Suy niệm Tin Mừng
Ga 8:1-11
Khiết tịnh và lòng nhân
ái
Tôi biết là bài Tin Mừng
không nói gì về đức khiết tịnh, ngược lại là đàng khác, nó đang thuật lại câu
chuyện về người đàn bà ngoại tình, tức là người lỗi phạm một điều nghịch với sự
khiết tịnh ngay trong bậc vợ chồng. Các kinh sư và Pha-ri-sêu rõ ràng đang nhân
danh luật Mô-sê để bắt mọi người Do Thái phải sống trung thủy. Nhân danh luật lệ
khắt khẽ thì, bất cứ ai không trung thủy nhất là phụ nữ, sẽ lập tức bị lên án;
và trong trường hợp bị bắt quả tang có thể lãnh án phạt nặng nề là ném đá cho tới
chết. Tạo nên một xã hội lành mạnh có nền luân lý vững chắc là mục tiêu của luật
Do Thái, cũng như của luật pháp mọi tôn giáo hay quốc gia. Riêng về diện này
thì luật Mô-sê rõ ràng rất cao đẹp, vượt trội so với luật pháp của các dân tộc
cùng thời; và đã từng là niềm kiêu hãnh của Do Thái trước các dân tộc khác (xem
Đệ Nhị Luật 26:16-19). Khiết tịnh trong đời sống vợ chồng quả là một giá trị lớn
cần được bảo vệ trong bất cứ xã hội lành mạnh nào!
Nhưng đối với Tin Mừng
mà Đức Giê-su đến để rao giảng, và còn minh chứng bằng chính mạng sống mình,
thì giá trị của sự trung thủy vợ chồng, cũng như bất kỳ một giá trị luân lý
nào, đều không thể nào sánh được với lòng nhân ái và xót thương. Sự khác biệt
chính (thậm chí đối đầu) giữa Đức Giê-su và các kinh sư Pha-ri-sêu, giữa Cựu Ước
và Tân Ước chính là hệ tại ở việc đặt giá trị nào lên trên, lòng nhân ái hay
luân lý (khiết tịnh hôn nhân trong trường hợp cụ thể này)? Các kinh sư và
Pha-ri-sêu thì đã dứt khoát: “Thưa Thầy,
người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê
truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.” Đức Giê-su cũng dứt khoát
không kém: “Tôi không lên án chị đâu!
Thôi chị cứ về đi, và từ này đừng phạm tội nữa!”
Cựu Ước chọn giá trị
luân lý và đặt nó lên hàng đầu, ngược lại Tân Ước thì đặt lòng nhân ái thương
xót lên hàng đầu; sự khác biệt đối chọi như vải mới / áo cũ, rượu mới / bầu da
cũ!
Đức Giê-su không hề có ý
muốn phế bỏ các giá trị luân lý! Không đời nào! Người đã chẳng long trọng tuyên
bố: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ Luật
Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ… nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17-18) là gì? Điều
duy nhất mà Người muốn loan truyền và khắc ghi vào tâm khảm các môn đệ chính
là: ‘sự vĩ đại tuyệt đối của lòng nhân ái’, “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9:13). Đúng thế, sự chết
và phục sinh của Người đâu có mục đích bảo vệ một giá trị luân lý nào, nhưng là
tiếng nói tuyệt đối của tình yêu nhân ái của Thiên Chúa!
Như vậy chúng ta mới
nghiệm ra rằng: bao lâu mình còn đặt các giá trị luân lý lên thế thượng phong
thì mình vẫn cứ luẩn quẩn trong Cựu Ước. Cựu Ước tất nhiên là không xấu, rất tốt
nữa là đàng khác, có điều Ki-tô hữu phải là Tân ước của Tin Mừng Đức Ki-tô Giê-su;
mà đã là Tân Ước thì giá trị của lòng nhân ái phải được đặt lên hàng đầu. Trước
hết là đối với Thiên Chúa: nắm giữ các giới răn Chúa truyền là điều quan trọng,
nhưng còn quan trọng hơn gấp bội khám phá và đi sâu vào lòng từ bi - thương xót
của Người trong Đức Giê-su Ki-tô. Còn trong việc mục vụ (trong tư cách linh mục),
tôi dành nhiều thời giờ và sức lực cho việc giáo huấn luân lý là điều cần thiết,
nhưng còn quan trọng hơn nhiều, nỗ lực ghi khắc vào tâm khảm các tín hữu (nhất
là người trẻ) nhận biết lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, và cũng đối sử
như thế đối với tha nhân; nếu không làm điều này, ta sẽ không phải là một Ki-tô
hữu đích thực, một môn đệ đích thực của Đức Ki-tô Giê-su. Riêng Linh Mục, trong
tư cách là một ‘Ki-tô thứ hai’ – alter Christus,
chứ không phải là ‘alter Mosis’, nếu
tôi không trở thành ‘dấu chỉ và người
mang tình yêu Chúa đến cho mọi người’ (như Don Bosco vẫn nhắc nhở các tu sĩ
Sa-lê-diêng của người như thế) thì quả là một phản bội đấy: dạy dỗ và sửa bảo
luân lý là điều cần làm… nhưng tỏ lòng nhân ái là điều còn cần thiết hơn. Giai
thoại về người đàn bà ngoại tình cho thấy: theo gương Đức Giê-su, điều cần làm
hơn hết khi phải giáp mặt với một lỗi phạm luân lý (đặc biệt trong lãnh vực khiết
tịnh) là hãy tỏ lòng thương xót, từ nhân. Chắc chắn đó không phải là thái độ xuề
xòa dễ dãi cho qua, vì phải là “từ nay đừng
phạm tội nữa”, nhưng còn đi xa hơn thế, là thái độ thương cảm của chính
Thiên Chúa được Đức Giê-su diễn tả: “Tôi
không lên án chị đâu!” Bởi vì xét cho cùng, ai trong chúng ta cũng cần được
Thiên Chúa xót thương và tha thứ cả, có lẽ mình cần hơn bất cứ ai khác: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ lấy đá mà
ném trước đi.”
Tất cả chúng ta đều cần
tới ơn cứu độ của Thập Giá và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa!
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc