0


Suy niệm Tin Mừng Mt 3:1-12

Sứ điệp của Gio-an có giá trị nào cho chúng ta?

Hình ảnh Gio-an, vị tiền hô của đấng Thiên Sai, được Mát-thêu phác họa thật quá ấn tượng; và cũng ấn tượng không kém, những lời kêu gọi thống hối của ông! Có lẽ tác gỉả đã dày công viết lên đoạn Phúc Âm này với chủ đích: làn sao cho độc giả là những người Do Thái, chịu tìm hiểu về Giê-su Na-da-rét, vị mà Gio-an có nhiệm vụ loan báo; nếu vị tiền hô đã hấp dẫn được ‘người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông’, thì nhân vật phải đến sau sẽ là như thế nào? Tất nhiên điều quan trọng chính là không ai  được nhầm lẫn người dọn đường với vị phải đến, vị tiền hô với đấng Thiên Sai, và nhất là đừng nhầm lẫn sứ điệp của Gio-an với Tin Mừng của Đức Giê-su.
Mát-thêu phác họa một Gio-an tiên tri ‘mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn’, những hình ảnh in đậm nét một nhà tu hành khắc khổ. Tác giả muốn chứng minh cho thấy: Gio-an ‘chính là người được ngôn sứ I-sai-a nói tới: có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn săn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi’ (Is 40:3…). Nếu Gio-an đã là như thế, thì chính vị Thiên Sai sắp tới sẽ phải có diện mạo như thế nào...? Sách Tin Mừng ông viết sẽ dần phác họa lên diện mạo độc đáo đó, có điều ngay từ lúc này tác giả đã cho thấy: chắc chắn nó sẽ khác xa với diện mạo mà Gio-an - vị tiền hô đang phô diễn trước đám dân chúng tới nghe ông giảng dạy.
Sứ điệp Gio-an rao giảng có phần mạnh mẽ, cứng rắn và khẩn trương: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Nội dung sứ điệp tập trung vào việc kêu gọi mọi người ‘thú tội’ tức là nhìn nhận tội lỗi mình phạm và ăn năn; đồng thời sứ điệp đó phải được tất cả mọi người, không trừ một ai, đón nhận: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: chúng ta đã có tổ phụ Ap-ra-ham!”. Do đó đón nhận nhân vật vĩ đại sẽ đến sau,đấng mà Gio-an chỉ có nhiệm vụ dọn đường, tất nhiên phải là điều rất khẩn trương đối với hết thảy mọi người: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Khi sử dụng lối hành văn khải huyền vốn rất quen thuộc với các người Do Thái, Gio-an giới thiệu vị Thiên Sai như nhân vật phải đến để thanh lọc, để tẩy rửa trong ngày thế tận ‘Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi’.
Có điều là: chính Gio-an có vẻ như đã không có một khái niệm nào về nhân vật sẽ đến sau mình, ngoại trừ xác tín rằng: giữa ông và vị đó có một khoảng cách vô biên; “Đấng đến sau thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”. Cũng vậy, giữa phép rửa sám hối ông làm và phép rửa Người sẽ thực hiện không hề có gì tương đồng: “Tôi dìm (làm phép rửa cho) các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối… Còn Người sẽ dìm các anh trong Thánh Thần và lửa”. Ở đây ta cũng nên lưu ý: có đối kháng giữa nước và lửa! Thậm chí ông còn không hình dung nổi nội dung sứ điệp của vị thiên sai sẽ hệ tại ở điều gì: sứ điệp trừng phạt hay tha thứ? Đức Giê-su nói cho các môn đệ được Gio-an đang bị cầm tù sai tới để tìm hiểu về Người: hãy về thuật lại cho Gio-an biết về các hành động xót thương lúc đó Người đang thực hiện; ‘người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (xem Mt 11:2-6). Đức Giê-su không phủ nhận việc khắc kỷ tu thân, công minh chính trực của Gio-an là điều cao trọng; Người lớn tiếng ca ngợi ông là người có cuộc sống đi đôi với lời rao giảng. Người hết lời đề cao sự vĩ đại của ông: “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả” (xem Mt 11:7-11). Thế nhưng Người cũng thẳng thắn cho biết: những điều trên không ăn nhằm gì tới Tin Mừng mà Người đang rao giảng, đó là: tin và đón nhận lòng từ bi nhân hậu vô biên của Thiên Chúa. Đây mới đích thực là điều cao cả hơn hết, vì “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11:11)!
Như vậy thì nội dung mùa vọng, hay việc chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế, đã lộ rõ: nó không cốt yếu hệ tại ở việc cải tà qui chính hay chấn chỉnh đời sống, nhất là về mặt luân lý, cho dầu các việc đó có tốt đẹp tới đâu. Mùa vọng chính yếu phải là thời gian mời gọi ta đón lấy hồng ân cứu độ, đón nhận lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Đó là thời gian vui mừng tột độ, một khi các Ki-tô hữu hiểu biết rằng: Hài Nhi Giê-su giáng sinh chính là bảo chứng tình yêu nhân hậu vô biên mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện. Nếu có lắng nghe sứ điệp sám hối của Gio-an thì cũng chỉ là để mau mắn đón lấy ơn cứu độ xót thương của Thiên Chúa, để có thể ký gửi niềm tin tuyệt đối vào Hài Nhi giáng trần mà thôi.
Có như thế Mùa Vọng mới đáng được gọi là thời gian của hy vọng và cậy trông chứ!

Lạy Hài Nhi Giáng Trần, xin mau đến, mau đến chính vì sự yếu hèn tội lỗi của chúng con! Chúng con quả đang cần tới lòng xót thương vô biên của Chúa. Con không thấy mạc cảm hay sợ hãi gì khi nhận ra thân phận tội lỗi của mình; ngược lại, một khi càng khiêm tốn nhận ra thân phận thấp hèn, con càng vui mừng vì biết rằng: chính qua Hài Nhi giáng sinh tại Bê-lem mà con được dạy cho biết: mình được Thiên Chúa yêu thương, yêu vô hạn không bờ bến. Chúng con xin sấp mình thờ lạy mầu nhiệm tình yêu giáng thế. A-men

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top