Suy niệm
Tin Mừng Ga
11:1-45
01 – Phải tin như thế nào?
“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại!” chúng ta vẫn tuyên xưng
như thế mỗi lần đọc kinh tin kính. Ki-tô hữu tin chắc một ngày kia mình sẽ được
Chúa cho sống lại, cho dầu chưa một ai có kinh nghiệm về điều đó. Niềm tin này
về mặt tâm lý thật rất quan trọng, vì trước hết nó có tác dụng kìm hãm con người
khỏi một cuộc sống buông thả, sa đọa. Ta vẫn thường tự hỏi, những người tự xưng
mình là vô thần là duy vật, nếu quả thực họ xác tín mình như thế, thì động lực
nào thôi thúc họ làm lành lánh dữ đây? Thế nhưng câu chuyện thánh sử Gio-an viết
về ông La-da-rô được Đức Giê-su cho sống lại sau bốn ngày đã chôn cất trong phần
mộ lại không đơn giản chỉ nhằm minh chứng cho niềm tin rằng con người sẽ được sống
lại. Đúng hơn đoạn Tin Mừng buộc mỗi người chúng ta giáp mặt với một vấn nạn
còn quan trọng hơn thế nhiều: tôi có hay không đặt niềm tin trọn vẹn nơi một
mình Đức Ki-tô Giê-su là chính nguồn sống và ‘là sự sống lại’ của tôi?
Giống như phần đa các
người Do Thái khác, cô Mác-ta tin rằng hết thảy mọi người một ngày kia sẽ sống
lại: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ
chết sống lại trong ngày sau hết”. Tuy nhiên Đức Giê-su không đòi cô chỉ
tin có một điều như thế; khi hỏi: “Chị có
tin thế không?” điều Người muốn cô (và mọi tín hữu) phải tuyên xưng là: “Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Thầy, sẽ
không bao giờ phải chết”; thoạt nghe có vẻ như cả hai câu nói lên cùng một
điều duy nhất, tuy nhiên nhìn kĩ ta mới khám phá ra rằng: câu Đức Giê-su khảng
định có nội dung khác hẳn với câu Mác-ta tuyên xưng.
Mà quả thực là như vậy!
Đáp lại câu hỏi “Chị có tin thế không?”
cô Mác-ta đã vội vã sử dụng công thức tuyên tín quen thuộc: “Thưa Thầy, có! Con vẫn tin Thầy là Đức
Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Cô thành thực tin rằng: Đức
Giê-su quả là đấng Ki-tô; và như thế có nghĩa là Người chắc chắn có mọi quyền
năng được Thiên Chúa ban cho; rồi cũng chính nhờ quyền năng đó mà Người có thể
cứu cậu em La-da-rô mình khỏi chết: “Thưa
Thầy, nếu có Thầy ở đây em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều
gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Niềm tin đó tự nó
đã cao đẹp lắm rồi, nhưng hình như vẫn còn quá yếu để cô nắm chắc rằng cậu em sẽ
được sống lại. Quả vậy, khi Đức Giê-su truyền lăn phiến đá lấp cửa mồ ra, cô
còn hớt hải phảng kháng: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ
đã được bốn ngày!” Đối với cô, quyền năng của Thiên Chúa chỉ có thể cứu sống
La-da-rô khi chưa chết, chứ không thể làm cho ông anh ‘đã chết bốn ngày rồi’ chỗi
dậy. Cho dù Đức Giê-su có quyền năng gì đi chăng nữa, thì cũng chỉ tới mức độ
đó mà thôi.
Không thỏa mãn với niềm
tin đó, Đức Giê-su khảng định cách chắc nịch và căn cơ hơn: “Chính Thầy là sự sống lại và
là sự sống!” Người còn thêm: ai tin điều đó, tất nhìn thấy vinh
quang Thiên Chúa: “Nào Thầy đã chẳng nói
với chị rằng, nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”
Làm cho một kẻ đã chết về thể lý sống lại thì rõ ràng quyền năng của Thiên Chúa
đã được chứng tỏ, còn nếu hoàn lại sức sống thần linh cho một kẻ đã chết trong
tội thì lại càng phải biểu lộ vinh quang đó cách rõ rệt hơn (xem Mc 2:9-10)! Thế
nhưng không may là thường khi chúng ta lại có ấn tượng ngược lại. Hơn nữa tin rằng
Thiên Chúa là đấng hằng sống thì dễ, nhưng nhận biết ‘Ngài là sự sống lại’ thì
ta chưa quen… Lý do là vì: nếu Thiên Chúa là sự sống lại, thì điều đó có nghĩa
là: Người phải chết trước đã. Bất kỳ sự sống lại nào cũng đều phải kinh qua sự
chết, cũng như bất cứ ai được sống lại về thể lý hay thần linh thì trước hết
cũng đều phải kinh qua cái chết thể lý hay tinh thần; khảng định: “Chính Thầy là sự sống lại”, Đức Giê-su tuyên bố trước cái chết của Người
trên thập giá. Dầu là hiện thân của Thiên Chúa hằng sống, thì để là sự sống lại, Người
cũng nhất thiết phải kinh qua cái chết; nhất thiết phải tự hủy mình ra như
không (xem Pl 2:7), phải bỏ trời xuống thế, phải mang lấy thân phận tội lỗi yếu
hèn và nhận lấy cái chết của toàn nhân loại. Ta có thể nói: qua Đức Ki-tô,
chính Thiên Chúa cũng trải qua cái chết; “Thiên
Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế
gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ… Ai tin vào con của người thì khỏi phải
chết” (Ga 3:16-17; cũng cần xem thêm Ga 5:21.24). Vì là sự sống lại, nên
Người không phải chỉ hằng sống và làm cho kẻ khác sống lại, mà chính Người cũng
chết và sống lại; do đó sẽ là điều tự nhiên thôi: “Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống!” Điều này chắc chắn
Mác-ta không hiểu, nhưng Ki-tô hữu chúng ta thì phải khác; kinh nghiệm hàng
ngày cống hiến cho ta muôn vàn dịp để thâm tín điều này, khởi đầu từ lãnh nhận Phép
Rửa để nhen nhúm lên niềm tin sống lại; rồi những lần xưng tội sau những lỗi phạm
và sa ngã…, trong đời sống mình Ki-tô hữu củng cố không ngừng niềm tin: Đức
Ki-tô quả là, và liên tục là sự sống
lại của tôi!
Phải, để tin chắc rằng Đức
Giê-su chính là sự sống lại của mình, mỗi chúng ta đều cần có cảm nghiệm tội lỗi,
một điều không khó vì trong suốt một đời người chẳng ai mà không có! Mùa Chay gửi
tới các Ki-tô hữu sứ điệp: “Hãy sám hối
và tin vào Tin Mừng!” điều đó có nghĩa là: nhờ sám hối, tức là từ kinh nghiệm
chết trong tội, chúng ta mới có thể tuyên xưng cách mạnh mẽ và tràn trề hy vọng:
‘Chúa chính là sự sống lại, là Cứu Chúa của tôi!’ Như thế, Thập Giá và Phục
Sinh phải là một Tin Mừng liên hoàn duy nhất, chết và sống lại chỉ là hai mặt của
cùng một lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa đối với con người mà thôi.
Tôi cần học lấy bài học
quan trọng này, nhất là vào dịp cuối Mùa Chay thánh: nếu cùng chết với Đức
Ki-tô, tôi chắc chắc sẽ cùng được sống lại với Người (xem Rm 6:4).
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc