0

Suy niệm Tin Mừng Ga 13:1-15          

01- Yêu thương đến cùng

Tông đồ Gio-an khảng định: giờ Đức Giê-su ra đi chịu chết chính là đỉnh điểm (kairos) của đời sống Con Người (xem Ga 12:27-34). Đó là thời điểm và cách thức mà Giê-su - Cứu Chúa có thể diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa cách trọn vẹn nhất: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. Tình yêu đó sẽ ôm ấp mọi con người, không loại trừ bất kì ai, trong trường hợp cụ thể này, nó ôm lấy luôn cả Giu-đa lẫn Phê-rô, những kẻ đang rắp tâm phản bội hoặc đã yếu đuối bội phản Thầy. Tình yêu Thiên Chúa bao dung và rộng mở vượt qua mọi biên giới; nhưng vấn đề chính ở đây là: liệu người ta có sẵn lòng đón nhận tình yêu đó hay không. Vấn đề này về mặt lý thuyết xem ra rất đơn giản, nhưng trên thực tế lại không dễ dàng được chấp nhận. Câu chuyện Gio-an tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay là một minh họa rất sắc nét: trước khi lên đường đi chịu chết Đức Giê-su đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Điều xảy ra vào buổi chiều hôm đó, cũng có thể tiếp tục xảy ra cho bất cứ ai, ở bất cứ đâu và bất luận thời đại nào!
Trong tấn kịch này, vai diễn Phê-rô có phần nổi trội! Phản ứng của ông có thể là hoàn toàn riêng tư; nhưng chắc chắn nó cũng biểu lộ thái độ chung mà nhiều môn đệ khác cùng chia sẻ: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao? Không đời nào con chịu đâu!” Phản ứng này hoàn toàn hợp lý: vì làm sao người môn đệ có thể để cho ông thầy cúi xuống rửa chân cho mình? Nếu Đức Giê-su không hầu như ép buộc, “nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được vào chung phần với Thầy” thì có lẽ Phê-rô sẽ chẳng bao giờ chịu chấp nhận, và các môn đệ khác cũng không nốt.
Thế đấy, tin và chấp nhận một Thiên Chúa khiêm hạ tới độ hủy mình ra không không, chỉ vì yêu thương tôi - một con người tội lỗi thấp hèn, là không dễ chút nào! Tôi dễ dàng chấp nhận một Thiên Chúa uy nghi cao cả đòi buộc tôi phải giữ, phải tránh điều này điều nọ; một Thiên Chúa phán truyền mệnh lệnh; một Thiên Chúa thưởng phạt công minh…, nói chung một Thiên Chúa bề trên, kẻ cả; nhưng tôi lại không thể chấp nhận nổi một Thiên Chúa đặt mình dưới cả tôi, trở nên thấp hèn hơn tôi, và sẵn sàng bị tước đoạt tất cả… một Thiên Chúa chiếu dưới chỉ để yêu thương tôi! Tôi đã chẳng luôn sẵn có khuynh hướng tôn thờ kính sợ Thiên Chúa, nhưng lại rất ái ngại đi sâu hơn nữa vào ‘lòng thương xót đến cùng’ của Người hay sao? Xét cho cùng thì tôi vẫn thấy ‘thái độ kính sợ Đức Chúa’ của mọi tôn giáo nói chung và Cựu Ước nói riêng vẫn dễ chấp nhận, hơn là tinh thần tự hủy của Tân Ước, như Đức Ki-tô Giê-su đã từng thể hiện trên Thập Giá. Thiết tưởng, đây mới chính là ‘cớ vấp phạm’ lớn nhất của Thập Giá mà Phao-lô đã đề cập tới, ngay cả đối với những người xưng mình là Ki-tô hữu (tức người có đạo) chứ không chỉ cho dân ngoại.
Thế nhưng, đối với Đức Ki-tô, thì ‘cớ vấp phạm” ấy lại là điều kiện tiên quyết (sine qua non), “nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được vào chung phần với Thầy”. Câu này là một khảng định chứ không phải một lời mời chung chung, một lời khuyên! Và ‘chung phần với Thầy’ chính là tham gia vào cái thứ tình yêu độc nhất vô nhị mà chỉ một mình Thiên Chúa trong Đức Ki-tô Giê-su Thập Giá mới có: yêu thương đến cùng, yêu tới độ hủy bỏ mình ra như không, đặt mình vào chỗ rốt hết trong thiên hạ hầu có thể trao ban và phục vụ.
Thiết nghĩ: ít ai trong chúng ta (kể cả các linh mục, tu sĩ) đã không vấp phạm về điều này ít là một lần trong đời. Lấy một thí dụ nhỏ: có ai trong chúng ta đã từng nghĩ rằng: các việc bác ái mình làm nhiều khi thật nông cạn và chẳng Tin Mừng tí nào! Bao lâu ta còn chưa chịu để cho Chúa ‘rửa chân’ cho, bấy lâu ta còn thi hành một thứ bác ái trịch thượng của bậc kẻ cả, phục vụ đấy nhưng ta phải giữ thế thượng phong của kẻ ban phát. Riêng với các linh mục, cảm nghiệm này còn cụ thể hơn: chẳng hạn có bao giờ linh mục ngồi vào tòa giải tội mà mang lấy tư thế mình còn thấp hèn hơn cả các hối nhân tới xưng tội, hoặc tiến ra cử hành Thánh Lễ với cảm nghiệm Chúa lại cúi xuống rửa chân cho mình…, hoặc khi rước mình và máu thánh Chúa mà nghiệm thấy quá khủng khiếp vì được Chúa biến thành miếng ăn nuôi sống một con người tội lỗi và bất toàn như mình? Nhiều lần khi cho rước lễ tôi đã tận mắt chứng kiến việc Chúa đi vào các môi miệng, được trao vào các bàn tay mà đôi khi chính bản thân tôi còn thấy rờn rợn? Thế đấy, chính vì ‘để Thày rửa chân cho’ thường xuyên bị lãng quên mà bác ái rất ít khi thực sự là quên mình phục vụ, Thánh Lễ nặng về thờ phượng kính tôn hơn là “Người yêu thương họ đến cùng”, ‘Alter Christus’ mang nặng nội dung chức thánh địa vị hơn là ‘mục tử tự hiến’, “vào chung phần với Thầy” được cắt nghĩa là vào hưởng vinh quang thiên quốc hơn là tham dự vào tình yêu Thập Giá tự hủy của Đức Ki-tô; và còn nhiều điều khác nữa...
Bài học ‘rửa chân’ quả thật quan trọng biết bao! thế nhưng thật đáng tiếc: nó thường bị coi là một biểu tượng cá biệt hơn là diễn tả hoàn hảo một mạc khải về tình yêu trao hiến phục vụ đích thực. Tệ hơn nữa nó còn bị chính cộng đoàn tín hữu thu hẹp vào nghi thức phụng vụ được cử hành trong Thánh Lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh… và rồi sau đó là kết thúc luôn, không còn được thực thi cách cụ thể trong cuộc sống đức tin của đời sống thường ngày!

