0
 Alberto Maalouf: Bạn của những người vô gia cư
Alberto Maalouf
Alberto Maalouf
Trước khi trở lại, anh nhận biết mình chẳng quan tâm gì đến người nghèo khổ. Bảy năm sau, Alberto Maalouf được tất cả những người vô gia cư ở Caen biết đến. Sau kinh nghiệm chấn động khi đi hành hương Đức Mẹ Medjugorje ở Bosnia, sinh viên y khoa chuyên ngành cấp cứu vào ban tuyên úy sinh viên ở Caen. Vấn đề của họ là: “Làm sao đẩy lui nạn nghèo khổ ít nhất là trong thành phố của mình?” Nhóm nhỏ của anh bắt đầu tiết kiệm, họ cùng nhau để dành tiền để mua thức ăn cho người vô gia cư.
Trong bốn năm, tổ chức Đức Bà Ánh Sáng của họ kết hợp với giáo xứ Ba Ngôi và được thư giới thiệu của giám mục cho phép 200 người công giáo đủ mọi lứa tuổi đi phân phát thức ăn cứ mỗi hai chúa nhật một tháng cho những người vô gia cư.
Anh Maalouf là người sinh ra ở Liban, anh cho biết “chúng tôi nhận ra trưa chúa nhật, những người vô gia cư không có gì ăn.”
Mục tiêu: Gặp họ nơi họ ở. Một vài người không bao giờ tiếp xúc với xã hội, ngay cả đến với người vô gia cư với nhau cũng không, như anh Camille này, anh sống dưới cầu và không hề nói chuyện với ai từ nhiều năm nay”, anh Maalouf thao thao bất tuyệt, anh sinh viên này có tầm vóc của người đi rao giảng.
Aurelia Rosine: Người tổ chức lễ hội ở khu vực ngoại ô
Aurelia Rosine
Cô là người tổ chức buổi lễ hội ngày cuối tuần đầu tháng năm ở khuôn viên Vương cung thánh đường nhà thờ Saint-Denis, buổi lễ hội này đã được rất nhiều người tham dự. Hơn 500 người đã tham dự buổi tối lễ hội có phần ca nhạc, chúc tụng, làm chứng để “làm nổi bật tài năng nghệ sĩ” của thế hệ trẻ 93, cô Aurélia Rosine, 29 tuổi cho biết, cô là nhạc sĩ đàn hạc. “Chúng tôi muốn thúc đẩy mọi người làm chứng cho đức tin của mình trong hòa bình, trao đổi và tinh thần cởi mở với các tôn giáo khác trong những khu phố có thể bị xem là những khu phố khó khăn.”
Đức tin là chuyện đương nhiên của cô sinh viên trẻ người Martinique của tỉnh Blanc-Mesnil, cô đã tìm trong Giáo hội một “gia đình thứ nhì”. Một đức tin đã gợi tò mò nơi các bạn Hồi giáo mà cô gặp trong các lớp học của mình. Với công việc mang lại vệ sinh an toàn cho môi trường, cùng với nhóm người trẻ ở Aulnay-sous-Bois,  cô Aurélia làm việc tích cực cho thành phố của mình.
Sau Ngày Giới Trẻ ở Sydney, ở Madrid và ở Rio, cô cảm thấy mình hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Đức Phanxicô, người đã xin giới trẻ sẽ là “tác nhân chính của sự thay đổi”: “Nếu chúng tôi thụ động thì không có gì được nhúc nhích,” cô cho biết.
Benjamin Florin: Người phục vụ trong tiệm rượu cho những người không có đức tin
Benjamin Florin
Benjamin Florin
Người ta không thấy anh ở nhà thờ nhưng thấy anh ở quầy của một quán bar. Benjamin Florin, 29 tuổi vừa mở quán Cana (Comptoir de Cana) một quán “Kitô” ở thành phố Vieux-Lille. Không ở trong cộng đoàn cũng không ở trong phong trào nào, anh tiếp “những người không dám đến nhà thờ”. Anh có trách nhiệm trong Công giáo Tiến hành dành cho trẻ con, trong phong trào Hướng Đạo Pháp, sinh hoạt viên đảm trách mục vụ trong một trường trung học ở Roubaix, anh đã có nhiều kinh nghiệm trong Giáo hội.
“Sau khi thêm sức xong, giáo lý viên hỏi chúng tôi về sự dấn thân của chúng tôi sau này cho Giáo hội. lúc đó tôi chẳng suy nghĩ gì. Nhưng sau này tôi quyết định dấn thân làm thiện nguyện viên ở trường học, rồi tiếp tục làm các năm tôi học lên cao hơn.”
Khi có bằng cử nhân quản trị kinh tế và xã hội trong tay, Benjamin Florin là sinh hoạt viên mục vụ. Sau hai năm làm việc, anh có ý định mở một quán bar “Kitô” ở 38 đường Bouchers. Một quán đón tất cả mọi người, bán các sản phẩm có chất lượng – bia và sirô của các đan tu – và sự lắng nghe, nhờ có sự hợp tác của các thiện nguyện viên. “Tòa giải tội tốt nhất là nơi quán bar!”, anh tóm tắt cho biết.
Evangéline Masson-Diez: “Bà của những người nhập cư chui”
Evangéline Masson-Diez
Evangéline Masson-Diez
“Lính biên phòng ở vùng ngoại vi”. Đó là chức vụ mà cô Evangéline Masson-Diez, 33 tuổi thích giới thiệu về mình. Cô là “Bà của những người nhập cư chui (Roms) của tổ chức Cứu trợ Công giáo Paris. Lý do: “Các gia đình này là con dê tế thần hoàn hảo của xã hội chúng ta, chúng ta mặc họ dụng lều ở ngoài cửa chúng ta, những cánh cửa ở Aubervilliers, Italie, Chapelle và ngay cả trước mặt nhà chúng ta, trên vỉa hè…”, người phụ nữ trẻ có tinh thần kháng cự này nhấn mạnh, cô là người sẵn sàng cầm băng rôn đi hàng đầu.
Sau khi học bộ môn nghệ thuật và sau một chuyến đi dài với chồng để gặp các người trẻ trong 15 nước cựu xô-viết, Evangéline đã làm cho tổ chức Cứu trợ Công giáo Paris biết đến thế giới của những người nhập cư chui. Năm 2007 cô hợp tác với tổ chức này. Bây giờ cô là mẹ của hai đứa con, cô tuyển, đào tạo, tháp tùng các thiện nguyện viên và sẵn sàng mang tiếng nói đến cho những người không có giấy tờ nhất là qua các bài viết.
Cô là con út của một gia đình có năm người con và có những cánh cửa mở rộng – “lúc nào trong nhà cũng có người lạ”, được lời nói của Chúa Giêsu trong Phúc Âm hướng dẫn: “Ta là khách lạ và các con đã đón Ta”, Evangéline chiến đấu mỗi ngày với các thành kiến về những người nhập cư chui, kể cả những người “giữ đạo”. “Có thể tôi ngây thơ nhưng tôi không bao giờ ghi nhận tất cả những gì người ta kể về họ”, cô tin chắc như vậy.
Joïlita Tresca: Người truyền giáo cho những người sống khổ cực ở các nước phát triển cao
Joïlita Tresca
Cuộc gặp gỡ với các gia đình của những người sống khổ cực khi đi đàng thánh giá vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh đã làm cho cô Joïlita Tresca, 29 tuổi hiểu thế nào là khuôn mặt của Chúa Kitô. Cô kể: “Khi nhìn khuôn mặt của họ, ngay lập tức tôi nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô. Tôi nghĩ chỉ có Chúa mới trả lời cho cơn tuyệt vọng của họ.” Người đàn bà trẻ lớn lên trong môi trường ‘siêu ưu tiên’ nhưng không nhận một giáo dục tôn giáo nào đã trở lại khi cô 19 tuổi. Từ đó sự khám phá ra Chúa Kitô đã định hướng cuộc sống của cô sinh viên luật này.
Cách đây năm năm, chính trong cộng đoàn Sappel ở Ain, một cộng đoàn có mục đích rao giảng Lời Chúa cho các gia đình khổ cực mà cô tìm được cách để loan báo Lời Chúa cho những người bị “loại ra ngay cả trong những nơi của những người bị loại”.
“Đó là những người sống trong tủi nhục và sỉ nhục nhưng họ cũng có trải nghiệm với Chúa và ít được chia sẻ”, cô tin chắc như vậy. Cô tháp tùng về mặt thiêng liêng và chuẩn bị cho các em từ 16 đến 20 tuổi nhận các phép bí tích, các em sống trong tình trạng “rất rắc rối” và lo âu buồn bã.
Julien Pointillart: Trạng sư cho những người đồng tính trong Giáo hội
Julien Pointillart
Cùng giới, cùng sống với nhau như vợ chồng, cùng là người công giáo, làm sao để họ tìm cho mình một chỗ đứng trong Giáo hội? Chắc chắn đó là câu hỏi mà kỷ sư trẻ 35 tuổi, người Paris, Julien Pointillart muốn tìm câu trả lời. Anh sống chung với anh Bruno từ năm 2008 và đang dự định làm đám cưới dân sự vào mùa hè sắp tới, anh thành lập một nhóm chia sẻ cho những cặp cùng giới vì không được đón nhận trong một giáo xứ trong những điều kiện xưa.
Từ ba năm nay, mỗi tháng, 5 cặp đàn ông cùng giới trong độ tuổi ba mươi, bốn mươi họp nhau để suy nghĩ về khả năng sinh sôi của mình, “vấn đề được đặt ra một cách đặc biệt cho những cặp cùng giới.” Để giúp nhau, họ mời một linh mục, một đan sĩ và một cặp vợ chồng phó tế… “Nhóm này thật sự hữu ích khi có phong trào chống mọi hình thức hôn nhân cho tất cả,” anh Julien nhấn mạnh. Rất đàng hoàng và rất dấn thân trong Giáo hội: trong khuôn khổ hợp tác với Thượng hội đồng Gia đình, anh tham dự vào nhóm thượng hội đồng của giáo xứ mình, Saint-Pierre-de-Montrouge ở Paris, và cũng đã tham dự vào nhóm suy tư về đồng tính do Trường Bernardin tổ chức. Ý thức sáng kiến của mình có thể “gây phiền”, anh hy vọng “làm cho những người công giáo suy nghĩ”.
Léa Berlet: Cô làm vườn của cuộc gặp gỡ 
Léa Berlet
Léa Berlet
Không có gì thích hợp để vun trồng đoàn thể tính cho bằng vườn cây cộng đồng. Cùng với bốn người trẻ khác của Phong trào Nông thôn của Tín hữu Kitô trẻ (MRJC), Léa Berlet tham dự vào vườn cây trồng các loại thảo mộc thơm và làm thuốc trong ngôi làng La Remaudière, vùng Loire-Atlantique của mình.
Trong khuôn đất sát đàng sau nhà thờ, nhóm đã đội mưa để gieo hạt giống cho các loại cây húng, ngò, lý đen hay viôlét. “Mục đích là để cư dân đủ mọi lứa tuổi trong làng gặp nhau, vì làng chúng tôi có 1 200 người, họ gặp nhau mỗi ngày nhưng không chắc đã biết nhau”, cô học sinh trung học 16 tuổi kể. Cô tham dự vào phong trào Nông thôn của Tín hữu Kitô trẻ sau nhiều năm sinh họat trong phong trào Công giáo Tiến hành cho trẻ con (ACE).
Thành viên của tổ chức Frat, một tổ chức quy tụ mười mấy người trẻ của vùng trồng nho Nantes, cô mong muốn đào sâu đức tin của mình với nhóm cô đã cùng đi hành hương với họ đến Taizé, Léa Berlet tin chắc “không nên khép mình trong khuôn khổ của người công giáo mà phải đi ra và đến với người khác… Dù người khác không đến với mình”.
Mong muốn của cô gái thích sống ngoài thiên nhiên này là: trao công việc lại cho dân làng La Remaudière để họ chăm sóc khu vườn và gieo trồng các tình bạn mới.
Nicolas Schittulli: Người ở bên cạnh người vô gia cư
Nicolas Schittulli
Nicolas Schittulli
“Chúng tôi đi gặp tất cả mọi người không trừ một ai, nhưng trừ những người quá hung hăng”, ông Nicolas Schittulli khẳng định, ông làm thương mại trong một hãng chuyên về sự kiện ở Paris và sáng lập Nhóm Rửa Chân. Nhóm này được thành lập vào Mùa Chay năm ngoái, gồm 50 người trẻ thuộc giáo xứ Thánh Tâm của Montmartre : “Chúng tôi tự hỏi làm sao cụ thể hóa việc từ thiện trong giai đoạn này và làm sao đi ra khỏi tiện nghi của mình.”
