0


Lời ngỏ:
Khi được nguyệt san Bài Giảng Chúa Nhật gợi ý viết bài suy niệm Tin Mừng cho ba ngày Tết Nguyên Đán thú thật tôi cảm thấy rất lúng túng! Lý do là vì ngay các Lời Chúa được ‘Lịch Công Giáo’ đề nghị cho những ngày này, theo tôi là quá mung lung. Thiết tưởng, để có thể lắng nghe và suy niệm Lời Chúa trong dịp Tết Nguyên Đán ta cần đi sâu vào truyền thống văn hóa dân tộc ngoài việc sử dụng vốn liếng Kinh Thánh, thần học và tu đức thông thường. Theo tôi, việc dìm mình sâu vào bầu khí linh thiêng của Hồn Việt để hít thở cái tinh hoa hội tụ trong những ngày đầu năm rất linh thiêng này là cần thiết. Tuy nhiên về lãnh vực văn hóa dân tộc, thú thật, tôi chưa có được một sự chuẩn bị bài bản thích đáng nào; thiếu xót này tôi chia xẻ với toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, vì cho tới nay ít có người Công Giáo Việt Nam nào cất công nghiên cứu lãnh vực này cho thấu đáo, cũng như chưa được Hội Đồng Các Giám Mục Việt Nam quan tâm tới đủ. Dầu vậy trong tâm tình mộc mạc của một người Việt Nam Công Giáo, tôi vẫn cử thử dành chút thời gian để lắng nghe xem, Lời Chúa muốn nói gì với mình trong những ngày đầu xuân này. Chính vì thế, kính xin quí cha và quí vị vui lòng đón nhận việc chia sẻ Suy Niệm Lời Chúa này đơn thuần chỉ như một vài gợi ý mang tính chủ quan riêng tư. Mong rằng: tôi sẽ nhận được nhiều đóng góp chia sẻ khác, để góp phần làm cho mảng mục vụ phụng vụ dân tộc được thêm khởi sắc và phong phú hơn trong tương lai.
 Chân thành cám ơn quí vị!

Nhập đề:

‘Tết’ là do chữ ‘Tiết’ () mà thành; ‘Tiết’ có thể được hiểu như khí trời, như sự chuyển vận của trời đất vũ trụ, như thời tiết tuần hoàn. ‘Nguyên Đán’ có gốc chữ Hán (), ‘nguyên’ có nghĩa là ‘khởi đầu’ hay sơ khai, và ‘đán’ có nghĩa là buổi sáng sớm (xem Wikipedia: Tết Nguyên Đán, nguồn gốc và ý nghĩa nhân văn). Mọi người Á Đông nói chung, và người Việt chúng ta nói riêng, đều mong muốn những ngày đầu năm mới phải làm một cuộc trở về với những nguyên lý căn bản nhất của trời đất vạn vật thuở ban đầu. Mà nguyên lý nền tảng và căn bản nhất của càn khôn được xác định là sự hòa hợp tuyệt diệu (harmony) giữa các nhân tố chủ chốt: mỗi con người chúng ta với Thiên, với Địa và với Nhân. Ca dao Việt Nam đã cụ thể hóa mối tương quan này cách rất mộc mạc nhưng sâu sắc:
Mồng một tết Cha
Mồng hai tết Mẹ
Mồng ba tết Thầy
Trong đó: Cha là tượng trưng cho Trời – Thiên (Ki-tô hữu chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh Thiên Chúa là Cha), Mẹ tượng trưng cho Đất - Địa (đất mẹ) nuôi dưỡng, Thầy tượng trưng cho mọi mối tương quan xã hội ràng buộc giữa người với người - Nhân (nhất tự vi sư). Như thế có nghĩa là: ba ngày đầu năm chính là dịp quan trọng để mỗi người chúng ta và toàn xã hội tái lập lại các mối giao hòa nguyên thủy. Tết Nguyên Đán chính là: những ngày của Thiên - Địa - Nhân giao hòa vậy.

God bless
Lm Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top