0


Suy niệm Tin Mừng Lc 24:1-12
Phục sinh của lòng thương xót

Phục Sinh là một sự kiện vĩ đại về một con người đã bị đóng đinh vào thập tự giá tới chết, rồi được mai tang trong ngôi mộ đá, nhưng đã trỗi dậy và ra khỏi mồ: đó quả là một biến cố có một không hai trong lịch sử loài người. Sự kiện này thật uy hùng, đáng trở thành nền tảng cho niềm tin Ki-tô hữu qua mọi thời đại, ấy thế mà cả 04 sách Phúc Âm lại tường thuật nó cách quá tẻ nhạt và tầm thường. Thậm chí, nếu so sánh với việc Chúa Hiển Dung trên núi Ta-bô, tôi thấy tường thuật phục sinh thiếu đến cả các chi tiết tối thiểu: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.”(Mt 17:2) Tất cả những gì được đề cập tới trong các trình thuật phục sinh chỉ đơn giản là ngôi mộ trống và lời công bố giản dị: “Người không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi!” Đôi lúc tôi cũng cảm thấy khó chịu về điều này; và như nhiều tín hữu trong các đám rước Chúa Phục Sinh, tôi muốn bù đắp bằng một hình ảnh vinh quang hơn: hình tượng một Chúa Ki-tô uy nghiêm giơ cao cờ chiến thắng khải hoàn, ung dung bước ra khỏi mồ trong ánh sáng chói lòa, giữa các thiên thần thờ lạy và các tên lính khiếp sợ chạy trốn.
Chắc chắn Chúa Phục Sinh có khía cạnh thể lý của nó: một Giê-su đã gục chết trên thập giá, đã được hạ xuống và tẩm liệm, được mai táng trong phần mộ mới đục trong đá tới ngày thứ ba, thế mà nay được loan báo là đã sống lại. Sự kiện thể lý này là nền tảng cho việc tuyên xưng một trong các tín điều căn bản nhất của Ki-tô giáo: “Tôi tin kẻ chết sống lại”. Nhưng theo cách diễn tả của các sách Tin Mừng, khía cạnh thể lý xem ra quá là thứ yếu. Cũng như trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, các đau khổ thể lý, cho dầu có được mô tả cách sinh động tới đâu thì ý chính vẫn là nói lên tình yêu cứu độ của Thiên Chú, Phục Sinh cũng vậy, biến cố (đúng hơn là lời loan báo) Đức Giê-su ‘không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi’, cũng phải nói lên được tình yêu cứu độ trong tất cả sức mạnh vô địch của nó: tình yêu của Thiên Chúa từ nhân đã dứt khoát và vĩnh viễn chiến thắng sự chết về mọi mặt, và sẽ tình yêu đó sẽ tồn tại bất diệt. 
Theo Kinh Thánh thì: chết thể lý là một trong các hậu quả chính của tội lỗi, và là hình bóng trung thực của tội lỗi, là cái chết tệ hại nhất (St 2:17). Đức tin Công giáo dạy rằng: tất cả chúng ta đều đã chết trong tội và cần tới ơn cứu độ để hoàn lại cho ta sự sống. Qua các thời đại, con người nỗ lực dùng các nghi lễ tôn giáo khác nhau để cố gắng hoàn lại cho mình sự sống mà tội đã lấy mất. Các hình thức hoàn lương, đền tội, tu luyện và khổ chế đều có cùng một mục đích đó; tuy nhiên trong thâm tâm tất cả đều hiểu rằng: chẳng ai có quyền tha tội ngoại trừ một mình Thiên Chúa, cũng như chẳng ai có thể hoàn lại sự sống sau cái chết của tội lỗi ngoại trừ Thiên Chúa toàn năng (xem Ga 11:40-44). Ngày nay một số người (trong số đó có cả tín hữu – linh mục?) có khuynh hướng cho rằng tội không phải là chết, nó chỉ là như yếu đuối, là cơn bệnh hay khiếm khuyết nhất thời mà con người có nhiều cách để thắng vượt, nhiều cách để chữa trị…, trong đó tâm lý học được coi như liều thuốc hữu hiệu nhất. Nếu tội chỉ là một căn bệnh, cho dầu hiểm nghèo, thì tác hại của nó cũng giới hạn thôi. Đàng này, cái chết Thập Giá của Đức Giê-su khảng định ngược lại: tội không chỉ dẫn tới cái chết nhưng thực sự là chết, là chính sự chết. Cũng vậy Phục Sinh của Người khảng định: ơn cứu chuộc hoàn lại sự sống đích thực và toàn diện cho mọi người đã chết trong tội. Nói cách khác: Phục Sinh chính là chiến thắng sự chết và sống sự sống mới.
Ta cần bằng chứng Kinh Thánh ư? Thì đây, dựa vào khảng định của Đức Giê-su: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống (Ga 11:25), còn Phao-lô thì xác quyết: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô lại còn lớn lao hơn biết mấy… ” (Rm 5:17), “Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15:22). Như vậy, đối với một Thiên Chúa cứu độ, Đấng đã cho Giê-su Ki-tô sống lại từ cõi chết, thì giải thoát khỏi tội nhất thiết cần tới phục sinh, nói cách khác, nhất thiết phải có một ai đó có khả năng đem chúng ta ra khỏi cõi chết và đưa trở lại vào cõi sống. Trên Thập giá, Đức Ki-tô Giê-su đã mặc lấy cái chết tội lỗi của cả trần gian, mà chết thể lý của Người là hình ảnh cụ thể nhất, một đàng để mạc khải cho thấy Thiên Chúa yêu thương cứu độ ‘đến cùng’, đàng khác như một A-đam mới, Người cũng trọn vẹn đón lấy tình thương cứu độ của Chúa Cha để được sống: “Con phó linh hồn con trong tay Cha”. Phục sinh của Người là bằng chứng hùng hồn về sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa cứu độ vĩnh viễn chiến thắng sự chết dưới mọi hình thức, lòng nhân ái thần linh chiến thắng tội chết trong mọi chiều kích. Chính Đức Giê-su đã khảng định cách chắc nịch: “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”. ‘Sẽ’ đây là nói lên một định luật chứ không phải thì tương lai, nó là sống lại ngay bây giờ chứ không chỉ trong ngày sau hết, sống lại trong ân sủng ngay tức khắc chứ không trong ngày thế tận hay sau khi thanh luyện; cũng vậy ‘chết’ đây là chết toàn diện, thể lý cũng như chết về mặt thiêng liêng, tinh thần; “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”.
Suy nghĩ như thế làm tôi ngộ ra rằng: chỉ nhấn mạnh về một Giê-su Ki-tô phục sinh vinh quang về mặt thể lý rất có thể trở thành một lạc đề nguy hiểm. Vinh quang đích thực của Phục Sinh, đồng thời cũng là sức mạnh vô địch của Thập Giá: chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Người đã vĩnh viễn chiến thắng tội chết nơi con người: tình yêu đã chứng tỏ mạnh hơn cả cái chết, đặc biệt chết trong tội. Cho nên rõ ràng “nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6:8) trong tình yêu nhân hậu và tha thứ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh không bao giờ được tách rời nhau! Đó chính là Vượt Qua (Pasqua – Passover) của mọi Ki-tô hữu chúng ta, một mầu nhiệm sinh động vĩ đại.

Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin cho con nhận biết: tội đã làm con chết thực sự, để con nghiệm ra được sức mạnh vô địch của lòng thương xót Chúa. Kinh nghiệm về cái chết thể lý đã cho con phần nào thấy được lòng nhân từ của Chúa… nhưng đó cũng chỉ là hình ảnh mờ nhạt của một thực tế vĩ đại hơn nhiều: Đấng Cứu Độ không ngừng tiêu diệt sự chết nơi con để hoàn lại sự sống. Xin cho con không ngừng biết đón nhận ơn Phục Sinh trong suốt cuộc đời, bao lâu con vẫn còn yếu đuối sa ngã trong tội chết. Và chính trong sự kỳ diệu vĩ đại này, xin cho con (cùng với mọi tín hữu) cất cao lời ca ngợi lòng từ bi xót thương của Chúa hàng ngày và cho đến muôn đời. A-men  


God bless
Lm Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top