Cùng nhau, chúng tôi đến quận 18 ở Paris mỗi tháng một lần, “để đối thoại, nói chuyện với những người vô gia cư, những người hút ma túy ở gần Vương cung thánh đường”. Trong ba giai đoạn: hướng dẫn thiêng liêng, chầu Thánh Thể trước khi đi lang thang. “Tên Nhóm Rửa Chân nhắc lại Buổi Tiệc Ly của Chúa Giêsu, biểu tượng cho phục vụ, gặp gỡ, hạ mình đối với chúng tôi”, ông cho biết như trên.
Trước khi có Nhóm, chúng tôi cũng đã làm việc nhưng không chính thức. Chúng tôi được các tu sĩ Bênêđictô ở Montmartre tháp tùng nên đã có rất nhiều sự kiện được làm: diễn kịch ở nhà nguyện, gặp du khách để giới thiệu các nơi thiêng liêng ở đây.
Samuel Lionel: người tổ chức các buổi nhạc đêm
Samuel Lionel
Samuel Lionel
“Các bạn cứ lộn xộn!” Samuel Lionel không chờ Đức Phanxicô yêu cầu trong lần ngài gặp giới trẻ ở Ngày Giới Trẻ Rio de Raneiro tháng 7 năm 2013 để hành động. Thanh niên trẻ 26 tuổi người gốc thành phố Toulouse này đã có một sáng kiến đặc biệt: biến nhà thờ thành hộp đêm. Anh đặt tên hộp đêm là “DJ trong Nhà thờ –  DJ in the Church”, các buổi chơi nhạc diễn ra trong khuôn khổ mục vụ cho sinh viên ở nhà thờ Saint-Pierre-des-Chartreux, Toulouse, nơi dành riêng cho các buổi sinh hoạt của sinh viên. Nhạc “điện”, hình ảnh chiếu trên màn hình sáng chói và có cả bia, tất cả làm biến đổi nơi thờ phượng này.
“Nhưng các buổi dạ hội này không tổ chức trong nhà thờ nhưng ở sân tu viện”, anh Samuel trấn an. Lại còn phải làm cho những người tham dự bước vào ngưỡng cửa! “Trong số họ rất nhiều người chưa bao giờ đến nhà thờ, họ thấy ánh sáng và họ bước vào, anh vui vẻ nói đùa. Như thế anh tiếp xúc với nhiều lối sống khác nhau, từ người công giáo đến thanh niên ở ngoại ô… Không phải là phúc âm hóa trực tiếp, đúng hơn là mong muốn làm thuận lợi cho những cuộc gặp gỡ.” Là nhà giáo của Những Người Học Việc Auteuil, anh cũng áp dụng cách này ở đây. “Khi họ nghe tôi tổ chức các buổi dạ hội, họ thích nhưng sau đó, ngay lập tức họ biết đây là những dạ hội được tổ chức trong nhà thờ…”
Stéphanie Saboly: Người “ở chung” với các bà mẹ đơn thân
Stéphanie Saboly
Từ khi còn “rất nhỏ”, cô Stéphanie Saboly, 30 tuổi, mẹ của hai người con, đã xúc động trước hoàn cảnh của các bà mẹ muốn giữ đứa con mà họ đang mong chờ nhưng họ không thể giữ được vì điều kiện vật chất, vì cô đơn. Khi biết có Nhà Mácta và Maria, cô thấy chương trình ở chung giữa các bà mẹ mang thai gặp khó khăn và các người trẻ có nghề nghiệp là giải pháp cụ thể cho việc đón một em bé sắp ra đời, chương trình này ra đời lần đầu tiên ở Lyon năm 2011.
Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Thương Mại Paris (ESCP), đầu tiên hết cô Stéphanie làm thiện nguyện viên ở hội đồng quản trị của tổ chức này, một tổ chức do sáng kiến của cô Aline, một nữ hộ sinh trẻ, cô Aline phẫn nộ vì thấy khi đã giúp cho các em bé được ra đời thì ba ngày sau, em bé và mẹ đã phải sống ngoài đường.
Hiệp hội được chuyên nghiệp hóa và cô Stéphanie làm nữ giám đốc. Sau Lyon, một nhà khác được mở ở Paris tháng chín, một nhà khác được mở ở Nantes dịp tựu trường. “Để tiếp nhận các phụ nữ gặp khó khăn này, chúng tôi xin các thiện nguyện viên cùng có đời sống cầu nguyện với các nhân viên”, cô cho biết như trên.
 
Marta An Nguyễn chuyển dịch

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top