Được ăn no nê
Hầu
hết các nhà Thánh Kinh học đều cho rằng chương sáu của sách Tin Mừng thứ tư là
diễn từ về đề tài ‘Bánh Trường Sinh’, mà phép lạ Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều
chỉ là phần dẫn nhập, hay là dịp để Người đề cập tới đề tài quan trọng này.
Đúng là Đức Giê-su đã tự giới thiệu mình là ‘Bánh bởi trời, bánh trường sinh,
bánh làm no thỏa…’, thế nhưng - tôi vẫn thườnng tự hỏi - chủ đề đích thực của
bài thuyết pháp quan trọng này của Ráp-bi Giê-su có phải là để chứng minh ‘bánh
vật thể’ trở thành một ‘Ki-tô hữu thể’, hay chỉ đơn giản là một ‘lời mời ăn
Bánh’, tức là chủ đề của bài diễn từ nhằm diễn tả mối quan tâm, tình yêu chăm
sóc của Thiên Chúa dành cho con người?
Phối
hợp với tường thuật của Phúc Âm Mác-cô, cũng chương sáu, ta có thể thấy trình tự
vấn đề được tác giả Gio-an đặt ra như sau: - Đức Giê-su tỏ rõ mối quan tâm chăm
sóc các tông đồ nhọc mệt trở về sau cuộc hành trình truyền giáo; mối quan tâm của
Người sau đó còn rộng mở cho đám dân chúng, khi Người ‘chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn’ (Mc 6:34).
Phép lạ làm bánh hóa nhiều để cho dân chúng ăn no chẳng qua là dấu hiệu cụ thể
của mối bận tâm từ ái đó; chính vì vậy mà khi nhận thấy đám đông dừng lại ở việc
được ăn bánh thỏa thích, Đức Giê-su đã phải cất công giải thích, chỉ cho họ thấy
được sự chăm sóc từ nhân của Thiên Chúa mới chính là điều họ cần tìm kiếm. Phần
mình, khi tự đồng hóa với ‘bánh trường sinh’, điều duy nhất Người muốn nhấn mạnh
đó là: sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa đối với loài người đã lên tới đỉnh
điểm… “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi
đã ban Con Một…” Từ một biểu lộ chăm sóc được cụ thể hóa qua phép lạ hóa
bánh ra nhiều để đám đông dân chúng được ăn no thỏa, Đức Giê-su rõ ràng muốn họ
nhận ra rằng họ đang được Thiên Chúa từ ái yêu thương chăm sóc tới mức nào.
Chính Đức Ki-tô, và toàn bộ sự hiện diện của Người nơi trần gian, là một thứ
‘Bánh bởi trời’, nhưng không phải là thứ ‘Thánh Thể’ để người ta phải khúm núm
tôn thờ, cho bằng là của ăn nuôi sống để làm cho họ được no thỏa; và so sánh
này chỉ đạt ý một khi qua đó nhân loại nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ hết
tình.
Từ
kinh nghiệm cụ thể được ăn bánh, các môn đệ và nhiều người Do Thái thành tâm lẽ
ra phải khám phá ra chân lý vĩ đại: Thiên Chúa là Người Cha đầy yêu thương, hằng
quan tâm tới con cái, và ra tay chăm sóc chúng (xem Mt 7:11; Lc 11:13). Nội
dung này chính là cuộc hành trình đức tin mà mọi Ki-tô hữu chúng ta cần làm. Tiến
trình này phải đưa chúng ta tới việc tin nhận Đức Ki-tô Giê-su – Bánh hằng sống
như một biểu hiện tột đỉnh của tình yêu chăm sóc của Chúa Cha. Tiến trình này
quả thực đầy thách đố đối với các tông đồ nói riêng và người Do Thái nói chung,
đơn giản là vì khái niệm Thiên Chúa như là người Cha yêu thương chăm sóc còn rất
lu mờ và khá xa lạ đối với cách suy nghĩ của Cựu Ước.
Thế
còn đối với Ki-tô hữu chúng ta ngày nay thì sao? Cảm nghiệm thiêng liêng nền tảng
này của Tân Ước có lẽ lại bị chúng ta đảo ngược trái chiều chăng?
Ít
nhất về khái niệm, Ki-tô hữu đã quá quen thuộc với việc gọi Thiên Chúa là Cha.
Cả ngàn lần họ kêu lên ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời!’ Thế nhưng khái niệm này
đa phần vẫn còn nằm trên mặt lý thuyết trừu tượng như một công thức; cũng thế,
ý tưởng ‘Đức Ki-tô - bánh trường sinh’ vẫn chỉ là một khái niệm thần học mang
tính suy luận (speculative). Cái cảm
nghiệm thực tế rằng, với việc trao ban ‘Bánh trường sinh’, Thiên Chúa đã thực sự
đặt tôi trong sự no thỏa của tình yêu Người, rằng Người là cha nhân ái hằng
chăm sóc tới từng chi tiết đời sống con người, chăm sóc tới độ gần như thừa bứa
‘thu những miếng thừa của năm chiếc bánh
người ta ăn còn lại… cũng chất đầy được mười hai thúng’; đó chính là cảm
giác đã từng được Phao-lô diễn đạt như sau: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì
hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng ban
tất cả cho chúng ta” (Rm 8:32). Cảm giác này có lẽ còn quá xa lạ đối với phần
đa Ki-tô hữu chúng ta ngày nay; thay vì chỉ ngưỡng mộ Thiên Chúa là Cha cách
chung chung, tôi thiết nghĩ, mỗi Ki-tô hữu nên cụ thể có những giây phút nhìn
sâu vào đời sống mình để nhận ra, đàng sau mọi thành công hay may nắm lớn nhỏ,
kể cả đàng sau những thất bại ê chề hay đại họa, đều có cả một dàn xếp tinh vi
và tế nhị của một ‘Ai Đó’ đầy từ tâm và nhân ái. Đó mới chính là chiều sâu đức
tin của Ki-tô hữu chúng ta, một chiều sâu đích thị mang lại vui mừng và hy vọng,
bình an và phó thác trong mọi tình huống cuộc đời. Trọn đời người Ki-tô hữu, nếu
được đặt trên nền tảng vững chắc này, thì kể cả trong các thử thách gian truân
của cuộc sống thường ngày, sẽ luôn phải là an bình và vui tươi (xem Rm
8:38-39).
Phải
chăng đó mới đích thực là niềm tin sống động và trưởng thành mà mọi Ki-tô hữu
chúng ta cần cất công vun đắp hàng ngày, nhất là trong thế giới và xã hội hiện
đại?
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc