Tang lễ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II được cử hành vào ngày 8 tháng 4 năm 2005, tức là 6 ngày sau khi ngài qua đời vào ngày 2 tháng 4. Tang lễ liên tục bằng tuần cửu nhật cầu nguyện theo nghi thức Giáo hội Công giáo Rôma. Sau Thánh Lễ An Táng là Thánh Lễ Tưởng Niệm; trong khoảng thời gian này, công chúng được phép tham dự. Những vị cử hành Thánh Lễ này được luân phiên và thuộc vào trong bảy nhóm: nhà nguyện giáo hoàng, giáo sĩ cự ngụ trong thành Vatican, Giáo phận Rôma, giáo sĩ thuộc các vương cung thánh đường chính tại Roma, Giáo triều Rôma, Giáo hội Đông Phương và cuối cùng là các dòng tu. Khi tuần cửu nhật kết thúc, Giáo hội Công giáo bước sang giai đoạn khác là các nghi thức và phụng vụ cho cuộc Mật nghị Hồng y bầu giáo hoàng mới.
Tang lễ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II là sự kiện có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia nhất cùng quy tụ trong một thời điểm, vượt qua cả tang lễ của Winston Churchill (1965) và của Josip Broz Tito (1980). Tổng cộng khoảng 200 chính khách và lãnh đạo tôn giáo, cụ thể: 4 vị vua, 5 nữ hoàng, ít nhất là 70 tổng thống và thủ tướng, hơn 14 lãnh đạo tôn giáo tham dự cùng với tín hữu. Đây cũng có thể là sự kiện quy tụ Kitô hữu lớn nhất lịch sử, ước tính có hơn bốn triệu người tham dự tại Roma.
Bên cạnh tang lễ được cử hành tại Vatican, tất cả tổng giám mục và giám mục Công giáo trên khắp thế giới đều cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa để giáo dân tưởng niệm và thương tiếc giáo hoàng. Như là một động thái hiếm hoi trong lịch sử, một số vị lãnh đạo giáo hội Tin Lành, Chính Thống giáo Đông phương cũng như Do Thái giáo, Hồi giáo và Phật giáo cũng tổ chức các buổi tưởng niệm và cầu nguyện theo nghi thức riêng để chia sẻ nỗi đau buồn của người Công giáo.
Đây là lần đầu tiên mà lãnh đạo Chính Thống giáo Đông phương và Anh giáo đến tham dự tang lễ của một vị giáo hoàng kể từ khi họ cắt đứt liên hệ với Roma trong quá khứ. Thượng phụ Đại kết Bartholomew I và Tổng giám mục Rowan Williams của tòa Anh giáo Canterbury tham dự ở hàng ghế danh dự dành riêng cho các đoàn khách từ các giáo hội Kitô giáo không hiệp thông đầy đủ với Roma.