Tôi rất thích các câu chuyện hiền hòa ngày xưa, lúc mọi người xem nhau là anh em, giúp nhau lúc túng thiếu, nợ nần không đòi nhau. Tâm hồn tôi được nuôi sống trong những chuyện này, tôi xin kể hai chuyện.
Chuyện thứ nhất là câu chuyện Tha Thứ
Ngày xưa viện phụ Anastase chép toàn bộ Cựu Ước và Tân ước trên giấy bằng da rất đẹp, nguyên miếng da đã rất đắt tiền, mười tám đồng. Một ngày nọ, có người đệ tử đến thăm, thấy bộ sách quý và lấy đi. Cũng ngày hôm đó, vì có việc cần tham khảo quyển sách, viện phụ nhận ra tập sách đã mất và ngài biết người đệ tử đã lấy. Nhưng, ngài không nhờ ai đi tra hỏi, sợ người đệ tử phải thề cho việc ăn cắp này.
Người đệ tử đi đến thành phố bên cạnh để bán tập sách, anh đòi mười sáu đồng. Người mua sách nói: “Xin anh để tập sách lại đây, tôi đi khảo giá rồi về cho anh biết tôi có mua được giá này hay không.” Và hàng sách đem sách đến nhờ viện phụ Anastase định giá. Cha nói: “Tập sách này rất đẹp, nó đáng giá mười sáu đồng.” Người hàng sách đi gặp người đệ tử và nói: “Tiền đây, tôi đã đi hỏi cha Anastase, cha cho hay tập sách này đáng giá như vậy.” Người đệ tử hỏi: “Vậy cha có nói gì không? – Không, cha không nói gì hết – Này anh, tôi thay đổi ý kiến, tôi không bán tập sách này nữa.”
Sau đó, anh chạy như bay đến viện phụ Anastase, vừa khóc vừa van xin cha nhận lại tập sách, nhưng cha từ chối và nói: “Con yên tâm, cha tặng con tập sách này.” Nhưng người đệ tử van xin: “Nếu cha không nhận lại, con sẽ không bao giờ có bình an.” Và người đệ tử ở lại bên cạnh cha Anastase suốt đời.
Chuyện thứ hai là chuyện Tha Nợ
Một người đệ tử hỏi một vị Tổ Phụ:
– Nếu có người anh em mượn con một ít tiền, con có đòi họ không?
Vị Tổ Phụ trả lời:
– Có, nhưng chỉ đòi một lần, và với lòng khiêm tốn.
Người anh em lại hỏi:
– Giả dụ con đòi nhưng họ không trả, con sẽ làm gì?
Vị Tổ Phụ trả lời:
– Con đừng nói gì với họ nữa.
– Nhưng nếu con không yên tâm khi chưa đòi lại được, con phải làm gì?
– Con quên điều đó đi. Điều quan trọng là con không được làm người anh em buồn, bởi vì con là một tu sĩ.
Tha thứ và đòi nợ kiểu này thì chỉ có bậc thánh mới làm được. Lạ nhỉ, khi mượn nợ thì thề sống thề chết sẽ trả nợ nhưng đến ngày đáo hạn phải trả thì trốn biệt. Đến mức mà cả gia đình ruột thịt cũng nên tránh không cho mượn để khỏi mất tình gia đình, thà bị mang tiếng keo kiệt!
*Còn có một giai thoại về dùng tiền và cho mượn tiền của nữ văn sĩ Pháp Françoise Sagan khá lý thú*
Jacques Jaubert: Người ta nói bà kiếm rất nhiều tiền nhờ bán sách. Tiền bạc đối với bà như thế nào? Bà ít thích những người bo bo giữ tiền, những người nổi tiếng lại kinh doanh các loại quán rượu.
Françoise Sagan: Tôi không nghĩ khi giàu mà mình không có một chút nào đó chai đá trong lòng. Những người cực kỳ giàu có mà tôi quen biết, đã có lúc họ đã phải từ chối cho mượn hoặc cho. Giàu có, là phải biết nói không. Những người giàu là những người phải cẩn thận. Cá nhân tôi, tôi không nói được về chuyện tiền bạc vì tôi chưa bao giờ bị đói, bị lạnh, bị thiếu tiền…
Jacques Jaubert.: Bà giàu sớm?
Françoise Sagan: Năm 19 tuổi, tôi nhận tiền nhuận bút quyển tiểu thuyết Buồn ơi, chào mi được 500 triệu quan cũ, ông René Juilliard giám đốc nhà xuất bản nói với tôi: “Cô chưa đến tuổi trưởng thành, tôi giữ số tiền này của cô ở đây, cô về hỏi ý kiến cha của cô, cô nên làm gì với số tiền này.” Tôi về hỏi cha: “Thưa cha, con làm gì với tiền triệu này?” Cha tôi nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi: “Năm nay con bao nhiêu tuổi – mười chín – Ở tuổi này, có một số tiền lớn như thế này thì quá nguy hiểm. Con đem tiêu hết đi.” Và tôi nghe lời ngay lập tức. Thật ra thì trước đó tôi cũng đã tiêu rất nhiều và tôi tiếp tục tiêu nhiều.
Jacques Jaubert.: Bà cho nhiều?
Françoise Sagan: Đúng, nếu người ta trả lại cho tôi những số tiền tôi đã tiêu cho họ thì tôi cũng sống thoải mái một thời gian. Một trong những người đầu tiên đến vay mượn tôi là nhà văn Arthur Adamov. Khi đó ông không còn một xu và túng bấn vô cùng. Ông hỏi mượn tôi 100.000 quan và tôi ký chi phiếu cho ông. Ông nói với tôi: “Tôi sẽ không bao giờ hoàn trả cho bà nhưng tôi không giận bà.” Tôi quá sửng sốt. Ông luôn luôn dễ thương và cười với tôi. Và sau đó tôi hiểu rất ít người có đủ lòng quảng đại để trả lại tiền cho bạn.
Tôi cũng quá sửng sốt vì tôi chưa bao giờ nghĩ phải có lòng quảng đại mới đi trả nợ. Nợ là một bổn phận phải trả, vì sao cần phải có lòng quảng đại mới trả được? Nhưng để hiểu giá trị đích thực của lòng quảng đại thì phải trải nghiệm sâu đậm thế nào là tính dủng dưng vô cảm và bà Françoise Sagan đã hiểu thế nào là tính dửng dưng vô cảm vì đã có những lúc bà tiêu tán tài sản cho những trận cười thâu đêm suốt sáng, nơi sòng bài, nơi ma tuý… nhưng có ai đủ lòng quảng đại để trả cho bà những số tiền bà đã tiêu cho họ?
Khi đọc câu chuyện Tha Nợ, nghĩ, ừ, thì chỉ có những ông già gàn ngày xưa mới tha nợ kiểu này, nhưng khi đọc nhận xét của bà Françoise Sagan thì tôi hiểu người xưa thâm thúy đến chừng nào, phải cần đến lòng quảng đại mới đi trả nợ được mà lòng quảng đại theo ngạn ngữ Ái Nhĩ Lan là đức tính bẩm sinh, theo họ tài làm thơ, tài ca hát và lòng quảng đại là ba chuyện không thể nào tập mà làm được! Vậy, không đòi nợ được thì cho để tâm hồn mình thanh thản và người kia khỏi buồn!
Dù sao, với những việc không thể nào tập mà làm được thì phải xin ơn, xin hát hay, xin làm thơ thì e khó xin nhưng xin có được tấm lòng quảng đại và tập để có được tấm lòng quảng đại thì hy vọng chắc được.
Đừng mất hy vọng tôi nhé !
Marta An Nguyễn chuyển dịch