Làm phiền Thầy
chi nữa!
Hai
phép lạ lồng vào nhau được Tin Mừng Mác-cô tường thuật nêu lên một vấn nạn mà từ
lâu nay tôi vẫn lởn vởn trong đầu: tôi có thật sự tin vào Chúa không, và thế
nào là một niềm tin đích thực vào Chúa?
Hai phép lạ Đức
Giê-su thực hiện rõ ràng là do lòng tin của các nhân vật trong cuộc: Ông trưởng
hội đường Gia-i-a và người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm chắc chắn đã
tin vào sức mạnh chữa lành của Thầy Giê-su, khi họ đồng loạt khẩn khoản nài xin
Người thi thố quyền phép, tuy với những cách thức rất khác nhau - một người ‘sụp xuống dưới chân Người và khẩn khoản nài
xin’, trong khi người kia rón rén ‘đến
phía sau Người để sờ vào áo của Người’. Trong cả hai trường hợp Đức Giê-su
đều xác định: “Lòng tin của con đã cứu chữa
con... Chỉ cần ông tin thôi”. Thế nhưng toàn bộ câu chuyện hình như lại cho
thấy một điều gì khác thâm sâu hơn; Đức Giê-su đòi bất cứ niềm tin nào đặt nơi
Người, cho dầu tự nó đã là rất vững chãi đi nữa, vẫn còn phải được kèm theo một
yếu tố không thể thiếu, đó là phó thác cậy trông dứt khoát và không lay chuyển!
Người đàn bà có tin nhưng còn không dám, còn rụt rè và run sợ… gia đình ông trưởng
hội đường tin đấy, nhưng còn ngại ngùng ‘làm
phiền Thầy chi nữa!’ Rõ ràng tín thác cậy trông đã thiếu trong cả hai trường
hợp.
Đối với Đức
Giê-su, tin vào quyền năng của Thiên Chúa mà thôi là chưa đủ, nói cách khác,
Người chờ đợi nơi Ki-tô hữu của Tân Ước một thái độ tin tưởng phó thác rất độc
đáo, không hề tìm thấy nơi bất cứ một tôn giáo nào khác. Các Ki-tô hữu chúng ta
đều biết, mục đích chính Đức Giê-su đến trần gian chắc chắn không nhằm biểu lộ
quyền năng hùng mạnh của Thiên Chúa. Để làm được điều này Cựu Ước đã quá đủ; ‘Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh’ (Lc 1:51)
qua không biết bao nhiêu là biến cố oai hùng, nhất là các can thiệp khủng khiếp
trong biến cố Xuất Hành giải thoát dân riêng. Ngay cả khi Người thực hiện các
phép lạ vĩ đại, Người vẫn cho thấy rằng biểu lộ quyền năng Thiên Chúa chỉ là điều
rất thứ yếu. Mục tiêu chính của các phép lạ vẫn luôn là, như Người không ngừng khảng
định rằng ‘Thiên Chúa yêu thương trần
gian’. Chính vì thế mà, đối với người dàn bà rón rén ‘lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người’,
cho dầu lòng tin của bà có mạnh thật đấy, ‘Tôi
mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu’, nhưng Đức Giê-su vẫn muốn bà
nhận ra: có một ‘năng lực tự nơi mình
phát ra’ mà chưa ai từng nhận biết, đó là tình yêu xót thương của Thiên
Chúa, một tình yêu phải mang đến cho bà tin tưởng và bình an, chứ không phải e
dè sợ hãi. “Con hãy về bình an và khỏi hẳn
bệnh”. Cũng vậy trường hợp ông trưởng hội đường (tương tự như cô Mát-ta
trong chương 11 Phúc Âm Gio-an); chắc chắn ông đã tin vào quyền năng của Thiên
Chúa, nhưng ông vẫn có phần ngại ngùng rằng yêu cầu của ông đi quá xa, “Con gái ông chết rồi, còn làm phiền thầy chi
nữa!” Ngại ngùng đó chứng tỏ ông không hiểu gì về lòng nhân lành thương xót
của Đấng mà Đức Giê-su công bố là ‘Cha
anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho anh em sao?’
Người phải chấn an ông: “Ông đừng sợ, chỉ
cần tin thôi”, nhưng phải là niềm tin hoàn toàn phò thác và tin tưởng sâu
xa nhất.
Tin không chút sợ
hãi chắc chắn không phải là một niềm tin bình thường. Niềm tin đó không chỉ dựa
vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa, mà quan trọng hơn, phải đặt trên tin tưởng
vô hạn đặt cơ sở trên chính sự nhân lành của Thiên Chúa tới độ tín thác không
chút e dè. Sự tin tưởng của người lính vào tài bầy binh bố trận của vị tướng cầm
quân tài giỏi có thể là rất vững chắc, nhưng không thể nào sánh được với sự phó
thác của em bé trong vòng tay âu yếm của mẹ nó; một đàng là tin tưởng đặt nền
móng trên nắm bắt được sức mạnh của quyền lực, đàng khác là phó thác dựa trên cảm
nghiệm được yêu thương. Niềm tin Ki-tô hữu, kể từ thời các Tông Đồ, không còn đặt
nền tảng trên biến cố oai hùng như Xuất Hành qua Biển Đỏ, nhưng là trên cử hành
Hiến Tế thập giá. Vì thế niềm tin này, để trưởng thành và vững chãi, sẽ không cần
cầu xin một dấu lạ (xem Mt 12:38), nhưng cần cảm nghiệm được tình yêu của Đấng
đã ‘chết cho người mình yêu’. Nói
cách khác, ánh sáng đức tin Ki-tô hữu không giãi sáng từ trí óc nhưng từ con
tim (hãy ngắm nhìn bức ảnh ‘Lòng Thương Xót Chúa’). Và do đó câu tuyên xưng đức
tin đúng đắn nhất của mọi Ki-tô hữu sẽ không còn là ‘tôi tin kính một Thiên Chúa toàn năng!’ (I believe in God almighty), nhưng phải là ‘Con tín thác nơi Chúa’ (Jesus,
I trust in you), vì chỉ mình Người mới là Đấng không những quyền phép,
nhưng trên hết là từ nhân.
Tôi thiết nghĩ cốt
lõi của phong trào ‘Lòng Thương Xót’ hệ tại ở việc biến đổi thâm sâu trong đức
tin của mỗi Ki-tô hữu chúng ta.
Lm Gioan Ty, SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc