0


Nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu



            Tôi rất kết bài suy niệm về Thánh Tâm dựa vào đoạn Tin Mừng Gio-an của hai linh mục anh em nhà Hurault trong cuốn Christian Community Bilble. Tôi còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần bài chú giải ấy, và suy niệm nội dung rất sâu sắc của nó:

            ‘Cuối bài tường thuật cuộc thương khó và cái chết của Đức Giê-su, Gio-an như muốn đóng dấu ấn của riêng cá nhân mình trên tác phẩm bằng một lời chứng được lặp lại ba lần; Đức Giê-su đã chết, người lính đâm mũi giáo, và từ quả tim bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra. Đối với nhân chứng, đây là giây phút mà ý nghĩa của tấn kịch thương khó được phơi bầy rõ hơn bất cứ lúc nào hết’.

            Hôm ấy là ngày chuẩn bị lễ Vượt Qua, và trưa hôm đó gần ngay địa điềm hành hình Gôn-gô-tha, nhiều người Do Thái vội vã từ trên đồi đi xuống đền thờ để sát tế con chiên Vượt Qua. Trong nghi lễ sát tế này không một giọt máu nào của chiên được để rơi mất. Hôm ấy Gio-an không đi theo đám đông, ông đứng lại dưới chân thập giá cùng với đức Ma-ri-a và vài phụ nữ khác. Và đây trên đỉnh đồi Can-vê, vào chính giờ phút ấy, với cùng một hành động như vị tư tế đang làm trong đền thờ, một tên lính đã đâm lưỡi đòng sắc vào thân xác Giê-su - Chiên Hy Tế của Tân Ước đang gục chết trên thập giá, và làm rơi giọt máu cuối cùng từ con tim cạn kiệt. Chính lúc đó, mắt môn đệ Gio-an sáng ra, ông bỗng thấy chói ngời ý nghĩa của lời Gio-an Tẩy Giả đã thốt lên bên bờ sông Gio-đan ngày nào: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1:29).

            Cử chỉ vô tình của tên lính bỗng mạc khải cho Gio-an thấy rõ rệt hơn bao giờ hết mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Máu Chiên chuộc tội đã đổ ra, không còn phải là trên bàn thờ hiến tế trong đền thánh, mà là trên miền đất tử mới được tái sinh, chứa chan sức sống nhờ máu Con Chiên Ki-tô. Nghi lễ sát tế chiên Vượt Qua mà Mô-sê đã thiết lập ngày nào nay không những được lặp lại mà còn được hoàn thiện. Hệt như cuộc ‘vượt cạn’ trong các kỳ sinh nở, máu và nước vọt ra từ cạnh sườn Giê-su treo trên thập giá hôm nay loan báo thời đại mới của Giao Ước hoàn toàn mới, trong đó bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể là điển hình rõ rệt. Và Gio-an đã không quên nhắc nhở một chi tiết khác nữa trong nghi thức sát tế chiên Vượt Qua của tập tục, đó là điều luật qui định ‘không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập’ (xem Xh 12:46).

            Vết thương mở rộng nơi cạnh sườn Đức Giê-su chết treo trên thập giá mời gọi chúng ta khám phá mối tình mãnh liệt và nhiệm mầu đã nung nấu con tim Thiên Chúa từ muôn thuở. Các môn đệ, những người đã từng chia sẻ cuộc sống thường nhật của Đức Giê-su, rồi đây sẽ thấy các kỷ niệm và cảm xúc của mình phai nhạt dần và sẽ tan biến dần theo giòng thời gian. Tuy nhiên, qua con tim bị đâm thấu này, họ cũng sẽ không ngừng khám phá ra rằng: không một lời, một cử chỉ, hay một khoảng thinh lặng nào của Đức Giê-su lại không nói lên tình yêu Người dành cho Thiên Chúa và tự hiến cho loài người tội lỗi. Chính từ trái tim bị lưỡi đòng khai mở mà phát sinh ra nơi chúng ta lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Vì thế bạn đừng quá bận tâm suy nghĩ lòng vòng để lý giải đức tin chúng ta, nhưng hãy chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa, và sẵn sàng để cho tình yêu ấy biến đổi tận căn con người mình’.

Quả đúng như thế, con tim Giê-su bị lưỡi đòng đâm thủng ngày nào đã cho phép Gio-an ‘nhìn thấy tận mắt, đã chiêm ngưỡng và đã (hầu như) chạm tới được… Lời Hằng Sống’ (1Ga 1:1) Ông không chỉ nhìn thấy một cái chết đau thương, mà còn nhận ra tình yêu thương bao la vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đối với ông cảnh tượng này không chỉ minh chứng Giê-su treo trên thập giá đã thật sự tắt thở (điều mà tên lính cần xác minh), cho bằng ông ngộ ra ánh sáng chói lòa của ‘sự sống đã được tỏ bầy’. Kể từ đó cả cuộc sống còn lại của ông sẽ dành cho việc ‘làm chứng về điều ông đã thấy, và loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được bày tỏ cho chúng tôi’ (câu 2). Gio-an đã khám phá ra nơi con tim bị đâu thâu mạc khải vĩ đại nhất về Thiên Chúa, đó là ‘Thiên Chúa là tình yêu’; Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi…” (1 Ga, 3:1).

Hôm nay, Hội Thánh mong muốn mỗi người chúng ta cũng phải là một Gio-an trong việc chiêm ngưỡng Tình Yêu vĩ đại. Đây mới chính là cốt lõi của một lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa cách chân thành và đích thực nhất!



Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin hãy khai mở cho con hiểu biết thêm về tình yêu của Chúa Cha; xin hãy trở nên cho con dấu chứng tỏ tường Thiên Chúa quả thực là tình yêu; và xin hãy biến đổi con nên chứng nhân đầy thuyết phục về tình yêu vô biên đó. Ôi Thánh Tâm Giê-su luôn là cột sống của niềm tin con, là ‘dầu’ hằng được đổ xuống để niềm tin yêu của con luôn vững mạnh (xem 1 Ga 2:27)! A-men
Lm Gioan Ty, SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top