Suy niệm
Tin Mừng Ga
11:1-45
2 - Thương xót có sức làm cho sống lại
Nếu mọi phép lạ Đức
Giê-su thực hiện đều là thể theo yêu cầu của người xin, và điều kiện duy nhất
Người đòi hỏi là tin và phó thác vào Người, thì riêng phép lạ làm cho La-da-rô
đã chết và chôn trong mộ đã bốn ngày được sống lại thì hình như từ phía Đức
Giê-su đã có một ý đồ dàn dựng nào đó, một dàn dựng khá phức tạp và khó hiểu; “Bệnh này không tới nỗi chết đâu, nhưng là dịp
để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn
vinh… La-da-rô đã chết; Thầy mừng cho anh em, vì thầy đã không có mặt ở đó, để
anh em tin”. Như vậy, ta có thể nói: cái chết của La-da-rô là một sự kiện cố
tình, một màn dàn dựng có kịch bản dọn trước; thế nhưng chủ đích của màn dàn dựng
này là gì? nói cách khác: Đức Giê-su, qua phép lạ cả thể này, muốn các môn đệ
Người tin vào điều gì? Tôi vẫn thường được nghe giải thích cách dễ dãi rằng:
phép lạ cả thể này là nhằm chứng tỏ quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa, vì chỉ
một mình Thiên Chúa mới có quyền làm cho một người chết đã chôn cất bốn ngày rồi
được sống lại! Điều đó là đương nhiên, nhưng những lời khảng định tiếp theo của
Đức Giê-su lại cho thấy: các chi tiết dàn dựng của màn trình diễn công phu được
Gio-an ghi lại cách chi tiết và trang trọng, hình như chỉ nhằm long trọng tuyên
bố một điều chưa ai từng nghe: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.
Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết”.
Trước hết, cái ‘chết và
sống’ được Đức Giê-su đề cập tới ở đây, không thể chỉ là cái chết và sống thể
lý sinh học; bởi vì ngày nay y khoa đã có những bước tiến dài để có thể làm cho
một người chết lâm sàng được hồi sinh trở lại, cho dầu điều này hiện vẫn còn là
một hiện tượng khá phi thường và hiếm hoi. Nội dung Tin Mừng của các phép lạ mới
là điều các thánh sử nhấn mạnh, chẳng hạn như khi đứng trước người bị bại liệt,
Người nói với anh ta: “Tội con được tha rồi!...”
‘Tin Mừng có sức chữa lành’, đó là điều Đức Giê-su muốn chứng tỏ qua các lần
Người chữa bệnh thể lý; tuy nhiên, đây là trường hợp rất đặc biệt, khi mà đề
tài Người đưa ra lại là tâm điểm của chính Tin Mừng: Người chính là sự ‘Sống Lại’,
và sẽ làm cho bất cứ kẻ nào tin vào Người, cho dầu có chết cũng sống lại, không
chỉ về mặt thể lý mà nhất là về tinh thần - thiêng liêng, “Nếu Thày có mặt ở đây thì em con đã không chết”. Vì đây là tuyên bố
mấu chốt nhất của Tin Mừng cho nên Người dàn dựng một phép lạ cả thể và công
khai (với rất nhiều chứng nhân) hầu làm cho lời công bố được thêm sức mạnh. Như
vậy thì cái chết của La-da-rô đã chôn vùi bốn ngày rõ ràng là hình ảnh của thứ
tội nặng nề và quyết liệt nhất (the
gravest and the most definitive sin), mà ta vẫn quen gọi là tội trọng, hay
tội chết (mortal sin). Trước cả một
cái chết như thế, Đức Giê-su vẫn long trọng xác quyết: “Ai tin Thầy thì dù đã chết,
cũng sẽ được sống”; đồng nghĩa với khảng định: ‘ai tin Thầy thì dù có phạm
trọng tội, cũng được tha và tìm lại được sự sống.’
Trong cái chết thể lý thì
kẻ chết chỉ cần tới quyền phép đặc biệt của Thiên Chúa là đã có thể được sống lại;
còn trong cái chết của tội, quyền phép thôi chưa đủ, mà còn cần phải có cả một
lòng từ ái xót thương vô biên. Do đó, câu tuyên xưng của cô Mác-ta, cho dầu có
đúng nhưng vẫn không được thánh sử Gio-an đề cao: “Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế
gian”. Như nhiều người Do Thái cô mới chỉ nhắc tới quyền phép Đức Chúa ban
cho đấng Thiên Sai của Ngài. Bài Tin Mừng ghi nhận một chi tiết tuy âm thầm nhỏ
mọn nhưng thật sâu sắc: “Đức Giê-su thổn
thức trong lòng và xao xuyến… Đức Giê-su liền khóc”. Điều này cho thấy: việc
cho La-da-rô sống lại từ cõi chết không chỉ chứng tỏ quyền phép Thiên Chúa, nó
còn tỏ lộ sức mạnh của cõi lòng yêu thương rất ư là nhân bản của Đức Giê-su. Nó
có mục đích cho thấy vinh quang đích thực của Thiên Chúa là rất tình người, là
thật gần gũi, vì đó là vinh quang của lòng từ nhân và hay thương xót. Thiên
Chúa của Đức Giê-su đầy tình người và xót thương, chứ không uy nghi đáng sợ như
Thiên Chúa của Cựu ước; vì chỉ có Thiên Chúa của từ nhân và giầu lòng thương
xót mới có thể là sự sống lại!
Điều then chốt trong câu
truyện La-da-rô đã chết được cho sống lại chính là khảng định, lòng thương xót
có khả năng giải thoát khỏi chết và hoàn lại trọn vẹn sự sống. Cho tới nay nhiều
người vẫn nghĩ là: lòng thương xót thường chỉ được áp dụng cho những trường hợp
nhỏ nhoi nhẹ nhàng; còn lãnh vực sống chết cần phải dành cho công lý, nơi quyền
uy thống trị. Có lẽ vì thế mà cô Mác-ta thấy không còn chút hy vọng nào, cho dầu
cô biết rằng Đức Giê-su rất mực thương mến gia đình cô: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày!”
Tín thác vào ‘lòng thương xót vô bờ bến’ của Thiên Chúa liệu sẽ dẫn một Ki-tô hữu
tới đâu; nhiều người tỏ ra hoài nghi, họ chỉ thấy ‘thương xót’ luẩn quẩn trong
tha vạ, tha hình phạt, hưởng ân xá…, trong khi thương xót mạnh và quyết liệt tới
độ: thật sự hoàn lại sức sống và hoàn lại cách trọn vẹn, cả trong trường hợp mắc
tội trọng hay tội chết; điều này được phép lạ La-da-rô sống lại sau bốn ngày
trong mồ dẫn chứng hùng hồn. Điều kiện duy nhất để việc này trở thành hiện thực
là: tin vững chắc: ‘Đức Ki-tô là sự
sống lại’. Đức Giê-su đã chằng đòi Mác-ta phải hội được điều kiện duy nhất đó
sao: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng
nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao”. Và cũng chính
niềm tin đó mà Ki-tô hữu chúng ta trong Mùa Chay thánh này, được mời gọi vun trồng
cho thật vững chắc: “Đức Ki-tô đã chết vì
chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên
Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8). Và ai trọn vẹn tin vào Đức Ki-tô Giê-su
như thế thì dù đã chết, cả chết trong các tội nặng nề nghiêm trọng nhất, cũng sẽ
được sống, và còn được sống dồi dào nữa là đàng khác!
Vậy thì đúng là hôm nay
Chúa cũng đang gửi tới mỗi chúng ta câu hỏi, như Người đã đặt ra cho cô Mác-ta
ngày xưa: “Con có tin thế không?”
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc