0


Suy niệm Tin Mừng Ga 21:1-19         
 

Sự phục sinh của Phê-rô

Chương 21 Phúc Âm Gio-an được các học giả Kinh Thánh cho là đã được các môn đồ của tông đồ Gio-an thêm vào sau này; vì tự nó kết luận toàn cuốn Tin Mừng thứ tư đã trọn vẹn ở ngay cuối chương 20 rồi. Dầu vậy thì tôi vẫn thấy rằng: thêm chương 21 này không những hợp lý, mà còn rất cần thiết nữa là đàng khác; cần phải đề cập tới Phê-rô - thủ lãnh đã phục sinh như thế nào, sau khi đã gục ngã trong tội chối bỏ Thầy mình; cần phải biết: một Phê-rô - tuyên tín ‘đã trở lại’ như thế nào, sau khi ‘bị Sa-tan sàng như người ta sàng gạo’ (Lc 22:31-32). Và nếu đây là suy tư của nhóm môn đồ của tông đồ Gio-an… thì tôi lại càng thấy Hội Thánh thời sơ khai đã có một tầm hiểu biết sâu sắc và cụ thể như thế nào về biến cố Phục Sinh.
Lần hiện hình của Đấng Phục Sinh trên bờ hồ Ti-bê-ri-a diễn ra trong một khung cảnh rất ư là đời thường! Hình như tác giả vẫn muốn lưu tâm độc giả mình tới vai trò lãnh đạo của Phê-rô, kể cả trong các công việc vặt vãnh: các môn đệ khác vẫn tôn trọng vai trò làm đầu của ông, thậm chí cả trong việc đi đánh cá. Thế rồi Đức Ki-tô Phục Sinh hiện ra đứng trên bờ hồ trong một hình dạng rất đời thường, tầm thường tới độ: ‘các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su”. Và như một gợi ý để nhận ra mình, Đức Giê-su đã dùng tới sự kiện đánh cá, một công việc không những thiết thân với bốn môn đệ đầu tiên, mà còn liên quan tới niềm tin của các ông - cách riêng Phê-rô, vì nó gợi nhớ mẻ cá lạ ngày nào đã làm cho ông nhận ra con người tội lỗi thấp hèn của mình (Lc 5:4-11). Lần này thì môn đệ Gio-an là người đã phát hiện ra điều đó, nhưng trong một nội dung mới mẻ và sâu sắc hơn nhiều.
Nhờ cũng một mẻ cá lạ trên mặt hồ này, Phê-rô năm nào đã khởi đầu ơn gọi môn đệ của mình bằng lời tuyên xưng đầy khiêm tốn: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” nhưng rồi dần dà ông hầu như quên bẵng đi điều ấy. Những lần tuyên xưng sau này của ông lại sặc mùi tự mãn, nặng tính chủ quan với những lời quyết đoán chắc nịch; ông cam đoan mình sẽ trung thành bảo vệ Thầy đến cùng… Tông đồ Phê-rô hùng hổ ngăn cản Thầy ra đi chịu chết; ông sắm gươm để chiến đấu vì Thầy; ông nặng lời tuyên thệ: “dầu có phải vào tù hay phải chết với Thầy đi nữa, con cũng sẵn sàng”. Đúng là Sa-tan đang sàng sẩy ông! Cạm bẫy ‘mất lòng tin’ lớn nhất mà ông đang rơi vào, chính là để mình bị cuốn trôi xa khỏi lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa, vì thái độ tự cao tự đại…; và hậu quả là: ông đã bị chìm ngập, đã chết trong sự phản bội chối bỏ Thầy.
Đức Ki-tô Phục Sinh hiện hình trên bờ hồ, cũng với một mẻ cá lạ khác, chính là lời mời gọi Phê-rô (và các tông đồ khác) hãy chỗi dậy, tức là: hãy quay trở về từ thái độ tự phụ ‘cam đoan sẽ trung kiên…’ để rồi dẫn đến ngã quị trong cái chết chối bỏ Thầy, để rồi họ khiêm cung chỗi dậy đón nhận tình yêu tha thứ đầy nhân ái của Thầy Chí Thánh. May mắn thay, Phê-rô đã chỗi dậy và đã thực sự phục sinh! Gio-an cho thấy: cuối cùng thì Phê-rô đã nhận ra điều này cách sâu xa hơn hết thảy các môn đệ khác. Cái tánh bộc trực của một Simon, con ông Gioan (nghĩa là một Phê-rô trần tục) vẫn còn đó: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Nhưng tới lần thứ ba thì ông chỉ dám đáp lại câu hỏi: “Anh có yêu mến thầy hơn các anh em này không?” bằng lời khiêm tốn: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”; có nghĩa là: Thầy biết con yếu đuối như thế nào nhưng vẫn cố yêu mến, Thầy biết con có một tình yêu khác trước nhiều lắm rồi. Cũng chính lúc đó, phải chỉ lúc đó mà thôi, vai trò lãnh đạo tối cao của Phê-rô mới chính thức được chuẩn nhận: “Hãy chăm sóc các cừu mẹ của Thầy”; nói cách khác: “hãy làm cho (lòng tin của) anh em của anh nên vững mạnh”. Quyền lãnh đạo Hội Thánh Phục Sinh được trao cho một Phê-rô phục sinh, từ vị trí tự mãn trao ban tới thâm tín khiêm tốn đón nhận, quả là điều đáng cho ta lưu tâm!
Thế mới rõ: phục sinh phải là cuộc trở lại tận căn của mọi môn đệ Đức Ki-tô, bắt đầu từ các thủ lãnh trong Hội Thánh…, kể cả các đấng nắm giữ vai trò kế vị Phê-rô ‘chăm sóc các cừu mẹ’. Tất cả mọi Ki-tô hữu chúng ta đều cần phải được phục sinh ngay từ bây giờ, bởi vì phục sinh chính là nhận biết tội chết của mình, để được quyền năng Chúa cho ‘vượt qua’ tới sự sống trọn hảo trong lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Hết thảy Ki-tô hữu chúng ta đều phải là đoàn dân phục sinh ngay từ bây giờ!
Và những người dẫn đầu đoàn dân phục sinh này, như Phê-rô, các Giám Mục và Linh Mục, trong đó có tôi… cũng phải là những con người phục sinh, cũng như chính mình đã từng trải nghiệm cách sâu xa về tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa ngày nào, trong cái chết lâm sàn…: một tình yêu đã vực mình chỗi dậy từ cõi chết.

Lạy Thiên Chúa giầu lòng xót thương, cảm tạ Chúa đã cho con học biết bài học phục sinh của Phê-rô, bài học làm con thấm thía, trong tư cách linh mục. Con biết: tuyên xưng đức tin thực sự hệ tại ở điều gì, và làm thế nào củng cố niềm tin của các anh em con. Nếu việc sa ngã của Phê-rô đã trở thành một đại phúc cho ông, thì xin Chúa cũng đưa những khuyết điểm, sa ngã và lỗi phạm của con vào trong Phục Sinh của Chúa; để chính con, và nhiều anh em linh mục khác nữa, sẽ thâm tín hơn về lòng thương xót cứu độ Chúa hằng trao ban. A-men  




Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top