0


Mẹ đứng dưới chân thập giá

          Đã từ lâu lắm tôi luôn thấy ác cảm với ngày lễ này, trước hết vì cái tên của ngày lễ: “Đức Mẹ Sầu Bi”, rồi vì những diễn giải về bẩy lưỡi gươm đâm thấu trái tim Mẹ. Cũng vậy, tự nhiên tôi thấy ‘dội’ khi người ta nói với tôi về tượng Đức Mẹ khóc ở đây hay ở kia… Trong thời gian tôi đang theo học tại Italia, một lần có người mời tôi đi viếng Đức Mẹ khóc danh tiếng tại Siracusa, tôi đã nhạo báng trả lời rằng: “khi nào nghe thấy ở đâu có Đức Mẹ cười là tôi sẽ tới viếng ngay”. Thế đấy, nhưng Giáo Hội vẫn duy trì ngày lễ kính ‘Đức Mẹ Sầu Bi’ trong lịch phụng vụ, ngay cả sau những thanh lọc cặn kẽ loại bỏ các lễ kính không mang tính Tin Mừng phổ quát, điều này chắc hẳn phải có lý do rất hệ trọng mà tôi cần khám phá cho ra.
            Phụng vụ đặt ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, điều này cho thấy  có một mối liên quan sâu sắc giữa hai ngày lễ đó. Ta không thể thấu hiểu nội dung ‘Mẹ Sầu Bi’ nếu ta không nắm bắt được nội dung của Thập Giá. Bài Tin Mừng Gio-an đã vẽ lên một hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi có lẽ là chính xác nhất: Mẹ đứng lặng dưới chân thập giá (Stabat Mater), đau khổ chắc chắn là có, nhưng không được thánh sử khai thác; điều ông muốn đề cao là: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người…” cùng một số nhân vật khác.., và Mẹ được Người gửi gấm một sứ mạng vô cùng độc đáo.
            Trước đây người ta thường chiêm ngắm Thập Giá dưới khía cạnh những hy sinh đau khổ nhục nhã mà Đức Giê-su phải chịu đề đền bù tội lỗi nhân loại. Khái niệm được nhấn mạnh chính là ‘cứu chuộc’ (redemptio) mang tính công bằng pháp lý (chuộc tội lỗi trần gian). Và đương nhiên dưới nhãn quan này, Mẹ Sầu Bi đúng là người có đóng góp to lớn hơn hết thảy vào hy sinh đền bù đó. Suy tư ngày đã rất phổ biến trong Giáo Hội tới độ nhiều người thậm chí còn gán cho Mẹ danh xưng “Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc” (dưới góc độ thần học, tước hiệu này đã bị loại bỏ).
Ngày nay người ta ngắm nhìn Thập Giá dưới góc độ tình yêu Tin Mừng nhiều hơn, điển hình là Mẹ Tê-rê-xa Kon-ka-ta đã dành cả một chương dài trong Hiến Luật hội dòng Thừa Sai Bác Ái do mẹ thành lập để đề cập tới “Thập Giá – Không Tình Yêu Nào Lớn Cho Bằng” (The Cross – No Greater Love). Mẹ viết: “Đối với mỗi chúng ta cũng như đối với chính Đức Ki-tô, Thập Giá là bằng chứng của một tình yêu lớn hơn hết thảy. Sức mạnh của tình yêu này đã cuốn hút Đức Ki-tô giang tay ôm lấy thập giá thì cũng phải là mãnh lực thúc đẩy chúng ta, trong tư cách là Hiền Thê của Đức Ki-tô chịu đóng đinh, chấp nhận để cho mình cùng chịu đóng đinh với Người vì yêu mến, vâng phục và đền bù” (HL 127). Cũng chính trong ý nghĩa này mà Mẹ Tê-rê-xa đã hiểu ra nội dung tiếng kêu than “Tôi khát” mà Đức Giê-su đã thốt lên trên thập giá trước khi “thế là đã hoàn tất” (Ga 19:28-30). Tình yêu nào thì cũng mang theo khát vọng được đáp trả; tình yêu càng lớn bao nhiêu (no greater love) thì khát vọng càng ‘cháy họng’ bấy nhiêu. Người ta thường giải thích ý nghĩa của ‘Tôi khát’ là khát vọng cứu các linh hồn, nhưng thật ra với việc ‘gục đầu xuống và trút hơi thở’ Đức Giê-su đã hoàn tất việc ‘cứu các linh hồn’ rồi. Điều còn lại là khát vọng Thập Giá ‘tình yêu không gì lớn cho bằng’ này phải tìm được đâu đó tình yêu phản hồi. Rất may mắn là chính lúc đó ‘Stabat Mater’ đã có mặt, cùng với một số nhân vật khác trong đó có Gio-an, người môn đệ luôn xưng mình là người được thương. Cùng với Maria, họ là những người đầu tiên đáp lại cơn khát vọng tình yêu đáp trả của Thập Giá – No Greater Love. Và cũng chính lúc đó, ‘Stabat Mater’ đã được ủy thác cho sứ mệnh làm Mẹ của tất cả mọi linh hồn muốn tiếp nhận tình yêu Thập Giá; “Đây là Mẹ của anh”, Người nói với người môn đệ cảm thấy mình được yêu như thế.
Nếu như vậy thì tước hiệu ‘Đức Mẹ Sầu Bi’ sẽ mang một nội dung vô cùng súc tích: Mẹ mời gọi chúng ta hãy cùng với Mẹ giải cơn khát khô họng của Đức Ki-tô thập giá, cùng Mẹ tiếp nhận ‘tình yêu không gì lớn cho bằng’. Điều này xem ra quá đơn giản nhưng kỳ thực không đơn giản chút nào! Lấy thí dụ, ngay trong số các tu sĩ linh mục, chứ chưa nói tới giáo dân, thực tế đã có bao nhiêu người như Gio-an thực sự cảm thấy mình được yêu, và được yêu cách mãnh liệt? Nếu họ đã từng nếm cảm được rằng, ‘tôi đang được một ai đó yêu mãnh liệt’ thì như Mẹ Tê-rê-xa nói: “như một Hiền Thê (tức một người đáp trả tình yêu của Lang Quân), họ sẽ dễ dàng chấp nhận để cho mình cùng chịu đóng đinh với Người vì yêu mến”. Tuy nhiên thực tế hàng ngày cho thấy, đứng trước Thập Giá không mấy người thực sự cảm thấy mình được yêu? Trong kinh nghiệm bản thân, tôi thấy mình cũng rất dễ bị chao đảo khi cảm thấy có một người nào đó thương mình, rằng mình được người ấy quan tâm chăm sóc… Nhiều trường hợp một tu sĩ, sau nhiều năm khấn dòng, đã rũ áo ra đi chỉ vì nhận được một chút yêu thương chăm sóc của con người, như thể họ chưa từng bao giờ cảm nghiệm mình đã được yêu bằng một tình yêu ‘không gì lớn cho bằng’.
Nếu không cùng Gio-an nhận ‘Stabat Mater’ làm mẹ thì làm sao Ki-tô hữu chúng ta thể giải được cơn khát tình yêu mà Đức Ki-tô đã gào lên trên thập giá?

Lạy Đức Mẹ Sầu Bi, xin nhận con làm con của Mẹ, để cùng với Mẹ đứng dưới chân thập giá, con cũng có thể thấu hiểu tình yêu ‘không gì lớn cho bằng’ mà Đức Giê-su đang muốn biểu lộ. Hằng ngày khi chiêm ngắm Thánh Giá, xin cho con khám phá và cảm nghiệm được rằng, con đã được Một Người yêu mình với một tình yêu ‘no greater love’, để rồi trong đời sống hàng ngày con sẽ thấy những cám đỗ thử thách không quá khó để vượt qua; và như Phao-lô, con đặt niềm tín thác vào Người Đó - “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20). Amen  

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top