0
Các bạn thân mến,
Cám ơn Chúa các tuần phòng tôi hướng dẫn đều diễn tiến tốt đẹp, chỉ hy vọng chúng sẽ tiếp tục phát huy kết quả thiêng liêng nơi những người tham dự.
Xin các bạn thêm lời cầu nguyện để chuyến đi Roma váo cuối tháng này của phái đoàn chúng tôi để dự lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêxa Calcutta đầu tháng 09 được tốt đẹp, trước mắt là giải quyết được vấn đề Visa.
Gửi tới các bạn bài suy niệm Tin Mừng CN XXI.
God bless
Cha Gioan Ty SDB


Suy niệm Tin Mừng Lc 13:22-30

Cửa hẹp là cửa nào?
                                       
Phúc âm cho thấy; kẻ đặt vấn nạn cho Đức Giê-su có thể là một người Do Thái bất kỳ, vì Cựu Ước đã dạy cho toàn dân xác tín rằng: vương quốc vẻ vang của Đấng Thiên Sai (Messiah) sẽ chỉ dành cho những ai trung thành nắm giữ lề luật. Trước nội dung những lời rao giảng của Đức Giê-su về một Tin Mừng cứu độ phổ quát, mọi người Do Thái chân chính đều cảm thấy khó chịu; học thuyết mới này có nguy cơ tiêu diệt mọi nỗ lực giữ cặn kẽ luật pháp Mô-sê, mở đường cho lối sống buông thả về mặt chính trị cũng như tôn giáo. Chính câu hỏi được đặt ra tự nó đã hàm ý khảng định con đường luật pháp truyền thống mới thực sự là đúng đắn, là đáng khích lệ.
Câu trả lời của Đức Giê-su có vẻ chủ yếu nhắm thẳng vào tư duy này của người Do thái, vì Người cho thấy: họ đã không nắm bắt được tư tưởng nòng cốt của Cựu Ước, cũng như niềm tin đích thực của Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp và tất cả các ngôn sứ: toàn bộ nội dung Cựu Ước phải hướng tới việc đón nhận Tình Yêu cứu độ của đấng Mê-si-a. Đơn giản là người Do Thái đã hiểu sai, khi đồng hóa sự cứu rỗi với trung thành giữ lề luật; “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài”; nếu quả là như thế, nếu không phải những kẻ giữ lề luật được vào thiên đàng, thì ‘ai’ mới là những người được vào thiêng đàng? Câu hỏi này, cũng như các câu hỏi tương tự: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? “Thưa Thầy, vậy thì ai mới được cứu rỗi?”; cho tới nay câu hỏi này vẫn còn là vấn nạn rất phổ thông của nhiều Ki-tô hữu chúng ta; và nó sẽ còn tiếp tục tiềm tàng trong thâm tâm của hầu hết mọi người.
Về vấn nạn này, câu trả lời của Đức Giê-su cũng rất thẳng thắn: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!” Hình ảnh tuy đã rõ ràng, nhưng nội dung thì chưa mấy sáng tỏ. Ta phải hiểu‘cửa hẹp’ theo nghĩa nào đây, cửa hẹp là cửa nào?
Ta vẫn thường nghe giải thích: cửa hẹp là ăn ngay ở lành, là sống lương thiện, là tuân giữ cặn kẽ các qui định luân lý đạo đức… Một nếp sống như thế chắc chắn đòi phải phấn đấu, phải chế ngự các tính mê nết xấu v.v…, và vì vậy chỉ những ai cặn kẽ giữ các điều đó mới xứng đáng được vào qua ‘cửa hẹp’ này, tức là được vào thiên đàng. Nói như thế nghe rất có vẻ hợp lý theo lý luận thông thường. Tuy nhiên ta vẫn cần khảng định rằng: Đức Giê-su đang đầ cập tới Tin Mừng cữu rỗi. Tương tự, nếu ta giải thích cửa hẹp là: trung thành giữ đạo, là năng đi nhà thờ, là đọc kinh tối sớm…, thì làm sao giải thích được điều Đức Giê-su không ngừng khảng định: ‘cửa hẹp’ này không hề khép lại để ngăn cản nhiều người muốn được vào: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Ngược lại, cửa hẹp này lại đóng lại trước nhiều người đã từng lên tiếng: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Họ chưa chắc sẽ được lọt vào! Theo Đức Giê-su thì chính hạng người sau này lại rất dễ bị gạt ra ngoài: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta!
Dựa trên toàn bộ nội dung Tin Mừng thì khiêm cung thống hối để đón nhận lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa mới đích thực là cánh của hẹp và thấp mà mọi người cần phấn đấu vào cho bằng được. Gio-an Tiền Hô đã kêu gọi dân chúng thống hối như điều kiện thiết yếu để chuẩn bị đón đấng Mê-si-a…, nhưng nhiều người Do thái đã không chấp nhận lời rao giảng của Gio-an, cho dầu không ít người trong số họ thực tình mong đợi đấng Thiên Sai đến; “Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Đức Giê-su khi rao giảng nội dung này cách quyết liệt, thì chính nhóm Biệt Phái, luật sĩ, Sa-đốc và Hê-rốt đã tìm cách chống lại. Họ là những hạng người vốn tự coi mình có địa vị cao trọng trong xã hội hơn nhiều kẻ khác, kể cả về diện vật chất như giầu sang chức quyền, lẫn về diện tinh thần - tôn giáo như công chính đạo đức. Ngược lại, những người vốn dĩ bị coi là tội lỗi, thấp hèn (hạng thu thuế, gái điếm, tật nguyền…) mới là những kẻ thực thi lời mời gọi sám hối của Gio-an, và rộng mở đón nhận Tin Mừng thương xót của Đức Giê-su. Toàn bộ các tường thuật Tin mừng đều đã không ngừng xác minh thực tế này; do đó, thật dễ hiểu khi Đức Giê-su đưa ra kết luận: “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng hàng đầu sẽ xuống hàng chót”.
Như vậy ‘cửa hẹp’ đối với Tin Mừng phải là: lòng khiêm nhường thống hối; điều này Ki-tô hữu chúng ta luôn xác tín: không ai sẽ được cứu rỗi nếu không vào Nước Trời qua cánh cửa hẹp này, đơn giản là vì không một ai là cao trọng, là trong sạch trước mặt Thiên Chúa. Ki-tô hữu chúng ta đã chính thức bước qua cửa hẹp này ngày chịu phép Thánh Tẩy, ngày mà mỗi người chúng ta chân thành thống hối và xưng thú các tội lỗi mình trước toàn thể cộng đoàn Giáo Hội; rồi chúng ta còn tiếp tục bước qua ngưỡng cửa đó trong suốt đời sống mình mỗi khi đi xưng tội, để khiêm tốn nhìn nhận những yếu hèn của mình và rộng mở cõi lòng đón nhận ơn cứu rỗi; bước qua ‘cửa hẹp’ này là điều kiện thiết yếu mà tất cả mọi người chúng ta - không trừ một ai, cho dầu có được nâng lên tới địa vị cao trọng tới mấy - đều phải thực hiện.

Lạy Chúa, xin cho con luôn mãi duy trì được nơi mình lòng khiêm cung thống hối; đó chính là điều kiện tiên quyết để con đón nhận hồng ân thương xót cứu độ của Chúa. Cho dầu con có đạt được bất cứ điều tốt lành, thánh thiện nào trong cuộc sống, xin hãy cho con vẫn cứ khiêm nhường cúi mình chui qua cửa hẹp Tin Mừng. Xin Mẹ Maria, người nữ tì khiêm hạ của Gia-vê, gìn giữ xác hồn con luôn thấp hèn, để như Mẹ, con biết luôn rộng mở tâm hồn đón lấy lòng từ nhân của Thiên Chúa cứu độ. A-men   

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top