Cho đến bây giờ,
chính quyền Lào – vốn rất kín đáo – đã không phản ứng gì về tin Đức
Phanxicô đã ký sắc chỉ phong chân phước cho 17 linh mục, giáo dân Lào và
nhà truyền giáo ngoại quốc đã bị giết ở Lào từ năm 1954 đến năm 1970.
Dù vậy đây là lần đầu tiên Giáo hội Công giáo phong chân phước cho các
vị tử đạo ở Á Châu bị các tổ chức cộng sản giết mà những người kế vị vẫn
còn nắm quyền lực.
Chính quyền Lào
không ngạc nhiên về tin này. Án phong thánh của 17 vị tử đạo đã khởi đầu
từ năm 2004 và chính các giám mục Lào mong muốn như vậy, họ xác tín
việc phong thánh sẽ góp phần củng cố Giáo hội Lào. Theo diễn tả riêng
của các giám mục Lào thì Giáo hội Lào như “cây con còn non yếu, cần tìm
“trụ đỡ”, những trụ đỡ siêu nhiên vững chắc để Giáo hội vững bước đi
trên con đường còn nhiều bất trắc.
Đến bây giờ, đối
với Giáo hội Á Châu, Giáo hội hoàn vũ muốn đưa lên bàn thờ các vị tử đạo
của thời xa xưa. Đó là trường hợp 103 thánh tử đạo Hàn Quốc được Đức
Gioan-Phaolô II phong thánh năm 1984 tại Séoul; họ là nạn nhân của các
cuộc bách hại chống Giáo hội vào thế kỷ 19. Ngày 16 tháng 8-2014, tại
Seoul, Đức Phanxicô đã chân phước cho 124 vị tử đạo bị giết trong của
các cuộc bách hại có từ thế kỷ 18 và 19. Còn đối với Nhật bản, “26 vị tử
đạo Nagasaki” được phong thánh năm 1862; 205 vị tử đạo khác được phong
chân phước năm 1867, rồi 188 vị khác được phong chân phước năm 2008 ở
Nagasaki; trong tất cả các trường hợp này, các vị tử đạo của Nhật đều
chết trong các cuộc bách hại có từ hậu bán thế kỷ 16 và hai thế kỷ kế
tiếp. Về phần Việt Nam, năm 1988 Đức Gioan-Phaolô II đã phong thánh tại
Rôma cho 117 vị tử đạo Việt Nam, các nạn nhân bị giết vào thế kỷ 18 và
19. Còn Trung Quốc, ngày 1 tháng 10-2000, Đức Gioan-Phaolô II đã phong
thánh cho 1230 vị tử đạo bị chết vào các thế kỷ 17, 18 và 19 trong cuộc
Khởi nghĩa của Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900; Tòa Thánh cẩn thận không mở án
phong thánh cho các vị tử đạo chết dưới chế độ cộng sản. Dù vậy người ta
vẫn còn nhớ Trung Quốc đã mạnh mẽ lên án Vatican phong thánh cho các vị
“tội phạm khủng khiếp”; nhà cầm quyền Trung Quốc đặc biệt tố cáo việc
chọn các nhà truyền giáo “thông đồng với chủ nghĩa đế quốc”, ý muốn nói
đến linh mục Auguste Chapdelaine, linh mục của Hội Thừa Sai Paris bị
giết năm 1856 đã làm cớ cho Napoléon III (đồng minh với Anh) can thiệp
để chống Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Nha Phiến và để có thêm các
nhượng bộ của một Quốc gia đã suy yếu.
Trong
trường hợp 17 vị tử đạo nước Lào, các hồ sơ cho thấy: linh mục Joseph
Thao Tiên và 16 linh mục, giáo dân khác bị ám sát, bị xử tử hay bị chết
vì kiệt sức từ năm 1954 đến 1970 trong một bối cảnh chính trị đặc biệt
phức tạp như chiến tranh chống thuộc địa, chiến tranh lạnh, phong trào
giải phóng quốc gia.
Việc phúc âm hóa ở
Lào chỉ mới có gần đây, vào cuối thế kỷ 19, Hội Thừa Sai Paris gởi các
nhà truyền giáo đầu tiên đến Lào, tiếp đó là Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ (OMI)
đến Lào vào những năm 1930. Nhưng sau Thế chiến Thứ nhì, các xáo động
chính trị đã nhanh chóng làm cho công việc truyền giáo bị khó khăn. “Phe
nổi loạn muốn triệt tất cả những gì có dính dáng đến người ngoại quốc
và Kitô giáo, linh mục Serge Leray giải thích, linh mục Leray là chưởng
ấn của địa phận Nantes và là người bảo vệ cho án phong chân phước (1).
