0
Một tuần đi theo bước chân Đức Phanxicô đến một châu lục xa lạ với những con người, biến cố, sự kiện đã để lại trong lòng tôi nhiều cảm xúc mạnh.
Để nói sự kiện nào đáng ghi nhớ nhất thì rất khó chọn nhưng các sự kiện nổi bật đã để lại trong lòng tôi xúc động mạnh, đã làm tôi rớt nước mắt là các vòng ôm của Đức Phanxicô. Không thể diễn tả hết các cảm xúc hiện trên khuôn mặt của những người đến ôm Đức Phanxicô. Một pha trộn của rất nhiều cảm xúc, vui mừng, tủi thân, thương mến, phó thác, trông cậy, ngỡ ngàng. Khuôn mặt nào cũng chân thành, như ước gì lúc này mình nói lên được tất cả tâm tình của mình cho người cha yêu quý nghe. Người cha này không còn là giáo hoàng, người cha này tượng trưng cho một cái gì thâm sâu, thân thiết nhất, hy vọng nhất để họ có thể đến gần, yêu thương, trân trọng, quý mến, nâng niu như một bảo vật. Nếu không, làm sao họ có thể tự nhiên vuốt má, ôm chặt một nhân vật ở địa vị cao ngất ngưỡng là giáo hoàng này!
Tôi cũng xúc động mạnh khi ngay ngày thứ hai 16-7, mở đầu chuyến đi đến Ecuador và sau khi kết thúc Thánh lễ ở Đền thờ Lòng Thương Xót Chúa, Guayaquil, Đức Phanxicô đã đến thăm 5 phút ngắn ngủi cha giáo Cortez 91 tuổi, 5 phút trước khi ăn trưa ở trường Javier với các bạn hữu Dòng Tên. Năm phút của lòng biết ơn, của lòng tôn kính cựu giáo sư đã dạy các chủng sinh của mình hơn 30 năm về trước. Gần như tất cả các việc Đức Phanxicô làm là do trực giác bén nhạy của ngài, còn phần việc của tôi là làm sao thấy cho ra trong trực giác bén nhạy này bài học nào dành cho mình, hành vi nào tác động đến mình. 5 phút thăm ngắn ngủi đến mức cha Cortez đã nói, “tôi là người không ai biết ở đây, sao lại có vinh dự này?” Trong 30 năm không ai biết, nhưng có một người luôn nhớ trong lòng, cách đây ba mươi năm có người đã tận tụy dạy dỗ con cái mình. con cái mình nên người một phần là nhờ “người không ai biết này.”
Rồi sau đó, khi đi vào phòng gặp Tổng thống Ecuador, Đức Phanxicô gặp các nữ tu đang đứng ở hành lang, ngài dừng lại nói chuyện 2 phút! 2 phút để trả lời cho lòng quý mến nhiệt thành của các xơ: “Bây giờ không phải là lúc ôm, chỉ bắt tay thôi!” Các con thông cảm, bây giờ cha không rãnh để ngừng lại ôm các con. 2 phút làm tôi nhớ có những trận hỏa hoạn, người lính chữa lửa đã kịp thời cứu con mèo hoặc con chó cho một em bé. Tay bồng em bé, tay ôm con mèo chạy ra khỏi đám cháy. 2 phút thôi nhưng việc chính của cha lúc này là bắt tay các con.
 Rồi thì ba ngày ở tư dinh sứ thần tòa thánh ở Ecuador, tối nào Đức Phanxicô cũng ra gặp giáo dân đứng bên ngoài dinh, họ không chịu về ngủ, biết có ngài ở đó làm sao về ngủ được! Ngài đã phải đi ra ngoài nói: “Các con về ngủ đi, đừng ở lại đây và các con ngủ ngon nhé!” Tôi không có mặt ở đó, cả thế giới còn lại cũng không có mặt ở đó nhưng nghe câu này thì tôi cũng xúc động, các con thông cảm, thân này ví xẻ làm triệu!
Ngày thứ sáu 10 tháng 7, khi nói chuyện với các tù nhân ở nhà tù Palmasola, Bôlivia, Đức Phanxicô đã tự giới thiệu: “Người đứng trước anh chị em đây là người đã được tha thứ. Người đã phạm nhiều tội và đã được cứu… Tôi không có gì để cho anh chị em hay để mang đến cho anh chị em ngoài những gì tôi có và những gì tôi yêu, đúng, và tôi muốn chia sẻ với anh chị em những điều đó: Chúa Giêsu Kitô, lòng thương xót của Chúa Cha.” Đứng trước những người đã lâm vào cảnh tù tội còn nói gì được hơn. Nhân chi sơ tính có bản thiện không hay ngược lại? Hàng ngày khắp nơi trên thế giới không thiếu những tội ác trời không dung, đất không tha, vì đâu nên nỗi? Và Đức Phanxicô đã khiêm tốn hạ mình đến cùng, cha không biết nói gì hơn, chỉ lòng thương xót vô biên của Chúa mới cứu được cha!
Rồi làm sao quên được nụ cười, ánh mắt, bàn tay khi Đức Phanxicô gặp bà Imelda Caicedo Vega 85 tuổi trong buổi gặp với các Phong trào Xã hội Dân sự ngày 7 tháng 7 ở nhà thờ Phanxicô, Ecuador. Nhìn khuôn mặt của Đức Phanxicô trong lúc này, tôi nghĩ “công tu” của ngài thâm hậu thật. Tu đến mức này là siêu hiện thực. Một thực tế chỉ ở trong tầm tay của những người thật sự tận hiến đời mình cho tha nhân. Siêu hiện thực nhưng hiện thực vì nó đang ở trước mặt tôi. Đó là tình trạng thoát tục của người ở  một cõi khác cõi ta bà này. Người trần mắt thịt như tôi, mỗi lần nhìn những người “thoát tục” thì không tránh được tâm trạng ghen, nhưng ghen cũng vô ích vì như thánh Âu Tinh đã nói, “tất cả là hồng phúc”. Ơn thì phải xin và phải cố gắng làm hết sức phần mình, chưa xin đủ lại không cố gắng hết sức mình thì chỉ là người dở hơi ưa ghen bậy.
Tôi cũng không quên được ánh mắt nụ cười của Đức Phanxicô khi ngài vừa xông hương, vừa cười trong Thánh lễ ngày 7 tháng 7 ở Công viên Hai Trăm Năm Độc Lập, Ecuador, ngài như gặp người quen và cười với họ. Ánh mắt nụ cười diễn tả tâm trạng “cha thương con lắm, cha rất vui khi gặp con ở đây, cha hài lòng về con lắm…”
Rồi ngày thứ năm 9-7, khi nghe tin hồng y Terrazas, tổng giám mục danh dự địa phận Santa Cruz bị bệnh, Đức Phanxicô đã thu xếp thì giờ để vào bệnh viện thăm 10 phút. Lúc nào cũng có những chuyện bất ngờ ngoài lịch dự trù, như ngày thứ sáu 10 tháng 7, sau khi vừa đến phi trường Asuncion, Paraguay ngài ghé thăm chớp nhoáng nhà tù phụ nữ “Buen Pastor” nơi đây các nữ tù nhân đã hát tặng ngài một bài hát. Chiều thứ bảy 11-7, cũng ngoài dự tù, ngài đến “Tổ chức Thánh Rafael Saint,” tổ chức này lo cho các bệnh nhân bị ung thư và bị sida. Tổ chức này do linh mục Aldo Trente phụ trách. Trong một lần gặp Đức Phanxicô ở một buổi tiếp kiến ở Rôma, linh mục đã mời ngài đến thăm trung tâm khi ngài có dịp đến Asuncion. Chỉ có cha mẹ nào ngày đêm canh cánh bên lòng số phận của những đứa con kém may mắn của mình mới nhớ đến chúng trong từng giây phút. Gọi là ngoài dự trù chính thức nhưng dự trù trong lòng thì đã có!
 Đến món quà tặng cây thánh giá búa liềm của Tổng thống Bôlivia làm cho Đức Phanxicô bối rối, ngài cũng có một lối thoát cao thượng, trước khi rời Bôlivia ngài đến cầu nguyện với Đức Mẹ Copacabana, thánh bổn mạng Bôlivia: “Lạy Đức Mẹ, Đấng ỏ bên cạnh lời cầu nguyện và các nhu cầu của con mình nhất là những người nghèo nhất, những người bị bỏ rơi, xin Mẹ che chở họ…” Những lời này được nói lên cho dù hậu ý của món quà như thế nào thì nó cũng hàm ý dâng lời cầu nguyện khiêm hèn này lên một mục đích cao cả nhất.
 Ngoài ra, có dịp ngài không quên đề cao vai trò anh hùng vượt bực của phụ nữ Paraguay. Nhờ đi theo ngài, tôi mới biết được câu chuyện anh hùng của họ. Từ năm 1867 đến năm 1870, nước Ba Tây, Uruguay và Argentina cùng hợp nhau lại để chống Paraguay, họ giết hơn 1.2 triệu người và khi ra về để lại nước Paraguay với tỷ lệ 1 đàn ông trên 8 phụ nữ. Ngài vinh danh họ, vì không phải vì họ học cao hơn các phụ nữ ở các quốc gia khác nhưng với tất cả các trở ngại, họ biết mang lại sự phát triển cho đất nước, cho tiếng nói và cho đức tin của mình. Sáng thứ bảy 11-7, ngài nói với hàng ngàn người ở Đền thờ Đức Mẹ Caacupé, nơi cách biên giới Argentina, quê hương của ngài 25 dặm: “Trên vai của các bà mẹ, bà vợ, bà góa, các bà đã mang một gánh nặng khủng khiếp nhưng các bà cũng như đất nước đã vượt lên số phận, đã thổi một sức hy vọng cho các thế hệ tương lai. Theo mắt người đời thì hoàn toàn tuyệt vọng nhưng họ vẫn tiếp tục tin, vẫn hy vọng ngoài mọi hy vọng.” Ngài không quên một chuyện gì!
 Nói với người trẻ ở bờ sông Costanera, Asuncion trước khi rời Paraguay về Rôma, ngài nói với quả tim vì soạn và đọc diễn văn thì chán lắm! Còn lời nói hùng hồn nào hơn với người trẻ, họ có muốn nghe diễn văn không hay họ chỉ muốn nhìn hành động!
Và các bức thư của các em dán đầy tường bên cạnh nhà nguyện San Juan Bautista, khu phố nghèo Banado Norte nơi Đức Phanxicô sẽ đến viếng thăm cho thấy tâm tư khắc khoải của các em: “Con muốn hỏi cha một câu hỏi. Vì sao các em bé sống ngoài đường đau khổ trong khi Chúa giúp đỡ và yêu thương tất cả mọi người? Con mong cha hiểu.” Câu này giống như câu của em Glyzelle Palomar, 12 tuổi ở Phi Luật Tân đã hỏi Đức Phanxicô: “Có quá nhiều trẻ em bị chính cha mẹ bỏ rơi, quá nhiều trẻ em bị biến thành nạn nhân của thuốc phiện và mại dâm và đủ thứ kinh khủng khác xảy đến. Tại sao Chúa lại để những điều này xảy ra cho các trẻ em vô tội? Và tại sao lại có quá ít người giúp đỡ chúng con?” Đức Phanxicô đã bỏ bài diễn văn soạn sẵn đến ôm em một hồi lâu.
Nhìn những vòng ôm, những ánh mặt, những nụ cười, những giọt nước mắt, tôi thấy chưa ai thành công đem địa vị cao ngất ngưỡng của mình đến gần với người dân thấp bé như vậy, vì sao ngài làm được? Giữa các câu trả lời khác nhau, tôi tìm cho mình một câu trả lời: Vì lòng mộ đạo bình dân sâu đậm của ngài đã gặp lòng mộ đạo bình dân sâu thẳm có trong lòng mỗi người. Đừng ai nghĩ mình vô thần mà tưởng mình vô thần thật. Chúng ta không có cách nào sống và suy nghĩ mà không vướng một chút đức tin nào đó. Lòng tin của người ‘vô thần’ sẽ khấn bốn phương tám hướng nếu có chuyện gì đó xảy ra đụng đến con mình!
 Trong chuyến đi Nam Mỹ này, tôi đã có một chứng từ rõ ràng cho việc “Chúa đã mặc khải cho những người bé nhất biết Chúa”. Đức Phanxicô đã cho tôi thấy lòng mộ đạo của một người lãnh đạo tôn giáo lớn nhất thế giới đã an nhiên tự tại lúc thì cầm bó hoa, lúc thì cầm cành hoa (nói sau lưng ngài, vui vẻ, hân hoan, hãnh diện, tự hào như cô dâu cầm bó hoa trong ngày cưới) đem đến dâng Đức Mẹ, không quên lúc thì sờ áo, lúc thì hôn. Chính ở điểm này mà ngài đã gần với tất cả mọi người, đã làm cho từ cấp lãnh đạo quốc gia, các chính trị gia, các kinh tế gia, các ký giả… những người rất ngại ngùng khi tỏ ra mình ngưỡng mộ ai đã không mắc cở khi trích lại lời của ngài, khi nói mình là “fan” của Đức Giáo hoàng.
Có ai không muốn ở trong vòng ôm của người này?
Marta An Nguyễn

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top