô đó sẽ không làm gì khác hơn là ‘từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.’ Vì là Đấng Ki-tô biểu lộ một Thiên Chúa đầy lòng xót thương, nên môn đệ tin nơi Người sẽ không tìm cách tự cứu lấy mạng sống mình trong an toàn thủ thế, một sẽ hoàn toàn tín thác vào lòng từ ái xót thương bao la. Mạng sống mà họ ‘sẽ cứu được’, một khi đã tự nguyện ‘liều mất’, sẽ không là gì khác hơn là một tình yêu nhân ái bao la, cả trong tương quan với Thiên Chúa lẫn với tha nhân.
Đồng ý với Đức Giê-su, Phao-lô cho rằng tư tưởng này của Thiên Chúa đối chọi hoàn toàn với tư tưởng của loài người; “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là sự điên rồ đối với… sự khôn ngoan của thế gian… nhưng lại là sức mạnh đối với chúng ta là những người được cứu” (1 Cr 1:18-21). Điều làm tôi lo lắng là, bản thân tôi, chưa khi nào tôi cho rằng hai tư tưởng này lại sung khắc nhau đến thế. Thậm chí tôi vẫn thấy nhấn mạnh trên uy quyền của Thiên Chúa, hay đề cao một ‘Đấng Ki-tô’ thống trị đâu có gì là đối kháng với Thiên Chúa cứu độ, hay một Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Đức Giê-su đã ‘cấm ngặt các ông không được nói với ai về người’ như thế, và còn tỏ ra hết sức giận dữ khi Phê-rô muốn dùng tư của loài người để lấn át tư tưởng của Thiên Chúa, tới độ mắng ông: “Xa-tan! Lui lại đàng sau Thầy!  Còn tôi, trong mục vụ, khi diễn giảng về Thiên Chúa và Đấng Thiên Sai, biết bao lần tôi đã không ngần ngại nhấn mạnh trên uy quyền và sự công thẳng của Thiên Chúa, hơn là trên lòng nhân ái yêu thương của Người. Chỉ vì làm như thế tôi đinh ninh rằng, việc mục vụ của mình sẽ hữu hiệu hơn, các giáo dân của tôi sẽ làm lành lánh dữ tích cực hơn. Thế nhưng liệu tôi có đáng bị quở trách như Người đã từng lên tiếng trách mắng Phê-rô không?

Lạy Chúa là Đấng Cứu Độ! Chúa uy quyền và thánh thiện nhưng cũng đầy thương xót và từ tâm. Kinh Thánh dạy con cả hai điều, nhưng mạc khải của Đức Ki-tô lại nhấn mạnh trên điều sau này nhiều hơn. Chớ gì Chúa sẽ không bao giờ phải quở trách con là Xa-tan chỉ vì ngăn cản không cho người khác biết về lòng từ ái vô biên Chúa, được biểu lộ qua nhục hình và cái chết của Chúa trên thập giá. Xin cho con không ngừng tôn vinh và rao giảng về Thánh Giá cứu độ. A-men
Lm Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top