Họ vấp ngã vì Người
Thật dễ hiểu, đối với dân làng Na-da-rét vốn tò
mò, vấn đề được họ quan tâm hơn hết nơi ông Giê-su mới nổi danh trở về thăm quê
quán chính là xác định được quyền năng thần linh ông có được từ đâu mà đến; “Bởi đâu ông ta được như thế?”. Cụ thể,
trước mặt họ là ông Giê-su trăm phần quá quen thuộc, một đồng hương từng chia sẻ
với họ cuộc sống thường nhật; “Ông ta
không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xép,
Giu-đa và Si-mon sao?” Ông Giê-su này thì họ đã quá nhẵn mặt qua những gì
là tầm thường, là đời thường, là cơm áo gạo tiền. Điều mà họ không quen hoặc
khó chấp nhận chính là quyền năng ‘đột xuất’ của bác thợ mộc trẻ Giê-su. Tác giả
Mác-cô cho chúng ta thấy họ khó thoát ra khỏi lối suy nghĩ cố chấp này biết
bao, ông này có gì mà làm nên chuyện? Đức Giê-su nhận ra ngay họ bị thái độ rẻ
rúng ngăn cản để không thể chấp nhận Người, ngay cả khi Người xuất hiện trịnh
trọng, đứng trước mặt họ trên bục sách trong hội đường. Tình trạng này được tác
giả sách Tin Mừng gọi là bị ‘vấp ngã’, ‘họ
vấp ngã vì Người’.
Đối với các tín hữu thời
các tông đồ, vấn đề nặng nề nhất lại là cái chết tức tưởi và khổ nhục của thầy
Giê-su trên cây thập tự; “Chúng tôi rao
giảng một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không
thể chấp nhận, và dân ngoại coi là điên rồ” (1 Cr 1:23). Dầu có quen thuộc
phần nào với cuộc sống trần gian của Ráp-bi Giê-su, các tông đồ vẫn thâm tín,
qua các phép lạ Thầy thực hiện, rằng quyền năng Thiên Chúa hằng ngự nơi Thầy.
Chính vì thế mà, đối với các ông, cái chết thập giá Thầy chịu là điều không thể
chấp nhận được (xem Lc 24:19-24). Sau này, việc Thầy chỗi dậy từ cõi chết do
quyền năng Thiên Chúa đã là cả một cái phao cứu sinh giúp họ vượt qua được cái
‘vấp ngã’ ê chề của thập giá. Chính vì thế mà niềm tin phục sinh đối với cộng
đoàn Ki-tô tiên khởi là vấn đề hệ trọng bậc nhất; ‘Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống
rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng’ (1 Cr 15:14).
Còn đối với chúng ta,
các tín hữu của thế kỷ XX – XXI này, cái ‘vấp ngã’ trong niềm tin có thể là gì
đây? Đời thường của Đức Giê-su, đối với chúng ta, không phải là nỗi ám ảnh, vì
chúng ta có bao giờ được nếm cái cảm nghiệm một ông Giê-su quá gần gũi, quá cụ
thể đó đâu. Cảm nhận cái chết khổ nhục của Người trên thập giá như một nỗi thất
vọng ê chề, chúng ta cũng không có nốt, vì đã biết và tin rằng Người sống lại
vinh hiển từ cõi chết. Ngược hẳn với các bậc tiền bối, chúng ta sẽ rất lấy làm
vinh hạnh nếu được biết đôi chút về đời thường của Đức Giê-su tại Na-da-rét, và
chúng ta thậm chí còn thấy hãnh diện về cuộc tử nạn của Người (phải chăng đó là
lý do người ta dựng, và ùn ùn kéo nhau đi xem cuốn phim ‘The Passion of Christ’). Tuy nhiên tôi trộm nghĩ, điều mà ngày nay
đã trở thành quen thuộc đối với niềm tin của chúng ta, có lẽ quá quen thuộc nữa
là đàng khác, lại chính là thần tính của Đức Giê-su và quyền năng siêu phàm của
Người. Mỗi khi nói về Đức Giê-su Ki-tô là tâm trí chúng ta lại hình dung ra một
vị Thánh Tử, phục sinh khải hoàn vinh quang, sẽ uy nghi ngự đến để công thẳng
phán xét kẻ sống và kẻ chết, và vương quốc Ngài sẽ uy hùng bất tận. Không như
các đồng hương Na-da-rét, ngày nay chúng ta chắc chắn không hề rẻ rúng Ngài, rất
kính sợ nữa là đàng khác. Không như các môn đệ đầu tiên, ngày nay chúng ta
không hề hoảng sợ về thập giá, ngược lại còn rất hãnh diện nữa là đàng khác. Thế
thì - tôi xin phép được lặp lại vấn nạn - cái ‘vấp ngã’ trong niềm tin hôm nay
thực chất có thể là điều gì? Thưa - tôi lại xin mạn phép được tự trả lời - có
thể là lòng nhân từ thương xót, quá nhân từ xót thương của Người có thể làm cho
chúng ta bị vấp phạm chăng?
Riêng với chính mình, vì
thuộc hàng linh mục - phẩm trật của Giáo Hội, tôi thấy mình có một phần lỗi trước
tình trạng này. Tôi đã khám phá ra, và loan truyền lòng thương xót Chúa quá ít
và quá trễ chăng?
Lạy Chúa Giê-su, xin
trở lại viếng thăm Hội Thánh Chúa, không phải với quyền phép hay dấu lạ, nhưng
với mạc khải nhân từ và xót thương vô biên. Sau nhiều thế kỷ lạ lẫm hoặc có phần
sợ hãi, giờ đây xin thức tỉnh Hội Thánh Chúa, nhất là các vị trong phẩm trật,
được thâm tín hơn về Tin Mừng nhân ái và yêu thương, nhờ đó Hội Thánh sẽ rao giảng
cho người tội lỗi sứ điệp cao đẹp nhất mà họ hằng mong mỏi được nghe, đó là
“Chúa Cha yêu mến trần gian tới nỗi…” A-men
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc