0

Suy niệm Tin Mừng Ga 1:29-34  Năm A

Tôi đã không biết Người…

Về mặt họ hàng máu mủ thì Gio-an phải biết rất rõ về người em họ Giê-su của mình, thậm chí có thể ngay từ khi còn trong bụng mẹ (Lc 1:44); còn nếu xét về vai trò tiền hô giới thiệu đấng Thiên Sai cho mọi người thì hơn ai hết ông lại càng phải biết rõ người ông giới thiệu là ai. Thế mà trong đoạn Phúc âm ngắn hôm nay, đã có tới hai lần Gio-an bộc bạch: “Tôi đã không biết Người” (Ga 1:31.33). Ông còn xác minh thêm rằng: ông tới kêu gọi dân chúng sám hối và nhận lãnh phép rửa trong nước là để “Người được tỏ cho dân Ít-ra-en”, chứ không chỉ nhằm mục đích muốn họ cải thiện đời sống; tại sao vậy?
Khi giới thiệu cho dân chúng và các môn đệ mình về Thầy Giê-su – vị Thiên Sai phải đến, Gio-an đã sử dụng một điển ngữ khá phổ thông của Cựu Ước, ‘Chiên Thiên Chúa’. Đối với người Do Thái, hầu như ai cũng hiểu nó ám chỉ ‘người tôi tớ Gia-vê’, mang nội dung tự hiến và phục vụ, đấng sẽ giải thoát hay cứu chuộc dân theo hình ảnh Chiên Vượt Qua (xem Xh 12:1-14 và Mc 14:12). Điển ngữ này rất phổ thông trong thời các ngôn sứ, nhưng dần bị lu mờ vào thời điểm La Mã thống trị do các khuynh hướng chính trị. Chắc hẳn Gio-an đã muốn khơi lại truyền thống ngôn sứ, thay vì ngả theo quan điểm của giới lãnh đạo đương thời. Thế nhưng cái diện mạo Thiên Sai mà Gio-an mới phát hiện ra nơi nhân vật Giê-su thì lại chưa có gì là rõ ràng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”. Ông đã chứng kiến quang cảnh Thần Khí ngự xuống trên Giê-su sau khi lãnh phép rửa của ông, và vì đã được báo trước cho biết đó là dấu hiệu của đấng Thiên Sai, ông nhận ra Ngài. Thế nhưng bản chất thực của Thần Khí đó là gì thì ngay cả ông cũng chưa nắm bắt vững; quan niệm Cựu Ước về một thần khí như uy quyền thông trị của Đức Chúa vẫn chi phối ông cho tới giờ phút này, và ông không hề tìm thấy những nét đó nơi nhân vật Giê-su. Về điều này Gio-an sẽ còn tiếp tục khắc khoải tìm hiểu một thời gian dài: “Thầy có phải là đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:19) Trong nội dung này ông hiểu ra rằng, giữa việc hối nhân dìm mình xuống dòng sông ông thực hiện và việc thanh rửa trong Thánh Thần do Đấng Thiên Chúa tuyển chọn sẽ thực hiện có khác biệt một trời một vực. Rửa trong nước do ông thực hiện để sám hội và hướng thiện (cụ thể hơn là để giữ trọn lề luật) thì đã rõ… nhưng còn rửa trong Thánh Thần để có sức mạnh thần khí thì chưa có gì là rõ ràng. Hiểu được điều này cũng có nghĩa là tiến từ Cựu ước qua Tân ước, hiểu được Đức Ki-tô và đã nắm được mấu chốt của niềm tin Ki-tô hữu.
Đức Giê-su, khi gặp lại các đồng hương Na-da-rét đã quá quen biết nhau, đã dùng lời ngôn sứ I-sai-a để tự giới thiệu mình: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi” (Lc 4:18), tuy nhiên, diện mạo của ‘Thần Khí’ Người áp dụng cho mình lại rất khác lạ với hình ảnh ‘thần khí’ đang phổ biến. Ngôn sứ I-sai-a đã phác họa một đấng Mê-si-a không quyền lực, không khổ hạnh nhưng chuyên phục vụ; hình ảnh này đã bị các Biệt Phái luật sĩ lãng quên từ lâu. Sau này cuộc sống và lời rao giảng của Người sẽ không nặng mùi luân lý khổ hạnh, nhưng hiện rõ nét tự do trong yêu thương, khác xa đời sống và lời giảng dạy của Gio-an - vị ngôn sứ tiền hô luôn đậm nét luân lý nghiêm khắc và cương trực (xem Mt 3,1-12). Nhưng cũng chính Gio-an tiền hô đã đưa ra những lời chứng quan trọng, đó là ‘Đấng Thiên Chủa tuyển chọn’ phải là con người của Thần Khí, và phép rửa do đấng ấy thực hiện phải là phép rửa trong Thánh Thần.
Vì đã lãnh nhận bí tích rửa tội của Đức Ki-tô chứ không phải của Gio-an (xem Cv 19:1-7), Ki-tô hữu chúng ta không thể tự cho phép mình xây dựng một cuộc sống đức tin nặng về luân lý đạo đức, nhưng phải triển khai sức sống mãnh liệt của Thần Khí yêu thương và phục vụ. Luân lý đạo đức là điều tốt và cần thiết chung cho hết mọi người, có đạo hay không có đạo, nhưng nó không bộc lộ được cái sức Tin Mừng của Thần Khí. Để cho cuộc sống đức tin được phong phú, ăn ngay ở lành hoặc sống lương thiện tự bản chất là chưa đủ. Bao lâu những người sống quanh ta còn chưa nhận ra ‘Thần Khí Chúa xuống trên tôi’ như đã xuống trên Đức Ki-tô, thì họ chưa thể nhận biết Ki-tô hữu là những ‘người được Thiên Chúa tuyển chọn’. Và họ vẫn có thể nói về niềm tin Ki-tô hữu của chúng ta: ‘chúng tôi không hề biết các người’. Vì hoặc là Ki-tô hữu sống mãnh liệt Thần Khí, hoặc tôi sẽ chẳng khác chi người thường, dầu có sống ngay chính và lương thiện tới mấy đi nữa!

Lạy Chúa, trong tư cách linh mục của Đức Ki-tô Giê-su, con có bổn phận giúp cho các tín hữu sống ơn bí tích rửa tội mà họ đã lãnh nhận. Xin cho con biết nhận thức rõ rằng, họ đã được rửa trong Thánh Thần của Đức Ki-tô, chứ không phải trong nước của Gio-an. Chỉ như thế việc mục vụ của con mới không chỉ giới hạn trong việc giữ họ sống lương thiện, nhưng là nỗ lực giúp họ triển khai sức sống phong phú của Thánh Thần tình yêu, nhờ thế họ được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. A-men



Năm B
Suy niệm Tin Mừng Ga 1:35-42

Các anh tìm gì thế?

Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng, tông đồ Gio-an - tác giả cuốn Tin Mừng thứ tư đã phỏng theo Sáng Thế Ký mô tả cuộc sáng thế phân bổ trong thời gian bảy ngày để nói về cuộc gặp gỡ và khám phá con người Đức Giê-su của các môn đệ cũng trong bảy ngày (số bảy là con số hoàn hảo chăng?) (Xem các câu 1:29.35.43 và 2:1). Tuần lễ khám phá khởi đầu bằng một khảng định của Gio-an Tẩy Giả: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (1:26) tương tự như sự hỗn mang của vũ trụ lúc khởi thủy. Trong tuần lễ ấy Gio-an Tẩy Giả sẽ là người đầu tiên khám phá Đức Giê-su; sau đó đến lượt các môn đệ Gio-an, An-rê và Si-mon, Phi-lip-phê và Na-tha-na-en; ngày cuối của ‘tuần lễ khám phá’ chính là ngày tiệc cưới tại Ca-na, khi ‘Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên… và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người’ (2:11). Đúng là ngày sung mãn, ngày nghỉ ngơi của cả một công trình vĩ đại; thật vĩ đại thay việc khám phá ra dung mạo của Thiên Chúa hiện diện giữa trần gian!
Thế nhưng vì sao mà cuộc gặp gỡ và khám phá Đức Giê-su lại được coi là quan trọng như vậy; quả thật đối với các môn đệ, nhất là với môn đệ Gio-an, sau nhiều năm tháng kể cả khi bóng đã xế chiều, ông vẫn còn nhớ như in tới từng chi tiết cuộc gặp gỡ và tìm hiểu đầu tiên: ‘lúc đó vào khoảng giờ thứ mười’ của ngày thứ ba (hôm sau) (câu 35) của tuần lễ khám phá…; chính vì thế mà từng chi tiết lời thoại cũng như hành động trong cuộc gặp gỡ này, cũng đầy ý nghĩa và cần được ghi lại cách chính xác nhất.

-       Các anh tìm gì thế?
Câu nói đầu tiên của Đức Giê-su được tác giả Gio-an ghi nhận trong sách Tin Mừng của ông cũng thật kỳ lạ. Lẽ ra khi phát hiện ra hai môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đang đi theo mình, câu hỏi tự nhiên phải là, ‘các anh đang tìm ai vậy?’ Đó phải chăng chính là điều hai môn đệ đang muốn biết sau lời giới thiệu của Gio-an Tẩy Giả ‘Đây là Chiên Thiên Chúa!’; hai ông muốn biết thêm về nhân vật bí ẩn ‘đang đứng giữa các ông mà không ai hay biết’. Câu hỏi của Đức Giê-su đòi các ông: phải nhìn vào việc khám phá Con Người từ một góc độ hoàn toàn khác. Biết Đức Giê-su là ai sẽ chỉ là lý thuyết và chẳng đưa tới đâu nếu không xuất phát từ một khát vọng thâm sâu tự chính cõi lòng mỗi người; tôi tìm hiểu một người tùy theo mức độ người đó có liên quan gì đến tôi. Nhiều người (kể cả không phải là Ki-tô hữu, thậm chí không phải tín hữu…) tra cứu học hỏi Kinh Thánh và thân thế sự nghiệp Đức Giê-su, nhưng chỉ có Ki-tô hữu mới biết được Người là Đấng Cứu Độ của mình và của toàn nhân loại; phải chăng đức tin hệ tại ở việc ‘tìm kiếm’ này, hơn là ở sự ‘hiểu biết’?

-       Thưa Thầy, Thầy ở đâu? – Hãy đến mà xem – Họ đã đến, xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.
Cả câu hỏi lẫn câu trả lời, và sự việc diễn ra sau đó trong cuộc gặp gỡ đầu tiên đều không có chút gì là tri thức, là trừu tượng, là giải thích rườm rà… đơn giản chỉ xoay quanh một trải nghiệm. Thường tình thì người môn đệ phải lấy việc học tập nghiên cứu học thuyết của sư phụ là chính, phải tìm tòi hiểu biết tinh thần, đường lối trước khi chấp nhận theo thầy học đạo. Đàng này Gio-an cho biết tất cả những gì họ thỏa thuận với Giê-su chỉ là có được với nhau một chia sẻ sống, một trải nghiệm thân mật và một tiếp xúc cá nhân. Thế thì ta phải gọi điều này là gì đây, vì  hạn từ ‘môn đệ’ hay ‘đồ đệ’ (discipulus) không đủ để diễn tả nội dung này. Sau này Đức Giê-su sẽ còn triển khải rộng hơn khái niệm này bằng nhiều kiểu nói rất khác thường như: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh emAnh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta…” (Ga 15: 4-9; 17:21). Đối với Gio-an, giờ phút trở thành môn đệ không phải là lúc được nghe thầy Giê-su gọi “Các anh hãy theo tôi…” (Mc 1:17), mà chính là lúc đi vào trải nghiệm sống động này; ‘Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười’, ông ghi nhớ rất rõ!
Đối với chúng ta cũng phải như vậy thôi! Nếu chưa có, nếu không đi được vào trải nghiệm cá nhân ‘ở lại trong tình thương’, ta chưa thể coi mình là một Ki-tô hữu thực thụ, chứ đừng nói tới một linh mục hay tu sĩ. Và nếu giây phút cử hành Thánh Lễ và Rước Lễ chính là lúc trải nghiệm này được sống cách sinh động và thâm sâu nhất, thời hơn bất cứ lúc nào khác, đó cũng phải là phút giây ta được trở nên ‘người môn đệ’ đúng nghĩa nhất!
Nếu càng là một linh mục có kiến thức sâu rộng, tôi càng phải thấy những cảm nghiệm này là cần thiết, nhất là vì cử hành Thánh Lễ là công việc mà tôi được chu toàn hàng ngày.

