0
Suy niệm Tin Mừng Lc 2:1-14   

Loài người Chúa thương

    “Khi hai người đang ở đó thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa; bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong quán trọ”. Sự kiện đơn sơ như thế mà tác giả Lu-ca lại cất công ghi chép rất chi tiết niên đại như một biến cố có một không hai của lịch sử nhân loại. Cộng đoàn Ki-tô hữu thời sơ khai đã sớm nhận ra điều này: Hài Nhi mới sinh ra tại Bê-lem trong đơn nghèo lại đang làm đảo lộn cả một lịch sử bi tráng của toàn nhân loại. Sự kiện mang tính cách mạng này lại không hề là một chiến thắng vẻ vang, một cuộc lật đổ ngoạn mục mà nhiều khi chỉ mang lại lo âu và sợ hãi, cũng không phải là hoàn tất một công trình hoành tráng vĩ đại đòi nhiều đóng góp khó nhọc và lao công. Một ‘Trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ’ chính là ‘tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân’ chỉ vì nó tỏ lộ ‘vinh quang Thiên Chúa trên trời’, đồng thời cũng mang lại ‘bình an cho loài người Chúa thương dưới thế’. Có thể như thế được chăng; cái gọi là Tin Mừng vĩ đại lại có thể đơn sơ đến vậy sao?
    Thế đấy, cái đêm lễ hội phức tạp và công phu nhất trong năm (chỉ cần nhìn vào cách người ta trang hoàng đường phố cửa tiệm, dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà thờ, mua sắm quà cáp, nấu dọn yến tiệc cho ngày đại lễ) lại có một ý nghĩa, một nội dung quá ư giản dị và thuần khiết! Và để có thể khám phá ra sự đơn thuần này cần phải có được một đêm tĩnh mịch, đêm thầm lặng, đêm sâu lắng của cõi lòng (silent night). Vinh quang Thiên Chúa (Gloria Dei) không tỏ hiện trong hào quang sáng chói, không tiền hô hậu ủng trong tiếng nhạc tiếng sấm vang rền, không phô trương rầm rộ với binh hùng tướng mạnh. Vinh quang đó âm thầm xuất hiện giữa đêm đông tĩnh mịch, trong hình hài một trẻ thơ yếu ớt sinh ra trong chuồng chiên bò hôi hám… Điều đó sẽ là hoàn toàn hợp lý một khi người ta nếm cảm được cái thứ vinh quang của tình yêu thương, của lòng nhân ái; âm thầm và thinh lặng như người cha ngỗi bên giường bệnh của đứa con thoi thóp trong góc phòng của một bệnh viện vắng lạnh, hay như người vợ đứng sau chiếc xe lăn của ông chồng tật nguyền trong xó nhà quạnh hưu… Lúc đó sự thinh lặng, nghèo nàn, tăm tối…, và chỉ có như thế, mới nói lên được tất cả, nói cách hùng hồn và diễn đạt đầy đủ nội dung sâu sắc nhất của tình yêu thương vĩ đại.
    Và một khi loài người dưới thế, trong thinh lặng và sâu lắng, nhận ra rằng mình được Thiên Chúa yêu mến xót thương, được ‘đầy ân sủng và Đức Chúa ở cùng’ (Lc 1:28), họ sẽ biết đón nhận biến cố này với tâm hồn an bình, với tâm tình mừng vui, diễn tả qua lời ca ngợi tri ân. Đặc biệt Ki-tô hữu chúng ta, duy nhất giữa muôn người được nhận biết mình là phần tử của ‘loài người Chúa thương’, một loài người không chỉ gồm toàn những kẻ lương thiện tốt lành, mà bao gồm cả rất nhiều tội nhân bất hảo. Qua kinh nghiệm bản thân, các Ki-tô hữu hiểu rõ mình thuộc về thứ loài người này trong cả diện tích cực lẫn tiêu cực của nó. Và khi cử hành sự kiện Hài Nhi giáng sinh tại Bê-lem, họ nhận mình chính là người đầu tiên được tiếp lấy lòng xót thương của một Thiên Chúa từ nhân. Tâm hồn họ lúc đó được tràn ngập thứ bình an độc nhất vô nhị, như chính Đức Giê-su sẽ khảng định sau này: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… thứ bình an mà thế gian không thể ban tặng” (Ga 14:27). Đúng là “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”!
    Ma-ri-a là người nữ đã chào đón ‘hài nhi sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ’ trong thinh lặng và sâu lắng như thế. Sinh nở luôn kéo theo không biết bao nhiêu vấn đề thể lý, tinh thần, vật chất cũng như giao tế… dễ làm xáo trộn bất cứ ai, nhất là một sản phụ đặc biệt trong hoàn cảnh xa nhà, giữa muôn vàn thiếu thốn và bị xua đuổi như thế. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh đó mà tác giả Lu-ca đã ghi nhận được thái độ lạ lùng của người mẹ rất đặc biệt này: ‘Còn Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng’. Ma-ri-a đúng là Ki-tô hữu tiên khởi tiêu biểu và tuyệt vời nhất ngay từ giờ phút đầu tiên khi ‘vinh quang Thiên Chúa’ bắt đầu xuất hiện nơi dương thế.
    Là một Ki-tô hữu, hơn nữa là linh mục - tu sĩ, tôi không thể cử hành biến cố Hài Nhi giáng trần cách nào khác. Dầu có bận rộn tới mấy đi nữa (chưa bằng một phần nhỏ của Ma-ri-a đâu!), tôi vẫn phải tự nhủ: để khám phá ra và ca tụng ‘Vinh quang Chúa’, và nhận biết mình là ‘loài người Chúa thương’, tôi tuyêt đối cần phải giữ cho tâm hồn được thinh lặng và sâu lắng trong suốt thời gian cử hành lễ Giáng Sinh này.

    Lạy Hài Nhi sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ, con muốn cùng Mẹ Ma-ri-a thinh lặng chiêm ngắm tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa giáng trần. Xin cho con nhận ra tăm tối, giá lạnh và nghèo nàn… tại Bê-lem hôm đó lại chính là tiếng ca ngợi vinh quang tình yêu Thiên Chúa cách vang dội nhất. Đặc biệt xin cho con nghe thấu được lời tuyên bố long trọng về Hài Nhi giáng thế: “Thiên Chúa yêu thương loài người”; và trong số những kẻ may mắn đó có cả con nữa, trong tất cả thân phận tội lỗi và thấp hèn…, hầu con và… ‘loài người Chúa thương’ được hưởng trọn vẹn thứ bình an có khả năng mở miệng con cất lên lời ca ngợi tình thương Chúa không ngừng. A-men


Sứ điệp máng cỏ Bê-lem

    Đó là đêm Giáng Sinh năm 1223, tại làng Greccio - nửa đường từ Rô-ma về Assisi, thầy phó tế Phan-xi-cô tổ chức thánh lễ giáng sinh cho dân làng. Thầy đưa họ rời xa khỏi nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, dẫn họ đi trong đêm tối tới một hang nhỏ bên sườn đồi, trong đó có một cặp bò lừa đang nằm bên nhau nhai rơm bỏm bẻm. Người cất tiếng đọc bài Tin Mừng Giáng Sinh mà chúng ta vừa nghe, rồi cảm động lên tiếng ca ngợi Hài Nhi khiêm hạ mà người âu yếm gọi là ‘Bé Thơ Bê-lem’ đã giáng sinh trong hang bò lừa. Trước đám nông dân chất phác, người nghèo của Thiên Chúa là Phan-xi-cô giọng cứ run rẩy lắp bắp cái tên Bét-le-hem mà cứ như tiếng chiên kêu be be. Sau bài giảng, Phan-xi-cô lặng người ngó nhìn vào trong hang tối, rồi đột nhiên tiến về mô đá trống giữa hang, thành kính cúi xuống - và như hành động trong một vở kịch câm hoàn hảo - trìu mến làm cử chỉ ôm vào lòng một hài nhi vô hình trên cánh tay với đôi mắt ngấn lệ. Ngoại trừ ngài quí tộc Giovanni di Valita, không một ai nhìn thấy gì hết nhưng tất cả đều hiểu là Phan-xi-cô đang ôm ãm Chúa Hài Nhi trên cánh tay với tất cả lòng trìu mến. Kể từ đó Hội Thánh khuyến khích các nhà thờ diễn lại cảnh hang đá Greccio vào mỗi dịp lễ Giáng Sinh, hầu nhắc nhở các tín hữu tôn vinh sự thấp hèn, nghèo khó và khiêm hạ của ‘Hài Nhi Bê-lem’ như một tiền đề để tiếp nhận Tin Mừng Cứu Độ. 
    Cảnh máng cỏ đầu tiên của truyền thống hang đá Bê-lem là như thế, đã xảy ra cách đây gần tám thế kỷ. Truyền thống làm hang đá và máng cỏ kể từ đó không ngừng được duy trì và phát triển dưới nhiều hình thức sáng tạo và đổi mới cho tới ngày nay; thế nhưng mục đích và tinh thần của nó mong rằng vẫn luôn được giữ mãi như ban đầu. Ý đồ của Phan-xi-cô Át-xi-di xưa là cống hiến cho dân làng Greccio một kinh nghiệm cụ thể đụng chạm tới sự nghèo hèn của hang Bê-lem, hầu khám phá ra tình yêu cứu độ của “Trẻ Thơ được sinh ra cho chúng ta”. Tối hôm nay chúng ta cũng vừa được nghe bài Tin Mừng Lu-ca mô tả lại quang cảnh đêm Thiên Chúa giáng trần, trong đó vang lên sứ điệp Thiên Thần nhắn nhủ các mục đồng, là các chứng nhân đầu tiên của sự kiện trọng đại: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân. Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”. Hôm nay sứ điệp đó cũng được gửi tới mỗi chúng ta, từng người một! Tuy cùng đứng trước máng cỏ Chúa Hài Nhi như dân làng Greccio, nhưng tâm tình của chúng ta trong Thánh Lễ Giáng Sinh năm nay sẽ ra sao đây?
    Giữa khung cảnh Lễ No-en rực rỡ đầy mầu sắc như thế này, mấy năm trước tôi đã yêu cầu cúp điện toàn bộ khu vực nhà thờ, ngay sau khi nghe đọc bài Tin Mừng, để cộng đoàn chìm vào bóng tối. Mục đích là để mọi người dễ dàng cảm nghiệm được mầu nhiệm nhập thể khiêm hạ và khó nghèo của Hài Nhi Bê-lem hơn. Tương tự như thế, giờ đây, giữa khung cảnh lộng lẫy của đêm Giáng Sinh, tôi cũng muốn mời gọi mọi người chúng ta hãy tạm nhắm mắt lại trong giây lát, hầu tâm hồn được thanh thản; và trong sự thành thật nhất của cõi lòng, mỗi người nhận ra nhu cầu: chính mình phải mở rộng tâm hồn đớn nghèo để đón nhận Tin Mừng được loan báo: “Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”.
Trong đêm Giáng Sinh, mỗi người chúng ta cần tìm ra một giây phút rất thành thật với chính mình: có thật tôi mong chờ và vui mừng đón nhận tin vui “Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em!” không?; để được như thế, mỗi người cần thành thực chân nhận sự yếu đuối nghèo hèn của mình, về mặt vật chất cũng như tinh thần: về vật chất có thể tương đối dễ, nhưng về mặt tinh thần và thiêng liêng thì thật là thách đố và cấp bách. Nếu sứ thần Chúa đã quả quyết: ‘đây là Tin Mừng cho toàn dân’ thì không ai trong chúng ta được phép đứng ngoài cuộc; vì thực tế khách quan là hết thảy mọi người đều cần tới Đấng Cứu Độ và ơn cứu chuộc của Người. Còn về mặt chủ quan thì ‘Tin Mừng’ này vẫn có thể trở thành trọng đại cho người này hơn là cho người khác, tùy vào mức độ mỗi người chân nhận mình cần tới ơn cứu độ tới đâu! Tuy cùng ngồi bên nhau trong Thánh Lễ đêm nay nhưng sẽ có người chỉ thấy ‘tin vui’ Giáng Sinh tới từ những cái bên ngoài như đèn sao ca nhạc, có người mừng vui vì tiệc tùng, quà cáp, vui chơi…; nhưng rất mong rằng: cũng có không ít những người hòa nhập được vào tâm tình của Phan-xi-cô và dân làng Greccio, của các mục đồng trên cánh đồng Bêlem lạnh giá, và nhất là của tâm tình Maria và Giuse giữa hang bò lừa đêm xưa, trong thân phận nữ tì và tôi tớ thấp hèn, đón nhận sứ điệp Tin Mừng Giáng Sinh trong niềm vui khôn tả, vì sự ra đời của Đấng Cứu Độ, cho dầu trong hình hài một ‘Hài Nhi’ hèn yếu. 
Chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để dọn lễ Giáng Sinh cho thật hoành tráng, mong rằng tất cả sẽ không trở thành công dã tràng trong chính giờ lễ chúng ta cử hành lúc này. Tôi chân thành cầu chúc cho hết thảy mọi người, ngay trong lúc này đây, biết đi vào cõi âm u lạnh giá nhất của tâm hồn mình, để rồi từ đó mừng vui đón nhận Tin Mừng Cứu Độ cách khiêm tốn và sâu xa nhất. Mong rằng: Thánh Lễ chúng ta tiếp tục cử hành sẽ đưa chúng ta, như đã đưa các mục đồng xưa, tới gặp gỡ được Đấng Cứu Thế giáng trần nhân danh toàn thể nhân loại tội lỗi!

Lạy Hài Nhi Bê-lem hạ sinh cách nghèo hèn trong hang bò lừa, xin cho chúng con được hòa mình vào với nhóm ‘khó nghèo của Đức Chúa (anawim)’ là Mẹ Ma-ri-a, Thánh Giu-se và các mục đồng tới thờ lạy Chúa bên máng cỏ. Xin cho mỗi chúng con, trong mùa Giáng Sinh này, có thời giờ tới trước Hài Nhi trong tất cả sự nghèo hèn của mình, để nhờ đó, chúng con tham gia được vào Tin Mừng Đấng Cứu Độ đã sinh ra. A-men






LỄ RẠNG ĐÔNG



Năm A – B – C
Suy niệm Tin Mừng Lc 2:15-20

Tôi thực sự biết gì về Hài Nhi Giáng Sinh?

Đêm qua tôi đã long trọng cử hành lễ Giáng Sinh, thế nhưng tôi tự hỏi: tôi thực sự biết gì về ngày lễ trọng đại mình vừa cử hành?
- Biết nhiều lắm chứ! Tác giả Lu-ca đã tường thuật khá rành rẽ, rồi hang đá các kiểu, rồi hoạt cảnh hoành tráng mà bao lần tôi đã từng tổ chức hoặc được dự khán…, chắc chắn là tôi biết gần như thuộc lòng sự kiện Chúa Giáng Sinh rồi còn gì. Cứ cho là như thế đi! tuy nhiên, nếu có ai đó yêu cầu tôi kể lại cho họ nghe về cái ý nghĩa của đêm ấy thì tôi sẽ nói gì đây? Đặt mình vào trường hợp các mục đồng, ‘Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên’, thì liệu có ai ngạc nhiên về điều tôi sẽ kể cho họ về Hài Nhi giáng sinh hay không? Thế nhưng các mục đồng đâu chỉ kể về các điều họ đã được mục kích tại Bê-lem, vì tự nó các điều đó chẳng có gì hấp dẫn cả: ‘họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ…’ Dầu chỉ có vậy, nhưng nếu ‘Ai nấy đều ngạc nhiên’ thì là vì…: ‘họ kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này’. Dầu rất đơn sơ chất phác, nhưng các mục đồng cũng đã biết vượt qua các sự kiện bên ngoài để nhận ra điều Chúa thật sự muốn cho họ biết. “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết”. Và điều được tỏ ra đó quả là vô cùng trọng đại, vì nó liên quan tới hết thảy mọi người, tới toàn thể nhân loại: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra!” Và ‘các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa’ vì đã được diễm phúc nhận biết: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
Thế đấy, khi nói về Chúa Giáng Sinh tôi không thể không đề cập tới một Đấng Cứu Độ, một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và từ nhân, một Thiên Chúa tha thứ và cứu vớt. Việc ‘một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ’, cho dầu bên ngoài có vẻ tầm thường, nhưng lại là một dấu chỉ không thể sai lầm để nhận ra ‘cái thứ’ Thiên Chúa cứu độ đó; và dấu đó quả thực là tài tình và tỏ tường vô cùng: thương xót từ nhân phải đi đôi với đơn sơ thấp hèn, tha thứ cứu vớt phải thật gần gũi và bình dị. Tự thâm tâm, đôi lúc tôi cũng có cảm giác khó chịu về cái thấp kém và nghèo hèn của hang Bê-lem. Chẳng vậy mà, ngay tại chính máng cỏ thấp hèn xưa nơi Hài Nhi đã từng nằm tại Bét-lem, khách hành hương thỏa thuê nhìn thấy một ngôi sao bạc cẩn đá quí lấp lánh trên nền đá cẩm thạch quí giá… để làm cho nó thêm tôn nghiêm trang trọng. Nghèo hèn chỉ là gượng ép, hoặc cùng lắm là lãng mạng đối với một Đức Chúa cao sang, nhưng lại thật tự nhiên và xứng hợp đối với một Thiên Chúa đầy từ nhân và hay thương xót. Các mục đồng đơn sơ chất phác dễ dàng nhận ra điều này, trong khi các bậc quyền quí lại không, và khi‘Họ ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ’.
Tới trước hang Bê-lem ngay cả các tín hữu cũng được phân làm hai nhóm: nhóm một gồm những người chỉ muốn nhìn thấy một Thiên Chúa vinh quang, tạm ẩn dấu trong hình hài bé thơ, nhưng đòi phải được thờ lạy kính tôn cách trọng vọng như Ngài xứng đáng, còn nhóm thứ hai sẽ gồm những ai nhìn vào ‘trẻ sơ sinh… nằm trong máng cỏ’ để nhận ra lòng từ nhân vô hạn của Thiên Chúa cứu độ, và do đó sẽ mừng vui hớn hở ca tụng Người trong chính sự thấp hèn nhỏ bé của Hài Nhi: Ma-ri-a, Giu-se và các mục đồng chắc chắn thuộc nhóm thứ hai này như Lu-ca đã muốn mô tả họ như thế. Như vậy điều mà Thánh Sử Gio-an đã từng khẳng định: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà không nhận biết Người” không chỉ mang ý nghĩa luân lý của hai hạng người tốt / xấu, nhưng còn chứa đựng một nội dung Tin Mừng phong phú hơn nhiều: nhận biết hay không nhận biết lòng thương xót từ nhân của Thiên Chúa, được thể hiện nơi ‘Ngôi Lời mặc lấy xác phàm’. Vì nếu mà Người đã đến trong vinh quang huy hoàng của công lý và quyền uy thì có lẽ người ta sẽ dễ đón tiếp hơn trong suy tôn và kính sợ, đàng này người lại chọn đến trong nghèo hèn của nhân từ và tha thứ, và thế là người ta dễ coi thường, quên lãng; sau này chính Đức Giê-su đã phải thốt lên: “Con xin ngợi khen Cha, vì đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10:21). Phải, đúng như thế: những người thông thái khôn ngoan ưa nhìn xem những gì là hợp lý, và nhận ra ngay Thiên Chúa trong sự vinh quang cao cả; còn kẻ bé mọn, nhất là tội lỗi thấp hèn, mới dễ cảm nhận lòng từ ái của Thiên Chúa cứu độ. Họ là những người gần gũi và thoải mái với ‘trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ’ hơn; bởi bì:“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó!” (Mt 5:3).
Vậy thì tôi thuộc nhóm nào trong hai nhóm này đây!

Lạy Hài Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ, mỗi khi con chiêm ngắm ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm’, xin cho con có khả năng được ‘nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người,’ thứ vinh quang mà chỉ những con người bé mọn mới được mạc khải cho biết. Xin cho con biết, như Mẹ Ma-ri-a tại Bê-lem, ‘suy đi nghĩ lại trong lòng’ về tình yêu thương xót và lòng nhân ái vô biên của Thiên Chúa, qua hình ảnh ‘trẻ sơ sinh bọc trong tã nằm trong máng cỏ’, để trong mừng vui và bình an, con cũng có thể chân thành cất lên bài ca ‘Ngợi khen – Magnificat’. A-men






LỄ BAN NGÀY



Năm A – B – C
Suy niệm Tin Mừng Ga 1:1-18

Verbum Dei - Lời Thiên Chúa ở giữa chúng ta

    Lời tựa sách Tin Mừng thứ tư cho chúng ta một khảng định quan trọng: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả”. Như vậy mọi hiểu biết về Thiên Chúa trước khi Đức Giê-su xuất hiện (Cựu Ước, mọi tôn giáo khác, cũng như các suy luận triết học) đều chỉ là phỏng định; hay nói cách khác, là nhân cách hóa, có nghĩa là người ta dựa phần lớn vào tư duy con người, cho dầu có siêu việt như các triết thuyết; nắm bắt và thấu triệt Thiên Chúa cách chính xác chỉ có thể có được qua sự xuất hiện của Lời Thiên Chúa (Dei Verbum) trên trần gian. Vấn đề quan trọng ở đây là xác định được Lời đó có nội dung chính xác là gì?
    Một số khảng định liên quan tới Lời - Verbum được Gio-an nêu lên, đó là ‘Lời đã có từ lúc khởi đầu… Lời vẫn hướng về Thiên Chúa… Lời là Thiên Chúa… Lời tạo thành vạn vật… Lời là sự sống, là ánh sáng… Lời hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha’. Tất cả các điều này chỉ qui vào một điểm duy nhất: ‘Lời phản ánh, và là hình ảnh trung thực nhất của Chúa Cha’ (xem Dt 1:3; Cl 1:15). Chính Đức Giê-su sau này cũng đã không ngừng lặp đi lặp lại ý tưởng này cho các môn đệ Người, “Không phải là đã có ai thấy được Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6:46), hoặc “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, sao anh lại nói: xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” (Ga 14:9)
    Lời - Verbum đó ‘đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’ là thế! Nếu điều này là đúng thì: từ nay loài người có thể trực tiếp đọc được Lời, nói cách khác, có thể trực tiếp thấy và biết Thiên Chúa. Để làm được điều này, cách duy nhất (và tuyệt đối không còn bất kì cách nào khác) là chịu khó đọc Lời, là chiêm ngắm Lời - Giê-su từ lúc còn mang hình hài một ‘trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ’ (Lc 2:12) cho tới giờ phút cuối cùng của Thập Giá khi ‘một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra’ (Ga 19:34). Ma-ri-a là người duy nhất đã có mặt ở cả hai biến cố đó: Mẹ đã cẩn thận đọc Lời – Giê-su trong tư thế chiêm niệm thâm sâu nhất. Và rồi thì Mẹ đã hiểu ra, ‘Thiên Chúa là Đấng cứu độ… hằng thương xót…nâng cao kẻ khiêm nhường… ban cho kẻ khó nghèo đầy dư…’ (Lc 1:47-55). Người môn đệ Gio-an cũng đã theo sát, gần gũi với Thầy Giê-su nên đã có thể đọc được Lời: ‘Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe… đã thấy tận mắt… đã chiêm ngưỡng… tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống’ (1 Ga 1:1), và ông đã lên tiếng làm chứng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1 Ga 4:8) và ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…’ (Ga, 3:16); đồng thời quả quyết: “Lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật…” (Ga 19:35).
    Chỉ những ai chân thành đọc Lời, chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su với tâm hồn sâu lắng nhất mới có cơ hội nhận biết Thiên Chúa cách đích thực; bằng không ý niệm họ có về Người sẽ mãi mãi là mơ hồ và méo mó. Thực tế cho thấy rất nhiều người vẫn tự cho là mình biết rõ, biết sâu về Thiên Chúa (các tư tế, Biệt Phái và luật sĩ thời Đức Giê-su ngày xưa, và cũng có thể là các triết - thần học gia ngày nay), thậm chí họ còn mở miệng giảng dạy người khác rằng Thiên Chúa là thế này thế nọ, nhưng lại không cất công đọc Lời - Giê-su, không dành thời giờ chiêm ngắm, gần gũi và kết hiệp với Lời – Giê-su. Những người như thế thì làm sao có thể vỗ ngực cho là mình hiểu biết về Thiên Chúa được; phải chăng chính họ là các tiên tri giả, mà Đức Giê-su đã đề cập tới (xem Mt 7:15-20)! Chẳ trách gì: Thiên Chúa tình yêu đã tạo thành thế gian, nhưng khi Lời tình yêu đến ‘thế gian lại không nhận biết Người’. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh tình yêu của Người, nhưng khi Lời tình yêu ‘đến nhà mình, thì người nhà lại chẳng chịu đón nhận’; họ đã quá quen với cách suy luận của tri thức rồi, thì làm sao nhận ra Lời yêu thương và cứu độ? 
    Tôi vẫn được nhắc nhở phải chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh, thế nhưng tôi trộm nghĩ, còn hơn cả mầu nhiệm Giáng Sinh như một biến cố, tôi cần chiêm ngưỡng Giê-su như một ‘người phàm và đang cư ngụ giữa chúng ta’ với mục đích để biết rõ hơn về Thiên Chúa từ bi nhân ái. Tôi cần biết: Giáng Sinh chỉ là khởi điểm để tôi chuyển động từ một hiểu biết Thiên Chúa vinh quang qua suy luận triết thần, tới Thiên Chúa từ nhân cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô. Giáng Sinh phải bắt đầu nơi tôi một thứ linh đạo chiêm ngắm, đào sâu và kết hiệp với Lời - Giê-su để, như Ma-ri-a, tôi đặt niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa, Đấng cứu độ và giầu lòng xót thương!

    Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết thinh lặng quì bên máng cỏ và chiêm ngắm Hài Nhi giáng trần; cũng xin giúp con biết ngước nhìn lên Giê-su chết trên thập giá để nhận ra một Thiên Chúa cứu độ đầy từ tâm. Qua việc lần hạt con muốn được cùng Mẹ ghi nhớ mọi điều trong cuộc đời Giê-su và suy niệm trong lòng, hầu biến trọn niềm tin Ki-tô hữu thành một khám phá và minh chứng cho mọi người về ‘Thiên Chúa - đấng cứu độ… hằng xót thương’. Kể từ lễ Giáng Sinh này, xin Mẹ đưa tay dẫn dắt con tiến bước trên con đường chiêm niệm và sâu lắng, mà Mẹ đã từng bước đi. A-men

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top