Suy niệm
Tin Mừng Mt 6:1-6.16-18
Mùa Chay: thời gian để được xót thương
“Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài!” (Ge 2:17)
Vào thời tiên tri
Giô-en, trong lúc dân đang gặp thảm họa với nạn châu chấu tàn phá, thì lời kêu
gọi của vị ngôn sứ “Hãy trở về cùng Đức
Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu
tình thương” là khơi dậy cả một niềm hy vọng! Thế nhưng ngay cả vị ngôn sứ
cũng chỉ mới dám hy vọng, chứ chưa nắm chắc được điều gì khi ông lên tiếng: “Biết đâu Người chẳng nghĩ lại” (Ge
2:13-14). Rõ ràng ông đã ngập ngừng! Hình phạt thì chắc rồi vì đang xảy ra, và
vì vậy lời kêu gọi sám hối và chay tịnh phải khẩn thiết: “hãy rúc tù và, hãy ra lệnh giữ chay thánh…” Tóm lại, cần phải xức
tro và chay tịnh để mong đượcThiên Chúa quyền năng công thẳng thương xót thứ
tha khỏi hình phạt sắp giáng xuống. Trong cùng một truyền thống ngôn sứ, lời
kêu gọi và phép rửa của Gio-an tiền hô sau này cũng mang nội dung tương tự: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây!” (Mt 3:10).
Thế còn Hội Thánh Chúa
Ki-tô, Hội Thánh của Tin Mừng cứu độ, muốn nói với tôi điều gì khi thiết lập
Mùa Chay thánh? Phải chăng cũng cùng một nội dung tương tự như các ngôn sứ đã
kêu gọi dân Do Thái xưa? Nếu là như thế thì tôi thiết nghĩ: thời gian và sứ điệp
này chỉ nặng ký đối với những ai hiện còn đang sống trong tội lỗi, còn thì thật
nhẹ tâng, thậm chí không cần thiết, đối với một số khác, những người đã hoặc
đang sống đạo đức tốt lành. Có lẽ vì vậy mà nhiều tín hữu ‘lành thánh’, trong
đó tất nhiên có nhiều linh mục và tu sĩ, có thái độ coi nhẹ thời gian ‘mùa
chay’ này. Họ nghĩ là cứ cặn kẽ tuân giữ các qui định về ăn chay kiêng thịt, hoặc
làm một số việc hy sinh (cá nhân hoặc tập thể) theo qui định của Giáo Luật hay
Luật Dòng, và thế là mùa chay tốt đẹp rồi.
Đức Giê-su thẳng thừng
tuyên bố rằng: ăn chay kiểu đó không còn cần thiết nữa (xem Mt 9:14-17); ngay cả
cái cách biểu lộ việc giữ chay tịnh như thời Cựu Ước của ngôn sứ Giô-en cũng
không nên tồn tại. Lý do sâu xa là vì, tình thế đã thay đổi tận gốc rễ: Chàng Rể
của tình yêu đã tới và vì thế than khóc, chay tịnh không còn ý nghĩa; trừ phi
tình thế bị đảo ngược. Nếu thế thì các Ki-tô hữu phải tìm ra nơi Mùa Chay một
nét nào đó hết sức độc đáo của Tân Ước: Chàng Rể của lòng từ nhân đã tới, và vì
thế đây phải là thời gian của vui mừng và hy vọng, thời gian tập trung mọi cặp
mắt hướng về Chàng; vì thế Mùa Chay trở thành quan trọng; chính vì Ki-tô hữu
chúng ta không còn mong đợi trong hy vọng nữa, mà đã thật sự đón nhận và tận hưởng;
ai càng đón nhận bao nhiêu thì lại càng có khả năng tận hưởng ơn cứu độ và lòng
thương xót bấy nhiêu. Nếu xưa kia Giô-en kêu gọi dân chúng giữ chay là để hy vọng
được Thiên Chúa xót thương, thì ngày nay Hội Thánh của Đức Ki-tô kêu gọi giữ
chay là để các tín hữu có dịp vào sâu hơn trong lòng xót thương cứu độ, nói
cách khác: để khám phá rõ hơn khuông mặt nhân ái của Thiên Chúa. Đối với Ki-tô
hữu “Thiên Chúa thương xót” không còn
là chuyện “biết đâu”! Thập Giá Đức
Giê-su là bảo chứng vững chắc: “Con Thiên
Chúa, đấng yêu thương tôi và phó mộp mình vì tôi” (Gl 2:20). Vì thế họ nắm
rất vững: sám hối, chay tịnh, kể cả làm việc lành phước đức… không phải là điều
kiện để được Chúa xót thương. Thiên Chúa xót thương và yêu mến họ trước cả khi
họ làm các điều ấy, vì Người yêu họ vô điều kiện, yêu hoàn toàn nhưng không,
yêu tới mức độ chết cho họ ngay cả khi họ còn là những tội nhân phản nghịch. Mỗi
khi mở miệng thốt lên: “Xin Chúa thương
xót chúng con”, Ki-tô hữu tuyên
xưng cách vững chắc niềm tin của mình vào một Thiên Chúa từ nhận và hay thương
xót, hơn là cầu khẩn để mong nhận được lòng thương xót như dân Do thái trong thời
Cựu Ước xưa.
Mùa chay mà Hội Thánh
công bố cho tất cả mọi tín hữu qua việc xức tro hôm nay phải mang nội dung nói
trên. Đối với các dự tòng và người tội lỗi, có thể còn mang dáng dấp của tinh
thần Cựu Ước và các ngôn sứ, nhưng với các Ki-tô hữu trưởng thành thì Mùa Chay
phải mang ý nghĩa tích cực hơn nhiều. Và đừng có lo lắng nghĩ rằng: đi sâu hơn
vào lòng thương xót Chúa sẽ làm chùng đi mất sự căng thẳng của dây đàn thống hối
đang réo rắt. Ngược lại là đàng khác, chính vì tâm hồn biết ca tụng lòng thương
xót vô biên của Chúa mà ta sẽ càng thấy cấp bách cần phải thanh luyện mình hơn
nữa, càng thấy có nhu cầu phải chay tịnh và chân thành thống hối nhiều hơn nữa,
để được xứng đáng hơn với tình yêu xót thương; đúng như câu nói của Mẹ Tê-rê-xa
Kơn-ka-ta: “Chúa yêu thương tôi không phải vì tôi lành thánh, nhưng tôi nỗ lực
trở nên lành thánh vì biết rằng Chúa đã yêu thương tôi”.
Bài viết: Lm Gioan Ty SDB
Đăng bài: GB Thanh Hội
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc