Suy niệm
Tin Mừng Ga
20:19-31
01 - Hãy đụng chạm tới lòng Chúa thương xót
Môn đệ Tô-ma đòi được tận
tay chạm vào các thương tích của Thập Giá nơi thân thể Chúa Phục Sinh: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu
tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi
chẳng có tin”. Tại sao lại thế nhỉ? đòi hỏi của ông có thật sự cần thiết
không? gặp được Thầy Giê-su sống động, đi lại, nói năng và ăn uống như người
thường, chẳng lẽ lại không đủ sao? tại sao ông lại đòi hỏi phải được “cho xem tay và cạnh sườn” Người? hơn nữa,
việc mắt thấy tay chạm có ý nghĩa đặc biệt nào đối với nhóm môn đệ nhút nhát,
nhất là đối với ông Tô-ma?
Dưới cặp mắt các môn để,
việc Thầy Chí Thánh bị đóng đinh vào thập giá và con tim Người bị đâm thủng chắc
chắn không chỉ mang ý nghĩa thể lý về cái chết đau đớn của một thân xác treo
trên giá thập tự. Đối với các ông - và đó cũng là nội dung giáo huấn trường kỳ của
Đức Giê-su trước đây, dấu đinh trên tay chân và vết thương nơi cạnh sườn mà họ
nhìn thấy nói lên sự tự hiến yêu thương của Chiên Vượt Qua, diễn tả tình yêu
bao la của Thiên Chúa cứu độ. Khi cho các ông xem tay và cạnh sườn, Đấng Phục
Sinh hẳn muốn nói cho các môn đệ thân yêu một điều gì vượt xa lời khảng định rằng:
Người đã sống lại về mặt thể lý. Điều Người muốn khảng định qua các dấu tích đó
là: tình yêu thương xót và cứu độ của Thiên Chúa đã trở thành bất diệt và toàn
thắng! Các môn đệ do đó cần một cảm nhận cụ thể để tin vào điều này cách vững bền.
Các ông là những nhân chứng được chứng kiến tình yêu đó đã đạt tới đỉnh điểm,
thì cũng cần phải xem và chạm vào các dấu đinh ở tay chân, và vết đòng trên ngực
Người để có bằng chứng không thể chối cãi rằng lòng xót thương tha thứ đó vẫn
còn sống, vì nó là vô địch.
Môn đệ Tô-ma trong thâm
sâu muốn điễn đạt nhu cầu đó khi phát ngôn câu nói mà nhiều khi bị coi là thách
thức: “Nếu tôi không….” Phần mình Đức
Giê-su phục sinh đã coi yêu cầu đó là hoàn toàn chính đáng, và Người không ngần
ngại đáp ứng: “Đặt ngón tay con vào đây,
và hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy”. Quả vậy,
Tô-ma và tất cả các môn đệ khác đều cần tới cái cảm nghiệm cụ thể này, nhất là
sau tất cả các biến cố xáo trộn mà các ông vừa trải qua; ông đã thấy, đã chạm
vào các dấu tích…, và ông đã tin. Ông không chỉ tin Chúa đã sống lại, mà đúng
hơn: tin vào sự toàn thắng của tình yêu cứu độ.
Đối với Ki-tô hữu chúng
ta thuộc các thế hệ sau này thì sao; Đức Giê-su đã không hề tuyên bố trải nghiệm
đó là không còn cần thiết! Ngược lại là đàng khác! Tuy nhiên Người khảng định:
trải nghiệm này phải được thể hiện bằng lòng tin, thay vì phải đụng tới bằng
giác quan thể lý, “Vì đã thấy Thầy nên
anh đã tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”.
