0
Suy niệm Tin Mừng Mt 2:13-15, 19-23

Thánh Gia, gia đình di dân

Qua bài Tin Mừng được chọn cho ngày lễ Thánh Gia năm A, người ta không tìm thấy bất cứ một nét truyền thống nào về một gia đình Na-da-rét mẫu mực: Giu-se, Ma-ri-a và Giê-su sống đầm ấm, an hòa, đầy ắp tình Chúa tình người, trên thuận dưới hòa, êm đềm an vui… Thật không may: thông thường người ta vẫn luôn muốn nhìn thấy nơi Thánh Gia như một gia đình chuẩn mực, lý tưởng : một gia đình mà mọi người hằng mơ ước. Thế nên, khi giới thiệu một Thánh Gia trên bước đường lưu lạc, một Thánh Gia di dân (exul familia), người ta có khuynh hướng coi đó chỉ là biến cố giật gân, một trường hợp cá biệt, một tai nạn bất ngờ, một gợn sóng nhỏ trên mặt hồ phẳng lặng. Tuy nhiên, như tất cả chúng ta đều biết: Con Thiên Chúa xuống thế làm người không hề mong vẽ lên một thế giới lý tưởng, một địa giới thần tiên như trong các câu chuyện cổ tích! Mầu nhiệm nhập thể có nội dung chính yếu là mở ra cho Thiên Chúa tham gia cách trọn vẹn vào cuộc sống con người, với tất cả phũ phàng và cay độc của nó. Mục đích đã được xác định qua cái tên các ngôn sứ đặt cho Người: ‘Emmanuel’, có nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Ngôi Lời đến cắm lều giữa chúng ta. Và nếu kiếp sống thực tế của con người đa phần là ba chìm bẩy nổi, là kiếp phù sinh… thì kiếp sống của Ngôi Hai nhập thể cũng không thể khác thế được!
Nếu theo dõi lời các MC dẫn chương trình trong các buổi tiệc cưới, người ta dễ dàng hình dung ra một gia đình tuyệt vời mà ai cũng phải mơ ước… Thế những không ít khách dự tiệc sẽ nhếch mép cười, vì do kinh nghiệm bản thân, họ thừa hiểu rằng các lời chúc tụng kia chỉ là nghi lễ, đơn giản là vì: các lời chúc tụng đó khó mà đạt được! Thánh Gia đâu phải chỉ là một bức tranh đẹp treo tường! Các sách Tin Mừng không hề muốn đánh lừa chúng ta về thực tế rất nhân loại của gia đình thánh ấy: ngay trong giai đoạn gầy dựng, cặp vợ chồng này đã trải qua những ngờ vực, lo âu, những áp lực bên trong lẫn bên ngoài; trong cuộc sống hàng ngày thì nghèo nàn với nhiều khó khăn chồng chất, như bị xua đuổi tại Bê-lem (xem Lc 2:7), bị kẹt giữa các tranh chấp chính trị quyền lực như Hê-rô-đê truy sát (xem Mt 2:16), và không ít lần bị hiểu lầm như khi trẻ Giê-su bị thất lạc trong đền thờ (xem Lc 2:48). Thế nhưng trải qua mọi cảnh huống, mọi người trong gia đình này đã bộc lộ được một điều duy nhất, đó là luôn tín thác vào Thiên Chúa nhân ái đang từng bước thực hiện chương trình cứu độ của Người. Thánh Gia là như thế, bất cứ gia đình thánh nào cũng phải là như thế: không hoàn hảo về mọi phương diện, nhưng là một gia đình luôn tin và tín thác tuyệt đối vào Đức Chúa Cứu Độ.
Riêng về biến cố trốn chạy qua Ai-cập, tác giả Mát-thêu chỉ đơn giản muốn các độc giả của mình nhận ra: nơi cuộc đời Giê-su gói trọn lịch sử của cả một dân tộc Do Thái, nhưng tại sao phải là như thế, thì ông không hề có ý định giải thích. Dân Do Thái di cư qua đất Ai-cập lánh nạn đói thì Thánh Gia cũng di dân tới vùng dân ngoại để trốn lánh… Điều này thật sự có ý nghĩa gì đối với niềm tin đặt nơi Đức Chúa Gia-vê hay nơi Thiên Chúa cứu độ?
Tự nó di cư hay di dân luôn là một thách thức đối với bất cứ xã hội hay gia đình nào, xét theo mọi mặt của cuộc sống nhân loại. Bất cứ ai cũng dễ dàng hình dung được các khó khăn, thử thách mà một gia đình bình dân chất phác đột nhiên phải trốn chạy tới một vùng đất lạ phải hứng chịu: về ngôn ngữ, phong tục, nơi ăn chốn ở, về kẻ thân người thích - một dạng nghèo hèn, và bị bỏ rơi tới độ cùng cực. Chính trong các tình huống bi đát ấy (kiếp tôi mọi trên đất Ai-cập, hay cuộc lưu đầy tới Ba-bi-lon) mà dân Do Thái học biết phải đặt niềm tin tuyệt đối nơi Đức Chúa. Vì vậy mà: cũng chính trong hoàn cảnh éo le này (chạy trốn qua Ai-cập) mà Thánh Gia học biết và nếm cảm cụ thể thế nào là đón nhận một ‘Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn…đã viếng thăm cứu chuộc dân Người’ (Lc 1:68). Di dân hay di cư hay di tản… đã và sẽ còn là số phận của một đại bộ phận nhân loại, hoàn cảnh này không chỉ tác động sâu sắc trên đời sống các nạn nhân, mà còn trên cả tập thể xã hội, đặc biệt trên đời sống gia đình. Thánh Gia cho thấy, còn rõ hơn cả trong các biến cố của lịch sử dân Do Thái, rằng: di dân - di cư chính là dịp để biểu lộ cách sâu sắc hơn niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa quan phòng yêu thương; và đón nhận lòng nhân ái Chúa trở thành một điều gì thật cụ thể và thiết thân trong cuộc sống đời thường.
Exul Familia (Thánh Gia Di Dân) do đó đã trở thành mẫu gương thật gần gũi và đỡ nâng đối với mọi gia đình và con người.

Con thờ lạy Thánh Gia Thất - biểu tượng rõ nét nhất về mầu nhiệm Nhập Thể! Con cảm tạ Thánh Gia di dân vì đã chỉ dẫn cụ thể cho phần đa nhận loại chúng con hiểu, thế nào là sống con đường Tin Mừng tín thác vào lòng Chúa từ nhân. Xin Thánh Gia đặc biệt củng cố niềm tin của anh chị em di dân, rất đông đảo trong thế giới hôm nay, để họ được luôn vững tâm tín thác vào Thiên Chúa nhân ái và quan phòng. A-men

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top