0


Suy niệm Tin Mừng Ga 4:5-42

Nước không bao giờ khát nữa

Chủ đề của cuộc trao đổi bên bờ giếng giữa Đức Giê-su và người nữ Sa-ma-ri hiển nhiên liên quan tới ‘Nước Hằng Sống’, thứ nước mà Người hứa sẽ ban cho mọi tín hữu thông qua Tin Mừng Người rao giảng. Thế nhưng bản chất của thứ nước đó là gì thì vẫn chưa rõ ràng lắm; nước đó là thứ gì mà, “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”? Cụ thể hơn nữa sẽ là câu hỏi: cơn khát mà nước đó vĩnh viễn giải được là cơn khát gì? Nắm được hay trả lời được vấn nạn trên tức là hiểu được sứ mạng đích thực của Đức Giê-su và lý do tại sao ta lại đặt trọn niềm tin đời ta vào Người. Và để tìm ra câu trả lời thỏa đáng, có lẽ ta nên nhìn sâu hơn vào người phụ nữ Sa-ma-ri đang tiến tới bờ giếng Gia-cóp để kín nước, vì bà là đối tượng trực tiếp lúc đó của lời mời gọi: hãy kín lấy ‘nước hằng sống’. Cụ thể hơn nữa, ta tự hỏi, trong thâm tâm chị ta đang khát khao điều gì nhất, điều gì có thể khiến chị đi tới xác quyết: ông Giê-su này chính là đấng Ki-tô mà tôi hằng mong đợi?
Câu hỏi là, đối với một phụ nữ ‘đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị’ thì điều gì chị ta thực sự khao khát nhất? Một đời sống luân lý hoàn hảo chăng - không dám đâu! vì trong hoàn cảnh cụ thể của chị, điều này đơn giản là bất khả thi; vả lại xem ra Đức Giê-su cũng không đòi hỏi hoặc quở trách gì chị về điều đó - Người không có lấy một lời đòi chị phải rời bỏ ông chồng hờ. Ngoài tình dục là điều rất tự nhiên của đời sống vợ chồng, người phụ nữ này rất có thể, sau bao nỗi đắng cay ngay trong đời chung sống, đang ủ ấp trong lòng niềm khao khát có được một tình yêu đầy cảm thông và được chấp nhận, điều mà chị chưa từng tìm được nơi một ai, kể cả năm ông chồng trước, cũng như nơi người đàn ông chị hiện đang chung sống với; chị khao khát được thương cảm bao dung, được thứ tha trọn vẹn! Cuộc đối thoại tiếp sau đó cho thấy: hình như dung mạo Thiên Chúa mà chị đang âm thầm tìm kiếm và mong đợi cũng liên quan tới cái khát vọng này. Dầu không phải là nhà thần học để tranh luận vấn đề, phải thờ phượng Thiên Chúa ở nơi nào cho thích hợp nhất; nhưng chị đã thật sự vui mừng khi nghe người lữ hành ngồi bên bờ giếng công bố: “giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”; một kiểu thờ phượng sẽ đáp ứng trọn vẹn niềm khát vọng ẩn chứa bên trong. Về diện mạo đấng Mê-si-a phải đến cũng tương tự như thế: khác với quan niệm về một đấng Ki-tô thống trị và quyền lực mà giới lãnh đạo vẫn thường quảng bá, chị chỉ mong vị đó “khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”, nhất là khi các điều đó đáp ứng được khát vọng thầm kín nhất của tâm hồn mình. Và một khi phát hiện ra con người mà lòng hằng mong đợi: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây!”, người phụ nữ Sa-ma-ri vội “để lại vò nước, chạy vào thành và nói với người ta; “Đến mà xem; có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là đấng Ki-tô sao?
Thế rồi dân thành Xy-kha nghe người phụ nữ loan báo, đã đến gặp và mời Đức Giê-su lưu lại với họ… ‘và Người ở lại với họ hai ngày’. Trong thời gian đó, chắc chắn mỗi người trong số họ cũng đã, bằng kinh nghiệm của bản thân, khám phá ra rằng: ông Do Thái Giê-su này đúng là người có thể ban cho ‘nước hằng sống’ để rồi mỗi người trong họ đều có thể tự quả quyết: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”. Đối với những con người chất phác, mang trong mình những mảnh đời riêng tư khác nhau (mà người phụ nữ với sáu đời chồng chỉ là một điển hình…), thì khát vọng sâu xa nhất sẽ không là gì khác hơn một sự cảm thông sâu sắc và một lòng thương xót vô bờ. Họ đã khám phá ra rằng: ông Giê-su tới từ Na-da-rét đây đúng là người đáp ứng được khát vọng mãnh liệt thầm kín nhất ấy cho riêng mình. Và họ sẵn sàng tin theo ông, cho dầu ông có là người xa lạ, là cừu địch của họ về mặt xã hội chính trị. Họ đã khảng định niềm tin đó một cách thật rõ ràng và chân chất nhất: “Người thật là Đấng Cứu Độ!” Đó là một lời tuyên xưng biểu lộ thái độ hoàn toàn mãn nguyện, tương tự như khi tìm được nguồn nước mát của bao dung và thứ tha giữa cơn khát khô họng trong sa mạc nóng cháy da của cuộc đời. Đúng thực, Người là ‘nước hằng sống’ không phải trên lý thuyết, mà là cho những mảnh đời rất tư riêng!
Nếu quả đúng là như thế thì nội dung ‘nước hằng sống’ sẽ không còn nằm trong suy tư thần học này nọ, mà đã trở thành một vấn đề hết sức thiết thực và cá nhân. Mùa Chay được Hội Thánh dành cho tôi, chính là thời gian để tôi xác định được cơn khát của riêng mình (vì thế mà cần sám hối), hầu cho phép tôi tiến sâu hơn vào một tuyên xưng đầy xác tín và chân thành: Giê-su Ki-tô quả là Đấng đã, đang và sẽ tiếp tục mãi ban cho tôi thứ ‘Nước Hằng Sống’ tôi rất cần, là Đấng duy nhất giải được cơn khát khô họng của cõi lòng tôi. Người quả là ‘Đấng cứu độ’ của tôi và cho tôi!

Lạy Chúa, con cũng có một mảng đời riêng tư với những khát vọng cháy bỏng. Vào lúc đời xế bóng này, khát vọng lớn nhất con có chính là được cảm thông, thứ tha và xót thương; vì cũng như mọi kiếp người, cuộc sống con không tránh khỏi những khiếm khuyết, thiếu sót và tội lỗi. Nhưng như người đàn bà Sa-ma-ri bên bờ giếng, làm sao chính con có thể xác tín cho riêng mình rằng: chỉ có ‘nước hằng sống’, tức là lòng từ ái hải hà vô tận của Chúa, mới hoàn toàn giải được cơn khát cháy khô họng của con, bây giờ và cho đến muôn đời. Xin cho con luôn được phúc sống sâu xa cảm nghiệm Tin Mừng này, bây giờ và nhất là trong giờ chết. A-men

Bài viết: Cha Gioan Ty SDB
Đăng bài: GB Thanh Hội 

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top