Lạy Chúa Giê-su khiêm hạ vì yêu thương, xin cho con biết để cho chính con được Chúa rửa chân cho mỗi khi tiến ra cử hành Thánh Lễ, để con cũng được ‘chung phần’ với tình yêu đến cùng của Thập Giá. Vinh quang Thập Giá chính là vinh quang của tự hủy, và phải được tỏ rạng nơi mọi linh mục của Chúa, bây giờ và luôn mãi. Xin cho con, trước khi dám ‘cùng chết với Chúa’, biết khiêm tốn chấp nhận để Chúa chết và tự hủy ra như không vì con và cho con, chỉ vì ý thức được rằng: chính vì thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, mà Chúa đã làm điều đó. A-men


02  - Chúa cúi xuống rửa chân

            Hầu hết các nhà Thánh Kinh học đều chia sách Phúc âm của Gio-an thành bốn phần: lời tựa, sứ vụ của Đức Giê-su, giờ tôn vinh Vượt Qua, và đoạn kết; trong đó phần ba (từ chương 13 đến chương 20) là trung tâm và quan trọng nhất. Nếu phần hai mở đầu bằng lời kêu gọi sám hối và chịu phép rửa của Gio-an như điều kiện cần thiết để hiểu biết và đón nhận sứ điệp Tin Mừng, thì phần ba này mở đầu bằng hành vi Đức Giê-su cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, cùng với các lời giải thích đi kèm, nói lên các điều kiện nòng cốt để thấu hiểu sự kiện Vượt Qua - trung tâm của Tin Mừng cứu độ. Do đó, nếu nắm bắt được ý nghĩa thâm sâu của hành động ngược đời này, tôi sẽ có thể đón nhận Tin Mừng cách sâu sắc hơn.
            Không như các Phúc Âm Nhất Lãm, khi tường thuật bữa tiệc ly biệt, tác giả Gio-an không đề cập gì tới việc thiết lập bí tích Thánh Thể; trái lại ông tường thuật việc Chúa cúi xuống rửa chân: ‘Người bắt đầu rửa chân cho các môn đệ’. Thật sự thì ‘rửa chân’ không phải là một tập tục quá quen thuộc với nhóm môn đệ Đức Giê-su; ngay cả việc rửa tay theo nghi thức trước bữa ăn cũng ít khi được các ông quan tâm nắm giữ (xem Mt 15). Đàng này việc lại xảy ra giữa bữa ăn và do chính Đức Giê-su thực hiện nên càng có gì rất khác thường; ‘Nên trong bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng… Rồi đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ, và lấy khăn thắt lưng mà lau’. Gio-an mô tả biến cố tới từng chi tiết, từng hành động nhỏ nhặt. Trong cuộc trao đổi với Phê-rô xoay quanh sự việc, có hai tư tưởng xem ra Đức Giê-su muốn nhấn mạnh:
-       ‘Thầy và Chúa’ mà cúi xuống rửa chân
-       Để cho mình được rửa là một điều kiện thiết yếu để được chung phần với Thầy.
Tư tưởng thứ nhất đúng là không những khác thường mà còn là dị thường xét theo nhiều góc độ. ‘Nhất tự vi sư’: Đức Giê-su đã được tôn làm ‘Ráp-bi’ thời Người cũng đáng được mọi người tôn trọng xứng bậc thầy. Hơn nữa Người còn được các môn đệ tuyên xưng là Chúa, thì việc tôn sùng đó phải lớn biết là dường nào. Mô tả hành vi ‘Chúa và Thầy cúi xuống rửa chân’, Gio-an chỉ muốn nhấn mạnh trên điều được coi là biểu tượng của những gì sắp xảy ra: cuộc Vượt Qua Thập Giá của Đức Giê-su. Trong khi các sách Tin Mừng khác coi việc Bẻ Bánh (Fractio Panis) diễn tả nội dung sâu xa nhất của hy tế Thập giá, thì Gio-an lại dùng hành vi rửa chân để nói lên cùng một nội dung đó. Trong Thánh Thể, không phải việc Đức Ki-tô hiện diện trong hình bánh và rượu để được thờ lạy kính tôn là nội dung chính, mà là việc Người đồng hóa mình với chiếc bánh bị bẻ ra, với Con Chiên Vượt Qua được mọi người xẻ thịt ăn. Tương tự, qua hành vi rửa chân cho các môn đệ, Gio-an hầu như muốn nhấn mạnh cùng một tư tưởng như Phao-lô: ‘Thầy và Chúa’ đã tự hủy mình ra như không, mang lấy kiếp tôi tớ hầu cứu độ loài người (xem Pl 2,7; Mt 20, 28). Trong quá khứ, do tranh luận thần học, thật không may người ta đã quá nhấn mạnh trên việc Chúa hiện diện thật trong bánh và rượu như thể để được tôn thờ kính yêu cho thật xứng đáng; Chúa ‘rửa chân’ có thể lưu ý ta về việc Người hạ mình và tử hủy nhiều hơn chăng? Xét cho cùng phải chăng Thánh Thể cũng chính là một Giê-su hạ mình tự hủy để có thể trao ban trọn con người mình.
Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Trả lời cho sự khước từ rất chính đáng của Phê-rô, Đức Giê-su xác định một qui luật căn bản áp dụng cho mọi người: ai không để cho ‘Thầy và Chúa’ rửa chân cho, người đó sẽ không thể đón nhận ơn cứu độ Thập Giá. Để cho mình được rửa chân có nghĩa là chân nhận mình không hoàn toàn sạch: ‘Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu’. Và Đức Giê-su không chỉ rửa chân cho cho Phê-rô, Gio-an mà cả cho Giu-đa và tất cả các tông đồ khác nữa. Mọi người Công Giáo chúng ta đều hiểu: trước mặt Thiên Chúa chẳng có ai là hoàn toàn trong sạch, là thánh thiện; tất cả mọi người, không trừ một ai, đều cần tới ơn cứu độ của Thiên Chúa từ nhân. Biết như thế, nhưng thường khi ta lại quan tâm nhiều tới việc: làm sao cho mình được xứng đáng với Chúa (khi rước lễ chẳng hạn), hơn là khiêm tốn đón nhận lòng thương xót vô biên của Người.

Lạy Thầy và Chúa của con, giống như Phê-rô và các môn đệ, con thích tung hô Chúa uy linh cao cả hơn là để Chúa rửa chân cho. Xin hãy dạy cho con hiểu rằng: con đường vững chắc nhất để được chung phần với Chúa sẽ không phải là nỗ lực làm sao cho mình được thật trong sạch thánh thiện, nhưng là khiêm tốn nhìn nhận mình ‘chưa sạch tất cả đâu’ và vẫn cần được Chúa rửa chân cho hơn bất cứ ai khác. A-men
God bless
Lm Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top