0


Làm thế nào để việc suy tôn Thánh Giá trở nên hữu hiệu?

            Người Công Giáo tôn thờ Thánh Giá, điều đó mọi người đều biết. Thập tự là biểu hiệu (logo) của Thiên Chúa giáo, cũng như chữ Phạn của Phật giáo, trăng lưỡi liềm của Hồi giáo, hay búa liềm của Cộng Sản. Những biểu tượng này được những người theo tôn giáo hay học thuyết đó quí trọng và đề cao, điều đó cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng người Công Giáo suy tôn Thánh Giá, tôn thờ Thánh Giá, chắc hẳn không chỉ đơn thuần là tôn thờ một biểu tượng, càng không phải tôn thờ đau khổ và chết chóc, cũng chẳng phải tôn thờ một báu vật gợi nhớ một kỷ niệm xa xưa. Thập giá, mà họ thành kính gọi là Thánh Giá, là tất cả đối với họ, nói lên trọn vẹn niềm tin của họ và là niềm hy vọng duy nhất họ có. Tại sao vậy?
Suy tôn Thánh Giá: Ki-tô hữu suy tôn mạc khải vĩ đại nhất mà Thiên Chúa có thể vén lên cho trần gian. Đúng là toàn bộ cuộc sống của Đức Giê-su nơi dương thế là để nói lên có một điều mà nhân loại chưa từng bao giờ được nghe biết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” Tuy nhiên thập giá còn nói lên một điều khác còn sâu xa hơn nhiều: Thiên Chúa yêu tới độ đã chết cho chính nhân loại tội lỗi; “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13), “Họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng… Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:7-8). Suy tôn Thánh Giá là suy tôn một tình yêu vĩ đại. Người Do Thái lẽ ra đã phải ghi nhớ đến muôn đời hình ảnh con rắn đồng treo trên cây gậy, nói lên tình yêu trung thành của Đức Chúa Gia-vê đối với dân riêng, ngay cả khi họ bất trung và phản nghịch (không may là điều này đã bị họ lãng quên không biết từ đời nào rồi), thì người Công Giáo sẽ không ngừng đề cao Thánh Giá là vì vậy.
Suy tôn Thánh Giá: Ki-tô hữu suy tôn ơn cứu độ và niềm hy vọng của mình. Nơi Thánh Giá, họ hiểu ơn cứu độ được Thiên Chúa ban nhưng không cho con người, chứ không do bất kỳ công nghiệp nào của họ. Người suy tôn Thánh Giá đầu tiên và trọn vẹn nhất là thân mẫu Ma-ri-a đứng chết lặng dưới chân thập giá, người thứ hai (theo truyền thuyết lâu đời của Giáo Hội) chính là Ma-ri-a Mác-da-la ôm lấy chân thập giá… Sau đó là các môn đệ Gio-an và Phê-rô v.v…; mỗi người một kiểu, họ đều biểu dương thập giá như nguồn ơn cứu độ và niềm hy vọng duy nhất của mình. Họ suy tôn Thánh Giá trong cảm nhận con người thấp hèn và tội lỗi, và chính thập giá lúc đó làm cho niềm hy vọng của họ bừng sáng lên.
Suy tôn Thánh Giá: Ki-tô hữu suy tôn một nếp sống hoàn toàn mới: yêu thương nhau… yêu thương tới cả kẻ thù (Lc 6:27-35) yêu thương như Thầy đã yêu thương (Ga 13:3-35). Họ biết rằng Thập giá là con đường hoàn thiện, không phải vì thập giá làm cho họ nên tốt hơn, giảm bớt phạm tội, cho bằng vì càng vào sâu trong thập giá - hay càng suy tôn thập giá với cả tâm hồn - cõi lòng họ càng dễ biến thành nhân hậu giống Thiên Chúa. “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Qua suy tôn Thánh Giá, họ đi sâu vào một Thiên Chúa tha thứ, để càng dễ tha thứ; đề cao một Thiên Chúa không lên án, để họ càng không lên án những người anh em lỗi phạm; tôn vinh một Thiên Chúa không xét đoán, để họ càng không dám xét đoán những người anh em sống quanh mình (Lc 6:36-37). Đúng là không suy tôn Thánh Giá tôi không thể đạt tới sự thánh thiện đó như đức Giê-su mong muốn.
Giáo Hội luôn coi việc suy tôn Thánh Giá và cử hành Thánh Thể là trung tâm điểm của đời Ki-tô hữu; và điều đó thật là chí lý. Nhưng luôn có nguy cơ là tôi có khuynh hướng hạ thấp việc suy tôn đó xuống tầm một việc đạo đức mà thôi. Suy tôn Thánh Giá là một tuyên xưng niềm tin - cậy - mến thâm sâu nhất, và cần được biểu lộ hữu hình dưới hinh thức bí tích của cử hành Thánh Thể, rồi sau đó bằng chính đời sống hiện sinh của tôi trong cuộc sống thường nhật.
Tôi có thực thâm tín điều đó không?

Lạy Chúa Ki-tô thập giá! Xin giúp con biết suy tôn Thánh Giá Chúa bằng cả cuộc sống mình. Con muốn suy tôn Thánh Giá như Mẹ Ma-ri-a hay thánh Gio-an, nhưng cũng nhiều khi con lại dễ suy tôn như Mác-đa-la hay Phê-rô hơn. Dầu với biểu hiện nào đi nữa, xin cho đời con không ngừng được việc suy tôn này biến đổi từng ngày, trong việc nhận biết mạc khải tình yêu, trong niềm hy vọng đón nhận ơn cứu độ, và trong nếp sống hiền hòa với hết mọi người. A-men

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top