Bí tích Thánh Thể mà Người
đã thiết lập chính là để các tín hữu trải qua các thế hệ chạm tới được các dấu
đinh trên tay chân và vết thương cạnh sườn Chúa Phục Sinh. Cử hành Thánh Thể vì
thế trở nên tâm điểm của đời sống Ki-tô hữu, chính vì nơi đây, trong niềm tin,
các Ki-tô hữu từng người một, cảm nghiệm cách rất riêng tư và sống động lòng
thương xót vĩnh cửu của Thiên Chúa đang được lặp lại cho mình. Trong cử hành
Thánh Thể, linh mục và tín hữu cùng được mời gọi “Đặt ngón tay con vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra và đặt
vào cạnh sườn Thầy”; đúng là họ, hơn bất cứ ai khác, cần đụng chạn tới biểu
hiện của lòng thương xót cứu độ, trong tất cả sức mạnh và hữu hiệu của nó. Bất
luận ai là Ki-tô hữu đều phải coi đây là công việc quan trọng hàng đầu họ cần
làm! Họ sẽ có cùng thái độ của Phê-rô và Gio-an, khi đứng trước người bất toại
trong hành lan đền thờ: “Anh hãy nhìn
chúng tôi đây… Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có tôi cho anh đây…”
(Cv 3:6) Mọi Ki-tô hữu, bao gồm cả tu sĩ, linh mục lẫn giáo dân, cách riêng các
tân tòng, đều cần ý thức rằng: họ không nhất thiết phải là người giầu có nhất về
mặt vật chất tiền của, cũng không cần là những người phong phú nhất về diện
tinh thần hay thiêng liêng, nhưng gia sản quí giá nhất họ sở hữu, đặc ân duy chỉ
một mình họ có, đồng thời cũng là điều duy nhất họ có thể cống hiến cho nhân loại
đang quằn quại trong nỗi thống khổ cùng cực, đó là được biết, được chạm tới, và
được cử hành cách sinh động lòng thương xót từ ái vô biên và bất diệt của Thiên
Chúa, đã được thực hiện qua Thập Giá và Phục Sinh của Đức Ki-tô Giê-su.
Riêng cá nhân tôi! tôi
có thực sự xác tín điều này không?
Lạy Chúa Phục Sinh, xin cho phép con được dùng đức tin để xỏ
ngón tay con vào các lỗ đinh, đặt bàn tay con vào cạnh sườn Người, để con có được
cảm nghiệm sâu sắc rằng: tình yêu cứu độ Chúa dành cho con quả là bất diệt. Xin
cho việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày mang lại cho chính con trước hết sự bình an
của một người cảm nhận mình đượcThiên Chúa yêu thương, và tin chắc rằng: tình
yêu đó sẽ bất diệt và bền vững cho đến muôn đời, bất chấp những yếu hèn, sa ngã
của kiếp người ô trọc. Xin cho con được cử hành mầu nhiệm Phục Sinh ngay từ bây
giờ, trong chính đời sống hàng ngày của con. A-men
02- Phục sinh: tạo dựng con người mới trong Thần
Khí thứ tha
Theo tông đồ
Gio-an: lần Đức Ki-tô Giê-su hiện ra trước đông đủ các môn đệ sau khi sống lại
(việc hiện ra lần hai có mặt cả Tô-ma, càng nhấn mạnh sự đông đủ này) có một tầm
quan trọng rất lớn. Sau những lời chào hỏi và tự giới thiệu, Người đã tuyên bố
một điều và làm một cử chỉ long trọng hầu biểu lộ trọn vẹn bản chất sâu xa nhất
của tông đồ đoàn và của người môn đệ, tức là của những kẻ tin và thuộc về Người
– của Hội Thánh. Người thổi Sinh Khí mới vào các môn đệ và sai các ông ra đi để
thứ tha; “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì
Thầy cũng sai anh em… Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy
nhận lấy Thánh Thần”. Nếu trước đó Người đã ‘cho các ông xem tay và cạnh sườn’ thì cũng chỉ là: để các ông nhận
ra Con Người Phục Sinh cũng chính là Con Người Cứu Chuộc. Con Người đó đã được
Chúa Cha sai đến để cứu rỗi trần gian, “Thiên
Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Người Con này một khi đã sống
lại, cũng yêu thế gian đến nỗi, đã sai các môn đệ của mình đi, hầu tiếp tục sứ
vụ làm cho thế gian khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
‘Người thổi hơi vào các
ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”’.
