0


Suy niệm Tin Mừng Ga 9:1-41

Nhận ra lòng Chúa xót thương

Đứng trước thân phận đáng thương của một người bị mù lòa từ thuở mới lọt lòng mẹ, hay trước bất cứ một kiếp phận hẩm hưu nào, ta tự nhiển đặt dấu hỏi: ‘tại sao?’ Tìm hiểu nguyên nhân sự việc là một đòi hỏi hợp lý của bất kỳ đầu óc suy luận nào; và trong công việc đó, định luật ‘nhân - quả’ thường được áp dụng cách triệt để. “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đối với những ai đã quá quen với lối suy nghĩ nhân quả quen thuộc đó thì câu trả lời của Đức Giê-su càng gây kinh ngạc đến sửng sốt: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”. Đó quả là một lối nhìn, một suy luận thật khác lạ, ra ngoài (đúng hơn: vượt lên trên) mọi qui luật nhân quả, một điều mà lý trí tự nhiên khó chấp nhận…; tuy nhiên đó lại là lối nhìn và hiểu biết rất mới mẻ của này của học thuyết Tin Mừng, vì nó chứa đựng bên trong một sức mạnh giải phóng đến kỳ lạ: phải chăng đây chính là thứ lô-gích hoàn toàn mới mà Đức Giê-su đang muốn giới thiệu cho nhân loại? Không may, mỗi khi có một tia sáng mới lóe lên trong đêm tối âm u, thì thoạt đầu ánh sáng chói lọi của nó cũng là cho nhiều con mắt phải xốn xang. Ánh sáng Tin Mừng cũng như thế, thoạt nghe nó có vẻ điên rồ và phi lý quá!
Theo khảng định của Đức Giê-su thì ‘nhận ra công trình của Thiên Chúa’ mới chính là nguyên nhân (hay mục đích) của bao nhiêu sự kiện tang thương, tiêu cực đang xảy ra trên trần gian (động đất đó đây, sóng thần tàn phá hay siêu bão hayan… chỉ là mộ vài vụ điển hình); một khảng định như thế thoat tiên nghe có vẻ như: hoàn toàn phi lý, không ai chấp nhận được. Ta vẫn quen chia sẻ lối suy nghĩ phổ biến: ‘công trình của Thiên Chúa’ phải là điều gì hùng vĩ, hoàn hảo và tốt lành lắm; còn những bất toàn, tang thương không thể là công trình của Người. Nguyên nhân của các sự kiện đó nằm ở đâu đó… tội lỗi chẳng hạn, sự xấu xa của con người, tác động của thần dữ ma quỉ; cùng lắm Thiên Chúa cũng chỉ ‘cho phép’ xảy ra vì một lý do nào đó, để thử thách, răn đe... Cách duy nhất để ta giải thích được câu nói của Đức Giê-su chính là, mọi sự đều là ‘công trình của Thiên Chúa’, là chính là lòng nhân ái xót thương mà Ngài đang ra công mạc khải và thực hiện. Bằng chứng mạnh nhất cho lập luận này chính là toàn bộ cuộc sống, và nhất là cái chết Thập Giá tang thương của Giê-su Na-da-rét.
Trong trường hợp cụ thể hôm nay liên quan tới người mù từ thuở mới sinh, thì chính nhờ vào việc được chữa lành, mà anh và nhiều người khác nữa, nhận biết Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa nhân lành; “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. Anh mù đã nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mình qua con người được sai đến là Đức Giê-su; và một khi đã nhận biết “chính đấng đang nói với anh đây” là vị đó, anh tin vào Người: “Thưa Ngài, tôi tin” và bái lạy Người. Đối với anh, vấn nạn: tại sao mình bị mù cũng như, tại sao mình được chữa khỏi có lẽ không quan trọng lắm, điều quan trọng hơn chính là: nhận biết rằng mình được Thiên Chúa xót thương. Anh tin vào tình thương đó qua việc ông Giê-su đã chữa anh lành, cho dầu lúc đầu anh chưa biết ông ta là ai. Niềm tin này đã giúp anh vượt qua lý luận ‘nhân – quả’ để nhìn ra ‘công trình của Thiên Chúa’ là lòng nhân ái của Người, trong khi đó những người Pha-ri-sêu thông thái lại đã không vượt qua nổi cái lô-gích hẹp hòi: “mày sinh ra trong tội lỗi ngập đầu… chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến”. Họ luẩn quẩn trong lối suy nghĩ nhân quả nên không thể tìm ra lời giải đáp thỏa đáng, và như thế họ sẽ tiếp tục mãi tình trạng đui mù của mình là không thể nhận ra ‘công trình của lòng Chúa xót thương’: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!
Như vậy niềm tin Ki-tô hữu phải giúp tôi vượt lên trên lối suy nghĩ ‘nhân-quả’ bình thường, để nhận ra công trình yêu thương mà Thiên Chúa từ nhân đang thực hiện qua mọi biến cố  buồn vui đang liên tiếp xảy đến cho tôi và cho nhân loại. Nhìn lên Đức Giê-su chết treo trên Thập Giá, tôi không được luẩn quẩn mãi trong cái suy luận phức tạp ‘tại sao?’, nhưng với con mắt đức tin tôi phải nhận ra ngay, đó chính là ‘công trình yêu thương’ mà Thiên Chúa đang liên tục thực hiện. Cũng với niềm tin này, tôi dám nhìn thẳng vào mọi biến cố hàng ngày đang xảy ra cho tôi và quanh tôi, nhất là khi chúng mười mươi rõ ràng là tiêu cực, là tang thương, là vô lý tới độ không thể nào giải thích nổi theo luật nhân quả…, để qua và nhờ chúng, tôi nhận ra bằng chứng không thể chối cãi về sự hiện diện đầy nhân ái của Thiên Chúa là Cha.
Như Phao-lô, Ki-tô hữu chúng ta sẽ luôn sống trong hy vọng và tín thác, giữa muôn vàn sóng gió và đổ vỡ của cuộc sống; đừng ‘để bất cứ điều gì làm bạn ra xao xuyến’ ‘nada te turbe!’, lời của thánh Tê-rê-xa Avila, vì: “không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô Giê-su, dầu là….” (Rm 8:39).

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con ơn được nhìn thấy trong mọi biến cố cuộc đời, nhất là khi đau khổ và tội lỗi ngập tràn,‘công trình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa’ đang được tỏ hiện. Xin cho con cặp mắt sáng như thánh Âu-tinh, để nhận ra: ngay cả các tội mình đã từng phạm trong quá khứ đều là những ‘tội hồng phúc!’, vì qua đó, con càng có thể vững vàng hơn đặt trọn niềm tin vào Giê-su Thập Giá, biểu hiện trọn vẹn nhất của tình yêu nhân ái của một Chúa Cha không bao giờ xua đuổi ruồng bỏ con, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. A-men

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top