Các nhà truyền giáo đã quyết định ở lại tại chỗ như Tòa Thánh đã yêu
cầu, mặc cho có những đe dọa nằng nề đè lên người họ.” Các linh mục,
giáo dân này bị ám sát, bị xử tử ở Lào, còn linh mục Jean-Baptiste Malo
thì chết vì kiệt sức ở một trại cải tạo ở Việt Nam (2).
Bốn mươi lăm năm
sau cái chết của hai giáo lý viên bị giết năm 1970, danh sách 17 vị tử
đạo ở Lào được khép lại. Năm 1975, sau khi đánh bại lực lượng Hoàng gia,
chính quyền Pathet Lao lên nắm quyền và từ đó đến nay quyền lực luôn ở
trong tay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ở một đất nước mà văn hóa Phật
giáo là chính thì Kitô hữu chỉ là thiểu số, người công giáo chỉ có
khoảng từ 50 đến 60 000 người. Các giám mục của bốn địa phận Giáo hội
địa phương là Luang Prabang, Paksé, Savannakhet và Vientiane đều hiểu là
phải kín đáo để được chính quyền tại chỗ cho một chút tự do.
Quân du kích Pathet, chịu trách nhiệm cho cái chêt tử đạo của Mario Borzaga và Paul Thoj Xyooj ở Lào, vào tháng 4, 1960
Việc phong chân
phước cho 17 vị tử đạo dự trù sẽ tổ chức vào tháng 5 hay 6 năm 2016, các
giám mục Lào dứt khoát muốn buổi lễ sẽ được tổ chức ở Lào. Nơi chốn sẽ
ấn định sau nhưng các giám mục lo ngại có thể có nguy cơ cho sự kiện
này. Họ muốn giới hạn tối đa sự hiện diện của người nước ngoài, ngay cả
thân nhân gia đình của “Tôi tớ Chúa” được Giáo hội vinh phong (3), để
không làm mích lòng chính quyền Lào; nhưng đối với họ, một buổi lễ như
vậy là buổi lễ nói lên toàn thể Giáo hội được xây dựng trên nền tảng của
các chứng nhân như Thánh Phaolô và Thánh Phêrô cùng các thánh tử đạo.
Giáo hội Lào muốn thấy trong các vị chân phước tử đạo của mình một nền
tảng vững chắc cho sự tăng trưởng và cho đời sống đức tin của mình. Tuy
nhiên, theo nguồn tin thân cận về hồ sơ này, có một số người tỏ ra ngờ
vực về khả năng không biết có tổ chức được lễ phong chân phước trong bối
cảnh nước Lào hiện nay hay không.
************************************************************************************************
Ghi chú
(1) Hiện nay Hội
Thừa Sai Paris không đích thân giới thiệu hồ sơ phong thánh cho Hội đồng
Phong thánh. Hội Thừa Sai Paris gồm các linh mục của các địa phận, họ
mong muốn giám mục của vị tử đạo hoặc giám mục tại nơi truyền giáo của
vị tử đạo sẽ mở án cho các thành viên của họ.
(2) Trong số 17 vị
tử đạo có một vài người Lào, thường là các giáo lý viên, các vị khác là
các nhà truyền giáo ngoại quốc, người Pháp hoặc thuộc dòng Hiến sĩ Đức
Mẹ. Trong số người Pháp có linh mục Jean-Baptiste Malo.
Linh mục Joseph
Tien (1918-1954) được xem là vị tử đạo đầu tiên của Lào. Mười linh mục
Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris là: Jean-Baptiste Malo (1899-1954), René
Dubroux (1914-1959), Noël Tenaud (1904-1961), Marcel Denis (1919-1961)
et Lucien Galan (1921-1968), năm linh mục thuộc dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ
(OMI): Louis Leroy (1923-1961), Michel Coquelet (1931-1961), Vincent
L’Hénoret (1921-1961), Jean Wauthier (1926-1967) và Joseph Boissel
(1909-1969). Trong số này có giáo lý viên người Thái Joseph Outhay
(1933-1961), giáo lý viên người Lào Luc Sy (1938-1970) và giáo dân Lào
Thomas Khampheuane (1952-1968) và Maisam Pho Inpèng (1934-1970).
Ngoài ra còn có nhà truyền giáo người Ý Mario Borzaga, dạy giáo lý cho người Hmong bị giết ở Lào năm 1960.
(3) Để giải quyết
cho việc các thân nhân gia đình các vị tử đạo không đến được Lào, các
giám mục Lào đề nghị có các buổi lễ tổ chức tại Pháp, Ý để tưởng niệm
các “Tôi tớ Chúa”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc