Thử thách đức tin
Có chăng một điều gì
xuyên suốt qua ba cơn cám dỗ Đức Giê-su phải vượt qua, sau khi Người giữ chay bốn
mươi đêm ngày trong hoang địa? Cũng như có không một mẫu số chung nào đó trong
cả ba cuộc thử thách được các Phúc âm tường thuật trong cuộc đời trần thế của Đức
Giê-su: khởi đầu sứ mệnh công bố Nước Trời, tại vườn Cây Dầu trước giờ tử nạn,
và khi bị treo trên thập giá trong giờ hấp hối? Các cơn cám dỗ không chỉ là lẻ
tẻ liên quan tới một số lãnh vực nặng tính luân lý, mà tấn công tập trung vào
chính sứ mệnh nòng cốt mà Đức Giê-su đang nỗ lực thiết lập và loan truyền: đó
là thiết lập một tương quan hoàn toàn mới giữa con người với Thiên Chúa. Các
cám dỗ này đều tập trung tấn công trực diện nội dung nòng cốt nhất của Tin Mừng:
sứ điệp Thiên Chúa yêu thương.
Mọi tôn giáo đều hướng tới
thiết lập mối tương quan giữa Thiên Chúa (Ông Trời, Thượng Đế, Đức Chúa Gia-vê,
Đấng Allah…) với con người’; thế
nhưng đa phần tương quan này qui về con người nhiều hơn là về chính Thiên Chúa
(homo-centric). Rất thường tình khi
các ‘tín đồ’ trong việc giữ đạo coi bản thân mình mới là cứu cánh tối hậu của
việc giữ đạo! Người ta cầu khẩn cúng bái Ông Trời hay thần thánh thì cũng là để
được đáp ứng các nhu cầu bản thân, vật chất cũng như tinh thần. Người ta cố gắng
ăn ngay ở lành, hay nắm giữ các qui luật của thượng giới thì cũng là để được ân
thưởng theo luật nhân quả. Thậm chí đôi khi điều này càng bộc lộ rõ khi một người
nào đó, chỉ vì lợi ích riêng tư, chỉ vì mong được toại nguyện trong các điều họ
cầu khẩn mong đợi, mà sẵn sàng rũ bỏ đạo này để cải đạo theo một tôn giáo khác,
hoặc bỏ bê vị thần này mà quay ra tôn sùng vị thánh kia.
Về điều này dân Do Thái
cũng không phải luật trừ! Từ thời Cựu Ước họ đã nhiều lần kêu trách Gia-vê vì
cơn đói khát phải chịu trong thời gian xuất hành trong hoang địa; và để thỏa
mãn họ, Đức Chúa đã phải cho man-na từ trời rơi xuống, cho nước mát từ đá tảng
vọt ra. Con cái Áp-ra-ham đòi Đức Chúa phải cung phụng họ, như điều kiện để được
họ trung thành với Ngài; “Nếu ông là con
Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh ăn đi”. Cơn thử thách
đánh thẳng vào tương quan ‘con người – Thiên Chúa’, mà Giê-su Na-da-rét phải trải
qua, cũng cổ điển như thế: là con của Thiên Chúa thì có quyền được no thỏa khi
đói bụng, được thỏa mãn các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Thế nhưng mối
tương quan ‘con người – Chúa Cha’ mà Giê-su muốn rao truyền lại hoàn toàn trái
ngược: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm
bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”; có nghĩa là: trước hết
không phải Thiên Chúa buộc phải cho con người no đủ, mà là con người phải qui về
Thiên Chúa là nguồn mạnh yêu thương. Tin Mừng Đức Giê-su công bố hiển nhiên lấy
Thiên Chúa làm trung tâm (theo-centric)!
Lịch sử Cựu Ước cũng đầy
các dẫn chứng như thế: đã là Dân Riêng thì phải được Gia-vê bảo vệ khỏi mọi hiểm
nguy; và đó là lý do để họ trung thành nắm giữ giao ước. Ai phụng thờ Đức Chúa
thì được Ngài che chở phù trì trong cơn nguy biến, người ta vẫn thường nghĩ thế;
“Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho
bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Đức
Giê-su vượt qua cơn ‘cám dỗ’ phổ thông này với một xác định: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của
ngươi”, có nghĩa là đòi phải có một thứ đức tin vô điều kiện, không đòi hỏi
bất cứ điều gì. Thiên Chúa mới là trên hết, và là tất cả!
Đánh mất niềm tin vào Đức
Chúa Gia-vê để tin tưởng một chúa nào khác, nhất là vì mưu đồ chính trị hay lợi
lộc vinh hoa, luôn bị người Do Thái coi là trọng tội, là tội thờ bụt thần. Thờ
bụt thần điển hình nhất chính là: coi mình là tuyệt đối trong tương quan; chính
vì thế mà ngay cả việc phụng thờ Đức Chúa đôi khi cũng cần phải được thanh luyện.
Về việc này Đức Giê-su rất dứt khoát: “Ngươi
phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà
thôi”.
Ngay cả nhiều Ki-tô hữu
qua các thời đại cũng từng bị cám dỗ về đức tin chính ở điểm mấu chốt này: người
ta giữ đạo vì hạnh phúc của mình hơn là vì chính Thiên Chúa, người ta mong đạt
được phần thưởng thiên đàng hơn là khám phá ra Thiên Chúa trong bản chất của
Người, người ta coi hạnh phúc của mình mới là mục tiêu của việc giữ đạo. Ngay cả
Đức Giê-su, trong tư cách một con người, cũng giống chúng ta ở chỗ: có khuynh
hướng qui về mình trong tất cả mọi tương quan với Thiên Chúa. Trong Vườn Câu Dầu
vì lo sợ nỗi khổ nạn đau đớn, Người đã thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt
26:39). Trên thập giá, trong nỗi cô đơn cùng cực, Người cũng mở miệng than
trách: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài
bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Thế nhưng, trong niềm tin chân chính nhất, và đó
là điều Người muốn truyện đạt tới mọi Ki-tô hữu chúng ta nhất là hôm nay, Đức
Giê-su vẫn luôn xác định Thiên Chúa mới đích thực là trung tâm: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý
Cha”… “Lạy Cha, con xin phó thác hồn
con trong tay Cha” (Lc 23:46).
Đối với tôi trong tư
cách một Ki-tô hữu, Mùa Chay phải là thời gian đặc biệt Hội Thánh cống hiến
giúp tôi vượt qua thử thách đức tin này, điều mà trong tư cách một ‘tín đồ’, chắc
chắn ít nhiều tôi cũng đang mắc phải. Niềm tin vào một Chúa Cha yêu thương đã
hiến mình và chết cho tôi, điều mà tôi chuẩn bị cử hành trong suốt thời gian
này, chắc hẳn không phải chỉ để tôi chỉnh đốn nơi mình mặt này hay mặt khác về
diện luân lý, nhưng còn là để điều chỉnh chính tương quan phó thác trọn vẹn
theo chiều hướng Đức Ki-tô đã thực hiện trên Thập Giá.
Phải chăng đó mới là mục
tiêu đích thực của Mùa chay, thời gian cần thiết để tôi có thể cử hành biến cố
‘Thiên Chúa hiến mình cho tôi’ cách trung thực nhất?
Lạy Chúa Giê-su
Ki-tô! Mùa chay là thời gian dành cho con để củng cố đức tin còn rất non yếu của
mình. Xin thanh luyện tâm trí con, để khi cầu nguyện tức là đi vào tương quan với
Chúa Cha Nhân Ái, con luôn biết phó thác trọn vẹn và hoàn toàn qui về thánh ý
nhân từ của Cha, trước và trên tất cả mọi điều con thầm mong ước. Xin Chúa dạy
cho con biết phó thác vô điều kiện cho lòng nhân ái của Cha, trong mọi tình huống
cuộc đời kể cả những lúc đen tối nhất. Con cầu xin điều này nhân danh chính Thập
Giá của Đức Giê-su Ki-tô là Chúa của con. A-men