0
Ký giả Arnaud Bédat nói về Đức Phanxicô: “Có một cái gì nơi ngài vượt quá lý do duy nhất là đạo công giáo. Ngài trở thành một nhân vật đáng kể, một nhân vật như Nelson Mandela.”
laliberte.ch, Christiane Elmer, APIC, 2015-07-29
           (Hình Ký giả Arnaud Bédart © DRRobert Siegenthaler)
Arnaud Bédat là phóng viên, ký giả Thụy Sĩ, cộng tác viên của nhiều báo (L’Illustré, Paris Match…). Tháng 3-2013, ông đi Argentina lần theo dấu vết của tân Giáo hoàng Phanxicô, thời mà ngài mới chỉ là cha Jorge Mario Bergoglio. Qua nhiều cuộc gặp gỡ ở đó, một quyển sách đã ra đời: “Phanxicô, người Argentina – Giáo hoàng thân mật, được kể qua các người thân của ngài”. Bài phỏng vấn ký giả Arnaud Bédat.
Arnaud Bédat, ông nói ông không có đức tin. Như thế ông không ở địa vị của một tín hữu khi ông viết quyển “Giáo hoàng Phanxicô, người Argentina”?
Đúng vậy. Chính là con người đàng sau chức thánh của họ đã làm cho tôi kinh ngạc. Nhưng cả hai, người trong và ngoài chức thánh mật thiết dính vào nhau. Tất cả bắt đầu một cách tình cờ, vì tờ báo tôi làm việc gởi tôi qua Rôma để tường thuật mật nghị tháng 3-2013. Tôi ở trong hàng trăm ngàn người thấy hồng y Tauran xuất hiện ở ban công: “Chúng ta đã có Giáo hoàng, Habemus papam”. Mọi người đang chờ giáo hoàng. Và ngài xuất hiện. Chắc chắn các bạn đều nhớ lời chào bất hủ khi màn đêm buông xuống: “Xin chào buổi tối!”. Ngay từ những giây phút đầu tiên, giáo hoàng Argentina đến từ tận cùng trái đất, như ngài cũng thường hay nói, đã làm mọi người kinh ngạc. Kinh ngạc đến mức mà ngay tối hôm đó, tờ báo của tôi đã gọi cho tôi, nói tôi phải lấy vé máy bay đi qua Buenos Aires ngay.
Ngay lập tức từ Rôma tôi đi Buenos Aires chỉ để viết một bài báo cho tờ “L’Illustré” với vài chứng nhân gặp tại chỗ, mới đầu chỉ là như thế. Đương nhiên như dự trù là tôi phải gặp em của tân giáo hoàng ở ngoại ô Buenos Aires, bà Maria Elena. Và thế là quyển sách được ra đời. Với cùng một phương pháp làm việc, tôi cũng làm như thế với Đức Phanxicô, cũng như với Maradona, bà Cristina Kirchner, Tổng thống Argentina hay bất cứ một nhân vật đáng chú ý nào của lịch sử đương đại.
Và dần dần nhân vật Jorge Mario Bergoglio ông vừa biết đã làm cho ông ngạc nhiên?
Sự ngạc nhiên đến khá nhanh. Trong 14 giờ ở trên máy bay từ Rôma đến Buenos Aires, bạn hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài và gần như không biết những gì đang xảy ra. Nhưng khi đến Buenos Aires, ngay lập tức bạn ở trong cơn lốc sảng khoái của người dân Argentina khi một trong những người Châu Mỹ La Tinh của họ được bầu làm giáo hoàng, giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên và nhanh chóng, lại được biết đây là giáo hoàng của người nghèo. Dĩ nhiên cũng có một vài tranh luận chung quanh chế độ độc tài nhưng rồi nó cũng bị dẹp tan.
Như một cơn lốc cuốn; chúng tôi gặp những chứng nhân đầu tiên. Để giúp tôi tìm tòi và gặp gỡ, tôi làm việc với một người Argentina gốc Thụy Sĩ. Mau chóng, chúng tôi nhận ra mình đang tìm hiểu một nhân vật không bình thường một chút nào hết. Chúng tôi ý thức ngay, đây là mẫu người hoàn toàn đi ra khỏi con đường đã vạch! Con người mặc áo chùng trắng, đi trả tiền phòng khách sạn như các bạn đã biết. Con người không đi xe theo nghi thức, chỉ đi chiếc xe bình thường hoặc đi xe buýt!
Cùng lúc đó, các hình ảnh từ Rôma được truyền trên màn hình Buenos Aires, tôi nhớ lúc đó tôi đang ở khách sạn, bên cạnh một đồng nghiệp của báo “Paris Match”, tôi thấy giáo hoàng đang ở cổng Thánh Anna ở Rôma, đám đông đang bao quanh ngài. Máy quay phim tiến gần và người ta xin ngài: “Trọng kính Đức Thánh Cha, xin Đức Thánh Cha nói với đài truyền hình Argentina vài câu!”. Chắc chắn các bạn sẽ chờ ngài nói kiểu: “Tôi rất vui với dân tộc Argentina; tôi cầu nguyện cho nước Argentina…”. Ngắn gọn, bạn chờ một câu nói ít nhiều nghiêm túc. Nhưng bạn biết Đức Giáo hoàng nói gì không? “Cầu mong cho đội San Lorenzo thắng!” Đội San Lorenzo là đội ruột của ngài! Chỉ một câu chuyện nhỏ như thế vào tháng 3-2013, lúc đó đội này đang đứng chót trong bảng sắp hạng ở Argentina và cuối năm 2013, đội này giữ chức vô địch Argentina!
Một phép lạ?
Tôi không biết. Nhưng đó là một dấu hiệu!
Có phải tình thương người, sự gắn bó chặt chẽ của ngài nên có thể giải thích phần nào sự hâm mộ, sức lôi cuốn, tình thương của dân chúng đối với ngài không?
Như anh Federico Valls, phụ tá và là tùy viên báo chí của địa phận Buenos Aires nói, người dân quá sững sờ, họ không nghĩ một người giống như họ bây giờ lại là giáo hoàng. Một người giống như bạn và tôi. Một người đi bộ đến sạp báo góc đường mua báo, một người đi mua cốc cà phê, một người đi xe buýt hay xe điện ngầm, một người đi cắt tóc, đi đến thợ làm móng chân, một người đi mua sôcôla trong tiệm kẹo gần Nhà thờ chính tòa, một người đi thăm người thợ kim hoàn của mình, đi châm cứu… tóm lại, một người có vòng quen biết trong xã hội, có nhóm bạn của mình.
Tóm lại, một người … bình thường?
Đúng như vậy. Và nhất là một người thích tản bộ. Tôi nghĩ ngài biết hết mọi ngõ ngách của Buenos Aires. Ngài đi bộ khắp nơi. Ngài đi rất nhiều. Không ngạc nhiên khi ngài có một bà săn sóc chân cho ngài hàng tháng. Đó là một người đàn bà phi thường, bà làm móng chân! Trong vòng bảy, tám năm trường, hàng tháng 45 phút, bàn tay bà săn sóc chân của giáo hoàng tương lai. Bergoglio và bà nói chuyện với nhau rất nhiều.
Ông đã gặp nhiều nhân vật biết giáo hoàng khi ngài còn ở Buenos Aires, ông đã viết trong sách của ông. Vậy gặp những người này có khó không?
Có và không.  Những người đầu tiên thì chính tự họ đến: bà Maria Elena, em của giáo hoàng, anh Federico Wals, phụ tá của ngài ở tòa giám mục, bà Alicia Oliveira, bạn thân của ngài bây giờ đã chết, bà là luật sư bảo vệ nhân quyền, một người đàn bà phi thường! Sau đó là tất cả những người làm những nghề nho nhỏ, những người ở trong thế giới nhỏ của ngài. Bởi vì với những người này, Jorge Mario Bergoglio đã trò chuyện thân tình. Thêm vào đó là những người bán báo, làm móng chân, bán kẹo, thợ giày, thợ may, những người trong sinh hoạt hàng ngày này kết thành một bức khảm chân dung hoàn hảo của giáo hoàng, như hình ảnh của ngài trong đời sống hàng ngày ở Argentina.
Ông nghĩ gì khi ông thấy Bergoglio được bầu?
Tôi không chờ mật nghị bầu ra giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh, đúng hơn tôi nghĩ đến hồng y Ba Tây Scherer, một nhận định sai lầm lớn. Một điều tuyệt đối không thể được: ngài mang dấu ấn giáo triều quá rõ. Và khi tôi nghe tên “Bergoglio” xướng lên, hình ảnh của ngài đến trong đầu tôi, tôi nói: “Ồ! Người này khá nghiêm, khá cứng ngắc đây…” Nhưng tất cả đã nhanh chóng xóa tan khi ngài xuất hiện ở ban-công Quảng trường Thánh Phêrô. Một người đơn giản, chào “Buổi chiều” và xin giáo dân cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI và cho mình! Vậy là đã thành công, ngài rất đơn giản; giáo hoàng này đúng là cha xứ họ đạo của bạn, khu phố của bạn. Và chỉ chừng đó là đủ để lôi cuốn giáo dân. Đây không phải là người của Giáo triều, của guồng máy, không phải là hoàng tử của Giáo hội yên vị trong những đặc lợi của mình. giáo hoàng này vẫn là cha xứ làng quê. Vẫn là cha Jorge.
Một câu của giáo hoàng làm ông nhớ mãi?
Trong một lần phỏng vấn của một nhật báo Argentina, ngài đã trả lời cho ký giả hỏi ngài muốn để lại hình ảnh nào trong lòng giáo dân, ngài trả lời: “Tôi muốn giáo dân nhớ đến tôi như một người tốt. Tôi cố gắng làm điều tốt”. Một câu trả lời tuyệt vời. Một câu trả lời nói lên tất cả. Đó là một người tốt đến cùng, một người có đức tin sâu đậm, nhưng chúng ta đừng quên, đàng sau hình ảnh của một người cực kỳ nhã nhặn được dân chúng mến chuộng là hình ảnh của một người ra tay quyết định. Khi ngài quyết định là quyết định. Anh Federico Valls kể, cũng như tất cả mọi người, cũng có khi ngài bị lầm. Nhưng một khi ngài đã quyết định thì ngài không đi lui nữa.
Có một sự kiên quyết nơi ngài…
Vô cùng kiên quyết. Tính kiên quyết này thấy rõ trong đời sống của ngài ở Argentina, trong việc ngài chống đối nữ Tổng thống Cristina Kirchner, nhất là về vấn đề “Hôn nhân cho tất cả”. Đó là vấn đề vừa tái diễn ở Argentina trước khi vấn đề đó xảy ra ở đây. Bất cứ ở đâu có sự chống đối đích thực thì ở đó có bàn tay sắt. Một bàn tay sắt xém kết thúc không tốt, nếu chúng ta biết, bây giờ, cả bà Cristina Kirchner thỉnh thoảng cũng phải đến Rôma tỏ ra “hâm mộ” một chút và giáo hoàng tỏ ra rất “thương xót”, quan hệ giữa họ trước đây rất căng! Đó là một giáo hoàng không nương lời, ngài lên tiếng tỏ thái độ đối với chiến tranh ở Syria, quan hệ với Cuba…
Và cũng là một giáo hoàng không dịu dàng với hàng giáo phẩm…
Đúng, ngài đặt họ vào đường ngay lối thẳng, ngài nói với họ: “Đừng dùng xe công”. Có một giai thoại kỳ thú loan truyền ở Vatican. Tôi nghĩ giai thoại này có thật. Có một hồng y đi một chiếc xe rất lộng lẫy. Giáo hoàng hỏi ai lái xe. Người ta trả lời cho ngài đó là hồng y Bertone. Vài tuần sau, Đức Giáo hoàng tách hồng y Bertone ra, đó là một hồng y chắc chắn có một tầm mức thiêng liêng, nhưng e có “họ hàng” với… Sepp Blatter của giáo triều! (Sepp Blatter, chủ tịch tai tiếng của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế Fifa)
Điều gì làm cho ông xúc động nhất trong các khía cạnh của Đức Phanxicô?
Thật khó nói. Trước hết là tính cực kỳ khiêm tốn, cực kỳ tốt của ngài. ngài có một kỹ xảo tài tình rất đặc biệt, bất kỳ ai gặp ngài cũng mê ngài! Bạn thấy đó, bây giờ chuyện này xảy ra trên tầm mức thế giới! Ai gặp ngài, bắt tay ngài, dù người đó là kẻ thù không đội trời chung như Palestin và Israel, thì sau đó họ ôm nhau vì họ đã gặp giáo hoàng!
Nghe ông nói, có vẻ như giáo hoàng này có một tầm mức thánh thiện nào đó, theo một nghĩa rất rộng?
Có một cái gì nơi ngài vượt quá lý do duy nhất là đạo công giáo. Ngài trở thành một nhân vật đáng kể, một nhân vật như Nelson Mandela.
Một hình tượng?
Một hình tượng, một người hướng dẫn thiêng liêng nhưng người này vượt quá tầm mức tôn giáo. Dù một giáo hoàng như Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, người cũng cực kỳ được giáo dân mến chuộng và được báo chí nhắc đến nhiều, ngài cũng không gây hứng khởi và chạm đến giáo dân nhiều như Đức Phanxicô. Đức Phanxicô thật sự là người đầu tiên gây sự kết dính với đại quần chúng. Nếu bạn đến dự những buổi tiếp kiến đầu tiên ở Rôma sau ngày bầu chọn, bạn sẽ thấy rất nhiều người sốt sắng. Nhưng nếu bạn quay trở lại đây bây giờ, xin lỗi tôi đã so sánh như vậy, bạn sẽ thấy… giống như Madonna hay Michael Jackson trong những năm 1980! Người ta vỗ tay, hò hét, khóc lóc, thật đúng là điên! Phải sống những chuyện này trong đám đông, ở Quảng trường Thánh Phêrô. Giáo dân như ở trong trạng thái thờ lạy trước mặt ngài.
Ngài làm điều tốt cho Giáo hội?
Ngài đang làm cách mạng! Có những đề nghị sáng tạo, có những chuyện không thể tưởng tượng được nếu ở dưới thời Đức Bênêđictô XVI hay Đức Gioan-Phaolô II. Tất cả đều ở trong đường hướng của vị tiền nhiệm của ngài nhưng ngài mang một sức thổi mới, và ngài sẽ còn làm chúng ta ngạc nhiên vô cùng nữa. Còn có Thượng hội đồng Gia đình, mùa thu này sẽ còn nhiều ngạc nhiên. Ngạc nhiên vẫn tiếp tục dài dài. Đúng, giáo hoàng này làm điều tốt cho Giáo hội và cho cả thế giới!
Chúng tôi cảm thấy ông xúc động thật sâu xa. Qua ơn sủng, qua gặp gỡ… Qua ánh sáng đức tin, có thể…
Tôi là người theo thuyết bất khả tri. Tôi thường nói Đức Phanxicô cho tôi thèm được tin… Có những chuyện xảy ra hơi kỳ quặc, hơi khó giải thích chung quanh tôi từ khi tôi viết quyển sách. Không phải là tôi hoàn toàn quay 180 độ nhưng… có những chuyện làm tôi chưng hửng… Ngoài tầm kiểm soát của tôi.
Marta An Nguyễn chuyển dịch

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top