0


Suy niệm Tin Mừng Mt 17:1-9

Chúa hiển dung bộ mặt nào?
Tôi được biết: trong phụng vụ của Giáo Hội Đông Phương thì biến cố hiển dung (‘sự hóa thân’ theo như cách nói của họ) chiếm vị trí hàng đầu, và được coi là sự kiện thâu tóm tất cả mạc khải Tân Ước. Xét cho cùng tôi thấy họ không sai chút nào, vì Hiển Dung với tất cả sự hoành tráng của nó (phần bao bì), đang gói ghém một thực tế (sản phẩm) có tầm quan trọng vượt bậc. Hiển Dung chắc chắn không phải là biến cố vinh quang hào nhoáng nhằm che đậy một thực tại đau đớn là cuộc khổ nạn, như nhiều khi ta được nghe giải thích: Chúa biến hình để củng cố các tông đồ khỏi vấp ngã vì cuộc khổ nạn ê chề. Nếu đúng là như thế thì việc biến hình đã thất bại nặng nề vì trên thực tế, các tông đồ nói chung, và Phê-rô - một trong ba chứng nhân trực tiếp nói riêng - đã vấp ngã. Hiển dung không nhằm mục đích che đậy bất cứ một thực tế đau thương nào, ngược lại nó còn làm lộ rõ nội dung vinh quang đích thực của Thập Giá
Theo lối suy nghĩ tự nhiên của định luật nhân-quả, người ta luôn có khuynh hướng tách vinh quang ra khỏi đau khổ: đau khổ chỉ là tiền đề, là điều kiện để đạt tới vinh quang, như cách nói phổ thông: ‘Per Crucem ad lucem’ ‘phải qua thập giá mới tới được vinh quang’. Người ta thường suy luận cách rất lô-gích rằng: để được phần thưởng trọng hậu, một người phải kinh qua đau thương đau nhục nhã…, điều mà ngay người bình dân cũng hiểu đươc và nôm na gọi nó là: ‘chịu đấm ăn sôi’. Nói như thế có nghĩa là: tự nó Thập Giá không bao giờ là vinh quang, vì vinh quang chỉ lộ diện trong ánh sáng Phục Sinh; Phục Sinh chính là phần thưởng đáng mong đợi sau khổ hình Thập Giá. Thông thường người ta quan niệm: thập giá chỉ là phương tiện chứ không thể là mục đich của niềm tin, cũng tương tự như đau khổ chỉ là con đường để dẫn tới thành công mà thôi. Kết luận: Ki-tô hữu chúng ta chỉ có thể ôm ấp vinh quang Phục Sinh, chứ không thể yêu mến Thập Giá; và diện mạo cũng như sức mạnh đích thực của Thiên Chúa chỉ tỏ hiện trong ánh sáng Phục Sinh quang vinh, chứ không thể trong đau khổ của Thập Giá.
Ngược hẳn với lối suy nghĩ trên, khi mô tả biến cố Hiển Dung, các thánh sử đều cho thấy vinh quang Thiên Chúa tỏ rõ nơi biến cố Thập Giá: hai ông Ê-li-a và Mô-sê, hiện thân tột đỉnh của mạc khải Cựu Ước, hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su “về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9:31). Để thấu hiểu biến cố hiển dung thì phải lồng nó trong cuộc khổ nạn - phục sinh của Đức Giê-su: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy”. Theo tác giả Gio-an thì: chính cái chết tự hiến (chứ không phải sống lại) mới được Đức Giê-su coi như mục tiêu chính của mạc khải, là ‘giờ của Người’, là sự tôn vinh’ của Thiên Chúa Cha và của chính Người nữa (xem Ga 12:20-33). Chỉ có Đức Giê-su của hiển dung - thập giá mới được Chúa Cha từ trời giới thiệu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”
Hiểu được vinh quang Thiên Chúa nằm nơi Thập Giá là điều vô cùng khó khăn, điều mà ngay cả Phê-rô cũng còn lâu mới chấp nhận nổi (xem Mc 8:31-33); chiêm ngắm và tin vững chắc vào một Thiên Chúa giầu lòng từ bi và hay thương xót là không dễ chút nào. Chấp nhận một Thiên Chúa oai hùng và công thẳng còn dễ hơn, vì mọi tôn giáo đều muốn tôn vinh một Thiên Chúa như thế, cũng như ca ngợi Ngài trong sự uy nghi cao cả. Trong khi đó, Đức Giê-su bằng trọn cuộc sống trần thể và nhất là qua cái chết Thập Giá, chỉ muốn hé mở một điều duy nhất, đó là: vinh quang vĩ đại nhất của Thiên Chúa, và yếu tính đặc sắc nhất của Người chính là tự hiến và cứu độ, là tha thứ và xót thương. Thập Giá là mạc khải toàn diện nhất về Thiên Chúa, đồng thời cũng biểu lộ tột cùng vinh quang tình yêu của Người!
Vì vậy đối với Ki-tô hữu chúng ta, Mùa Chay phải là thời gian của Hiển Dung.  Hình như Hội Thánh muốn nhắc nhở chúng ta điều đó, khi kêu mời ta hãy dùng thời gian này để say sưa chiêm ngắm Thập Giá, qua đó phát hiện ra vinh quang và quyền lực lớn lao nhất của Thiên Chúa, một thứ quyền lực không hề tạo sợ hãi nhưng chất chứa niềm vui mừng và hy vọng của Tin Mừng. Trung tâm của Mùa Chay phải là Thập Giá, nhưng không phải thứ thập giá thuần khổ đau và chết chóc, mà là Thập Giá ánh lên vinh quang của tình yêu trao hiến và cứu độ của Thiên Chúa là Người Cha nhân lành. Hoặc tôi chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa như thế, hoặc như Phê-rô, tôi sẽ chối bỏ vinh quang Thập Giá để đáng bị Đức Giê-su xua đuổi như Sa-tan, tức là kẻ phản nghịch chối bỏ vinh quang tình yêu tha thứ của Thiên Chúa.Vì thế Mùa Chay sẽ không chỉ là thời gian hãm dẹp, nhưng phải là dịp để tôi khám phá và củng cố niềm tin Ki-tô hữu của tôi; tôi có xác tín điều đó không?

Lạy Chúa, khi mời gọi con vác Thập Giá theo chân Chúa, tức là Chúa muốn dành cho con vinh dự được tham gia vào vinh quang vĩ đại nhất của Chúa. Xin cho con, một Ki-tô hữu và Linh mục của Chúa, không còn coi Thập Giá như biểu hiện của khổ nhục và đau thương, nhưng đã trở thành biểu tượng của tình yêu vinh quang. Chính vì Thập Giá hiển dung cho con diện mạo yêu thương tự hiến của Chúa, mà con xin được say mê Thánh Giá. Xin cho Thánh Giá từ nay trở thành gia nghiệp duy nhất của đời con. A-men
Bài viết:Lm Gioan Ty SDB
Đăng bài: GB Thanh Hội 

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top