Chia sẻ Tin Mừng CN Tuần XXVII Năm B
St 2: 18-24; Dt 2:9-11; Mc 10:2-16
Lm Phaolô Nguyễn Văn Quý, OP
Đoạn
Tin Mừng chúng ta vừa nghe được tiếp nối Tin Mừng Mc 9:42-50. Đoạn Tin
Mừng này răn dạy mọi người đừng làm cớ cho người khác và cho mình vấp
ngã. Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn sa ngã, thì thà buộc cối đá
mà ném xuống biển còn hơn. Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc với câu
chuyện: Nước thiên Chúa là của những ai giống như trẻ em, cần nên như
trẻ em mới vào được Nước Trời.
Nếu
kết hợp hai mẩu chuyện này lại, ta sẽ thấy rằng cuộc sống không còn
phải chỉ sống cho riêng mình mà còn khích lệ và làm chứng đức tin cho
người khác vững tin nữa. Đời sống đức tin không chỉ mang tính cá nhân,
nhưng còn mang tính cộng đoàn, hay nói cách khác đi là cộng đoàn sống
đức tin. Đời sống đức tin ấy cần mang tâm tình của một tâm hồn trẻ thơ,
nghĩa là biết tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa như trẻ em tin tưởng và
phó thác cuộc đời vào cha mẹ chúng vậy.
Đời
sống đức tin cần mang tính triệt để. Chính Chúa Giêsu dạy rằng, nếu tay
làm cớ cho ta vấp ngã, thì thà chặt tay còn hơn; nếu mắt làm cớ cho ta
vấp ngã, thì thà móc mắt còn hơn (X. Mc 9: 43-47).
Trong
bối cảnh Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, tính triệt để của người có đức
tin, được thể hiện một cách cụ thể trong đời sống hôn nhân gia đình.
Nhân
cơ hội trả lời cho câu hỏi của người Pharisiêu, có được li dị hay
không? Chúa Giêsu đã nhắc lại giới luật hôn nhân căn bản là, vợ chồng
phải sống trọn đời chung thủy với nhau. Đây là luật lệ mà Thiên Chúa đã
thiết định từ lúc khởi đầu công trình tạo dựng. Đức Giêsu đã nhắc lại
Điều luật của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;
vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ
thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là
một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không
được phân ly” (Mc 10:6-9). Điều luật này đã được ghi trong sách Sáng Thế
Ký, chương hai, là bài đọc thứ nhất của Chúa nhật tuần này.
Như vậy điều luật hôn nhân Thiên Chúa ban thật rõ ràng là, một vợ một chồng và sống đời ở kiếp với nhau.
Bởi
vậy, hôn nhân công giáo sẽ là một nam một nữ, hai người yêu nhau lập
nên giao ước thành vợ thành chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh. Họ sống
yêu thương và chung thủy với nhau suốt đời. Hôn nhân Công Giáo sẽ không
bao giờ là hôn nhân đồng tính, hay ly dị. Không ai có quyền tháo gỡ dây
hôn phối, vì là luật của Chúa.
Tình
yêu gắn kết, thủy chung muôn thủa của vợ chồng là dấu chỉ biểu hiện
giao ước Thiên Chúa đã thiết lập với dân của Người. Thiên Chúa là Chúa
của họ, yêu thương và bảo vệ họ. Còn họ sẽ tôn thờ duy nhất một mình
Ngài (X. Gr 31:32; Br 2:35; St 17:7; Hs 1-3). Thiên Chúa không chấp nhận
sự ly dị, bởi nó phá vỡ đi điều luật Ngài đã làm nên. Ngài ghét bỏ sự
chia cắt và không đoái nhìn lễ phẩm của người ly hôn dâng tiến. Sách
Malaki mô tả thật chi tiết về vấn đề này, “Còn đây là điều thứ hai các
ngươi phải làm là đổ đầy nước mắt lên bàn thờ Đức Chúa, vừa khóc lóc vừa
rên xiết, vì Người không còn đoái nhìn lễ vật, cũng không đoái nhận của
lễ tay các ngươi hiến dâng nữa. Các ngươi nói: tại sao vậy? Bởi vì Đức
Chúa là chứng nhân giữa ngươi và người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi
thanh xuân. Chính ngươi đã phản bội nó, mặc dầu nó là bạn đường và là
người vợ kết ước với ngươi. Người đã chẳng làm nên một hữu thể duy nhất
có xác thịt và thần khí đó sao? Vậy hữu thể duy nhất này tìm cái gì? Một
dòng dõi của Thiên Chúa. Các ngươi hãy coi chừng và chớ phản bội người
đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. Quả thật Ta ghét việc rẫy
vợ, - Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen phán-, và kẻ lấy thói bạo tàn làm
áo che thân, - Đức Chúa các đạo binh phán. Hãy coi chừng và chớ phản
bội” (Ml 2:13-16).
Tình
yêu của đôi vợ chồng, không những biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa đối
với dân Người, nhưng còn là dấu chỉ cho sự biểu hiện tình yêu của Chúa
Giêsu và Hội Thánh, “Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức
Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; … Cũng thế, chồng
phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả
vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại, người ta nuôi nấng và
chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội
Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách thánh có
lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với
vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương thịt. Mầu nhiệm này thật là cao
cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em
hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (Ep
5,28.21-33).
Như
vậy đã là quá rõ cho tình yêu hôn nhân. Một tình yêu quả là quá đẹp và
thánh thiêng. Tình yêu vợ chồng phải sống và qui hướng về bản chất của
nó, Một tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, một tình yêu hy hiến và
chung thủy như Đức Kitô và Hội Thánh của Người. Tình yêu của vợ và chồng
là tình yêu trọn đời thủy chung, không phải tình yêu chỉ gắn kết khi
thuận lợi và rời bỏ khi khó khăn. Không phải thứ tình yêu chỉ gắn bó khi
vui và chia lìa khi buồn khổ.
Trong
thực tế cuộc sống hôn nhân gia đình gặp muôn vàn khó khăn, từ tính cách
ứng xử của mỗi người, đến điều kiện làm ăn kinh tế, nghề nghiệp...
Những khó khăn, khốn khổ này dường như làm cho cặp vợ chồng nhiều khi
không vượt qua được, không biết cách giải quyết và gia đình đã đi đến
chỗ chia lìa, tan vỡ, để lại bao nỗi dằn vặt và nỗi khổ cho chính vợ
chồng cũng như con cái và cả những xáo trộn và những gánh nặng cho xã
hội.
Nơi
đâu là cột trụ bám chắc cho đời sống vợ chồng khi phải sống trong những
thử thách và đầy cám dỗ của xã hội thực dụng và hưởng thụ ngày nay? Làm
sao họ có thể vượt qua những cám dỗ và những thử thách đó? Để giải
quyết cho những vấn đề này phải nói rằng, ngoài sự trưởng thành nhân bản
cần có, hay nhưng cách ứng xử tế nhị, tâm lý…, thì một điều hết sức
quan trọng không thể thiếu của đời sống hôn nhân là bám chắc vào Chúa
Giêsu. Vợ chồng hãy học lấy gương hy hiến của Ngài (đây cũng là một
trong những điều mà cần cử hành Bí Tích Hôn Nhân trong thánh lễ). Bởi
bản chất hôn nhân của đôi vợ chồng đã được múc lấy từ tình yêu hy hiến
này, nên đời sống hôn nhân của vợ chồng muốn có được hạnh phúc thật và
hạnh phúc lâu bền phải múc lấy từ tình yêu hy hiến của Chúa Giêsu. Thiên
Chúa quyền năng, Ngài sẽ làm cho chúng ta, tuy những con người còn
khiếm khuyết nhưng biết trông cậy vào Thiên Chúa, sẽ trở nên hoàn hảo
hơn như ý tưởng của thư Do thái, trong bài đọc hai đã viết, “Quả thế,
Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của mỗi loài, chính vì muốn đưa
muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Ngài đã làm một việc thích đáng, là
cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn
đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2:10).
Đời
sống hôn nhân ổn định, sẽ đem lại hại phúc cho chính đôi vợ chồng. Con
cái cũng được thừa hưởng những điều phúc lành từ cuộc hôn nhân tốt đẹp
của cha mẹ họ. Hạnh phúc của gia đình đem lại trật tự, ổn định và phồn
thịnh cho xã hội. Với người Kitô Hữu, đời sống hôn nhân tốt đẹp của đôi
vợ chồng không chỉ nhằm đạt những mục đích này, nhưng hơn thế là một dấu
chỉ, biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, tình yêu hy
hiến của Đức Giêsu và Hội Thánh. Là người Công Giáo, chúng ta cần sống
phù hợp với bản tính mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Hầu qua đời sống
chứng tá tốt đẹp của mình, người đời có thể nhận ra mà ca tụng Thiên
Chúa (X. Mt 5:16; 1Pr 2:12).
Mong
sao đời sống hôn nhân của chúng ta không là cớ vấp phạm cho kẻ khác, để
rồi nhận lấy lời nguyền rủa nặng nề từ hậu quả của tấm gương mù tối (X.
Mc 10:42). Amen.
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Quý, OP.