Suy niệm Tin Mừng Ga
18:1-19,42
Chảy đến giọt máu cùng nước cuối cùng
Phụng vụ luôn dành trình
thuật thương khó của Gio-an cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vì bài này có một số
chi tiết khác với các Phúc âm Nhất lãm. Tuy nhiên sự khác biệt lớn hơn hết mà
phụng vụ thánh muốn chúng ta lưu tâm và chia sẻ có lẽ chính là giọng văn và
tình cảm của một nhân chứng đã tận mắt chứng kiến biến cố trọng đại ấy. Chính
tác giả Gio-an đã công khai tuyên bố: “Người
đã xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người
ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin”.
Tất cả các chi tiết
Gio-an mô tả trong bài thương khó của ông đều rất cụ thể và sống động, chẳng hạn
như chi tiết “Tôi khát!” Được chính
mình trải nghiệm trong giờ hấp hối lâm sàng, tôi thấy điều này thật cụ thể: cơn
khát của một người sắp chết thật khủng khiếp! Nói gì thì nói, trong cơn khát
cháy họng, hầu như cả mạng sống của một người lệ thuộc vào chỉ một vài giọt nước
mát… Chi tiết cụ thể và xác thực biết bao!
Nhưng trong số các chi
tiết ông ghi nhận về cuộc thương khó, Gio-an đặc biệt quan tâm tới: “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn
Người, tức thì máu cùng nước chảy ra”. Gio-an khảng định chính mắt ông đã
chứng kiến cảnh tượng đó, vì nó là biến cố hầu như đã làm thay đổi sâu xa lối
suy nghĩ, và có lẽ chính cuộc sống của ông; đồng thời đó cũng là cốt lõi sứ điệp
mà ông đã dành trọn phần còn lại của đời mình để loan truyền cho mọi người: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy
tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến… chúng
tôi loan báo cho cả anh em nữa” (1 Ga 1:1.3) …“Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha
đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.” (1 Ga 4:14)
Để trả lời cho vấn nạn:
‘sự cứu độ đó là như thế nào?’ Gio-an khảng định: “- Thưa, đó là một tình yêu
dâng hiến trọn vẹn, yêu tới giọt máu cuối cùng, yêu bằng cả mạng sống mình”;
còn đối tượng của tình yêu đó là ai? là con người đáng yêu, tốt lành và cao thượng
chăng? - Thưa, không! Gioan tiếp tục: “Thiên
Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa
đã sai Con Một của Người đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được
sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng
chính người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội
cho chúng ta.” (1 Ga 4:8-10) Nếu Gio-an được mệnh danh là Tông Đồ tình yêu,
thì là vì ông đã được tận mắt chứng kiến cảnh tình yêu đó được biểu lộ cách huy
hoàng và triệt để nhất trên Thập Giá, trên đó Giê-su đã đổ tới giọt máu cùng nước
cuối cùng vì yêu thương.
Còn Phao-lô: tuy không
có dịp được chiêm ngắm Thập Giá trực tiếp như Gio-an, nhưng tất cả những gì ông
biết được về Đức Ki-tô Giê-su lại chính là ‘Đức
Ki-tô Thập Giá’; ông luôn miệng khảng định: ‘tôi không biết một Đức Ki-tô nào khác’. Nhìn lên Thập Giá, Phao-lô
đã nhận ra: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là
Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên
giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến
nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2:6-8) Riêng với bản
thân, Phao-lô đã cảm nghiệm cách thâm sâu: “tôi
đặt niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Đấng yêu thương tôi và phó nộp mình cho tôi,
ngay cả khi tôi phản nghịch cùng Người”.
Nếu thế thì: chính tôi
trong tư cách linh mục, tôi đã nhận ra điều gì nơi Thập Giá? Hơn cả Gio-an chỉ
đứng nhìn, hàng ngày tôi còn được diễm phúc cử hành Thánh Lễ, tức là cử hành sự
tự hiến Thập Giá. Mỗi khi uống cạn chén Máu Thánh, được trực tiếp chạm vào máu
và nước từ cạnh sườn Đức Giê-su chảy ra, tôi có nhận ra tình yêu tột cùng của
Thiên Chúa dành cho một tội nhân như tôi không? Tôi phải tự hỏi: đối với tôi Thập
Giá mang ý nghĩa sống còn, hay chỉ là một biểu tượng chung chung? Tôi có còn mơ
ước hay khâm phục một Giê-su nào khác, một Giê-su quyền phép hay làm phép lạ, một
Giê-su rộng lượng thi thố phép là hay ban phát ân huệ này nọ, một Giê-su thông
thái giảng dạy, một Giê-su uy nghi đến trong vinh quang để xét xử… hơn là một
Giê-su chịu đóng đinh vì yêu thương tôi không? Tôi sẽ chưa phải là linh mục của
Đức Ki-tô, bao lâu tôi còn chưa chịu đóng đinh, chịu hiến mình… tới giọt máu cuối
cùng như Người; được gọi là Linh Mục của Đức Ki-tô, và hàng ngày được cử hành
Thánh Lễ, thực tế tôi đang là gì và làm gì?
Lạy Đấng chịu đóng đinh và phó nộp cả mạng sống mình vì con,
xin làm cho con được như Gio-an, tựa đầu vào lồng ngực đầy yêu thương, để rồi
nhận ra trong đó đang thoi thóp một quả tim đã cạn kiệt tới giọt máu cuối cùng
vì yêu thương con. Con cảm tạ Chúa vì hồng ân linh mục con đã được trao ban,
trước hết là vì lợi ích của chính con: nhất là diễm phúc được cử hành hiến tế
Thập Giá mỗi ngày. Xin cho con có cắp mắt và cõi lòng của Gio-an; xin soi sáng
và củng cố con để có được niềm xác tín và nhận thức của Phao-lô, nhờ thế Thập
Giá, phải, chính Thập Giá chứ không phải bất cứ gì khác, sẽ trở nên gia nghiệp
và vinh quang lớn nhất của đời con. A-men
God bless
Lm Gioan Ty SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc