Tại sao Giáo Hội lại mừng trọng thể biến cố
Gio-an Tiền Hô bị trảm quyết, có phải vì ông đã dám can đảm chết để bảo vệ nền
luân thường đạo lý đang bị các bậc đế vương quyền uy khuynh đảo? Việc Gio-an bị
trảm quyết thực chất có liên quan gì tới sứ mệnh tiền hô của ông? Tại sao Đức
Giê-su chọn thái độ thinh lặng khi giáp mặt với Hê-rô-đê (Lc 23:9) trong khi
Gio-an lại dám can đảm lên tiếng? Nếu diện mạo Gio-an là vĩ đại đến nỗi ‘trong số phàm n hân đã lọt lòng mẹ, không có
ai cao trọng hơn ông’, thì tại sao Đức Giê-su còn khảng định tiếp, “kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng
hơn ông” (Lc 7:28)? Ta cần tìm ra câu trả lời cho tất cả các vấn nạn trên,
vì xem ra nó sẽ giúp chúng ta thấu hiểu rõ hơn về sứ mệnh Tin Mừng của Đức
Ki-tô, cũng như vai trò tiền hô mà mỗi Ki-tô hữu chúng ta cần thực hiện trong
cuộc sống thường ngày của mình.
Gio-an xứng bậc đại ngôn
sứ của Cựu Ước, nhờ cuộc sống luân lý khắc kỷ, nhưng nhất là nhờ cái chết đầy
khí phách của ông; ngôn sứ phải là người dám sống và dám chết để bảo vệ và phát
huy lòng trung thành kiên vững đối với Đức Chúa. Thế nhưng mọi Ki-tô hữu chúng
ta đều biết, ngay cả sứ điệp của ngôn sứ cũng chỉ thật sự có giá trị khi qui về
và chuẩn bị cho Tin Mừng tình yêu của Tân Ước. Gio-an được coi như vị ngôn sứ
cuối cùng và vĩ đại nhất của Cựu Ước; nói cách khác, trong tư cách tiền hô, ông
đúng là gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước, là đỉnh điểm của giai đoạn chuẩn bị.
Dầu vậy ông vẫn chưa thể đạt tới nội dung đích thực của Tin Mừng tình yêu, điều
mà chỉ một mình Đức Ki-tô Giê-su mới khai mở được. Gio-an đã anh dũng bảo vệ
luân thường đạo lý tới mức phải trả giá bằng cả mạng sống mình, điều đó cao đẹp
thật đấy và xứng đáng được các thế hệ sau ca tụng. Thế nhưng lãnh vực mà ông bảo
vệ vẫn còn thuộc… ‘trong số phàm nhân đã
lọt lòng mẹ’, tức là giai đoạn chuẩn bị đón nhận Tin Mừng mà thôi. Quả vậy,
luân thường đạo lý cho dầu cao đẹp tới mấy cũng vẫn chưa phải là Tin Mừng; Tin
Mừng vượt xa luân lý vì nằm trên bình diện khác hẳn, luân lý thuộc bình diện
thuần nhân; trong khi Tin Mừng thuộc phạm trù đối thần. Can đảm lên tiếng tố
cáo sự xấu là một hành vi chính trực, nhưng thinh lặng cảm thương để thể hiện
Tin Mừng tình yêu tha thứ còn cao quí hơn nhiều. Có thể chính vì lẽ đó mà Đức
Giê-su lên tiếng quả quyết: ‘kẻ nhỏ nhất
trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông’ chăng?
‘Nắm giữ và bảo vệ luân
lý’ là mục tiêu, hay chỉ là tiền đề chuẩn bị cho Tin Mừng, đó là vấn nạn tôi,
trong tư cách linh mục, cần minh định cho mình. Suy nghĩ phổ biến vẫn là: người
có đạo thì phải sống tốt… người ta đi đạo, giữ đạo là để làm lành lánh dữ… đi
nhà thờ và năng chịu các phép bí tích cũng là để khỏi sa ngã phạm tội và tập
tành được các nhân đức… các thánh là những mẫu gương Ki-tô hữu sáng ngời về mọi
mặt, đặc biệt về mặt luân lý đạo đức v.v… Thế nhưng Thánh Phao-lô lại đã từng
khảng định: “giả như tôi có đem hết gia
tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có
đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13:3). Trong giai thoại Đức
Giê-su gặp gỡ người nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp (Phúc Âm Gio-an chương 4),
khi Người làm một gợi ý mang tính luân lý “chị
đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị”,
Người không coi đó như một điều phải sửa sai ngay. Người không coi việc tu chỉnh
luân lý như điều kiện thiết yếu để kêu mời chị ta lãnh nhận Nước Hằng Sống. Như
vậy đã rõ, giữ luân thường đạo lý tự nó không thể là mục tiêu, cũng chẳng phải
là điều kiện để đón nhận Tin Mừng. Vai trò của luân lý, nếu có, chỉ mang tính dọn
đường (tiền hô) cho việc tiếp nhận Tin Mừng, tuy nhiên Tin Mừng không hề bị nó
ràng buộc. Luân lý do đó không thể được coi là điều kiện thiết yếu của Tin Mừng.
Trong tư cách tiền hô
giúp người khác đón nhận Tin Mừng, thường thì đời sống luân lý tốt lành của
Ki-tô hữu có thể gợi nên một phản hồi thuận lợi, thế nhưng nếu nó không dẫn tới việc tin nhận Thiên Chúa tình
yêu, thì phản hồi này sẽ mãi chỉ là một thán phục tự nhiên, một yếu tố luân lý.
Cả Hê-rô-đê, dầu không đón nhận Tin Mừng, cũng đã phản ứng tích cực: ‘nghe ông nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại
cứ thích nghe’. Đặc biệt trong bất cứ xã hội nào nơi có nền luân lý thấp
kém, cuộc sống luân lý cao đẹp mà Ki-tô giáo đề cao sẽ dễ được dân chúng thán
phục, mở đường cho việc đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên hai điều này không nhất
thiết phải tỷ lệ thuận với nhau. Tin Mừng là hồng ân của Thiên Chúa, nó có thể
tồn tại và hoạt động mãnh liệt cả trong các tâm hồn tội lỗi nhất. Lịch sử đã
cho thấy có nhiều trường hợp người dân bản địa sống một nền luân lý cao đẹp hơn
hẳn các Ki-tô hữu tới thống trị họ (chẳng hạn khi thực dân Âu Châu tới xâm lược
các xã hội thấm nhuần Khổng, Phật giáo vào các thế kỷ trước). Ki-tô hữu, nếu có
cố gắng sống đời luân lý cao đẹp, thì cũng không nên coi đó như mục tiêu sống đạo
của mình, họ cần đơn giản coi nó như một phương tiện khiêm tốn để rao giảng Tin
Mừng mà thôi; “Để thiên hạ thấy những
công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”
(Mt 5:16).
Đời sống Ki-tô hữu của
tôi còn mang nặng tính anh hùng kiểu hiền triết như Gio-an, hay đã có những nét
rõ ràng của Tin Mừng tình yêu của Đức Ki-tô?
Lạy Cha, trong niềm
tin vào Tin Mừng cứu rỗi, xin cho con đừng bao giờ tự mãn về nền luân lý cao đẹp
mà con nắm giữ, hay đạo Công Giáo nói chung giảng dạy. Nhưng xin cho con biết
khiêm tốn nỗ lực sống gương mẫu chỉ vì muốn đóng góp một phần nhỏ vào hoạt động
trực tiếp của Thần Khí trong tâm hồn những người sống chung quanh con. Xin cho
Tin Mừng Chúa được sáng chói trong đời sống con chủ yếu qua việc tin nhận và sống
chan hòa lòng xót thương và nhân ái Chúa.
A-men
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc