0


Yêu thương đến cùng

Tông đồ Gio-an khảng định: giờ Đức Giê-su ra đi chịu chết chính là đỉnh điểm (kairos) của đời sống Con Người (xem Ga chương 12 câu 27-34). Đó là thời điểm và cách thức mà Giê-su - Cứu Chúa có thể diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa cách trọn vẹn nhất; “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. Tình yêu đó sẽ ôm ấp mọi con người, không loại trừ bất cứ ai, trong trường hợp cụ thể lúc đó kể cả Giu-đa lẫn Phê-rô, những kẻ đang rắp tâm phản bội hoặc yếu đuối bội phản Thầy. Tình yêu Thiên Chúa bao dung và rộng mở không biên giới; nhưng vấn đề chính ở đây là liệu người ta có sẵn lòng đón nhận tình yêu đó hay không. Vấn đề này về mặt lý thuyết xem ra rất đơn giản, nhưng trên thực tế lại không dễ dàng được chấp nhận. Câu chuyện Gio-an tường thuật là một minh họa rất rõ nét: trước khi lên đường đi chịu chết Đức Giê-su đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ Người. Điều gì đã xẩy ra vào buổi chiều hôm đó cũng có thể xảy ra cho bất kỳ ai, ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời đại nào.
Trong tấn kịch này, vai diễn của Phê-rô có phần nổi trội hơn tất cả. Phản ứng của ông có thể là hoàn toàn tư riêng, nhưng chắc chắn nó cũng biểu lộ thái độ chung mà nhiều môn đệ khác cùng chia sẻ: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?... Không đời nào con chịu đâu!” Phản ứng này xem ra hoàn toàn hợp lý: làm sao người môn đệ có thể để ông thầy cúi xuống rửa chân cho mình? Nếu Đức Giê-su không nài ép, “nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được vào chung phần với Thầy”, thì có lẽ Phê-rô sẽ chẳng bao giờ chịu chấp nhận, và các môn đệ khác cũng không nốt.
Thế đấy! Tin và chấp nhận một Thiên Chúa khiêm hạ tới độ hủy mình ra như không, chỉ vì yêu thương tôi, một con người tội lỗi thấp hèn, là không dễ chút nào. Tôi dễ dàng chấp nhận một Thiên Chúa uy nghi cao cả đòi buộc tôi phải giữ phải tránh điều này điều nọ, một Thiên Chúa phán truyền mệnh lệnh, một Thiên Chúa thưởng phạt công minh…, nói chung một Thiên Chúa bề trên, kẻ cả; nhưng tôi lại thấy thật không thể chấp nhận nổi một Thiên Chúa đặt mình dưới cả tôi, cúi xuống trở nên thấp hèn hơn tôi, và sẵn sàng bị tước đoạt đi tất cả…, một Thiên Chúa kèo dưới… chỉ để yêu thương tôi. Tôi luôn có khuynh hướng tôn thờ, kính sợ Thiên Chúa, nhưng lại rất ái ngại đi sâu hơn nữa vào ‘lòng thương xót đến cùng’ của Người. Xét cho cùng thì tôi vẫn thấy ‘thái độ kính sợ Đức Chúa’ của Cựu Ước nói riêng, và của mọi tôn giáo nói chung, dễ chấp nhận hơn là tinh thần tự hủy của Tân Ước, như Đức Ki-tô Giê-su đã từng thể hiện trên thập giá. Thiết tưởng đây chính là ‘cớ vấp phạm’ lớn nhất của thập giá Đức Ki-tô mà Phao-lô đã đề cập tới, đặc biệt đối với những ai xưng mình là Ki-tô hữu (= người có đạo), là môn đệ (= linh mục tu sĩ) qua mọi thời.
Thế nhưng, đối với Đức Ki-tô, thì ‘cớ vấp phạm” ấy lại là một điều kiện tiên quyết (sine qua non), vì “nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được vào chung phần với Thầy”. Câu này là một khảng định chắc nịch chứ không chỉ là một lời mời gọi chung chung, một lời khuyên… không thi hành cũng được. Và ‘chung phần với Thầy’ chính là tham gia vào cái thứ tình yêu độc nhất vô nhị mà chỉ một mình Thiên Chúa trong Đức Ki-tô Giê-su thập giá mới có, tức là yêu thương đến cùng, là yêu tới độ hủy mình ra như không, đặt mình vào chỗ thấp nhất trong thiên hạ hầu có thể trao ban và phục vụ.
Thiết nghĩ ít ai trong chúng ta đã không vấp phạm về điều này ít là một lần trong đời. Lấy một thí dụ nhỏ, có mấy ai trong chúng ta nghĩ rằng: các việc bác ái mình làm nhiều khi thật nông cạn và chẳng Tin Mừng tí nào không? Bao lâu ta còn chưa chịu để cho Chúa ‘rửa chân’ cho, bấy lâu ta còn thi hành một thứ bác ái trịch thượng của bậc kẻ cả, phục vụ đấy mà trên thế thượng phong ban phát. Riêng với các linh mục cảm nghiệm này còn phải cụ thể và thường xuyên hơn nữa; chẳng hạn, có bao giờ linh mục ngồi vào tòa giải tội trong tư thế mình còn thấp hèn hơn cả các hối nhân tới xưng tội, hoặc tiến ra cử hành Thánh Lễ mà cảm thấy Chúa đang cúi xuống rửa chân cho mình…, hoặc khi rước mình và máu thánh Chúa mà nghiệm thấy quá bất xứng vì  được Chúa biến thành miếng ăn nuôi sống con người tội lỗi và bất toàn như mình chăng? Nhiều lần khi cho rước lễ tôi đã tận mắt chứng kiến việc Chúa đi vào các môi miệng, được trao vào các bàn tay mà đôi khi chính bản thân mình còn cảm thấy rờn rợn? Thế đấy, chính vì ‘để Thày rửa chân cho’ thường xuyên bị lãng quên mà bác ái phục vụ rất ít khi thực sự là quên mình, là cúi xuống; Thánh Lễ lúc đó sẽ nặng về tính thờ phượng kính tôn hơn là “Người yêu thương đến cùng”, ‘Alter Christus’ mang nặng nội dung chức thánh địa vị hơn là ‘mục tử tự hiến’, “vào chung phần với Thầy” được cắt nghĩa là vào hưởng vinh quang thiên quốc hơn là tham dự vào tình yêu thập giá tự hủy của Đức Ki-tô, và còn nhiều điều khác nữa…
Bài học ‘rửa chân’ thật mấu chốt và quan trọng biết bao! Thế nhưng thật đáng tiếc nó thường bị coi (kể cả bởi các chủ tế cử hành) chỉ như một biểu tượng cá biệt hơn là diễn tả hoàn hảo một mạc khải về tình yêu trao hiến phục vụ đích thực. Tệ hơn nữa nó còn bị thu hẹp thành một nghi thức phụng vụ được cử hành trong Thánh Lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh… và sau đó là kết thúc luôn, không còn được thực thi cách cụ thể trong cuộc sống đức tin của cuộc sống thường ngày.

Lạy Chúa Giê-su khiêm hạ vì yêu thương, xin cho con biết để cho chính con được Chúa rửa chân cho mỗi khi tiến ra cử hành Thánh Lễ, để con cũng được ‘chung phần’ với yêu đến cùng của Thập Giá. Vinh quang thập giá chính là vinh quang của tự hủy phải được tỏ rạng nơi mọi linh mục của Chúa, bây giờ và luôn mãi. Xin cho con, trước khi dám ‘cùng chết với Chúa’, biết khiêm tốn chấp nhận để Chúa chết và tự hủy ra như không vì con và cho con. A-men

Lm.Gioan Ty,SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top