Cũng như trong cuộc tạo
dựng đầu tiên, hơi thở của Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người để làm cho
A-đam được sống, thì cũng vậy, hơi thở của Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh thổi Thần
Khí vào các môn đệ, hầu các ông trở thành sinh vật mới. Nếu thổi hơi lần đầu đã
ban cho con người quyền sống để làm bá chủ muôn loài (St 2:7), thì hơi thổi lần
hai này ban cho người môn đệ ơn tha thứ, để rồi họ cũng thi hành quyền thứ tha cho
hết mọi người “Anh em tha tội cho ai, thì
người ấy được tha”. Nếu Thiên Chúa tạo dựng là Thiên Chúa hằng sống, và ai
nhận được hơi thở của Ngài sẽ có sự sống và có khả năng thông truyền sự sống
(St 1:28), thì Đức Ki-tô Phục Sinh là hiện thân Thiên Chúa thứ tha và xót
thương, nên ai nhận được hơi thở của Người cũng được tha thứ, và có khả năng
làm lan tỏa thứ tha tới hết mọi người; như thế, trong Thần Khí Đức Ki-tô Phục
Sinh người môn đệ trở nên tạo vật mới đầy tràn sức sống của thứ tha và xót
thương. Nếu mọi con người đều có quyền sống, thì mọi Ki-tô hữu đều có quyền sống
thứ tha! Nếu mọi người nhân loại đều phải bảo vệ sự sống và truyền sinh, thì mọi
Ki-tô hữu trong Hội Thánh cũng đều phải bảo vệ ơn tha tội và thúc đẩy việc thứ
tha! Tôi thiết tưởng: cái gọi là ‘quyền tha tội và cầm buộc’ của Hội Thánh phải
được hiểu trong ý nghĩa và nội dung này.
Về mặt này tôi rất tâm đắc
với nhận xét của Hurault trong Christian Community Bible: “Ki-tô hữu
càng nỗ lực tiến xa trong đời sống thiêng liêng luân lý, thì càng thấy mình
chưa được hoàn toàn giải thoát khỏi tội lỗi. Do đó họ càng cảm nhận ơn tha tội
là một quà tặng và quyền lợi lớn lao nhất được ban cho Hội Thánh. Tội không phải
chỉ là những lỗi luân lý phạm hàng ngày, trong đó phần sai lầm và yếu đuối là
chính. Tội thực ra là từ chối hay e sợ nộp mình cho Thiên Chúa tình yêu và tha
thứ, là Đấng duy nhất có khả năng đưa chúng ta đến một cuộc sống hoàn toàn trần
trụi, nhưng lại hoàn toàn viên mãn. Một khi tha tội cho chúng ta, Người ban cho
ta khả năng biết tự nộp mình cho Người. Nói cách khác, đó là khả năng tha thứ,
là sức mạnh duy nhất cho phép ta giải quyết và giải phóng mọi kiểm tỏa con người…
Thái độ dung thứ là bí quyết vô cùng quí giá mà Hội Thánh phải xem là tài sản độc
đáo nhất của mình, là Tin Mừng mình đón nhận và trao ban cho thế giới… Ki-tô hữu
lãnh nhận bí tích rửa tội tức là họ ý thức thân phận tội lỗi trường kỳ của
mình, họ đón lấy hơi thở Thần Khí thứ tha của Thiên Chúa, và họ quyết sống tình
yêu tha thứ này luôn mãi trong đời mình và trong mọi tương quan với tha nhân.
Tha thứ, đối với họ, là quyền sống căn bản nhận được từ Đức Ki-tô Phục Sinh, mà
họ sẽ cố bảo vệ bằng mọi giá”. Như thế: ai càng thuộc về tông đồ đoàn, thì càng
phải cảm nhận được hơi thở tha thứ của Đức Ki-tô Phục Sinh cho mình; càng là
tín hữu trung kiên trong Hội Thánh, tôi càng phải sở đắc và sống sung mãn ơn cứu
độ và thứ tha.
Tôi thiết nghĩ, trong tư
cách một linh mục của Hội Thánh, tôi là người trước hết phải nắm bắt được bản
chất thánh thiện đích thực này của Giáo Hội, và thi hành quyền ‘thứ tha’ mà Đức Ki-tô đã ban cho Hội
Thánh trong Thánh Thần với tất cả sự khẩn trương và quảng đại. Đặc biệt trong
thế giới hôm nay, khi mà giới trẻ đang trông chờ được Hội Thánh chính thức
trình bày cho chúng khuôn mặt thật này của Đức Ki-tô Phục Sinh: một Đức Ki-tô đầy
nhân ái và thứ tha mà chúng hằng mong đợi.
Lạy Chúa Phục Sinh, xin thổi hơi Thần Khí một
lần nữa trên con và trên mọi tín hữu như Chúa đã thổi trên các môn đệ trong lần
hiện ra đầu tiên. Trong đêm Phục Sinh, con đã tuyên xưng mình muốn sống Ki-tô hữu
cách trọn vẹn hơn. Xin dạy cho con hiểu rằng: sống Ki-tô hữu là giữ trọn quyền
được tha thứ và thứ tha cho tha nhân. Xin hãy sai con đi làm chứng tá cho tình
yêu Phục Sinh của Chúa. A-men
03- Nền công lý Phục Sinh
Gioan thật nhẹ nhàng khi
mô tả 04 lần Đức Giê-su hiện hình sau khi ra khỏi mồ: lần một cho Maria
Mác-đa-la, 02 lần sau cho các môn đệ tụ họp trong nhà, và lần cuối cho một số
môn đệ trên bờ hồ Ti-bê-ri-a. Và trong tất cả các lần hiện ra này, chẳng có gì là
hoành tráng cả, không hào quang chói lọi, không uy nghi rực rỡ…, nhưng rất đời
thường, có luôn cả cảnh ăn uống bình dị nữa; thế nhưng, hình như có một điều gì
đó hết sức phi thường ẩn dấu dưới cái tầm thường, một sức sống hoàn toàn mới bừng
lên giữa bầu không khí lạnh lẽo của thương tích và chết chóc.
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật
II Phục Sinh hôm nay nói về hai lần Chúa hiện hình với các môn đệ đang qui tụ
trong nhà; ngay từ thời xa xưa, hình như đoạn văn này đã có một tầm quan trọng
đặc biệt đối với đức tin của các Ki-tô hữu tiên khởi. Niềm tin của các môn đệ,
đặc biệt của Tô-ma là đề tài của hai lần hiện hình này. Các môn đệ, sau khi được
xem các dấu đinh nơi tay và cạnh sườn Đấng Phục Sinh, đã tin rằng: Thầy Giê-su
từng chết nhuốc khổ trên cây thập tự và được tẩm liệm mai táng trong nấm mồ đá,
nay đã sống lại thật rồi. Tông đồ Tô-ma còn được Đấng Phục Sinh mời gọi đích
danh, “đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn
xem tay Thầy; đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy”, chỉ vì ông chưa xác
tín đủ niềm tin ấy.
Ta có thể thắc mắc: câu tuyên
xưng đức tin của Tô-ma, cũng là đại diện cho các môn đệ khác, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
thực sự có ý nghĩa và mang nội dung gì? Các ông muốn tuyên xưng rằng: Thầy
Giê-su quả đã sống lại, hay Giê-su là Thiên Chúa quyền uy thống trị, hay một điều
gì khác? Hơn nữa khi cho các môn đệ xem, và mời gọi Tô-ma cách đặc biệt chạm
tay vào các lỗ đinh và vào vết thương cạnh sườn thì chủ đích của Người là gì? Nếu
chỉ là để xác nhận thực con người đã chết nay sống lại, thì hẳn niềm tin này sẽ
làm cho các môn đệ hết sức kinh hãi; các ông đã chẳng người bán kẻ chối, kẻ khác
thì trốn chạy trước cái chết của Thầy mình là gì? Có thể phần nào là đúng như vậy,
vì trong lần hiện hình nào Người cũng khởi đầu bằng câu chào: “Bình an cho anh em!” Còn nếu để minh định
mình là Đức Chúa quyền uy theo quan niệm Cựu Ước thì Người đã thất bại, vì thân
thể và cách thức Người xuất hiện thực chẳng có gì là sáng láng uy hùng cả. Đàng
này tác giả Gio-an lại cho biết: ‘các môn
đệ vui mừng vì được xem thấy Chúa’. Hình như trong các lần hiện hình này Đức
Giê-su đang muốn xây dựng nơi các ông một niềm tin mang nội dung tích cực: niềm tin tuyệt đối vào tình yêu tha thứ của
Thiên Chúa. Quả thực, để cụ thể hóa niềm tin rất mới mẻ và thiết yếu
đó, Người không những đã muốn các ông chạm vào các dấu đinh - bằng chứng của
tình yêu cứu độ - mà còn trao vào tay các ông một sứ mệnh mới, rồi sai các ông
ra đi loan truyền.
Sức sống của niềm tin
vào tình yêu tha thứ được xác định là Thánh Thần. Chính Thần Khí này đã đưa
Giê-su vào trần gian, đã hướng dẫn bước đường cứu chuộc của Giê-su nơi dương thế,
đã dẫn đưa Giê-su tới hiến mình trên thập giá, đồng thời cũng làm cho Giê-su sống
lại. Thánh thần từ nay được ban cho các môn đệ và tất cả mọi kẻ tin; “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “anh em
hãy nhận lấy Thánh Thần”. Thế là từ nay, trong niềm tin vào Giê-su Ki-tô phục
sinh, tất cả các môn đệ đều nhận được một sức sống mới! Họ trở thành những con
người mới, không chỉ vì họ sẽ sống vẹn sạch tinh tuyền, nhưng chính yếu là vì, từ
nay họ được thông phần sâu xa vào tình yêu cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã
chết và sống lại cho họ.
Cùng với sức sống này, họ
được trao cho một sứ mệnh quan trọng: “Anh
em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm
giữ”. Nếu trước đây, khi nói cho Phê-rô cùng một câu này (xem Mt 16:19) Đức
Giê-su có thể ngụ ý về một quyền bính nào đó, thì bây giờ, khi quyền này được
ban cho hết mọi môn đệ (cũng là cho mọi Ki-tô hữu) thì ý nghĩa của nó lại càng trở
nên hiển hiện hơn: sau khi nhận lãnh Thánh Thần tình yêu, sứ mệnh của môn đệ phải
là tha và cầm giữ như chính Đức Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại từng làm. Điều
này có nghĩa là từ nay sứ mệnh đích thực của các ông là mang đến cho trần gian một
nền công lý mới: công lý của nhân từ và tha thứ như chính Đức Ki-tô Thập Giá và
Phục Sinh đã thứ tha, và của cầm giữ như chính Đấng cứu độ đã cầm giữ. Tắt một
lời, đó là nền công lý của lòng từ bi nhân ái và của xót thương, thứ công lý
không thể chối cãi của Thập Giá và Phục Sinh, thứ công lý mà chỉ những ai đón
nhận Thánh Thần tình yêu mới có thể trao ban. Các môn đệ của Đức Ki-tô Phục Sinh,
và mọi Ki-tô hữu, là những người duy nhật trên trần được trao vào tay thứ công
lý đó, để từ nay cùng với Người họ thi hành việc xét xử trần gian trong cách thức
này.
Lúc này đây, tôi chân
thành gửi tới các anh chị em tân tòng lời chúc mừng; ngoài việc nhờ bí tích rửa
tội được thanh tẩy nên tinh trắng, anh chị em đã nhận được Thánh Thần tình yêu,
đã được ban cho một thứ uy quyền vượt lên trên mọi uy quyền, đó là uy quyền của
lòng thương xót và nhân ái của Đấng Phục Sinh. Giữa một thế trần tội lỗi và lầm
lạc, kể từ khi gia nhập vào cộng đoàn Hội Thánh là đoàn thể những người được Đấng
đã chết và sống lại cứu chuộc, anh chị em được trao cho quyền lực cầm cân nảy mực
xét xử nhân loại, không với sự công minh hà khắc nhưng với công chính của lòng
nhân ái xót thương. Chúa Nhật Áo Trắng hôm nay, ngày của anh chị em tân tòng,
được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II chọn làm ngày của Lòng Thương Xót Chúa thật
chí lý lắm thay! Nếu Thập Giá và Phục Sinh là biểu hiện rõ ràng nhất của lòng
thương xót cứu độ của Thiên Chúa, thì những ai tuyên xưng niềm tin này cũng
đương nhiên phải trở thành con cái của lòng từ bi nhân hậu đó.
Lạy Chúa Phục Sinh,
xin thổi hơi Thánh Thần tình yêu vào con, để con cũng có quyền tha thứ và cầm
giữ như Chúa - Đấng Cứu Độ. Hơn nữa, là linh mục của Hội Thánh Chúa, xin cho
con biết luôn trở thành tiếng nói cho mọi người trần thế, nhất là những người tội
lỗi, về thứ công lý mới này của Thập Giá và Phục Sinh. Xin cho con trong mọi
hoàn cảnh luôn trở thành dấu chỉ và người mang đến cho nhân loại thứ quyền lực
và công lý mới của Thập Giá: quyền lực và công lý của lòng thương xót vô biên.
A-men
God bless
Lnm Gioan Ty SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc