0


Tâm tình sâu rộng của Mục Tử Nhân Lành

            Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó, nhưng họ không kiểu những điều Người nói với họ… Vậy đức Giê-su lại nói…’ Tôi có cảm tưởng khi tự đồng hóa mình với hình ảnh người mục tử tốt lành, Đức Giê-su đã không chỉ muốn khảng định một khái niệm, một so sánh; đúng hơn Người đang muốn diễn đạt một tâm tình. Chính cái tâm tình ấy, chứ không phải là khái niệm hay ý tưởng (đã từng được diễn đạt trong Cựu Ước), là điều mà nhóm Pha-ri-sêu thủ lãnh thẳng thừng chối bỏ. Tâm tình mục tử độc đáo được Đức Giê-su áp dụng cho mình gồm hai yếu tố không thể tìm thấy nơi bất cứ một nhân vật nào khác, đó là:
-        Yếu tố chiều sâu: “Anh gọi tên từng con… biết chiên của mình… và hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên”.
-        Yếu tố chiều rộng: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi phải đưa chúng về”.

Chiều sâu của tâm tình: Chiên nhận biết và nghe tiếng của mục tử… đó là điều xảy ra hết sức tự nhiên, như phản ứng tất yếu trước tâm tình của Người Mục Tử chân chính được biểu lộ bằng hành động. “Anh gọi tên từng con…” (câu 3) Người Do Thái thừa hiểu ‘gọi tên’ có nghĩa là gì (xem St 2:20; Lc 1:59-63). Khi khảng định người mục tử ‘gọi tên từng con’, Đức Giê-su chắc hẳn muốn khảng định sự trân trọng của Mục Tử đối với từng con chiên, bất luận chúng thế nào. ‘Gọi tên’ trong cách nói của người Do Thái hàm ý, giữa mục tử và chiên có một mối liên hệ nhân vị hết sức mật thiết, vừa mang nội dung thuộc về nhau, vừa nói lên trách nhiệm chăm sóc phát huy, lại vừa trân trọng giá trị riêng của mỗi con chiên trong hiện hữu cũng như trong sứ mệnh của chúng. Và còn hơn thế nữa, “Tôi biết chiên của tôi!” Cũng như ‘gọi tên’, người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc của từ ‘biết’ hơn hẳn chúng ta ngày nay (xem St 4:1; Lc 1:34). ‘Biết’ chính là kết hiệp bền chặt, là thấm nhập vào nhau, là truyền cho nhau sức sống trong yêu thương và quí chuộng. Nếu Mục Tử nhân lành quả là như thế, thì đúng là mối liên hệ giữa Người với chiên không còn gì là bình thường nữa, đúng hơn đã trở thành điên khùng rồi. “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi, nghe ông ấy làm gì!” (câu 20) Nhưng đối với bất kỳ con chiên Ki-tô hữu nào, thì đi sâu vào tâm tình đó mới quả thật là cả một khám phá, là ‘nghe và thấu hiểu được’ tiếng yêu thương - nhân ái khôn lường của Mục Tử Giê-su.

Chiều rộng của tâm tình:Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi phải đưa chúng về!” Có lẽ không mục tử nào lại có tâm tình khùng điên và phi lý đến thế: đã không thuộc ràn mình thì tại sao lại cất công đưa về, họa chăng là kẻ tham lam muốn chiếm đoạt? Phải, Vị Mục Tử Nhân Lành này quả thực là một mục tử vô cùng tham lam, chỉ vì cõi lòng của Người không chút hạn hẹp. Tình yêu dâng hiến đối với từng con chiên không ngăn cản Người tiếp nhận hết mọi con, không loại trừ bất cứ con nào, kể cả lúc chúng không thuộc về ràn của mình. Và không chỉ các chiên tốt lành khỏe mạnh, mà cả những con ốm đau ghẻ lở; không chỉ các chiên ngoan trong ràn, mà cả (đúng hơn, nhất là) những con tinh nghịch trốn chạy khỏi ràn; thậm chí cả các chiên thuộc các ràn tranh giành, đối kháng hoặc thù nghịch với Người. Con tim của Mục Tử này - và duy nhất chỉ có vị này trên trần gian - muốn ôm lấy tất cả, để… “hy sinh mạng sống” cho tất cả! Và rồi các chiên, một khi đã thuộc về ràn của Người, chắc hẳn sẽ không thể giữ cái thái độ hẹp hòi, khư khư bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình. Tâm tình trải rộng của vị Mục Tử phải trở thành tâm tình của từng con chiên trong ràn, để có thể “vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chin mươi chin người công chính không cần sám hối ăn năn”; đồng thời chấp nhận cả những thiệt thòi, nếu đôi khi có cảm thấy vị Mục Tử của mình nhẫn tâm ‘để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất” (Lc 15: 4-7).

Trong tư cách linh mục tôi thiết nghĩ, nếu chỉ trong tư cách chiên mà tôi đã phải thấm nhập được vào cái tâm tình sâu rộng như trên, huống hồ chi là người, mà đôi khi vẫn thường được nhắc nhở trở nên ‘mục tử như lòng Chúa mong ước’. Nếu không liên tục chiêm ngắm vị Mục Tử Giê-su tự hiến trên thập giá, nếu không liên tục kết hiệp với Người, hỏi liệu tới khi nào tôi mới đáng mang danh là linh mục nhân lành của Chúa? Chính vì vậy mà sốt sáng cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, đối với bất cứ linh mục chân chính nào, cũng có tầm quan trọng sống còn. Cầu nguyện cho có được các linh mục thông minh tài đức không phải điều khó, cái khó là có được nhiều mục tử hội nhập được tâm tình rộng sâu của Mục Tử Nhân Lành Giê-su!

Ôi Mục Tử Nhân Lành, xin cho mọi linh mục của Chúa hiểu được tâm tình Chúa có đối với từng con chiên trong chính bản thân của chúng. Trong tư cách là chiên được Chúa chăn nuôi, chính con phải là người đầu tiên hiểu ra rằng Chúa đã đích danh ‘gọi tên’ con, và ‘biết’ con, bất chấp những yếu đuối của con. Xin Chúa gợi cho con nhớ rằng, mỗi khi được một ai đó gọi mình là linh mục, con cũng biết tiến sâu thêm một bước nữa vào tâm tình rộng sâu của vị Mục Tử Nhân Lành duy nhất. A-men
Lm Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top