Lạy Thiên Chúa Cứu Độ, lẽ ra con phải sẵn sàng đánh đổi mọi hiểu biết tri thức con có về Chúa để có lấy một chút trải nghiệm kết hiệp, nhưng con vẫn chưa dám làm thế. Lý do thâm sâu là tại con vẫn chưa hề dám trả lời cách trung thực và khiêm tốn câu Chúa đã hỏi: ‘các anh tìm gì thế?’ Xin cho con tới với Chúa trong ý thức ngày càng sâu hơn về thân phận yếu hèn cần tới ơn cứu độ, để chính con ‘đến và nghiệm thấy’ Chúa mới thật là thầy thuốc đầy từ tâm và nhân ái, là mục tử ra đi tìm con chiên lạc, để sẵn sàng tha thứ và xót thương. Phải chăng đó chính là điều mà con đang rất cần lúc này. A-men



Năm C
Suy niệm Tin Mừng Ga 2:1-11

Chúa đã hiển linh điều gì trong phép lạ đầu tiên tại Ca-na?

Khi tường thuật phép lạ đầu tiên tại Cana, tác giả Gio-an đã xác định, mục đích Đức Giê-su làm chính là: để “bày tỏ vinh quang của Người”. Đã từ lâu tôi thấy câu khảng định này không thuyết phục: phép lạ chẳng có gì là hoành tráng để đáng được gọi là bày tỏ vinh quang…, nó giống như một trò ảo thuật tầm thường ‘hóa nước thành rượu’; cả tới cách làm tôi thấy cũng có vẻ như lén lút bất cập, có quá ít người được chứng kiến, và hầu như chẳng gây được ấn tượng gì lớn ngay trong số các thực khách. Cả ba cuốn Phúc âm Nhất lãm cũng đâu có đề cập gì tới phép lạ mà Gio-an cho là ‘quan trọng’ bậc nhất ấy. Chính vì thế mà tôi ao ước: có được cặp mắt bén nhạy (hay khác thường) của Gioan, để chiêm ngắm cái phép lạ ‘tầm thường’ được cho là phi thường này. Gio-an là môn đệ đã từng khảng định rằng: mình ‘đã nghe… đã thấy tận mắt… đã chiêm ngưỡng… đã chạm đến’ một điều gì đó vĩ đại lắm mà ông gọi là ‘Lời sự sống’ (xem 1 Ga 1:1-4). Chắc hẳn, qua phép lạ Đức Giê-su thực hiện tại Ca-na, lần đầu tiên ông cho rằng: mình đã được tận mắt chiêm ngưỡng ‘Lời hằng sống’ đó.
Trước hết: ‘vinh quang’ như Gioan hiểu, có lẽ rất khác với quan niệm thông thường mà chúng ta có. Đối với ông nó phải rất đời thường và gần gũi…, đời thường như một bữa tiệc cưới thiếu rượu, như gia nhân đổ đầy nước vào các chum đá dùng vào việc rửa tay chân trước khi dự tiệc, như ông quản tiệc nếm thử rượu trước khi đãi khách… nhưng trong đó lại tàng ẩn một điều gì đó rất là phi thường, điều có khả năng làm đảo lộn tất cả. Gioan và các môn đệ, đương nhiên là cả Đức Maria nữa, đã nhận ra thứ ‘vinh quang’ đặc biệt đó, và các ngài đã tin.
Tôi không biết phải diễn tả cái suy tư này như thế nào đây cho dễ hiểu; chỉ xin lấy câu chuyện tranh, mà tôi cũng tình cờ xem được để minh họa:
Chuyện tranh ngắn mang tựa đề: ‘Tại Sao Vậy?’ (Why?), và được tôi tải xuống và lưu lại dưới nhan đề ‘Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta’. Chuyện tranh vẽ: (hình 1) anh chàng nọ quì gối cầu nguyện xin Chúa che chở mình, (hình 2) cầu nguyện xong anh yên tâm đứng lên ra về, (hinh 3) đang đi đột nhiên một viên đá không biết từ đâu rớt trúng đầu anh, (hình 4) anh giận dữ kêu toáng lên “tại sao vậy?”, (hình 5) ngước lại phía sau, anh thấy Đức Giê-su đang giang rộng cánh tay và lấy toàn thân che chắn anh khỏi những hòn đá lớn hơn nhiều đang lao tới, (hình 6) ngoái lại phía anh Người dịu dàng hỏi: “Con có sao không? Xin lỗi nhé, có thể ta đã để trượt mất một viên nhỏ!”.
