0


Nhân chứng phục sinh

Có ba nhân chứng về Tin Mừng Phục Sinh được nhắc tới trong trình thật biến cố phục sinh của cuốn Phúc Âm thứ tư: Ma-ri-a Mác-đa-la, Phê-rô và Gio-an. Họ được coi như các nhân chứng duy nhất thuộc diện F1 của cái biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: một tử tội đã chết treo trên thập giá, được mai tang trong mồ, rồi ngày thứ ba đã sống lại. Thế nhưng chứng cứ, hay tất cả những gì mà họ có thể đưa ra dẫn chứng cho biến cố này, thì lại quá đỗi đơn giản: ‘lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác da-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ’, Gio-an ‘tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó’, Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi ‘ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi’. Chi tiết thật đấy nhưng chỉ vỏn vẹn có thế! Hầu như các chứng cứ họ đưa ra chẳng thuyết phục được ai. Dầu vậy Gio-an, một người trong số họ, vẫn đưa ra lời xác quyết hùng hồn, “Ông đã thấy và đã tin”. Chỉ với các tang chứng vật chứng mơ hồ trên đã đủ để ông minh định, không phải một sự kiện mà là cả một niềm tin có sức làm thay đổi cuộc sống của chính ông, đồng thời làm thay đổi toàn thể nhân loại này nữa. Sau này ông đã dành trọn cuộc đời còn lại để loan truyền biến cố trọng đại này, và còn sẵn sàng chết để minh chứng nó.
Tại sao vậy? Chúng ta hãy cùng nhau đi vào tâm tình của các nhân chứng này và hiểu ra ngay, niềm tin phục sinh phải luôn gắn liền với các cảm nghiệm riêng tư cụ thể nhất.

Phê-rô: Khi chạy ra ngôi mộ, ông đang trải nghiệm một điều có thể coi như đáng xấu hổ nhất trên đời: phản bội chính Ông Thầy của mình! Qua kinh nghiệm sống, ông đã từng trải sự mỏng dòn của con người với bao tội lỗi và khiếm khuyết, vì thế mà ông rất chân thành khẩn khoản: “Lạy Thấy, xin xa con ra, vì con là người tội lỗi!”. Thế nhưng ông chưa bao giờ hình dung nổi sự yếu hèn của mình lại có thể rơi xuống tới mức hạ đẳng đến thế. Được chọn làm môn đệ tiêu biểu, ông đã từng quả quyết cách chắc nịch: “Cho dầu mọi người có bỏ Thầy, con quyết không bao giờ!” Đâu ngờ chính ông lại tới ba lần lên tiếng thề thốt: “tôi không hề biết ông ấy đâu!” Chính với cái trải nghiệm đáng tủi hổ này mà ông tiến vào ngôi mộ trống, quan sát đống vải liệm… để rồi tin. Niềm tin cho phép ông thoáng nhận biết, với các tang chứng vật chứng này, có một điều gì còn mạnh hơn cả cái chết, mạnh hơn cả sự đốn hèn của con người, mạnh hơn cả ‘chối bỏ Thầy’ mà ông đã phạm. Ngôi mộ trống đối với ông là cả một khám phá mới, một sức mạnh mới, một hy vọng mới: lòng nhân ái của Thiên Chúa (tỏ hiện nơi Đức Ki-tô) vượt lên trên tất cả, vượt xa hơn tất cả, kể cả sự đớn hèn của con người.

Gio-an: Là môn đệ được Đức Giê-su thương mến, Gio-an đã cảm nghiệm được tình yêu đó trong bữa tiệc ly khi tựa đầu vào ngực Người, đã chứng kiến tình yêu đó khi nhìn thấy giọt máu hòa nước cuối cùng vọt ra từ con tim bị đâm thủng của Người. Yêu bao nhiêu thì đau buồn thất vọng bấy nhiêu, nhất là khi phải chứng kiến tình yêu nồng ấm đó đi tới hồi kết thúc, bị chôn vùi trong nấm mồ hoang lạnh. Khi tiến vào ngôi mộ mở toang, với các băng vải còn ở đó, Gio-an lần đầu tiên nghiệm ra: tình yêu đó, không chỉ mãnh liệt, trọn vẹn, mà còn vĩnh cửu trường tồn. Tình yêu đó không những ‘mạnh hơn cái chết’ theo nghĩa thông thường (= đám chết vì yêu), mà còn chứa đựng một nội dung cho tới nay chưa từng được minh chứng: tình yêu đó vĩnh viễn toàn thắng sự chết – cả cái chết về thể lý cũng như trong diện tinh thần thiêng liêng – và tình yêu này không gì cũng như không ai có thể ngăn cản nổi, kể cả thần chết hay cái chết trong tội lỗi! Ai tin chấp nhận tình yêu này sẽ không bao giờ phải thất vọng; vì quả thật, Người đích thực là sự sống lại như chính Người đã từng tuyên bố, sự sống vĩnh cửu trong tình yêu.

Ma-ri-a Mác-đa-la: nhân chứng số một của biến cố phục sinh trọng đại. Được đặc ân này có lẽ vì bà đã gộp được cả hai trải nghiệm của Phê-rô lẫn của Gio-an lại thành một. Trải nghiệm tội lỗi đối với bà là trải nghiệm của thân phận cả một kiếp người bị đầy đọa tới đáy vực thẳm, và trải nghiệm yêu thương, gắn liền với việc gặp được lòng nhân lành thứ tha, đã nâng bà lên tới trởi. Cái cảm nghiệm được giải phóng đó do Thầy Giê-su mang lại đã rơi vào bế tắc cùng với cái chết của Người, đã bị chặn đứng sau hòn đá che lấp phần mộ. Chính vì thế mà bà khắc khoải muốn tìm lại Thầy cho bằng được: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”, đồng thời cũng nhận ra ngay cái chi tiết nhỏ: ‘hòn đá đã lăn khỏi mồ’. Thầy Giê-su đã sống lại và ra khỏi mồ…, hòn đá đã được lăn ra, có nghĩa là giải phóng sẽ là vình viễn và thăng hoa sẽ là bất tận.

Là Ki-tô hữu, tôi không chỉ mừng lễ Chúa Phục Sinh như một biến cố, mà còn phải là chứng nhân việc Chúa đã sống lại từ chính kinh nghiệm riêng tư của niền tin của tôi. Tôi phải tự mình làm chứng về một tình yêu tha thứ trở thành bền vững, như chính tôi từng cảm nghiệm qua bí tích rửa tội và hòa giải đã lãnh nhận. Vậy thì tốt nhất hãy để tâm lắng nghe cảm nghiệm sâu lắng nhất trong tôi vào lúc này:  đó là cảm nghiệm của Phê-rô, của Gio-an hay của Ma-ri-a Mác-đa-la?

Lạy Chúa Phục Sinh, con vui mừng vì Chúa đã sống lại! Đời con đã không thiếu những trải nghiệm đớn hèn của Phê-rô hay Mac-đa-la; con cũng không phải là không có chút ít trải nghiệm của Gio-an, nhất là trong ơn gọi Ki-tô hữu, tu sĩ Sa-lê-diêng và linh mục của mình. Xin cho con hưởng trọn niềm vui Phục Sinh vĩ đại, xuất phát từ chính những kinh nghiệm bản thân, để con có thể chân thành ca ngợi việc Chúa Sống Lại và loan truyền Tin Mừng Phục Sinh vẻ vang cho mọi người cách thực sự thâm tín và phấn khởi. A-men

Lm.Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top