0


Kitô hữu là ai: là ông anh hay cậu em?

Chương 15 Phúc âm Thánh Lu-ca, một chương hoàn toàn nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, kể tới ba dụ ngôn liên hoàn; dụ ngôn thứ ba tường thuật về một nhân vật mà truyền thống quen gọi là ‘đứa con hoang đàng’, và coi anh như nhân vật chính của câu truyện. Ngày nay nhiều tác giả cho rằng: ‘người cha nhân hậu’ mới thực sự là nhân vật chính; rồi còn thêm một nhân vật thứ ba được đề cập tới, một nhân vât chỉ đóng một vai rất phụ, đó là ‘người anh tuân phục’. Khi kể câu chuyện dụ ngôn lừng danh này, ý của Đức Giê-su về các nhân vật rất rõ ràng: Người cha là Thiên Chúa nhân hậu và thứ tha, người con hoang đàng phải là những kẻ tội lỗi tiếp nhận Tin Mừng, còn người con cả ngụ ý những người Do Thái, đặc biệt các Pha-ri-sêu, đang xầm xì phản đối.
Xét theo diện luân lý thông thường thì người anh tuân phục mới là diện mạo đáng được đề cao hơn: là con trưởng trong nhà, anh ‘không khi nào dám làm trái lệnh cha, hầu hạ cha trong mọi sự’, anh thực đáng khâm phục, và… xứng đáng được thừa hưởng phần lớn gia tài của cha. Trước mặt mọi người xung quanh, anh thật đáng nể phục, đáng kính trọng và đáng nêu gương cho hậu thế noi theo; ai còn có thể đòi hỏi nơi anh điều gì hơn nữa?
Còn cậu em thì ngược lại, cậu thật đáng cho mọi người khinh bỉ: nào là bất tuân lệnh cha làm phật lòng người, chơi bời trác táng, sống mất nhân phẩm… cậu thật không đáng hưởng bất cứ phần gia tài nào của cha; và như thế cậu em này thật chẳng có gì đáng được đề cao như mẫu gương cho hậu thế. Nói trắng ra anh chàng này chẳng có giá trị gì hết, một phần tử cần bị loại bỏ khỏi cái xã hội này!
Thế nhưng khi kể câu chuyện dụ ngôn này, Đức Giê-su cho thấy: có một yếu tố mới làm đảo lộn tất cả; yếu tố đó là điểm độc đáo đặc trưng nhất của Tin Mừng, đó là cảm nhận và sống trong lòng nhân ái của Cha. Cho dầu hội đủ tất cả mọi điều kiện được coi là tốt lành nhất, ông anh vẫn còn thiếu một yếu tố có khả năng biến cuộc sống đúng khuôn phép trong gia đình trở nên hạnh phúc; còn cậu em, thì dầu đã đánh mất tất cả mọi điều được luân thường đạo lý cho là cao đẹp, nhưng may mắn đã khám phá ra được điều sẽ thực sự làm cho mối tương quan giữa anh với cha già từ đây trở nên sâu đậm thắm thiết, đó là nhận ra lòng yêu thương nhân ái của cha. Đức Giê-su hình như muốn gói ghém trong câu chuyện này một chân lý rất quan trọng mà chính Người sẽ gọi nó là Tin Mừng, là rượu mới, là vải mới; nếu ông anh là hình ảnh của nhóm Do Thái Pha-ri-sêu trung thành với Cựu Uớc, thì cậu em mới là hiện thân của Ki-tô hữu Tân Ước qua mọi thời.
Nhận ra điều này tôi mới thấy sững sờ! Hình như chính tôi, và nhiều Ki-tô hữu, đã dành quá nhiều thời giờ và sức lực để xây dựng cho mình hình ảnh một ông anh hơn là cậu em! Chúng ta đã chẳng dành quan tâm hàng đầu nhấn mạnh: phải sống trung thành với luật Chúa, phải tuân phục cặn kẽ mọi qui tắc luân lý đạo đức… để được vào Nước Thiên Chúa hay được lên thiên đàng… hơn là nhận biết và cảm tạ lòng nhân ái cứu độ của Cha trên trời hay sao? Chúng ta đã chẳng từng mong đợi được Chúa thưởng công cho sự công chính đạo đức của mình, hơn là phó thác trọn vẹn cho lòng từ bi nhân ái của Cha là gì, thậm chí đôi lúc có người còn cảm thấy ganh tị khi phát hiện: cái ‘cậu em tội lỗi’ kia sẽ được Cha nhân ái đối xử ngang bằng với mình hay còn hơn cả mình nữa trên thiên quốc. Một người đã trọn đời dâng hiến và phục vụ trong tư cách linh mục, tu sĩ, hay giáo dân lành thánh – lẽ ra trên thiên đàng phải được Thiên Chúa ưu đãi thưởng công xứng đáng hơn mới phải chứ!
Thế đấy! Vì chưa xác định được điều độc đáo đặc trưng nhất của một Ki-tô hữu (và hơn nữa của linh mục, tu sĩ), nên rất có thể ta đã đặt cuộc sống mình sai trọng tâm; tôi vẫn thường nhắc nhở giáo dân: phải trung thành giữ các lề luật của Chúa và của Hội Thánh… và dựa trên tiêu chuẩn đó mà đánh giá giáo dân mình tốt hay xấu…, vô hình chung tôi đang biến mình thành tư tế của Cựu Ước hơn là một Ki-tô của Tân Ước. Có khác chi chỉ là thay tên gọi Đức Chúa Gia-vê thành Thiên Chúa mà thôi. Câu chuyện dụ ngôn, và nhất là khi so sánh vai diễn của ông anh với cậu em, cho ta thấy hiện rõ một chân lý mà từ lâu nay nhiều người trong chúng ta đã vô tình quên khuấy đi mất: hãy sống triệt để Tin Mừng Tân Ước hơn qua việc đón nhận tình yêu tha thứ của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Thập Giá Đức Ki-tô, hơn là chỉ chăm chút vun quén một đời sống tốt lành đạo đức theo kiểu Cựu Ước. Hãy thâm tín sâu hơn nữa câu khảng định của Đức Giê-su: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9:13). Giữ luật là quan trọng, nhưng nhận biết và sống lòng thương xót từ nhân của Thiên Chúa còn cao trọng hơn nhiều!
Tóm lại: hãy trở thành cậu em hơn là chỉ cố sống như ông anh; đừng dừng lại mãi trong Cựu Ước một hãy thẳng tiến ngày càng sâu hơn vào Tân Ước của Tin Mừng!

Lạy Chúa, xin cho mùa chay thánh này không chỉ hoán cải con trong một vài chi tiết tốt xấu luân lý của cuộc sống. Xin cho con được lột xác tận căn và chuyển bước dứt khoát từ Cựu Ước qua Tân Ước. Xin cho con, nếu đang được sống trong nhà như ông anh, thì cũng có được tâm tình và cảm nghiệm sâu xa của cậu em khi đi bụi trở về. Xin cho con biết ngước nhìn lên Thập Giá Chúa Ki-tô để nhận ra Thiên Chúa không phải là người cha nghiêm nghị bắt phải tuân phục, nhưng trên hết là người cha đầy lòng nhân ái thứ tha. Xin ban cho con ơn trọng đại này, để được sống hạnh phúc trong nhà Cha đến muôn đời. A-men 
God bless
Lm Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top