Thế đấy, tôi thiết nghĩ cái gọi là ‘phép lạ cả thể’ nơi tiệc cưới Ca-na cũng tương tự như thế: chỉ là một tai nạn đời thường cùng với một giúp đỡ âm thầm ít đáng được ai quan tâm. Thế nhưng, những ai có cặp mắt như Ma-ri-a, như Gio-an và các môn đệ… (và phải là cặp mắt của mọi Ki-tô hữu nữa) mới có thể nhận ra rằng: đã có một tình yêu nhân ái vĩ đại đến trong trần gian, đã bắt đầu xuất hiện một Thiên Chúa đầy từ tâm can thiệp vào cuộc sống đời thường của con người. Với cặp mắt đức tin đó, họ nhận ra đây quả là một ‘phép lạ’ cả thể, một ‘sự lạ’ mà cho tới giờ phút đó chưa từng bao giời xảy ra trong lịch sử loài người. Trong đời sống thường ngày vẫn luôn tồn tại một nghịch lý: người ta trầm trồ tấm tắc trước một sự kiện nào đó hoành tráng vĩ đại, nhưng lại không mấy thấy cần tới nó: có cũng được mà không có cũng chẳng sao; trong khi đó, điều xem ra nhỏ mọn tầm thường và âm thầm như: ‘mình được một ai đó quan tâm thương mến’ chẳng hạn, thì hầu như lại không thể thiếu; nếu mất nó, ta hầu như không thiết gì sống nữa, tìm lại được nó thì như là phục hồi được cả một lẽ sống. ‘Phép lạ’ cả thể nhất mà Gio-an phát hiện ra nơi biến cố tầm thường ‘nước lã hóa thành rượu’ trong bữa tiệc cưới tại Ca-na hôm đó có lẽ chính là điều này. Ông đã thấy và ông đã tin rằng: Thiên Chúa yêu thương trần gian và đi vào cuộc sống con người…, và ông còn muốn không ngừng loan báo Tin Mừng này cho hết mọi người: “để chính anh em được hiệp thông với chúng tôi” (1 Ga 1:3). Câu chuyện ‘phép lạ’ mà chúng ta vừa được nghe Gio-an tường thuật đúng là Tin Mừng thứ thiệt đấy! Nói đúng hơn, cần mỗi Ki-tô hữu chúng ta phát hiện ra: đó chính là dấu hiệu khởi đầu của một ‘phép lạ’ cả thể hơn hết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3:16). Hiển linh hay mạc khải của tiệc cưới Ca-na có mục đích để chúng ta từ nay đặt trọn niềm tin tưởng phó thác vào một Thiên Chúa đã Giáng Sinh, đã chêt trên Thập Giá, và đã Phục Sinh để cứu chuộc chúng ta, một Thiên Chúa đầy lòng từ bi và hay thương xót như chưa từng xuất hiện bao giờ trong suốt lịch sử nhân loại trước đó; và hiển linh này có sức mạnh để bắt đầu một cuộc cách mạng làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của người tín hữu trước hết, và của toàn thể nhân loại nói chung.


Lạy Mẹ từ nhân, tại tiệc cưới Ca-na chính Mẹ đã nhận ra một khó khăn nhỏ của đời thường, nhưng cũng chính Mẹ đã can thiệp, để qua đó Đức Giê-su bộc lộ được lòng nhân ái của Thiên Chúa, và để các môn đệ tin nhận ra điều đó. Xin chỉ cho con biết nhìn vào những yếu kém đổ vỡ của cuộc sống mình mà khám phá ra sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa yêu thương. Xin cho con nhận ra ‘phép lạ vĩ đại nhất’ Chúa đang thực hiện trong đời sống con là ban cho con ơn đức tin để nhận biết và cảm tạ lòng thương xót Chúa. Xin Mẹ cũng can thiệp cho nhiều người nhận ra được‘phép lạ’ cả thể này ngay trong chính đời sống mình, và qua đó họ lớn tiếng ca ngợi lòng nhân ái từ bi Chúa đến muôn đời . A-men

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top